Ứng dụng nhạc Trung Quốc tăng trưởng 100 triêu truy cập/ tháng và cạnh tranh với Facebook
Theo thống kê, đỉnh điểm Musical.ly đã có hơn 100 triệu tài khoản trên khắp thế giới, cùng với đó là hàng triệu lượt sử dụng mỗi ngày. Tăng trưởng kì lân, rơi vào trạng thái bão hòa và rồi lại muốn trở thành mạng xã hội Facebook thứ 2.
Xu thế của các ứng dụng hiện nay là tự biến mình thành một mạng xã hội, từ đó dễ dàng phát triển mảng cộng đồng.
Musical.ly không phải là một ngoại lệ. Đây là một ứng dụng quay video và phát nhạc nền là các bài hát, giúp chúng ta có thể lip-sync, hoặc nhảy theo.
Musical.ly rất được yêu thích, vì nó cho phép người ta thỏa sức sáng tạo, “nhép” theo bất cứ bài hát nào mà mình thích, ghi lại đoạn nhảy trên chính bài hát của ca sĩ yêu thích, sau đó chỉnh sửa và tải lên bất cứ mạng xã hội nào.
Theo thống kê, đỉnh điểm Musical.ly đã có hơn 100 triệu tài khoản trên khắp thế giới, cùng với đó là hàng triệu lượt sử dụng mỗi ngày. Phần lớn là tài khoản ở độ tuổi teen (từ 8 đến 12 tuổi).
Musicaly.ly ra đời từ 2 năm trước tại Thượng Hải, được dẫn dắt bởi Alex Zhu. Từ xu thế của giới trẻ là nghe nhạc và selfie, ông và nhóm của mình hoàn thành Musical.ly chỉ trong 30 ngày và lần đầu ra mắt sản phẩm vào tháng 7/2014. Ngay lập tức, ứng dụng rất được ủng hộ với 500 lượt tải về mỗi ngày, nhưng quan trọng hơn là người dùng thích nó và sử dụng liên tục.
“Bạn có thể mua số lượng ngưởi tải về, nhưng bạn không thể mua được số người sử dụng”, Alex cho biết, và đó là điều khiến ông tự tin hơn trong những ngày đầu ra mắt Musical.ly.
Alex cho rằng, lí do để ông thành công với Musical.ly là vì một video có nhạc ngắn khoảng 15 giây đã đủ tạo nên tiếng cười với bộ dạng nhép, hoặc một đoạn nhảy ngắn theo nhạc, hay đơn giản chỉ là chúng ta muốn hát lại đoạn nhạc ưa thích. Điều này sẽ không gây nhàm chán và chúng ta có thể tiếp tục “chế” một video khác.
Cũng trong thời gian này, Musical.ly đã được hỗ trợ khá nhiều bởi các thương nhân từ phố Wall và thung lũng Silicon. Công ty đã được đầu tư hơn 100 triệu từ các tập đoàn DCM Ventures, GGV Capital, Greylock Partners.
Nhưng cũng giống như các ứng-dụng-gây-sốt khác, Musical.ly từng rơi vào trạng thái bão hòa. Hiện tại, số lượt sử dụng ứng dụng này vẫn duy trì đều đặn ở mức 40 triệu người dùng mỗi tháng, nhưng không phải ai cũng sử dụng nó mỗi ngày.
Thời kì đen tối của ứng dụng “kỳ lân” bắt đầu
Bridget Kelly – một bé gái 12 tuổi ở Moraga, California là một ví dụ.
Kelly cùng bạn bè thường xuyên sử dụng Musical.ly để thực hiện các clip ngắn về acapella rồi “tự sướng” trên Facebook. Nhưng tần suất ghé thăm ứng dụng của nhóm bạn Kelly ngày càng giảm sau nửa năm, một vài bạn trong nhóm đã xóa hẳn ứng dụng này trong máy.
Vì vậy, Alex đã cho ra mắt Live.ly, một ứng dụng live-stream đã thu hút được 11,5 triệu tài khoản, trong đó có nhiều tỉ phú nổi tiếng cũng tham gia.
Một phần để “cứu sống” Musical.ly đang yếu thế, Alex còn muốn phát triển Musical.ly thành một mạng xã hội tầm cỡ như… Facebook.
