Viết cho mấy thanh niên mới ra trường – cúi đầu xuống học hỏi đi đừng chảnh
Cấm tuyệt đối nghĩ bản thân cao hơn mấy cô bán bánh mì đối diện, chị bưng gánh bán hàng ăn mỗi chiều hay cô chú bán cơm trưa. Có thể môi trường kiếm sống của họ không tốt bằng em, không ngồi máy lạnh như em. Nhưng vị thế xã hội, họ là chủ của công việc họ làm, em làm công cho người khác. Họ có thể không bán cho người họ không thích, nhưng em dù không thích khách hàng đó vẫn phải làm vì sếp em muốn. Em thua họ, đừng chảnh.
1. Em có quen với mấy chuyện rót nước, lau bàn, xách giấy tờ đi ký, photocopy, chỉnh văn bản giùm anh không? Không quen thì phải tập nha, vì đó là những việc cơ bản mà bất kỳ ai tham gia đời sống văn phòng cũng phải biết làm và bắt đầu làm. Không phải ai đì em gì đâu, chẳng qua là vì em nhỏ nhất thì chịu khó mà làm. Hãy học cách chăm sóc cho người khác, quan sát nét mặt của họ để coi lúc nào nên nói cái gì, sau này có lợi cho em.
2. Đừng nghĩ bằng cấp của em là ngon lắm. Trong này có nhiều người không có tấm bằng đại học nhưng đi làm đã 10 năm, kinh nghiệm chắc phải gấp 10 lần em. Lý thuyết em học, đơn thuần là lý thuyết, thực tế rất khác, nhưng, nếu có lý thuyết tốt mà thêm thực tiễn giỏi thì em sẽ tiến rất nhanh, nên ráng làm đi.
3. Đừng bao giờ ngồi đó, thấy cấp trên của mình làm không đúng những gì mình học rồi chửi rằng sếp ngu, dựa vào quan hệ để lên làm sếp. Họ có thể ngu, nhưng họ lại làm sếp của em. Em chấp nhận làm cấp dưới của họ thì có nghĩa là… em ngu hơn họ, nên đừng nghĩ họ ngu.
4. Đừng thấy sếp suốt ngày đi nhậu, toàn bộ công việc em đều phải làm mà ca thán, cho rằng họ sướng, em khổ. Không đâu em, đi nhậu là một kỹ năng mềm mà không phải ai cũng học được đâu. Thực tế ở đây, hợp đồng được ký trên bàn làm nhậu nhiều hơn bàn làm việc.
5. Mấy năm đầu đi làm, khoan nghĩ nhiều tới lương, quan trọng là em được làm với ai, học được những gì. Ai cũng có mặt mạnh mặt yếu, nên ráng học cái tốt từ họ trước, khi mình cứng hơn rồi thì bắt đầu tìm điểm xấu của người khác để tránh hay sửa.
6. Đừng chê bai công ty, đừng nghĩ rằng công ty có nghĩa vụ lớn với các bạn trẻ mới đi làm. Đa phần công ty nào cũng mất khoảng 3 đến 6 tháng để đào tạo mấy em quen môi trường công sở. Lỡ làm 2 tháng thử việc xong mấy em nghỉ, vậy 2 tháng đó lương của em từ đâu ra? Cũng là công ty chịu lỗ đó, vì rõ ràng trong 2 tháng, giá trị của em mang về cho công ty gần như không có.
7. Không bao giờ được coi thường bất kỳ ai, dù là cô lao công, anh bảo vệ hay chú gởi xe. Họ đều như em, làm công ăn lương, thương nhau giúp nhau chứ không được đặt mình trên họ.
8. Cấm tuyệt đối nghĩ bản thân cao hơn mấy cô bán bánh mì đối diện, chị bưng gánh bán hàng ăn mỗi chiều hay cô chú bán cơm trưa. Có thể môi trường kiếm sống của họ không tốt bằng em, không ngồi máy lạnh như em. Nhưng vị thế xã hội, họ là chủ của công việc họ làm, em làm công cho người khác. Họ có thể không bán cho người họ không thích, nhưng em dù không thích khách hàng đó vẫn phải làm vì sếp em muốn. Em thua họ, đừng chảnh.
9. 22 năm đầu đời của em, chỉ đơn giản là những ngày lý thuyết và chưa bước vào đời. Giờ là trang mới của đời em, đây là cuộc chiến chứ không còn là trường học nữa.
10. Mỗi công ty đều có một văn hoá nhất định, em mới vào, ráng tìm hiểu văn hoá đó là gì, tự nghiệm coi bản thân mình có phù hợp và hoà nhập được không. Nếu không, em tự rút lui chứ đừng nghĩ rằng cả công ty sẽ thay đổi văn hoá vì em.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Thạch
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU