Vòng xoáy nợ nần và mặt tối còn lại của lãi kép
Dù là rượu hay là nợ (vay mượn trong cuộc sống nói chung và dùng margin/ký quỹ trong đầu tư nói riêng), một khi lỡ bước sa chân vào thì khó lòng nào thoát khỏi. Đây là lời cảnh báo dành cho những người có ý định vay mượn mà không muốn rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Vòng xoáy nợ nần và mặt tối còn lại của lãi kép
Tác giả Matt Haig, trong cuốn Những điều giữ tôi còn sống, có nhắc đến bài toán rượu, “Bạn càng uống nhiều, bạn càng muốn uống thêm. Và nếu khó có thể dừng lại ở một ly thì đến ly thứ ba bạn sẽ vẫn còn uống. Phép cộng giờ trở thành phép nhân”.
Tương tự, chúng ta có thể suy ra được một bài toán khác, càng sa chân vào nợ nần, bạn càng dễ nợ chồng thêm nợ, nếu không chủ định ngăn chặn từ sớm.
Tại đại hội cổ đông của Berkshire Hathaway vào năm 2004, một cổ đông nhí 14 tuổi đã ngỏ lời muốn Warren Buffett chia sẻ mẹo tài chính dành cho người trẻ. Buffett trả lời rằng, “Nếu ta có một lời khuyên dành cho những người trẻ, thì đó chỉ là đừng dây vào nợ nần. Dẫu biết con người ta dễ cuốn vào ham muốn chi tiêu nhiều hơn số tiền mà mình kiếm được, điều đó dễ hiểu thôi. Nhưng đó không phải là một ý tưởng hay đâu”.
Việc sử dụng nợ quá mức sẽ làm hại tất cả mọi người, doanh nghiệp và cả chính phủ. Kinh tế học cũng có một thuật ngữ cho điều này, đó là vòng xoáy nợ nần, mô tả trường hợp một cá nhân, doanh nghiệp hoặc quốc gia gánh chịu mức nợ gia tăng không ngừng. Sức tăng trưởng của khoản nợ và lãi suất dần vượt quá khả năng chi trả, cuối cùng dẫn đến vỡ nợ.
Vấn đề lớn của nợ là chúng ta dễ dàng tích lũy nó nhưng trả nợ lại là một câu chuyện cam go hơn nhiều. Dù bắt đầu nhỏ thôi nhưng nợ từ từ len lỏi vào cuộc sống của bạn, khiến bạn trở thành một con nghiện thông qua cảm giác thỏa mãn tức thì mà nó tạo ra.
Không những vậy, điều tồi tệ ở nhiều người mắc nợ là họ không chỉ muốn hài lòng bản thân ngay lập tức, mà còn so sánh “độ hài lòng” đó với hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp của mình. Chúng ta dựa vào vẻ ngoài để đánh giá sự thành công về tài chính: xe cộ, nhà cửa, hình ảnh đăng tải trên Facebook, Instagram,… Cơ bản là chúng ta không thể nhìn thấy tài khoản ngân hàng hay bảng sao kê tài khoản chứng khoán của người khác, trong khi vẻ ngoài lại là nguồn thông tin dễ dàng ghi nhận được và theo đó cũng trở thành xu hướng đánh giá người giàu kẻ nghèo nói chung. Thực tế sự giàu có là những gì bạn không nhìn thấy cơ; là những chiếc xe đẹp, trang sức đắt đỏ còn yên vị ở showroom, là phần thu nhập không được chi tiêu mà chuyển thành các loại tài sản tài chính.
Bài toán nợ hầu như không có lợi cho bạn, cho dù vay nợ để tiêu dùng hay đầu tư. Nợ nần gây ra nhiều vấn đề, trong đó điều tồi tệ nhất là tác động nghịch của lãi kép. Dù lãi kép được đánh giá là một công cụ mạnh mẽ để gầy dựng tài sản, tạo ra một khoản tiền lớn theo thời gian khi người ta sử dụng đúng cách. Và không may là khi bạn mắc nợ bạn cũng có thể rơi vào mặt tối còn lại của lãi kép.
Tỷ phú Charlie Munger từng cảnh báo: “Tôi đã thấy nhiều người lún sâu vào thất bại vì rượu và đòn bẩy – đòn bẩy là tiền đi vay”.
Dùng margin sai chỗ có thể biến một khoản đầu tư tốt thành xấu
Trong đầu tư, bạn có thể vay mượn công ty chứng khoán với margin hay còn gọi là đòn bẩy, giao dịch ký quỹ bằng cách thế chấp khoản vay bằng chính cổ phiếu mà nhà đầu tư đã mua, với kỳ vọng tối đa hóa cơ hội và gia tăng lợi nhuận lên gấp bội so với việc chỉ sử dụng vốn tự có.
Chẳng hạn, khi thị trường đang ở trong một xu hướng tăng và bạn đang dùng margin, mà cổ phiếu tăng giá thì lợi nhuận theo đó sẽ nhiều hơn, đồng thời giá trị tài sản ròng tăng lên. Còn trong tình huống xấu thì sao, chẳng hạn như khi cổ phiếu giảm giá và bạn đang sử dụng margin, thì lúc này giá trị tài sản ròng sẽ giảm tương ứng với tỷ lệ đòn bẩy, chẳng hạn với tỷ lệ đòn bẩy 1:2 thì sẽ lỗ gấp 2 lần bình thường, tỷ lệ đòn bẩy 1:3 thì sẽ lỗ gấp 3 lần bình thường,… khiến nhiều nhà đầu tư nóng lòng sinh lợi nhanh được dịp đúc rút bài học kinh nghiệm xương máu, hoặc thậm chí rời bỏ thị trường trong đau đớn kể từ đó.
Như James Montier, tác giả cuốn The Little Book of Behavioral Investing (Cẩm nang Hành vi trong Đầu tư), cũng chia sẻ: “Đòn bẩy không bao giờ có thể biến một khoản đầu tư xấu thành tốt, nhưng nó có thể biến một khoản đầu tư tốt thành xấu. Khi bạn sử dụng đòn bẩy, bạn có thể rơi vào tình trạng biến động, làm suy giảm khả năng đầu tư của bạn, điều này có thể dẫn đến mất vốn vĩnh viễn”.
Một lần nữa, giống như Matt Haig đã viết về rượu, với nợ, bạn càng vướng vào, bạn càng có khả năng mắc phải cao. Hãy tránh ra xa bẫy nợ dài hạn, tỉnh táo hết mức trước khi cơn nghiện trở nặng.
Nguồn: Lời khuyên 54, Sách 101 lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững