William O’Neil: Những tín hiệu kỹ thuật trên đồ thị, báo hiệu nên chốt lời
William O’Neil cho rằng – Đừng nên quan tâm quá mức đến các yếu tố cơ bản, chẳng hạn như lợi nhuận, doanh số, lợi nhuận biên, ROE, các sản phẩm mới, vì nhiều cổ phiếu có thể đạt đỉnh ngay khi lợi nhuận tăng đến 100% và nhiều nhà phân tích đang dự phóng kịch bản tăng trưởng cao hơn và mức giá mục tiêu xa hơn.
Dòng tiền thông mình rời đi, bạn không nên ở lại
Bằng cách nghiên cứu các siêu cổ phiếu hình thành như thế nào cũng như hiểu được các siêu cổ phiếu thường đạt đỉnh khi thị trường chung đạt đỉnh, William O’Neil đã đưa ra danh sách các yếu tố thường xuất hiện khi thị trường chung đạt đỉnh và đảo chiều. Có lẽ bạn đã nhận thấy một vài tín hiệu bán liên quan đến những thay đổi trong yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư tổ chức thoát khỏi cổ phiếu trước khi những vấn đề yếu kém xuất hiện trên bảng báo cáo tài chính. Nếu dòng tiền thông minh đã rời đi, bạn không nên ở lại. Các nhà đầu tư cá nhân không thể trụ nổi trước áp lực bán của các nhà đầu tư tổ chức lớn.
Đừng nên quan tâm quá mức đến các yếu tố cơ bản, chẳng hạn như lợi nhuận, doanh số, lợi nhuận biên, ROE, các sản phẩm mới, vì nhiều cổ phiếu có thể đạt đỉnh ngay khi lợi nhuận tăng đến 100% và nhiều nhà phân tích đang dự phóng kịch bản tăng trưởng cao hơn và mức giá mục tiêu xa hơn.
Vào năm 1999, William O’Neil đã bán cổ phiếu Charles Schawab (một trong những công ty môi giới chứng khoán lớn nhất ở Mỹ đang được nhiều nhà phân tích dự báo sẽ còn tăng thêm 50 điểm nữa) khi có hiện tượng đỉnh cao trào và khoảng trống kiệt sức. Gần như tất cả các giao dịch thành công của tôi đều được bán khi cổ phiếu đang tăng giá và thị trường chung vẫn còn tích cực. Người Anh ai cũng biết đến câu tục ngữ cổ của Hy Lạp:
“Thà rằng được sẻ trên tay, còn hơn được hứa trên mây hạc vàng”, hàm ý bạn nên trân trọng và hài lòng với những gì mình có, đừng chạy theo những thứ hào nhoáng xa hoa nhưng lại không chắc chắn. Hãy nên giữ chặt lợi nhuận bạn có được và bán ngay khi còn có thể. Bạn chỉ cần tuân theo hành động giá (là giá và khối lượng), chứ không cần phải lắng nghe các ý kiến cá nhân của các nhà phân tích Phố Wall. Vì tôi chưa từng làm việc ở Phố Wall, tôi không bao giờ bị xao nhãng bởi những thông tin này.
Có nhiều tín hiệu bạn nên nhìn thấy khi cố gắng nhận ra một cổ phiếu đang trong quá trình đạt đỉnh. Những tín hiệu này bao gồm: đỉnh cao trào (climax top), khối lượng thấp và các hành động giá khác. Một khi bạn nghiên cứu các tín hiệu này và áp dụng chúng vào các quyết định giao dịch hàng ngày, bạn sẽ hiểu rõ hơn những gì chúng tôi đề cập. Những quy tắc này đã giúp chúng tôi đưa ra những quyết định đầu tư thông minh hơn, hợp lý hơn.
Tuy nhiên, những người lần đầu tiếp xúc với các quy tắc này sẽ cảm thấy chúng khá phức tạp. Tôi đề nghị bạn đọc lại Chương 2 về cách đọc biểu đồ, sau đó đọc lại các quy tắc chốt lãi một lần nữa trong bộ sách làm giàu từ chứng khoán.
Thực tế, hầu hết các khách hàng của Nhật Báo IBD mà tôi gặp gỡ tại hàng trăm các buổi hội thảo (workshop) đã thực sự thành công nhờ việc họ đọc đi đọc lại cuốn sách này (hai lần, ba lần hoặc nhiều hơn thế). Bạn không thể trở nên tinh thông mọi thứ khi chỉ đọc qua một lần. Những ai thường bị các ý kiến bên ngoài làm nhiễu loạn nên thường xuyên đọc cuốn sách này. Nó sẽ mang lại cho bạn một tư duy độc lập và sáng suốt.
Đỉnh cao trào
Nhiều cổ phiếu dẫn dắt đạt đỉnh theo kiểu đỉnh cao trào, tức đạt đỉnh sau khi có cú tăng giá bùng nổ. Giá cổ phiếu tăng rất mạnh với tốc độ nhanh nhất (kể từ khi bắt đầu một xu hướng tăng đã kéo dài trong vài tháng) chỉ trong một hoặc hai tuần. Ngoài ra, các đỉnh cao trào thường hay kết thúc bằng các khoảng trống kiệt sức (exhaustion gap), là ngày mà giá cổ phiếu mở khoảng trống tăng giá so với giá đóng cửa ngày hôm trước với khối lượng lớn. Sau đây là những tín hiệu cho thấy thị trường đạt đỉnh cao trào.
1. Ngày tăng giá mạnh nhất: Nếu một cổ phiếu đã tăng giá kéo dài (nghĩa là nó đã tăng giá mạnh trong nhiều tháng từ điểm mua tại điểm phá vỡ của một nền giá tốt) và đóng cửa ngày hôm đó với mức tăng giá mạnh hơn bất cứ phiên giao dịch nào kể từ khi bắt đầu toàn bộ xu hướng tăng. Hãy thận trọng! Điều này thường báo hiệu đỉnh đang ở rất gần. (Người dịch: Ngày tăng giá mạnh cũng được hiểu là ngày có chênh lệch đỉnh và đáy trong ngày (daily spread) lớn nhất kể từ khi bắt đầu xu hướng tăng).
2. Khối lượng giao dịch lớn nhất: Các đỉnh cao trào thường xảy ra với khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ khi bắt đầu xu hướng tăng.
3. Khoảng trống kiệt sức: Nếu một cổ phiếu đang tăng giá quá nhanh sau khi đã tăng giá kéo dài từ một nền giá tốt trong nhiều tháng (thường ít nhất là 18 tuần sau khi tạo điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá thứ nhất hoặc thứ hai và 12 tuần hoặc nhiều hơn sau khi tạo điểm phá vỡ từ nền giá cuối cùng), thì việc giá mở cửa tạo nên khoảng trống so với giá đóng cửa ngày hôm trước là dấu hiệu cho thấy đỉnh đang ở rất gần. Ví dụ, khoảng trống giá 2 điểm xuất hiện ở một mã cổ phiếu sau khi đã tăng giá kéo dài thường xảy ra nếu nó đóng cửa tại đỉnh cao nhất của ngày là $50, và sau đó mở cửa buổi sáng tiếp theo tại mức $52, đồng thời giữ giá nằm trên $52 trong suốt ngày hôm đó. Đây được gọi là khoảng trống kiệt sức.
4. Chuỗi tăng giá quá hưng phấn của đỉnh cao trào: Hãy bán nếu đợt tăng giá của cổ phiếu trở nên quá phấn khích, được thể hiện bởi 2 hoặc 3 tuần tăng giá mạnh trên biểu đồ tuần, hoặc chuỗi tăng giá 7-8 ngày trong 8-10 ngày trên đồ thị ngày (Người dịch: khi có 70% phiên tăng giá trong 7-15 phiên giao dịch được xem là chuỗi tăng giá quá nhanh và hưng phấn của đỉnh cao trào). Trong chuỗi tăng giá hưng phấn này, thường xuất hiện những phiên có chênh lệch giữa đỉnh cao nhất và đáy thấp nhất trong ngày (daily spread) lớn nhất kể từ khi bắt đầu xu hướng tăng trong vài tháng).
Trong một số trường hợp, quanh đỉnh cao trào, một số cổ phiếu có thể xuất hiện những ngày giảm điểm từ đỉnh cao nhất của tuần trước đến đáy thấp nhất của tuần trước và sau đó đóng cửa tuần tăng giá nhẹ, với khối lượng duy trì ở mức cao. Tôi gọi đây là mẫu hình đảo chiều “Đường ray xe lửa (raildroad tracks)” vì trên biểu đồ tuần, bạn sẽ nhìn thấy hai đường thẳng song song với nhau như đường ray của xe lửa. Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động phân phối với khối lượng lớn mà giá không tăng nhiều trên biểu đồ tuần.
5. Tín hiệu phân phối: Sau một đợt tăng giá kéo dài, những phiên giao dịch có khối lượng lớn nhưng giá tăng ít là dấu hiệu của sự phân phối. Hãy bán cổ phiếu trước khi những người mua khờ dại khác ào ạt bán ra. Tín hiệu phân phối xuất hiện khi các nhà đầu tư thông minh bắt đầu hiện thực hóa lợi nhuận dài hạn.
6. Chia tách cổ phiếu: Hãy bán nếu một cổ phiếu tăng giá 25% đến 50% trong 1 hoặc 2 tuần sau lần chia tách cổ phiếu. Chỉ trong một số ít trường hợp, chẳng hạn như Qualcomm vào cuối năm 1999 có thể đạt tới mức tăng 100%. Các cổ phiếu thường có khuynh hướng đạt đỉnh khi có sự chia tách cổ phiếu quá mức. Nếu một cổ phiếu đã tăng giá kéo dài từ một nền giá và công ty thông báo tiến hành chia tách cổ phiếu, trong nhiều trường hợp đó chính là lý do để bán.
7. Chuỗi ngày giảm giá tăng lên: Đối với phần lớn các cổ phiếu, số ngày giảm giá liên tiếp sẽ nhiều hơn số ngày tăng giá liên tiếp khi cổ phiếu bắt đầu giảm giá từ đỉnh. Bạn có thể nhìn thấy 4 hoặc 5 ngày giảm giá liên tiếp, theo sau là 2 hoặc 3 ngày tăng giá, như là tín hiệu cho thấy xu hướng giảm sắp bắt đầu. Trước đây, trong một xu hướng tăng, bạn sẽ nhìn thấy điều ngược lại là 4 -5 ngày tăng giá liên tiếp theo sau là 2-3 ngày giảm giá.
8. Vượt qua đường xu hướng trên của kênh giá: Hãy chốt lãi nếu như cổ phiếu vượt qua đường xu hướng trên của kênh giá sau khi xuất hiện đợt tăng giá cực mạnh (Người dịch: hiện tượng tăng giá theo kiểu “Thổi bùng lên – blow off” thường khiến cho giá vượt qua đường xu hướng trên của kênh giá hoặc cạnh trên của mẫu hình sóng chéo hoặc cái nêm). (Trên đồ thị, đường xu hướng trên của kênh giá là đường thẳng song song với đường xu hướng nối các đáy được hình thành trong 4-5 tháng). Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các chứng khoán tăng giá quá mạnh và vượt qua đường xu hướng trên của kênh giá thì nên sớm chốt lãi.
9. Giá nằm cách quá xa so với đường trung bình di động 200 ngày: Một số cổ phiếu nên được bán khi nằm cao hơn 70%-100% hoặc nhiều hơn nữa so với đường trung bình di động 200 ngày. Tuy nhiên, tôi khá ít sử dụng kỹ thuật này.
10. Bán khi cổ phiếu đã giảm giá từ đỉnh: Nếu bạn không thể bán sớm trong khi giá vẫn còn đang tăng, thì hãy bán sớm nhất có thể ngay sau khi giá giảm xuống từ một đỉnh. Sau lần giảm mạnh đầu tiên từ đỉnh, một số cổ phiếu thường xuất hiện các đợt hồi phục để giúp bạn có cơ hội thoát hàng.
Khối lượng thấp và các hành động giá suy yếu khác
1. Đỉnh cao mới với khối lượng thấp: Một vài cổ phiếu thiết lập đỉnh cao mới với khối lượng thấp. Khi cổ phiếu tăng giá cao hơn nhưng khối lượng giảm đi cho thấy các nhà đầu tư lớn không còn hào hứng với cổ phiếu này.
2. Đóng cửa tại hoặc gần với đáy thấp nhất của ngày: Đỉnh này cũng thường được nhìn thấy trên đồ thị ngày dưới dạng các “mũi tên” đi xuống. Nghĩa là, trong vài ngày, giá đóng cửa sẽ nằm gần hoặc tại mức đáy thấp nhất của ngày và xóa sạch toàn bộ thành quả tăng giá của ngày hôm đó. (Các “mũi tên” này là các mẫu hình nến “Shooting Star”, “Cái Đuôi Con Chuột Túi” hoặc Pin Bar- chú thích của người dịch).
3. Nền giá thứ ba hoặc thứ tư: Bán khi cổ phiếu khi nó thiết lập đỉnh cao mới từ nền giá thứ ba hoặc thứ tư. Nền giá thứ ba hiếm khi thành công trên thị trường. Lúc này, một cổ phiếu tăng giá đã trở nên quá rõ ràng và gần như tất cả mọi nhà đầu tư đều chú ý đến nó. Các nền giá cuối thường bị lỗi, với đặc điểm rộng hơn và lỏng hơn. Có đến 80% điểm phá vỡ từ nền giá thứ tư là thất bại. Vấn đề là bạn phải xác định đúng đó có phải là nền giá thứ tư hay không.
4. Tín hiệu của các đợt hồi phục yếu ớt: Khi bạn đã nhìn thấy sự xuất hiện những phiên giao dịch với khối lượng lớn ở gần đỉnh, các phiên tăng giá tiếp theo thường có khối lượng thấp, mức tăng giá yếu ớt và chỉ tồn tại trong vài ngày. Hãy chốt lãi ở ngày tăng giá thứ hai hoặc thứ ba của đợt phục hồi yếu ớt này. Đây là cơ hội thoát hàng tốt nhất trước khi giá đổ dốc nhanh và mạnh, phá thủng các đường xu hướng và mức hỗ trợ.
5. Giảm giá từ đỉnh: Một cổ phiếu giảm giá 8% hoặc nhiều hơn từ đỉnh (trong một số trường hợp có thể tiến gần đến đỉnh cũ thấp hơn của đợt tăng giá mạnh trước đó) có thể giúp bạn xác định xem liệu xu hướng tăng giá đã kết thúc hay đó chỉ là đợt điều chỉnh bình thường 8%-15% trong xu hướng tăng dài hạn. Bạn nên bán đi nếu như mức giảm từ đỉnh là trên 12% hoặc trên 15%.
6. Chỉ báo RS yếu: Chỉ báo RS đo lường sức mạnh giá tương đối. RS thấp có thể là một lý do khác để chốt lãi. Hãy tiến hành bán khi Xếp Hạng RS do Nhật Báo IBD cung cấp xuống dưới mức 70.
7. Kẻ Lang Thang Cô Độc: Hãy tiến hành chốt lãi nếu sức mạnh giá không có sự xác nhận từ các cổ phiếu quan trọng khác trong cùng ngành. (Người dịch: Các siêu cổ phiếu hay cổ phiếu dẫn dắt không đi một mình. Thường chúng thuộc về các ngành rộng. Các cổ phiếu dẫn dắt tăng giá thường kéo các cổ phiếu trong ngành tăng giá theo. Do đó, khi cổ phiếu dẫn dắt một mình đơn độc tăng giá trong khi tất cả các cổ phiếu trong ngành, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều suy yếu là dấu hiệu cảnh báo cho xu hướng tăng giá toàn ngành đã kết thúc).
Phá vỡ mức hỗ trợ mạnh
Việc giá phá vỡ một mức hỗ trợ mạnh (có thể là một đường xu hướng đã hình thành trong thời gian dài) khi đóng cửa tuần là dấu hiệu cho thấy bạn nên tiến hành chốt lãi.
1. Đường xu hướng tăng dài hạn bị phá vỡ: Hãy bán nếu cổ phiếu đã đóng cửa tuần dưới đường xu hướng tăng dài hạn hoặc phá vỡ một mức hỗ trợ mạnh với khối lượng lớn. Đường xu hướng tăng dài hạn là đường nối ít nhất ba đáy thấp nhất trong ngày hoặc trong tuần được hình thành trong vài tháng. Đường xu hướng được vẽ trong thời gian quá ngắn không có giá trị.
2. Mức giảm giá trong một ngày là lớn nhất: Nếu một cổ phiếu đã tăng giá kéo dài và bất ngờ có một ngày giảm giá mạnh nhất kể từ khi bắt đầu xu hướng tăng, hãy xem đây là dấu hiệu chốt lãi nếu có sự xác nhận từ các tín hiệu khác.
3. Tuần giảm điểm với khối lượng lớn nhất: Trong nhiều trường hợp, hãy chốt lãi nếu cổ phiếu có tuần giảm điểm với khối lượng lớn nhất trong vài năm.
4. Đường trung bình di động 200 ngày đang dốc xuống: Sau xu hướng tăng giá kéo dài, nếu đường trung bình di động 200 ngày đang hướng đi xuống, nên tiến hành chốt lãi. Tương tự, hãy bán tại đỉnh cao mới nếu cổ phiếu có một nền giá yếu (hoặc bị lỗi) nằm dưới đường trung bình di động 200 ngày (Ghi chú: Khi phần lớn giá đều nằm ở nửa dưới của nền giá được xem là một nền giá yếu).
5. Giá nằm dưới đường trung bình di động 10 tuần (tương đương 50 ngày): Hãy xem xét: tiến hành chốt lãi sau khi cổ phiếu đã tăng giá kéo dài và đóng cửa dưới đường trung bình di động 50 ngày. Sau đó, cổ phiếu nằm dưới đường trung bình di động này trong 8 hoặc 9 tuần liên tiếp nhưng không thể tăng giá và đóng cửa trên đường trung bình di động.
Happy Live team biên soạn/Làm giàu từ chứng khoán