Tự tin quyết định 97% thành công của bạn: Nếu chưa tự tin, hãy GIẢ VỜ cho đến khi thành sự thật!
Tự tin quyết định 97% thành công của bạn. Giả vờ rằng bạn biết nhiều hơn những gì bạn biết trong thực tế, cuối cùng bạn sẽ gặt hái được chính những điều đó.
Chắc chắn bạn không còn xa lạ với khái niệm này: “Giả vờ cho đến khi thành thật – Fake it till you make it”. Nhưng bạn có biết rằng, trong rất nhiều những lời khuyên để giúp bạn có được sự tự tin, đây lại là một trong những lời khuyên hữu dụng nhất.
Yes Man!
Anh chàng Carl trong cuốn phim Yes Man là người tiêu cực nhất thế giới. Để thay đổi điều này, anh quyết định thử thách bản thân bằng cách nói “có” với tất tật mọi thứ trong một năm, dù có trái khoáy đến đâu, khó thực hiện đến đâu. Một năm sau đó, anh trở thành con người khác hẳn: chấp nhận mọi khả năng của cuộc sống và tin vào những điều tích cực nhất.
Tôi thích ý tưởng về bộ phim này đến độ quên cả tên diễn viên phim, thay vì thế, tôi gọi anh là Yes Man – người đàn ông luôn nói có. Bạn phải nhìn cách anh chàng này khổ sở thế nào, để thúc ép bản thân nói có với những điều con người thực của anh không hề muốn! Cho đến khi sự tích cực ấy trở thành con người thật. Quá trình ở giữa, có lẽ Carl không biết, đó chính là luật bất thành văn trong lĩnh vực tâm lý: Hãy giả vờ cho đến khi thành thật. Giả vờ rằng bạn biết nhiều hơn những gì bạn biết trong thực tế, cuối cùng bạn sẽ gặt hái được chính những điều đó. Nghe quá khó tin phải không? Chẳng phải người ta thường nói “giả vờ” là việc xấu hay sao?
Ai trong chúng ta cũng có điểm không tự tin về mình
Từ vẻ bề ngoài, cho đến một khả năng nào đó. Nếu ngồi và liệt kê ra những thứ chúng ta nghĩ mình còn thiếu sót, tôi nghĩ bạn cũng như tôi sẽ có rất nhiều điều để nói về bản thân. Và Instagram với những bức ảnh bóng bẩy, những địa danh xa lạ, những khuôn mặt đẹp không tì vết, những cơ thể với đường cong mơ ước… chắc chắn không hề có ích trong việc nuôi dưỡng sự tự tin của bạn.
Sự tự tin là một cơ chế tâm lý trái khoáy: nó xuất phát từ nội tại, nhưng lại chịu tác động phần lớn từ yếu tố bên ngoài. Khi đã hiểu được điều này rồi, tại sao chúng ta không thử tắt hêt những tiếng ồn ào bên ngoài, và chỉ để tiếng nói nội tại lên tiếng? Điều này đồng nghĩa với việc, bạn sẽ không nghe bất cứ ai, ngoài chính mình. Và nếu bạn chỉ nói với mình những điều bạn đang cố thuyết phục bản thân (dù chính bạn cũng không thực sự tin vào nó), bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy đến với chính mình? Tin tốt là, bạn sẽ dần biến chúng trở thành sự thật, một khi đánh lừa bản thân để tin vào những điều tưởng rất xa rời thực tế.
Thuật ngữ không phải từ trên trời rơi xuống
Vì sao ư? Trước nhất, khoa học tâm lý đặc biệt yêu thích hiện tượng này. Trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học đã tìm cách lý giải tính xác thực của nó. Theo tạp chí Psychology Today, thuật ngữ này được ra đời bởi nhà xã hội học Robert K.Murton, để tóm tắt khái niệm trừu tượng hơn: “Sự dự đoán về tương lai của một tình huống có thể thúc đẩy một hành vi mới để dẫn đến việc biến dự đoán ấy thành hiện thực.”
Ví dụ đơn giản hơn, nếu tôi nghĩ tôi là một người thông minh, và tôi bắt đầu đọc nhiều sách hơn, tìm tòi nhiều hơn, và hành động như thể tôi là người có tri thức, mọi người sẽ cười… nhưng trên thực tế, theo các nhà khoa học, họ sẽ cảm thấy tôi thông minh hơn và tự tin hơn. Dù có thể thực sự trong thâm tâm, tôi biết rằng mình không thực sự hiểu biết đến vậy.
Điều này không đồng nghĩa với việc bạn đánh giá cao chính mình: bạn chỉ đang giả vờ rằng bạn thực sự có điều mình mong muốn trước mặt mọi người, cho đến khi những hành động của bạn được điểu chình và dần đưa bạn đến điểm đích. “Càng tin rằng mình có thể làm được, bạn sẽ càng có nhiều khả năng làm được nó,” tờ Psychology Today lý giải. Đây kì thực là hiện tượng tâm lý thú vị, bởi bạn đúng là đang lừa dối, nhưng không phải ai đó, mà là bộ não của chính mình.
Bí mật của sự tự tin
Là dù bạn nghĩ mình thiếu sót đến cỡ nào, hãy giả vờ rằng bạn có khả năng! Hãy quên đi việc thể hiện sự tự ti của mình trước người khác, hay tiếp tục kêu gào rằng mình không giỏi, không đủ đẹp, không đủ thế này và không đủ thế nọ… Việc này không hề có ích chút nào nếu bạn thực sự muốn “Fake it until you make it!”
Theo các nhà khoa học, một số bài tập thực hành có thể giúp bạn thấy hiệu quả của hiện tượng tâm lý này:
* Cười nhe răng: Theo tờ Mental Floss, thậm chí giả vờ cười cũng có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn, và khiến nhịp tim đập chậm hơn.
* Chiếm nhiều không gian: Đi thẳng, nhìn thẳng với tư thế oai vệ nhất có thể. Theo nhà tâm lý xã hội học từ Đại học Havard Amy Cuddy, tư thế thể hiện sự kiêu hãnh có thể nâng cao lượng testosterone – hormone liên quan đến sự tự tin. Cơ thể có thể thay đổi cách ta nghĩ về chính mình.
* Nói lời yêu: Nghe có vẻ hơi “viển vông”, nhưng chuyên gia tâm lý cho rằng khi làm quen với ai đó, có thể bạn nên cho họ thêm thời gian. Cảm xúc của bạn có thể thay đổi khi bạn có những hành động ấm áp và yêu thương họ hơn.
Năm 2020 sắp đến rồi, còn chần chừ gì nữa mà không viết ra những điều bạn sẽ “giả vờ” trong năm sau. Bởi trước nhất, hãy tin rằng “Những điều bạn giả vờ sẽ dần trở thành thật!”
Nguồn: Trí thức trẻ