Vì sao bạn rỗng túi ngay khi vừa nhận tiền lương?
Ngoại trừ những người phải cáng đáng quá nhiều trách nhiệm, bổn phận so với tiền lương làm ra, vẫn có rất nhiều bạn trẻ thường xuyên thấy nhanh chóng “cháy túi” dù mới nhận tiền lương được vài ngày.
Trả nợ thẻ tín dụng
Đây có thể là một “thủ phạm” phổ biến đang vô tình bòn rút tiền lương tháng của các bạn trẻ trong thời đại ngày nay. Với cuộc đua cạnh tranh phát triển thẻ của các ngân hàng, ai cũng dễ dàng có một hoặc thậm chí nhiều thẻ tín dụng trong ví. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách kiếm chế “quẹt” một cách điều độ, đúng theo kế hoạch chi tiêu của mình.
Đại diện bộ phận bán lẻ của một ngân hàng cho biết, ngày càng có nhiều người mở thẻ tín dụng để rút tiền mặt bất chấp phí cao và lãi suất bị tính đến gần 20% một năm. Nhiều trong số này cũng không trả được hết dư nợ trong một kỳ sao kê nên hằng tháng phải dành một khoản tiền không nhỏ để trả gốc và lãi cho ngân hàng.
Nộp khoản vay trả góp từ công ty tài chính
Vay nợ là lý do chính khiến tiền lương cả tháng vất vả làm lụng của bạn hết sớm.
Ít ai biết chiếc xe ga Liberty cáu cạnh Ly (nhân viên một công ty quảng cáo ở Trung Hoà, Nhân Chính, Hà Nội) vẫn đi hằng ngày là có được từ trả góp. Mỗi tháng, sau khi nhận lương, tài khoản của Ly tự động trừ 4 triệu đồng để trả cho công ty tài chính. “Cuối tháng rất mong ngóng có lương nhưng đến khi tiền đổ về tài khoản, việc đầu tiên vẫn phải làm là trả một loạt các chi phí như điện thoại, Internet rồi khoản trả góp. Nhìn lại thấy lương chỉ còn một nhúm”, Ly nói.
Quả thực, nếu đang là một “con nợ” của công ty tài chính, bạn xem như bị khoá luôn nửa chiếc ví vì lãi suất hằng tháng rất cao. Do đó, nên cân nhắc kỹ việc mua trả góp chiếc điện thoại vừa ra mắt gần hai mươi triệu đồng nếu bạn không muốn những tháng sau rơi vào cảnh có lương cũng như không.
Vung tay khi vừa nhận tiền lương
Chuyện đầu tháng có lương đi ăn nhà hàng, giữa tháng ăn cơm nguội, cuối tháng ăn mỳ tôm không phải quá hiếm với nhiều bạn trẻ. Thay vì vạch sẵn kế hoạch ngân sách chi tiêu, mua sắm chi tiết và rải rác cả tháng, nhiều người lại chăm chăm nghĩ cách tiêu tiền ngay khi nhận được tin nhắn “ting ting” từ ngân hàng. Với cách này, bạn sẽ dễ dàng mất kiểm soát vào những ngày đầu mới có lương dẫn đến việc chi tiêu lãng phí, không cần thiết.
Do đó, theo các chuyên gia tài chính, bạn nên định lượng trước khi có lương ngân sách cứng cho những khoản không thể bỏ như chi phí xăng xe, điện thoại, ăn sáng, ăn trưa. Sau đó căn cứ vào phần còn lại để tính toán việc mua sắm.
Dễ dàng vay nợ bạn bè
Tháng trước, dù hết tiền nhưng tình cờ bắt gặp một chiếc váy thiết kế của hãng mới ra mắt, bạn lại “đắm đuối” và hỏi mượn tiền bạn để mua. Việc này được xem là chi tiêu quá tay trong tháng trước nên khi nhận lương tháng này bạn phải nhọc công trả nợ. Cứ thế, vì ngân sách bị tiêu lẹm ngay từ đầu tháng nên đến cuối tháng lại hết tiền và cần “viện trợ”. Dần dần, nếu không thoát ra được, bạn sẽ chỉ đi làm để trả nợ.
Do đó, hãy tự nhắc nhở bản thân, chỉ vay tiền người khác (bao gồm người thân, bạn bè và thậm chí cả các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính) cho những việc không thể không làm. Ví dụ, nếu chẳng may tháng này bạn cần đi khám sức khoẻ khi thấy cơ thể không ổn nhưng đang hết tiền, có thể mượn bạn bè. Nhưng ngược lại, nếu vay để mua một chiếc đồng hồ thông minh cho hợp xu hướng công nghệ hay để đi xem một show ca nhạc của thần tượng thì nên cân nhắc.
Nguồn: Ngân Hà – vnexpress.net