Alex khẳng định: “Hiện nay hướng đi của tôi không chỉ là tạo ra các video nhạc. Cũng không phải là lip-sync, mà tôi đang hướng đến một mạng xã hội. Đây sẽ là một cộng đồng mới, nó sẽ giúp Musical.ly tồn tại vì người dùng sẽ muốn ở sử dụng vì có thể kết nối với những người khác nữa”.
Live.ly là phần một của kế hoạch này. Ca sĩ Jason Derulo đã sử dụng Live.ly để phát sóng các buổi tập nhảy đằng sau sân khấu, tỉ phú Mark Cuba đã phát trực tiếp cảnh gia đình đi nghỉ mát.
Chủ yếu, Live.ly ra đời nhằm giúp người dùng Musical.ly có nhiều theo dõi hơn, tương tự với Youtube – Youtube live. Nhưng trong bản cập nhật tiếp theo, Live.ly sẽ ra mắt các tính năng mới như cuộc gọi video, hay chat nhóm.
Trong việc phát triển Live.ly, Alex và nhóm startup của mình đã lấy ứng dụng Musical.ly làm cốt lõi. Mặc dù Twitter và Facebook đang cố gắng làm cho ngưởi dân Mỹ quen hơn với live-stream, nhưng những nỗ lực đó không thể so sánh với hàng triệu người ở Trung Quốc đã vui vẻ “lên hình” tất cả mọi thứ từ khá lâu rồi.
Thậm chí, Live.ly hiện còn đang thử nghiệm tính năng tặng quà ảo như gửi hoa, ô tô, đồ chơi khi đang live-stream – một khái niệm khá kì quặc ở Mỹ, nhưng đây là để phục vụ người dân Trung Quốc. Những người đang phát sóng trực tuyến nhận được quà, sẽ được quy đổi ra tiền mặt và Musical.ly nhận 20% giá trị đó.
Hoặc trở thành Facebook, hoặc để cho chính mạng xã hội này mua lại
Musical.ly cũng là một trong số ít các ứng dụng có thể bước ra khỏi thị trường Trung Quốc và hot ở Mỹ đến như vậy. Hầu hết các kỹ sư của công ty làm việc tại Thượng Hải, chỉ có một số ít các đối tác phát triển, tiếp thị, và một số nhà lập pháp làm việc ở San Francisco.
Alex đến Mỹ khoảng 2 tháng một lần, nhưng dành phần lớn thời gian của ông ở Thượng Hải làm việc cùng 80 kĩ sư. Alex rất quan tâm phát triển đội ngũ kỹ thuật ở Thượng Hải, nơi dễ tìm kiếm nhân tài hơn Thung lũng Silicon.
Ngoài ra, trong danh sách ưu tiên của Musical.ly, họ cũng chú trọng đến bản quyền âm nhạc. Việc Alex có thỏa thuận cấp phép với tất cả các hãng lớn, các nhà xuất bản ở Mỹ, và đang tìm cách để làm điều tương tự trên thế giới không phải là điều đơn giản.
Musical.ly cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận với các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Instagram, Twitter và YouTube – về cách thức hợp tác cũng như để học hỏi lẫn nhau.
Bên cạnh đó, Musical.ly cũng có thể là một mục tiêu mua lại tiềm năng cho các công ty truyền thông xã hội khác, đang tìm cách để thu hút người dùng trẻ tuổi. Giống như Facebook mua Instagram và WhatsApp, một phần là để loại bỏ sự cạnh tranh. Mặt khác, Facebook là để phát triển các phân mảng của ứng dụng.
“Hầu hết các công ty công nghệ lớn đang muốn xây dựng hay mua một ứng dụng trò chuyện, hoặc có thể là cả một mạng xã hội”, Anthony Pompliano – người trước đây từng làm việc tại Facebook và Snapchat chia sẻ.
Tuy nhiên, Alex cho biết ông chưa nhận được lời đề nghị từ bất kì tập đoàn nào. “Hy vọng là chúng tôi có thể tiếp tục phát triển một cách độc lập, hoặc không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ trở thành một phần của một tập đoàn lớn hơn nào đó. Tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra”, Alex nói về tương lai của công ty.