fbpx

Vai trò của cộng đồng Hoa kiều đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc

Hoa kiều tại Đông Nam Á – cộng đồng vốn vẫn đang thống trị khu vực tư nhân tại tất cả các nước ASEAN – là những nhà đầu tư quan trọng tại Trung Quốc đồng thời là trung gian cho các mối làm ăn của các thành phần khác.

 Năm 1995, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia xuất bản một báo cáo dài 350 trang về các mạng lưới doanh thương của người Hoa ở hải ngoại, trong đó họ gọi cộng đồng này là “một trong những động lực chính dẫn dắt sự tăng trưởng năng động của khu vực”. Sự quan tâm này phản ánh tầm ảnh hưởng về kinh tế của cộng đồng hơn 50 triệu người Hoa ở hải ngoại mà khu vực sinh sống chính là ở Đài Loan, Hong Kong, Macau và Đông Nam Á. Đầu những năm 1990, cộng đồng này từng được mô tả là ganh đua với Nhật Bản trong vai trò một thế lực doanh thương trên khắp Châu Á với lượng của cải có thể so sánh được với GDP của cả nước Trung Quốc vào thời điểm đó.

Sự tăng trưởng kinh tế như vũ bão của Trung Quốc từ giữa thập niên 1990 đã làm lu mờ vai trò của cộng đồng người Hoa hải ngoại, nhưng điều này chỉ che khuất vai trò kiến tạo của cộng đồng này trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cụm từ “Hoa Kiều” đương nhiên chỉ là cụm từ giản lược mà bản thân nó bỏ qua sự khác nhau giữa những người Trung Quốc ở hải ngoại về mặt lịch sử, quan điểm và hoàn cảnh – đa số trong số này đều không phải những doanh nhân giàu có.

Nhưng số ít những người là doanh nhân giàu có thì đã đóng một vai trò then chốt trong việc phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc và làm cầu nối cho sự hội nhập về kinh tế của Trung Quốc với khu vực theo những cách thức mà đã cho phép Trung Quốc vừa tăng trưởng nhanh chóng vừa giữ lại những đặc điểm chủ chốt của nền kinh tế chính trị trước năm 1979 của mình. Như vậy, cộng đồng Hoa Kiều trên thực tế đã đem lại cho Trung Quốc một nguồn lực mà chưa một cường quốc đang nổi nào trước đây có được.

Từ buổi ban đầu của kỷ nguyên cải tổ kinh tế của Trung Quốc, cộng đồng Hoa Kiều đã là nguồn cung cấp phần lớn vốn đầu tư nước ngoài vào nước này. Lượng vốn đầu tư này chủ yếu cập trung trong các khu vực theo định hướng xuất khẩu, nhờ đó dẫn dắt sự tăng trưởng của các mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia mà ngày nay đang gắn kết các nước láng giềng của Trung Quốc với nước này thông qua hệ thống giao thương nội khu vực có mức độ tích hợp cao nhất thế giới. Nhưng hệ quả này không phải là điều tiên định. Đến những năm 1980, Trung Quốc vẫn là một nước nghèo nàn về vốn và trong nước thì vẫn đang diễn ra các cuộc hỗn chiến về định hướng cải tổ kinh tế.

Trong suốt những năm đầy bất định này, các nhà đầu tư Hoa kiều đã kiên định hơn các đối thủ nước ngoài của mình tại Trung Quốc; họ dựa vào những mối liên hệ về văn hóa và nguồn gốc tổ tiên để phòng thân trước những rủi ro về chính trị. Họ cũng trực tiếp tham gia định hình những cuộc tranh luận về cải tổ: các doanh nhân Hoa kiều trực tiếp giữ vị trí trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, họ thậm chí còn gây dựng các mối quan hệ lên đến tận Đặng Tiểu Bình.

Họ có ảnh hưởng tới việc hình thành và triển khai các đặc khu kinh tế (SEZ). Chính công nghệ và vốn mà họ đầu tư vào các SEZ này đã giúp tạo nên sự cất cánh của các ngành công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, từ đó khiến cán cân chính trị nghiêng về phía tiếp tục tự do hóa và mở cửa.

Chính dòng vốn đầu tư của cộng đồng Hoa Kiều đã làm hồi sinh các doanh nghiệp “thị trấn và làng mạc” vốn đang héo hắt của nước này và giúp củng cố cán cân thanh toán quốc gia, từ đó cho phép nhập khẩu hàng hóa cơ bản để nâng cấp nền kinh tế đang mở rộng. Dòng vốn này thậm chí còn thừa đủ để bù đắp sự sụt giảm đầu tư từ phương Tây diễn ra trong những năm sau sự kiện Thiên An Môn, khi mà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rớt xuống mức khiến người ta lo ngại về một cuộc suy thoái. Khi đó, nhiều tỷ USD vốn vay quốc tế dành cho Trung Quốc bị đóng băng, trong khi ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đe dọa sẽ gắn việc tái tục hàng năm đối với quy chế thương mại “Tối huệ quốc” (MFN) dành cho Trung Quốc với những tiến bộ về nhân quyền của nước này.

Đến năm 1994, kinh tế Trung Quốc làm nên bước ngoặt để trở thành câu chuyện tăng trưởng thú vị nhất trong khu vực. Những lợi ích làm ăn của doanh nghiệp Mỹ đã buộc Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton phải tự thu hồi sắc lệnh tổng thổng do mình ký trước đó và tái tục quy chế MFN cho Trung Quốc; điều này đảm bảo cho việc thị trường Mỹ sẽ trở thành động lực cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Khả năng tăng trưởng ở mức hai con số của Trung Quốc trong khi vẫn giữ lại khu vực nhà nước cồng kềnh và kém hiệu quả, một tài khoản vốn khép kín và một hệ thống tài chính kém phát triển có được là nhờ việc nước này xây dựng một cỗ máy xuất khẩu dựa trên đầu tư nước ngoài. FDI tích lũy vào Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1979 đến 2000 bằng 1/3 tổng GDP năm 2000 — riêng Hong Kong chiếm một nửa số vốn đầu tư này, trong khi khu vực Đông Á chiếm hơn ¾, trong đó chủ yếu là từ cộng đồng Hoa kiều.

Hoa Kiều tại hải ngoại đóng vai trò rất lớn đối với kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Internet

Khu vực xuất khẩu có đầu tư nước ngoài đóng vai trò chủ chốt trong việc dịch chuyển vị thế kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Từ vị thế một nước nhập khẩu vốn ròng với mức lương chỉ bằng một nửa mức trung bình của ASEAN, Trung Quốc giờ đây đã trở thành một nền kinh tế với mức lương gấp đôi mức trung bình của khu vực ASEAN đồng thời là nguồn tăng trưởng lớn nhất cho FDI trong khu vực.

Tầm quan trọng của dòng FDI vào Trung Quốc đã suy giảm trong 2 thập niên vừa qua với việc tỷ trọng vốn đầu tư từ nước ngoài đã giảm từ 12% năm 1996 xuống còn 1% năm 2014. Tuy nhiên, gần ¾ lượng vốn này vẫn có xuất phát điểm là Hong Kong, Đài Loan và Singapore, trong đó các công ty Đài Loan đang thống trị sản xuất xuất khẩu của Trung Quốc. Khi FDI vào Trung Quốc từ các nguồn không có Hoa kiều đã tăng lên, Hong Kong và Singapore đã trở thành những trung tâm trung gian nhờ tận dụng lợi thế có được từ hệ thống pháp lý có nguồn gốc từ Anh Quốc cũng như sự tách biệt với quyền hạn của Trung Hoa đại lục.

Khi kinh tế Trung Quốc phát triển đi lên, sự tương tác của cộng đồng Hoa kiều với nó cũng đang biến đổi. Hong Kong, Singapore và Đài Bắc giờ đây đang đóng vai trò chủ chốt đối với khả năng Trung Quốc quốc tế hóa đồng tiền của mình trong khi tiếp tục che chở nền kinh tế của mình trước những biện pháp kiểm soát vốn, một mức độ quan trọng mà trong tương lai có thể sẽ còn tăng lên trong bối cảnh bất định về vai trò của London hậu Brexit. Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân Singapore đang can dự ở mức độ đáng kể vào nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và tinh vi, ví dụ thông qua Dự án Thành phố sinh thái Thiên Tân (Tianjin Eco-City project) và Sáng kiến Kết nối Trùng khánh (Chongqing Connectivity Initiative).

Hoa kiều tại Đông Nam Á – cộng đồng vốn vẫn đang thống trị khu vực tư nhân tại tất cả các nước ASEAN – là những nhà đầu tư quan trọng tại Trung Quốc đồng thời là trung gian cho các mối làm ăn của các thành phần khác. Đơn cử, ước tính 90% giao thương của Indonesia với Trung Quốc là có sự tham gia của người Indonesia gốc Hoa bất chấp việc họ tập trung trong những khu vực mà họ không phải chủ sở hữu lớn, ví dụ như hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên.

Một yếu tố khác khó lượng hóa nhưng một số người lập luận rằng Trung Quốc cũng cố gắng tận dụng, đó là ảnh hưởng đối với quan điểm đối với Trung Quốc của sự gắn bó với với quê cha đất tổ ở mức độ cao tại một số nước ASEAN, nhất là trong giới tinh hoa. Ví dụ nổi bật nhất là hoàng gia Thái Lan, nhưng di sản này có thể thể hiện ở một số cách thức đáng ngạc nhiên.

Ngày nay, cộng đồng Hoa kiều ngày càng được mở rộng nhờ những di dân thế hệ đầu từ Trung Quốc đại lục, và bản thân Trung Quốc cũng đang tiến tới một nền kinh tế có hàm lượng tri thức nhiều hơn với những tương tác qua biên giới dày đặc hơn bao giờ hết. Tính chất đang thay đổi của các cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại cùng mối quan hệ của họ với Trung Quốc là đề tài đáng nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là do sự thu hút về mặt chính trị của nó.

Thông tin thêm: Tổng số Hoa kiều tại hải ngoại (tức người gốc Hoa sinh sống tại các nước ngoài Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Macau) là trên 50 triệu người. Một số nước có cộng đồng người Hoa lớn là: Thái Lan: 9,4 triệu người; Malaysia: 6,7 triệu; Mỹ: 5 triệu; Indonesia: 2,8 triệu; Singapore: 2,5 triệu; Myanmar: 1,6 triệu; Canada: 1,5 triệu; Philippines: 1,4 triệu; Peru: 1,3 triệu; Hàn Quốc: 1,1 triệu; Việt Nam: 1 triệu. Nguồn: Wikipedia.

Nguồn: John Lee – The Chinese diaspora’s role in the rise of China, East Asia Forum
Biên dịch: Nguyễn Quốc Duy

Các viết cùng chủ đề