fbpx

Vì sao cần có nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm?

Tại tọa đàm “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, đa số chuyên gia đưa ra ý kiến cần thành lập nhiều công ty xếp hàng tín nhiệm cũng như đưa ra luật xếp hạng tín nhiệm để nhà đầu tư khiếu nại.

vi-sao-can-co-nhieu-to-chuc-xep-hang-tin-nhiem-happy-live-1
Ảnh: Internet

Hãy để thị trường tự điều chỉnh

TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết đã gọi là thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường tài chính rất văn minh, do đó hãy để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được. Nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính.

Không phải vì một số trường hợp, vài “con sâu làm rầu nồi canh” mà thắt chăt quá mức, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội. Thực tế, thị trường trái phiếu và thị trường vốn còn nhiều dư địa phát triển.

Về mặt cơ cấu nhà phát hành trái phiếu năm 2021, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng 39%; tổ chức tín dụng chiếm khoảng 35%; lĩnh vực xây dựng 5.4%; công ty chứng khoán 3.3%…

Về chủ thể phát hành, có 2 chủ thể chính hiện nay là doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng. Trong khi tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu có quy định, quy trình chặt chẽ, thông tin phải công khai minh bạch và báo cáo tài chính luôn được kiểm toán nên chủ yếu phát hành ra công chúng.

Riêng với nhà đầu tư, hiện nay, ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng 30%; công ty chứng khoán 30-31%; tổ chức khác 26%, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân chỉ khoảng 5-10%… Các công ty chứng khoán thời gian qua cũng đã tích cực và đầu tư tương đối nhiều trong thị trường sơ cấp. Về thông tin tài sản bảo đảm, chủ yếu là doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, bảo đảm bằng cổ phiếu và không có tài sản bảo đảm chiếm khoảng 20%.

Để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, thời gian qua đã có nhiều kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết, xử lý những vụ việc xảy ra trong thời gian qua để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả.

Khuyến khích thành lập nhiều công ty xếp hàng tín nhiệm

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc… có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Nhưng ở Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc, cần phải cân nhắc. Có thể xem xét, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra.

Như ở Singapore, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm và phát hành trái phiếu sẽ được hỗ trợ gấp đôi chi phí so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm.

Nhưng, nếu đưa ra bài toán xếp hạng tín nhiệm mà chúng ta có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, năng lực của họ cũng chưa bảo đảm năng lực thị trường hiện nay thì phải làm sao?

Do đó, bài toán này cần phải cân nhắc, cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Chưa kể, quy trình, thủ tục xét duyệt còn quá lâu, khi phát hành ra công chúng quy trình là đúng nhưng cần xem thời gian xét duyệt, quy trình thủ tục cần nhanh hơn, như 14 ngày hoặc 3 tuần, thay vì vài tháng như hiện nay.

Đến nay, Việt Nam mới có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm mới được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là FiinRatings và CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting). Ông Phùng Xuân Minh – Tổng Giám đốc Saigon Raiting khẳng định trái phiếu doanh nghiệp là thị trường tài chính tiềm năng, kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thị tường trái phiếu doanh nghiệp cần sẵn sàng 3 chủ thể quan trọng đáp ứng được nhu cầu, gồm: Nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…). Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hoá xếp hạng tín nhiệm… Do đó, việc góp ý cải thiện chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng luật hiện nay là điều rất quan trọng.

“Chúng tôi cũng nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại trên thị trường hiện nay là đại dịch gần như khiến cả nền kinh tế tê liệt, dự án ngưng đọng nhưng nhu cầu vốn lại rất nóng. Vậy tiền đi đâu, làm gì, về đâu? Trong khi có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không sử dụng đúng mục đích”, ông Minh đặt ra vấn đề.

S Lê Đạt Chí – Trường ĐH Kinh tế TP HCM nhận định xếp hạng tín nhiệm là yếu tố quan trọng nhưng không phải tất cả các nước đều bắt buộc, còn nếu khuyến khích thì ai là người trả phí, cũng cần cân nhắc khi sửa đổi quy định. Cũng liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, TS. Chí cho rằng quy định Nghị định 153 hiện nay ở chưa đủ, chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.

Nguồn: vietstock

Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town

(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề