Vai trò của lý thuyết triển vọng trong tài chính
“Lý thuyết triển vọng” (prospect theory) là một đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu kinh tế. Nó thách thức một số các giả định cơ bản mà các nhà kinh tế đã đặt ra cho hành vi của con người. Daniel Kahneman, một trong những nhà nghiên cứu theo hướng nghiên cứu này, đã giành được giải Nobel Kinh tế. Nhưng một trong những câu nói đùa từ lâu trong giới kinh tế là từ khi lý thuyết triển vọng được đề xuất vào năm 1979 là nó ảnh hưởng quá ít đến những vấn đề trong thế giới thực. Một bài báo của Nicholas Barberis*, một nhà kinh tế tại đại học Yale, đã chỉ ra rằng lý thuyết triển vọng thực sự có ảnh hưởng đến nghiên cứu về tài chính, và nó có thể giải thích được một số câu hỏi quan trọng của việc thị trường hoạt động như thế nào.
Để hiểu rõ lý thuyết triển vọng, bạn cần phải biết nó mâu thuẫn với những gì. Lý thuyết phản diện trong hướng nghiên cứu này là “lý thuyết hiệu dụng kỳ vọng” (expected utility theory), đó là một loạt các giả thuyết về hành vi của con người. Lý thuyết hiệu dụng kỳ vọng nói rằng mỗi người đều đánh giá đúng về xác suất- mọi người đều biết rằng máy bay của họ (gần như chắc chắn) sẽ không rơi, do vậy không cảm thấy lo lắng về các chuyến bay. Lý thuyết này cũng nói rằng con người cảm nhận về những điều tốt hay điều xấu với cùng cường độ như nhau: ví dụ người ta thú vị khi tìm thấy 5 đô la trên đường phố cùng với mức độ tiếc nuối khi để mất 5 đô la.
Lý thuyết triển vọng không đồng ý với hai giả định này (trong số những giả định khác). Những người ủng hộ nó đã sử dụng một loạt các bài kiểm tra tâm lý- một cách đang thịnh hành trong các vấn đề kinh tế- để tìm đến kết luận của mình. Lý thuyết cho rằng con người trên thực tế rất kém khi đánh giá xác suất. Thực ra mọi người đều cảm thấy lo lắng trên máy bay, và không có thống kê nào có thể giúp họ thoát khỏi sự lo lắng. Lý thuyết cũng cho thấy rằng mọi người nhận những điều xấu tương đối tồi tệ (về cường độ) hơn khi họ nhận những điều tốt đẹp (“ác cảm mất mát”- loss aversion). Người ta có xu hướng đi tìm 5 đô bị đánh mất một cách đau đớn, nhưng lại chỉ cảm thấy một chút xíu vui vẻ nếu phát hiện ra 5 đô trên sàn nhà.
Lý thuyết triển vọng khá trừu tượng. Phương trình của nó khó hiểu đến mức ai cũng chán. Nhưng nó rất hữu ích trong việc giải quyết một số câu hỏi từ lâu nay của thị trường tài chính.
Một câu hỏi hóc búa liên quan đến lợi nhuận trung bình. Tại sao một số chứng khoán luôn có lợi nhuận thấp hơn so với những chứng khoán khác? Ví dụ, cổ phiếu đã thực hiện phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) thường có lợi nhuận thấp hơn so với những cổ phiếu chưa IPO. Các nhà kinh tế nói chung đã sử dụng một lý thuyết được gọi là mô hình định giá tài sản vốn (CAPM), được phát triển trong những năm 1960, để giải quyết vấn đề hóc búa này. CAPM nói rằng những khoản đầu tư rủi ro cao- tức là biến động cao hơn so với thị trường- sẽ có một tỷ lệ lợi nhuận cao. Điều này nghe khá trực quan. Nhưng số liệu thực tế thì lại chẳng ủng hộ khái niệm này: các cổ phiếu biến động cao hầu hết đều không có lợi nhuận cao nhất.
Lý thuyết triển vọng cung cấp một lời giải thích khác. Ông Barberis cho rằng cổ phiếu có lợi nhuận thấp nhất là những người có “hệ số bất đối xứng dương” (skewness positive) cao nhất- tức là sự bất đối xứng trong phân phối lợi nhuận cao nhất. Hệ số bất đối xứng dương xuất hiện khi một cổ phiếu có nhiều năm có lợi nhuận khá đều đặn, và xen vào bởi một vài năm có lợi nhuận cao đột biến. Nếu một cổ phiếu có hệ số bất đối xứng dương thì nhà đầu tư dễ bị mê hoặc bởi cơ hội, dù là rất nhỏ, trở thành rất giàu có. Họ nghĩ rằng cổ phiếu thỉnh thoảng có lợi nhuận cao là một cổ phiếu sẽ luôn cho lợi nhuận cao, kiểu như một Microsoft tiếp theo. Gần như chắc chắn sẽ không xảy ra, nhưng các nhà đầu tư lại kém một cách tội nghiệp trong việc đánh giá xác suất trong tương lai. Chính vì khả năng đánh giá xác suất kém này mà các nhà đầu tư đổ dồn vào những nơi không tiềm năng. Ban đầu họ kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng sau đó họ càng vào nhiều, và cuối cùng lợi nhuận sụt giảm.
Sự khác biệt lâu dài giữa tỉ suất lợi nhuận của thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ cũng là điều khó hiểu. Trong hầu hết thế kỷ 20, tỉ lệ lợi nhuận của trái phiếu chính phủ xấp xỉ thấp hơn 6% so với cổ phiếu. Những mô hình định giá tài sản truyền thống dựa trên tiêu thụ có tính đến hiệu dụng kỳ vọng không thể giải thích sự khác biệt này. Nhưng lý thuyết triển vọng có thể. Các nhà đầu tư thấy việc mất tiền ảnh hưởng rất lớn, lớn hơn là khi được tiền (với cùng tỷ lệ). Vì vậy, khi họ nhìn vào sự phân bố lợi nhuận trải rộng trong thị trường chứng khoán họ cảm thấy sợ hãi. Mua cổ phiếu có thể dẫn đến thua lỗ và ít ai muốn vậy. Ngược lại, mua trái phiếu sẽ có một phân phối lợi nhuận hẹp hơn nhiều và nhà đầu tư cảm thấy an toàn. Kết quả là, sự sợ hãi mất này khiến cho các nhà đầu tư đòi hỏi một lợi tức cao hơn trung bình của cổ phiếu so với trái phiếu.
Rất nhiều mô hình kinh tế tài chính hiện nay dựa trên các giả định sai về hành vi của con người. Các nhà nghiên cứu hiện nay đã nhận ra điều đó. Tuy nhiên việc sử dụng lý thuyết triển vọng vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế hiện còn nhiều hạn chế. Ông Barberis đang cổ vũ về tiềm năng sử dụng của lý thuyết triển vọng trong kinh tế vĩ mô. Ông cũng cho rằng lý thuyết này có thể được sử dụng để xây dựng các quy định quản lý thị trường tốt hơn. Người viết bài đồng ý với ông Barberis. Các mô hình kinh tế vĩ mô và các chính sách điều hành của nhà nước cần phải xem lại và áp dụng những tiến bộ về nghiên cứu hành vi của con người trong việc ra quyết định.
* Barberis, Nicholas C. 2013. “Ba mươi năm lý thuyết triển vọng trong kinh tế: Xem xét và đánh giá.” Journal of Economic Perspectives.
Nguồn: VNquants, The Economist
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn