William O’Neil: Dấu hiệu nhận biết khi thị trường lập đỉnh
Nhà đầu tư William O’Neil khẳng định rằng: Một trong những vấn đề lớn nhất vào thời điểm thị trường chung tạo lập đỉnh là phần lớn quan điểm và ý kiến của các nhà đầu tư đều rất lạc quan. Rất khó để kiềm chế lòng tham và thay đổi quan điểm. Nếu bạn luôn luôn bán và cắt lỗ khi giá thấp hơn 7% hoặc 8% so với điểm mua vào, bạn có thể buộc phải tự động bán đi ít nhất 1 hoặc 2 cổ phiếu khi thị trường chung bắt đầu điều chỉnh. Cách làm này sẽ giúp bạn sớm có tư duy thận trọng. Bằng cách tuân thủ quy tắc cắt lỗ đơn giản nhưng hiệu quả này, rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã không bị thua lỗ lớn trong đợt sụp đổ năm 2000 của các cổ phiếu dẫn dắt thuộc ngành công nghệ cao và trong thị trường con gấu năm 2008 tạo bởi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở ngành bất động sản.
Bán sớm để an toàn trước khi thị trường sụp đổ
Napoleon từng viết rằng, việc ông không bao giờ tỏ ra do dự trong khi chinh chiến đã mang lại cho ông lợi thế lớn trước đối thủ, và trong nhiều năm, ông là người bất khả chiến bại. Trên cuộc chiến của thị trường chứng khoán, những kẻ sống sót luôn nhanh nhạy và quyết đoán để bán cổ phiếu trước khi thị trường sụp đổ. Những nhà đầu tư thua lỗ luôn là những kẻ chậm chân.
Sau khi bạn nhìn thấy một vài chỉ báo tin cậy đầu tiên cho thấy thị trường đạt đỉnh, đừng chờ đợi thị trường đảo chiều. Hãy nhanh chóng bán đi trước khi những dấu hiệu suy yếu lộ rõ. Khi các chỉ số thị trường đạt đỉnh và bắt đầu giảm điểm mạnh, bạn phải hành động thật nhanh bằng cách chuyển 25% hoặc nhiều hơn danh mục đầu tư sang tiền mặt. Hãy bán cổ phiếu một cách nhanh chóng và dứt khoát bằng lệnh thị trường (market order). Không nên tiếc rẻ hoặc chần chừ chỉ vì một vài lai giá mà bỏ lỡ cơ hội tháo chạy. Việc sử dụng lệnh giới hạn (limit order- là loại lệnh mua hoặc bán tại một mức giá cụ thể, chứ không phải mua và bán tại giá thị trường như lệnh thị trường) thực sự là điều không nên làm. Thoát ra khỏi cổ phiếu khi vẫn còn có thể là một khoảnh khắc cực kỳ quý giá vì bạn không thể làm điều này một khi thị trường sụp đổ (người dịch: lúc này, bên mua sẽ không còn xuất hiện trên bảng điện nữa và gọi là “trắng bên mua”).
Chốt lại, chỉ có hai cách bạn có thể làm khi thị trường con gấu bắt đầu: (1) bán và rút khỏi thị trường hoặc (2) bán khống. Khi bạn đã rút khỏi thị trường, hãy nên tiếp tục đứng ngoài thị trường cho đến khi nào thị trường con gấu kết thúc. Thường mất khoảng 5 hoặc 6 tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Trong một số trường hợp, thị trường con gấu có thể kéo dài đến hai năm chẳng hạn như giai đoạn 1969-1970 và giai đoạn 1973-1974. Thị trường con gấu bắt đầu vào tháng 3 năm 2000 xảy ra vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng Thống Clinton thậm chí còn kéo dài lâu hơn so và trầm trọng hơn so với bình thường. Cứ 10 nhà đầu tư thì có đến 9 người thua lỗ, đặc biệt là những ai nắm giữ cổ phiếu công nghệ cao. Đó cũng là sự kết thúc của giai đoạn tăng trưởng mạnh vào cuối thập niên 90, thời điểm mà người Mỹ đã tỏ ra bất cẩn và thiếu cảnh giác. Đây là giai đoạn “bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra” khi cổ phiếu tăng giá một cách điên cuồng.
Bán khống có thể mang tới lợi nhuận, nhưng đây là một kỹ thuật khó và chỉ những nhà giao dịch có kỹ năng mới làm được. Hãy nhớ một điều: chỉ có rất ít người kiếm được tiền từ bán khống. Khi được hỏi về công thức kiếm tiền trên thị trường chứng khoán, Nathan Rothschild, một ông trùm ngân hàng quốc tế nói, “Chắc chắn là có. Tôi không bao giờ bắt đáy và luôn luôn bán sớm.”
Bernard Baruch, nhà đầu tư đã xây dựng được cơ nghiệp giàu có từ thị trường chưng khoán nói, “Xin nhắc lại, tôi luôn bán cổ phiếu khi nó vẫn còn đang tăng giá và đó là một trong những lý do tôi giữ được cơ nghiệp của mình. Rất nhiều lần, tôi có thể kiếm được nhiều hơn nếu tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, nhưng nếu không bán sớm, tôi có thể bị mắc kẹt khi giá cổ phiếu sụp đổ.”
William O’Neil: Làm thế nào để xác định thị trường chứng khoán tạo lập đỉnh
Để phát hiện đỉnh của thị trường chứng khoán, hãy theo dõi thật kỹ chỉ số S&P500, chỉ số tổng hợp NYSE, chỉ số Dow Jones, chỉ số tổng hợp Nasdaq mỗi ngày khi chúng vẫn còn đang trong xu hướng đi lên. Trong số những ngày tăng giá này, khối lượng giao dịch toàn thị trường sẽ tăng so với ngày trước đó, nhưng mức tăng của thị trường càng ngày càng ít đi (người dịch: khối lượng tăng mạnh nhưng giá không tăng nhiều đó là dấu hiệu cảnh báo tạo lập đỉnh). Tôi gọi hiện tượng này là: “khối lượng lớn nhưng giá không tăng mạnh.”. Các chỉ số thị trường không cần thiết phải giảm ngay vào ngày hôm đó, nhưng trong phần lớn các trường hợp, nó đang cho thấy dấu hiệu phân phối vì các nhà giao dịch chuyên nghiệp đang thanh lý vị thế và thoát ra khỏi thị trường. Chênh lệch giữa mức đỉnh cao nhất và mức đáy thấp nhất trong ngày (spread) có thể trở nên hẹp hơn so với ngày giao dịch trước đó cũng là một tín hiệu cho thấy đỉnh đang tạo lập.
Do quy mô vị thế lớn, các nhà giao dịch chuyên nghiệp thường đóng vị thế khi giá cổ phiếu còn đang tăng mạnh, gần thời điểm thị trường chung tạo lập đỉnh. Thông thường, một hoạt động đóng vị thế bình thường này sẽ diễn ra trong 3 đến 6 ngày giao dịch (người dịch: gọi là những ngày phân phối) trong bất cứ giai đoạn 4 hoặc 5 tuần nào. Nói cách khác, thị trường xuất hiện dấu hiệu phân phối ngay cả khi nó đang tăng giá! Đây là một lý do giải thích tại sao chỉ rất ít người biết cách nhận diện dấu hiệu phân phối. Sau 4 hoặc 5 ngày phân phối trong bất cứ khoảng thời gian 4 hoặc 5 tuần, thị trường chung gần như luôn đảo chiều.
4 ngày phân phối, nếu được xác định chính xác trong khoảng thời gian 2 hoặc 3 tuần, đôi khi cũng đủ để xác định trước điểm đảo chiều của thị trường. Đôi khi sự phân phối có thể kéo dài đến 6 tuần nếu như thị trường cố gắng để thiết lập đỉnh mới. Nếu bạn vẫn còn mơ ngủ hoặc không nhận thức được những dấu hiệu này, bạn sẽ bỏ lỡ các tín hiệu thiết lập đỉnh được phát ra từ chỉ số S&P500, chỉ số Tổng Hợp NYSE, chỉ số Nasdaq, hoặc chỉ số Dow Jones (bạn rất dễ bỏ lỡ tín hiệu thiết lập đỉnh vì chúng chỉ diễn ra trong vài ngày). Điều này sẽ khiến bạn sai lầm về xu hướng thị trường chung và do đó, tất cả những gì bạn làm đều sai.
Một trong những vấn đề lớn nhất vào thời điểm thị trường chung tạo lập đỉnh là phần lớn quan điểm và ý kiến của các nhà đầu tư đều rất lạc quan. Rất khó để kiềm chế lòng tham và thay đổi quan điểm. Nếu bạn luôn luôn bán và cắt lỗ khi giá thấp hơn 7% hoặc 8% so với điểm mua vào, bạn có thể buộc phải tự động bán đi ít nhất 1 hoặc 2 cổ phiếu khi thị trường chung bắt đầu điều chỉnh. Cách làm này sẽ giúp bạn sớm có tư duy thận trọng. Bằng cách tuân thủ quy tắc cắt lỗ đơn giản nhưng hiệu quả này, rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã không bị thua lỗ lớn trong đợt sụp đổ năm 2000 của các cổ phiếu dẫn dắt thuộc ngành công nghệ cao và trong thị trường con gấu năm 2008 tạo bởi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở ngành bất động sản.
Để một trong các chỉ số thị trường chung tạo ra tín hiệu thiết lập đỉnh có giá trị, dấu hiệu phân phối phải lặp lại liên tục. Bạn không cần thiết phải nhìn thấy nhiều chỉ số thị trường đồng loạt phát ra dấu hiệu phân phối trong 4, 5, hoặc 6 ngày giao dịch. Tương tự, nếu một trong những chỉ số thị trường chung giảm điểm vào ngày có khối lượng lớn hơn so với ngày hôm trước, nó nên giảm điểm nhiều hơn mức 0.2% để được tính là ngày phân phối.
Theo dấu các cổ phiếu dẫn dắt để phát hiện đỉnh thị trường
Chỉ báo quan trọng thứ hai cho thấy sự thay đổi xu hướng của thị trường chung là hành động của các cổ phiếu dẫn dắt. Sau khi thị trường đã tăng giá vài năm, chắc chắn bạn sẽ nhận ra nó đang gặp phải trục trặc nếu như các cổ phiếu dẫn dắt bắt đầu có hành động giá bất thường.
Một ví dụ cho thấy hành động giá bất thường là khi các cổ phiếu dẫn dắt tạo điểm phá vỡ từ nền giá thứ ba hoặc thứ tư kể từ khởi đầu xu hướng tăng. Hầu hết các nền giá này đều bị lỗi, rộng và lỏng. Một nền giá lỗi (có ba đặc điểm nhận diện là: rộng, lỏng, và biến động giá mạnh-hỗn loạn) có thể dễ dàng nhận ra và được phân tích bằng cách nghiên cứu đồ thị ngày, đồ thị tuần của lịch sử giá và khối lượng.
Một dấu hiệu khác của hành động giá bất thường là “đỉnh cao trào (climax top). Nghĩa là một cổ phiếu dẫn dắt sẽ tăng giá rất nhanh trong 2 hoặc 3 tuần liên tiếp, sau khi đã có xu hướng tăng kéo dài nhiều tháng. (Xem Chương 11 về quy tắc bán).
Một vài cổ phiếu dẫn dắt sẽ có cú giảm điểm mạnh bất thường từ đỉnh với khối lượng lớn nhưng sau đó chỉ tăng giá rất ít từ đáy của đợt điều chỉnh này. Trong khi đó, một số cổ phiếu dẫn dắt khác sẽ có sự giảm tốc trong tăng trưởng EPS trong các kỳ báo cáo tài chính gần đây.
Sư thay đổi trong xu hướng thị trường có thể phát hiện ra bằng cách quan sát 4 hoặc 5 mã cổ phiếu cuối cùng trong danh mục đầu tư của bạn. Nếu bạn không thể kiếm được xu nào từ bất cứ mã cổ phiếu nào, khả năng bạn đã chọn các cổ phiếu có tín hiệu mua trong xu hướng giảm. (Người dịch: Ở đây không phải là các tín hiệu mua bị lỗi. Nó hoàn toàn đúng với các tiêu chí mua được kiểm chứng. Tuy nhiên, vì toàn bộ thị trường chung đang giảm giá nên tín hiệu mua bị thất bại. Nên nhớ, chữ M trong hệ thống CANSLIM cho rằng có 75% cổ phiếu sẽ di chuyển theo hướng đi của thị trường chung. Khi tín hiệu mua ở nhiều cổ phiếu dẫn dắt bị thất bại, đó là dấu hiệu cho thấy thị trường chung đang ở trong xu hướng giảm.)
Các nhà đầu tư sử dụng đồ thị và hiểu được hành động giá của thị trường sẽ biết và hiểu rằng, chỉ có một vài cổ phiếu dẫn dắt tỏ ra hấp dẫn tại đỉnh của thị trường chung. Đơn giản là vì ít có cổ phiếu nào trên sàn thiết lập điểm phá vỡ từ các nền giá tốt như các cổ phiếu dẫn dắt này. Những nhà giao dịch giỏi nhất đã mua, và chỉ chọn những cổ phiếu có tín hiệu tốt nhất.
Những cảnh báo khác về thị trường con gấu
Một khi các cổ phiếu dẫn dắt thị trường bắt đầu suy yếu, các cổ phiếu thị giá thấp, nền tảng cơ bản yếu và có tính đầu cơ cao bắt đầu tăng giá, hãy thận trọng! Khi lũ chó già bắt đầu sủa, thị trường đang ở giai đoạn tăng giá yếu ớt cuối cùng. Những cổ phiếu bị thị trường lãng quên (laggard stock) không thể đẩy thị trường tiếp tục tăng giá cao hơn. Một trong số các dấu hiệu tiên đoán trước chính là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản yếu bắt đầu trở nên nổi bật vào những ngày thị trường “tăng giá”. Đây đơn giản chỉ là những tên lính quèn yếu ớt đang cố gắng đẩy thị trường lên. Nhưng một khi các vị tướng (cổ phiếu dẫn dắt) đã rời bỏ trận địa, những tên lính quèn không thể đẩy thị trường đi xa.
Nhiều đỉnh xuất hiện ở ngày thứ ba đến ngày thứ chín của đợt tăng giá sau khi các chỉ số thị trường tạo điểm phá vỡ thoát ra nền giá quá nhỏ (nghĩa là khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc của mẫu hình quá ngắn). Điều quan trọng cần lưu ý là những dấu hiệu này luôn xuất hiện ở tất cả mọi đỉnh.
Ở một số trường hợp khác, sau khi thị trường giảm điểm từ một đỉnh quan trọng, sẽ có đợt tăng giá kéo dài trong vài tháng đẩy chỉ số thị trường quay trở lại đỉnh cũ (thậm chí là vượt cả đỉnh cũ), trước khi bắt đầu sụp đổ. Điều này đã xuất hiện vào tháng 12 năm 1976, tháng 1 năm 1981 và tháng 1 năm 1984. Lý do tâm lý quan trọng giải thích cho hiện tượng này là phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường không thể có hành động hợp lý tại cùng một thời điểm hợp lý. Vào năm 1994, chỉ số Nasdaq không thiết lập đỉnh trong vài tuần sau khi chỉ số Dow Jones đã lập đỉnh. Điều tương tự cũng xảy ra vào đầu năm 2000.
Phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bao gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn cá nhân nhỏ lẻ, đều rất dễ bị lừa. Đây hoàn toàn là cảm xúc và tâm lý con người. Nếu bạn đủ thông minh để bán cổ phiếu hoặc thậm chí bán khống ở đỉnh tháng 1 năm 1981, thì cú phục hồi mạnh mẽ trong tháng 2 và tháng 3 buộc bạn phải đóng tất cả các vị thế bán khống hoặc thậm chí quay trở lại mua cổ phiếu. Cuối cùng thì bạn cũng không thể kiềm chế lòng tham và quay trở lại thị trường. Phần lớn các nhà đầu tư sau đó bị “dính đỉnh” thị trường xuất hiện vào tháng 4 năm 1981. Đây là ví dụ cho thấy các đợt hồi phục thị trường đã đánh lừa các nhà giao dịch tại các điểm đảo chiều như thế nào.
Nguồn: Trích sách Làm giàu từ chứng khoán
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm giàu từ chứng khoán (phiên bản mới) + Hướng dẫn thực hành CANSLIM cho người mới bắt đầu
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)