fbpx

Xây dựng quỹ khẩn cấp như thế nào để không “cháy túi”?

Những lưu ý khi công ty trách nhiệm hữu hạn một-mình-tôi lập quỹ khẩn cấp để không “cháy túi”.

Khi nhắc đến quỹ khẩn cấp, bạn sẽ dễ bắt gặp nhiều thông tin liên quan đến các phạm trù của nó, như chiến thuật tiết kiệm hay quỹ chìm (sinking fund).

Ngoài ra, có một nội dung quan trọng không kém nhưng thường bị bỏ quên. Đó là việc xây dựng hạn mức quỹ khẩn cấp sao cho phù hợp, với mức thu nhập và điều kiện tài chính khác nhau của mỗi người.

Đầu tiên, hãy xác định hạn mức tối thiểu

Về lý thuyết, quỹ khẩn cấp không đơn thuần là một khoản tiết kiệm cho những chi phí phát sinh (ví dụ như sửa xe, du lịch) như quỹ chìm.

Thay vào đó, nó còn phải đảm bảo khả năng chi trả cho những hoá đơn lớn ngoài kế hoạch. Và thậm chí, nó đủ điều kiện để trở thành một khoản thu nhập thay thế khi bạn đột ngột mất việc hoặc nguồn thu nhập chính.

Do đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị định mức tối thiểu cho khoản này tối thiểu bằng 3 đến 12 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản.

Khoảng thời gian này được chia nhỏ thành 3 mức chính. Mỗi định mức ứng với những đối tượng đặc thù để mang lại hiệu quả bảo đảm tài chính cao nhất.

Xây dựng quỹ khẩn cấp như thế nào để không "cháy túi"?

Định mức 1: Tối thiểu 3 – 4 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản

Hãy dành quỹ tối thiểu bằng con số này khi:

Sức khỏe tài chính của bạn tương đối khỏe mạnh

Điều này có nghĩa rằng bạn không có nhiều khoản nợ hoặc chậm chi trả các hóa đơn chi tiêu. Bạn có mức chi tiêu cho các nhu cầu sinh hoạt thường nhật thấp, đồng thời không có thói quen chi tiêu lớn cho các nhu cầu đột xuất (ví dụ săn sale hàng hiệu hoặc đi du lịch không định trước).

Tình trạng công việc ổn định

Mức thu nhập hiện tại đủ để bạn cân bằng các khoản chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Ngoài ra, bạn phải đảm bảo dễ dàng tìm được một công việc nếu bạn mất đi công việc hiện tại

Bạn không có nhiều yếu tố lệ thuộc tài chính khác

Đơn cử như bạn không có đối tượng phụ thuộc thu nhập của bạn hàng tháng, như con cái hay thú nuôi.

Bên cạnh đó, nếu bạn có đối tượng có thể dựa vào để hỗ trợ tài chính khi cần (như người thân trong gia đình hay bạn bè) thì cũng là một lợi điểm để chọn quy mô quỹ ở khoảng này.

Định mức 2: Tối thiểu 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản

Hãy dành quỹ tối thiểu bằng con số này khi:

Sức khỏe tài chính của bạn ổn định nhưng có mức sống cao

Điều này có nghĩa bạn thường phải chi trả hơn nửa hoặc gần bằng mức thu nhập trung bình hàng tháng. Bạn cũng thường xuyên sử dụng các khoản tiền lớn đột xuất – như lướt sóng một cơ hội đầu tư hoặc săn khuyến mãi hàng hiệu.

Tình trạng công việc có nhiều biến động

Bạn làm việc trong các lĩnh vực cạnh tranh cao, khó để tìm việc mới nếu mất công việc hiện tại. Hoặc cũng có thể việc bạn đang làm mang tính thời vụ, không cố định (freelancer, nghệ sĩ tự do).

Có các yếu tố lệ thuộc tài chính khác

Đơn giản, bạn có con cái, thú nuôi cần chăm sóc nhưng không chiếm quá nhiều thu nhập.

Ngoài các yếu tố kể trên, mức tối thiểu này còn phù hợp nếu bạn không có người hỗ trợ về tài chính khi cần thiết, có vấn đề về sức khỏe cần phải chăm sóc duy trì, hay làm việc, hoạt động trong môi trường có nhiều rủi ro (ví dụ bạn là vận động viên các bộ môn thể thao mạo hiểm).

Nguyên nhân là vì dù các khoản bảo hiểm có thể hỗ trợ tài chính phần nào, bạn vẫn phải tính đến kịch bản dự phòng. Đó cần là nguồn tài chính đủ lớn để duy trì tối thiểu các chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian xảy ra sự cố (ví dụ hồi phục sau tai nạn) hoặc giai đoạn bạn không thể làm việc.

Xây dựng quỹ khẩn cấp như thế nào để không "cháy túi"?

Định mức 3: Tối thiểu 12 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản

Hãy dành quỹ tối thiểu bằng con số này khi:

    • Bạn có thu nhập cao và cũng có mức sống (chi tiêu) cao.
    • Bạn là trụ cột thu nhập trong một gia đình. Nói cách khác, có nhiều đối tượng phụ thuộc vào thu nhập của bạn.
    • Bạn đã nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu.

Như vậy, khác với những mức tối thiểu trên, tiêu chí cho mức tối thiểu 12 tháng sẽ phù hợp nhất nếu bạn có điều kiện tài chính tốt.

Tuy nhiên, dù có thuộc nhóm này, bạn cũng nên chú ý hoàn thiện và duy trì kế hoạch phân bổ tài chính để vừa tạo ra nguồn tài chính bổ sung, vừa đảm bảo tính ổn định của quỹ khẩn cấp.

5 bước để xây dựng quỹ khẩn cấp

Sau khi xác định được quy mô quỹ tối thiểu theo nhu cầu cá nhân, câu hỏi đặt ra tiếp theo sẽ là xây dựng quỹ từ bước đầu như thế nào?

Có nhiều cách để trả lời cho câu hỏi này, dưới đây là kịch bản xây dựng tham khảo, theo 5 bước.

Bước 1: Tính số tháng chi tiêu cần tiết kiệm

Bạn hãy xác định số tháng chi tiêu (months of expenses) cần phải để dành. Con số này thường là từ ba đến sáu tháng, và dựa trên thu nhập của bạn cùng các yếu tố rủi ro về mặt tài chính cá nhân.

Bước 2: Tính toán mức chi tiêu trung bình 1 tháng

Khi tính toán chi phí, hãy chỉ kiểm đếm những thứ bạn vẫn phải trả trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như tiền thuê nhà, tiền mua nhu yếu phẩm và các hóa đơn điện-nước. Các khoản chi tiêu tùy chọn như đi du lịch và ăn tối nên được bỏ ra.

Xây dựng quỹ khẩn cấp như thế nào để không "cháy túi"?

Bước 3: Lập mục tiêu xây dựng quỹ khẩn cấp từ kết quả Bước 1 và Bước 2

Hãy nhân chi phí hàng tháng của bạn với số tháng bạn muốn tiết kiệm.

Ví dụ, nếu bạn muốn tiết kiệm bốn tháng chi tiêu với chi phí chi tiêu của một tháng là 15 triệu đồng, quy mô quỹ khẩn cấp mục tiêu của bạn sẽ là 60 triệu đồng (15 triệu đồng x 4).

Bước 4: Tự động hóa kịch bản tiết kiệm của bạn

Sau khi xác lập mức quy mô ở Bước 3, hãy bắt đầu quyết định số tiền có thể chi trả để tiết kiệm mỗi tháng. Từ đó, bạn có thể dùng các ứng dụng hay ngân hàng số để thiết lập các khoản tiền gửi tự động vào tài khoản tiết kiệm từ tài khoản cá nhân hàng tháng.

Bước 5: Tối ưu nguồn tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp

Trong thời gian tiết kiệm, nếu có thêm các khoản thu khác (tiền hoàn thuế, thu nhập phụ, trúng thưởng), bạn nên cân nhắc gửi chúng vào quỹ khẩn cấp để đạt được mục tiêu hoàn thiện quỹ sớm hơn.

Lời kết

Việc xây dựng quỹ có thể sẽ gây nhiều bất cập ở thời gian đầu, nhất là khi bạn chưa có thói quen tiết kiệm một khoản tiền lớn. Lúc này, chỉ cần nhớ rằng không ai bắt bạn phải hoàn thiện quỹ ngay lập tức.

Tuy nhiên, hãy luôn ý thức rằng xây dựng quỹ khẩn cấp là một quá trình liên tục và cần được ưu tiên. Điều này tương tự như cách bạn đối xử với quỹ hưu trí cá nhân.

Hãy nghĩ đến tương lai tài chính ổn định sau khi đạt được mục tiêu này, bạn sẽ thoải mái hơn khi dùng tiền để thực hiện các mục tiêu khác.

Happy Live Team

Nguồn: Vietcetera

Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm

Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững

101 Lời Khuyên Tài Chính Cá Nhân Từ Thái Phạm

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề