[XOÁ MÙ TÀI CHÍNH] – 7 BƯỚC DẪN ĐẾN TỰ DO TÀI CHÍNH
Điều cốt lõi nhất trong phương pháp của Dave Ramsey là 7 Bước Tiến Tới Tự Do Tài Chính mà ông gọi là “7 Baby Steps“. Trong bài viết này, tôi sẽ đi sâu vào giải thích cụ thể từng bước một, bổ sung ý kiến cá nhân về điểm mạnh/yếu (nếu có) của từng bước, và những ứng dụng thích hợp cho hoàn cảnh của người Việt Nam.
Bước 0: Kiểm soát chi tiêu hiện tại
Đây là một bước ít khi được nhắc đến nhưng lại rất quan trọng cho những người mới bắt đầu, đặc biệt là những người chưa biết cách quản lý tài chính hiệu quả. Đó là việc phải kiểm soát được chi tiêu hiện tại của mình (stay current!).
Ví dụ, nếu bây giờ tôi hỏi bạn 3 câu: (1) Một tháng bạn kiếm được bao nhiêu tiền? (2) Một tháng bạn chi tiêu hết bao nhiêu? (3) Tất cả các khoản nợ của bạn tổng cộng là bao nhiêu và lãi suất như thế nào? Bạn có thể nhắm mắt lại và trả lời ngay được không? Nếu không, bạn chưa sẵn sàng để tiếp tục.
Bạn phải biết được mình làm được bao nhiêu, tiêu bao nhiêu, nợ bao nhiêu, và thêm nữa, tiền dôi dư dùng để tiết kiệm và đầu tư là bao nhiêu thì mới có thể tính toán được tình trạng tài chính hiện tại của mình. Rất nhiều người lo lắng mất ăn mất ngủ vì tiền nhưng chưa chắc họ đã biết được nỗi lo của mình nó có hình hài như thế nào, khối lượng bao nhiêu, và thực sự đáng lo đến thế nào.
Bước 1: Tiết kiệm $500 – $1,000 ban đầu cho Tài khoản Khẩn Cấp (Emgenency Fund)
Dave Ramsey kể rằng khi ông mới bắt đầu huấn luyện mọi người về tài chính (chủ yếu để trả nợ và tránh phá sản) bước 1 này chưa hề tồn tại. Ông thường khuyên mọi người bắt tay vào trả nợ ngay. Tuy nhiên, một thời gian sau, ông phát hiện ra rằng rất nhiều người thất bại vì cứ mỗi khi họ gom được tiền trả nợ thì một điều gì đó không may lại xảy ra (như ốm đau, tai nạn, mất việc) khiến cho họ lâm vào nợ nần còn chồng chất hơn. Bởi vậy, Dave nhận ra rằng ai cũng cần có khoản tiết kiệm ban đầu đề phòng khẩn cấp. Con số ông đưa ra là $500 (khoảng 11 triệu 500 ngàn đồng) nếu thu nhập của gia đình bạn dưới $2,000/tháng (tương đương 45-46 triệu/tháng) HOẶC $1,000 (khoảng 23 triệu) nếu thu nhập của gia đình bạn trên $2,000/tháng. Đối với thu nhập bình quân một gia đình Việt Nam làm công chức bình thường, theo tôi, mức $500 cho tài khoản khẩn cấp ban đầu là tạm ổn.
Với bạn, số tiền $500 hay $1,000 có thể là rất nhiều hoặc cũng có thể là rất ít. Nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm làm chuyên gia tài chính, Dave nói rằng Bước 1 này thường là bước khó nhất trong 7 bước ông đề ra. Nó khó bởi vì đối với những người vốn không tiết kiệm hoặc không tìm đâu ra đủ tiền hàng tháng thì rất khó họ mới để ra được một khoản riêng – đòi hỏi kỷ luật cao, sự hy sinh, và nỗ lực lớn. Nó cũng khó với những người giỏi tiết kiệm vì họ thường muốn số tiền tiết kiệm phải nhiều hơn cho an toàn, họ không muốn giảm xuống mức $500 hay $1,000 để chỉ phập phồng lo đủ cho tới khi trả hết nợ. Rất nhiều người cũng tranh cãi về số tiền khẩn cấp này. Liệu nó đã đủ để lo cho một trường hợp khẩn cấp xảy ra hay chưa?
Theo quan điểm của tôi, mức $500-$1,000 này là hoàn hảo, dù cho bạn đang ở trong hoàn cảnh nào. Thứ nhất, nó không quá nhiều để cho những người ở vào tình trạng kinh tế cạn kiệt cảm thấy không thể nào với tới được (đồng nghĩa với việc họ từ bỏ ngay khi mới bắt đầu). Thứ hai, nó cũng đủ ít để những ai đang trong cảnh nợ nần không cảm thấy thoải mái, an toàn với khoản tiền tiết kiệm này. Chính vì sự bấp bênh mà khoản tiền này đem lại, những người đang mắc nợ sẽ có động lực lớn hơn để trả dứt nợ, để có thể tiết kiệm được nhiều hơn, và cảm thấy an toàn hơn. Chính vì thế, số tiền này là xác đáng cho tất cả mọi người ở mọi hoàn cảnh tài chính để có thể bắt đầu.
Trong quá trình trả nợ (Bước 2), nếu không may bạn gặp trường hợp khẩn cấp phải dùng đến khoản tiết kiệm này, hãy cứ sử dụng nó (và biết ơn là mình có để ra một khoản này). Sau đó, tạm ngừng Bước 2 lại để bồi hoàn đủ tiền cho Bước 1 rồi mới tiếp tục làm tiếp Bước 2. Điều này đảm bảo cho bạn luôn có một khoản nhất định, không quá nhiều nhưng cũng không quá ít, để đề phòng bất trắc.
Bước 2: Trả TẤT CẢ các khoản nợ (trừ tiền trả góp nhà, nếu có)
Nếu bạn đang có khoản nợ, đây thường là bước khó khăn, cần phải tập trung nhiều nhất. Quan điểm của Dave Ramsey là bằng mọi giá, phải trả dứt nợ (trừ khoản tiền trả góp nhà vì khoản này thường yêu cầu nhiều thời gian hơn, mức lãi cũng thường thấp hơn các khoản vay khác – Tham khảo Bước 6). Do vậy, mặc dù có nhiều lời khuyên về quản lý tài chính như chia tiền hàng tháng ra nhiều khoản như đầu tư, tiết kiệm, trả nợ…, Dave cho rằng nếu bạn đang mắc nợ, bạn phải dừng hoàn toàn tất cả các khoản đầu tư và chỉ tập trung trả nợ. Nhiều người có thể tranh luận rằng nếu khoản tiền lãi suất phải trả cho nợ nần thấp hơn khoản tiền lãi nhận được khi đầu tư thì tại sao không giữ nợ mà kiếm tiền từ đầu tư? Nhưng thực sự về mặt tâm lý mà nói, mắc nợ là một điều rất đáng sợ (người mang nợ không khác gì nô lệ cho chủ nợ) bởi vậy, nếu muốn tự do, ta phải thoát được nợ thì mới có thể ngẩng cao đầu. Đối với những người không có tâm lý này và coi nợ nần là chuyện bình thường, đương nhiên phải có để làm giàu thì càng đáng ngại hơn. Bởi vì đối với những người này, họ có thể sẵn sàng nhảy vào rủi ro lớn mà không có suy nghĩ, không cẩn trọng tính toán. Có thể bất cứ ai trong chúng ta, đặc biệt là những người làm kinh doanh, đều phải có lúc nợ tiền học, tiền hàng hóa, tiền người thân, tiền khách hàng… nhưng điều khác biệt là tư tưởng, tâm lý, cái nhìn của ta về nợ nần; nếu không cảm thấy sợ nợ nần, rất khó có thể tập trung trả được dứt nợ.
Phương pháp trả nợ Dave Ramsey ủng hộ là Debt Snowball – Phương pháp trả từ khoản nhỏ nhất đến lớn nhất, không kể lãi suất. Đối với phương pháp này, bạn trả khoản tối thiểu hàng tháng (có thể đa phần là tiền lãi) cho tất cả các khoản nợ mình đang có, nhưng tập trung trả nhiều hơn và trả dứt điểm khoản nợ nhỏ trước (không cần quan tâm khoản này lãi suất cao hay thấp). Cách làm này đánh vào tâm lý và hành vi của người mang nợ. Đó là, khi bạn tập trung trả khoản nợ nhỏ trước, bạn sẽ đỡ cảm thấy choáng ngợp hơn và tin là mình có thể cố gắng làm được (thay vì bắt tay vào khoản nợ lớn nhất và cảm thấy đuối). Mỗi khi trả được dứt một khoản nợ, bạn sẽ cảm thấy phấn chấn hơn, tự tin hơn vào bản thân, và từ đó, càng tập trung trả nợ nhanh hơn. Cách làm này đã được nhiều nghiên cứu (nghiên cứu độc lập, không phải từ Dave Ramsey) chứng minh rằng giúp cho nhiều người thoát nợ nhanh hơn hẳn các phương pháp khác vì nó đánh vào tâm lý và hành vi con người.
Bạn có thể đang tự hỏi: Nhưng tiền đâu để trả nợ? Tiền trước hết đến từ thu nhập hiện tại của bạn, tiền sau đó đến từ việc bạn cắt giảm chi tiêu, và tiền cũng đến từ việc bạn làm thêm tăng thu nhập. Trên thực tế, hầu hết mọi người khi làm budget để quản lý chặt tài chính sẽ đều phát hiện ra lỗ hổng mà mình từng tiêu xài hoang phí (ví dụ, một cốc cà phê hàng sáng cộng lại 30 ngày/tháng cũng là rất nhiều tiền, vài bát phở ăn ngoài đường trong khi nhà đã có cơm ăn sẵn cộng lại cũng là rất nhiều tiền…) nên việc có thêm khoản tiền nhỏ đổ vào trả nợ là không quá khó. Ngoài ra, khi bạn tập trung cao độ trả nợ, bạn cũng sẽ có thêm động lực để làm thêm tăng thu nhập (ví dụ, nhận thêm việc, làm tăng ca, buôn bán thêm bên ngoài…) do vậy, thu nhập cũng sẽ tăng lên. Một điều quan trọng nữa trong giai đoạn này là hết sức tránh để tăng thêm nợ (không nên dùng thẻ credit card – thẻ tiêu trước trả tiền sau vì đó cũng là một hình thức nợ, không nên đi du lịch, mua sắm khi không có đủ tiền mặt, không nên vay tiền chỗ này để trả bù vào chỗ kia vì nó chỉ gây nợ sâu hơn mà thôi).
Suy cho cùng, nếu bạn có quyết tâm thì cơ hội sẽ mở ra cơ hội, tiền sẽ mang đến thêm tiền, năng lượng sẽ được tiếp sức để bạn về đến đích. Luôn luôn còn hy vọng, nếu ta hành động ngay hôm nay!
Bước 3 + 3B: Tiết kiệm 3-6 tháng tiêu dùng hàng tháng, cho vào Tài Khoản Khẩn Cấp (đầy đủ) + Tiền đặt cọc cho căn nhà (nếu cần mua trả góp)
Sau khi đã trả được dứt nợ, bạn sẽ muốn tìm đến sự an toàn, bình an để tiếp tục tiến tới các mục đích tài chính mới. Do vậy, ở Bước 3 này, Dave khuyên mọi người nên tiết kiệm 3-6 tháng tiền tiêu dùng hàng tháng (chỉ tính chi tiêu cơ bản nhất như tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn, tiền học cho con..). Khoản tiền này sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn đến bất chợt như đột ngột mất việc, ốm không đi làm được, khủng hoảng lớn ảnh hưởng đến chi tiêu cả gia đình… Với số tiền này, bạn có thể “mua” thêm thời gian tĩnh dưỡng, tập trung tìm việc, phục hồi khó khăn mà không quá căng thẳng, mệt mỏi.
Mỗi gia đình, tùy vào số lượng người trong nhà và chi tiêu hàng tháng mà bạn tính toán xem số tiền 3-6 tháng này là bao nhiêu. Đối với một gia đình bình thường ở Việt Nam, nếu bạn sống ở thành phố với mức chi tiêu từ trung bình đến trên trung bình, tôi nghĩ khoảng 100 trăm đến 200 triệu đồng là khá ổn để tiết kiệm cho bước này.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc mua nhà riêng, Dave khuyên bạn cũng có thể tiết kiệm cho tiền đặt cọc nhà (down payment) ở bước này – gọi là Bước 3B. Bước 3B có nghĩa là sau khi bạn đã tiết kiệm được 3-6 tháng tiền tiêu dùng rồi, bạn sẽ tiếp tục tiết kiệm cho đủ số lượng tiền đặt cọc nhà yêu cầu. Tùy vào nơi bạn muốn mua và giá trị căn nhà, tiền đặt cọc có thể sẽ khác nhau nhưng về cơ bản, bạn muốn tiết kiệm khoảng 20% giá trị toàn căn nhà để không phải vay nợ trả góp quá nhiều. Để biết bạn có khả năng trả góp phần còn lại của căn nhà hay không, Dave cho rằng bạn không nên mua căn nhà nào mà tiền nhà + tiền lãi hàng tháng lớn hơn 25% thu nhập của bạn sau thuế. Con số 25% này cho phép bạn có thể duy trì được căn nhà và tập trung khoản tiền dư trả nợ nhà dứt điểm. Nhiều hơn 25% thì quá mạo hiểm, nếu có vấn đề gì xảy ra với thu nhập thông thường của bạn thì bạn cũng sẽ dễ mất luôn căn nhà.
Một số bạn đọc từng hỏi ý kiến của tôi về cuộc tranh luận Thuê nhà vs. Mua nhà. Theo quan điểm của tôi (dưới sự ảnh hưởng không nhỏ từ Dave Ramsey), bạn hoàn toàn không nên mua nhà khi chưa sẵn sàng, kể cả khi tiền thuê nhà có thể lớn hơn tiền trả góp nhà hàng tháng vì chủ sở hữu một căn nhà đi kèm với nhiều khoản chi hơn thuê nhà (như sửa chữa, nội thất, thuế nhà đất…).
Nhưng sẵn sàng là như thế nào?
Sẵn sàng là khi bạn đã (1) Trả hết nợ, (2) Có đủ 3-6 tháng tiền tiết kiệm, và (3) Đủ tiền trả đặt cọc 20% giá trị toàn căn nhà và trả góp tiền nhà + tiền lãi không quá 25% thu nhập hàng tháng.
Ngày nay, đối với những người trẻ, trừ khi được hưởng thừa kế từ bố mẹ hay được gia đình hỗ trợ, ta rất khó có thể ngay lập tức bỏ ra tiền mặt một cục mua hẳn một căn nhà. Do vậy, xu hướng vay tiền ngân hàng để mua nhà càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, nhất là ở thành phố lớn. Bởi vậy, bạn có thể cũng sẽ phải vay và phải trả tiền nhà, nhưng nếu biết tính toán cẩn thận về căn nhà và về khả năng tài chính của mình, bạn sẽ vẫn có thể sở hữu nhà sau một thời gian kiên trì, nỗ lực trả góp theo đúng cách.
Bước 4: Đầu tư 15% thu nhập vào tài khoản lương hưu tiết kiệm
Các bước 4, 5, và 6 tới đây thường được tiến hành song song vì nó yêu cầu thực hiện trong thời gian tương đối dài, đều đặn, và thường xuyên. Bước thứ 4 này là đầu tư 15% thu nhập hàng tháng cho khoản lương hưu tiết kiệm. Khác với mô hình về hưu có phần “bao cấp” tại Việt Nam khi người lao động làm việc cả đời và sau đó nhận một khoản tiền nhất định kiểu “một cục” hay một phần lương hàng tháng khi về hưu, lời khuyên của Dave Ramsey là người lao động chủ động đầu tư tiền vào một tài khoản có sinh lãi. Nếu ta chủ động đầu tư như vậy trong một thời gian dài khi mới bắt đầu đi làm (20-30 năm trở lên), khoản tiền lãi này sẽ tiếp tục lớn lên, tiếp tục sinh thêm lãi để đến khi về hưu, đây trở thành một khoản ổn định, tiếp tục chu cấp cho cuộc sống mặc dù ta không còn đi làm nữa.
Bước 4 này đặc biệt rất dễ để thực hiện cho những người sống ở các nước phát triển và làm việc trong cơ quan và tổ chức có chương trình đầu tư tiết kiệm cho người lao động. Ví dụ, chương trình ở Mỹ thường được Dave nhắc đến là (Roth) 401K và (Roth) IRA, trong đó người lao động đóng một khoản cố định hàng tháng vào một tài khoản đầu tư từ lúc bắt đầu đi làm đến khi khoảng 60 tuổi. Về cơ bản, tùy theo lựa chọn của người lao động và chương trình của từng cơ quan, số tiền này thường được đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu. Mặc dù thị trường chứng khoán có thể lên xuống bất ổn nhưng nếu người lao động đầu tư lâu dài, không rút tiền ra, kiên nhẫn theo đuổi thị trường lên xuống (thay vì “lướt sóng” như cách làm chứng khoán thông thường) thì đến cuối cùng, khoản tiền nhận được sẽ vẫn tăng đều ổn định. Để khuyến khích sự đầu tư lâu dài này, chính phủ sẽ đánh thuế rất cao và phạt tiền nặng nếu người đầu tư rút tiền ra sớm trước khi đủ 60 tuổi (chính xác là 59 tuổi rưỡi); như vậy, người đầu tư sẽ có động lực và kiên nhẫn để tiền trong tài khoản lâu dài hơn. Một số công ty có chính sách khuyến khích người lao động đầu tư về hưu bằng cách “match” (đóng góp tương đồng) một phần trăm nhất định số tiền người lao động bỏ vào tài khoản này. Ví dụ, nếu bạn đầu tư $50 thì công ty cũng sẽ bỏ vào tài khoản cho bạn 50% số đó là $25. Đây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai về hưu từ khi còn đang đi làm.
Ở xã hội Việt Nam, mặc dù những chương trình như thế này chưa tồn tại, chúng ta cũng có thể học hỏi những phương pháp đầu tư tương tự để chủ động chuẩn bị cho tương lai. Cách làm đơn giản nhất là trích 15% thu nhập hàng tháng để vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng có sinh lãi. Cách làm nhiều rủi ro hơn nhưng nếu kiên trì đầu tư sẽ cho hiệu quả lâu dài là đầu tư 15% thu nhập hàng tháng vào những cổ phiếu và trái phiếu ổn định, có sinh lãi hàng năm với rủi ro thấp. Cũng áp dụng quy luật đầu tư như trên, số tiền đầu tư này là ổn định, lâu dài; ta cũng cần tự tạo áp lực cho mình để không rút tiền ra trước khi về hưu dù kẹt tiền đến đâu chăng nữa vì đây là khoản “để dành” cho tương lai. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, ta có thể thuê chuyên gia tài chính để phân tích ban đầu và hướng ta đầu tư đúng hướng từ những ngày đầu tiên. Hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều chương trình bảo hiểm kết hợp đầu tư nhưng theo quan điểm của Dave Ramsey, bảo hiểm và đầu tư nên tách rời để đảm bảo sự chủ động và linh hoạt tốt nhất cho người đầu tư.
Bước 5: Tiết kiệm tiền học đại học/du học cho con cái
Nếu bạn có con, đây là một bước vô cùng quan trọng vì học phí đại học, đặc biệt là đại học xa nhà hoặc du học, là vô cùng đắt đỏ. Nếu bạn muốn đưa con đến tầm học vấn mà mình và con cái đều mong muốn, cần phải tiết kiệm từ khi con còn nhỏ để đến khi cần là có tiền hỗ trợ cho con. Rất nhiều người trẻ và gia đình đã lâm vào hoàn cảnh nợ nần chỉ vì tiền học đại học/du học với suy nghĩ rằng khi ra trường có thể kiếm lại được dễ dàng. Nhưng với hoàn cảnh hiện nay, không phải ai ra trường cũng kiếm được việc làm ngay từ năm đầu, và không phải việc làm nào cũng kiếm được nhiều tiền để trang trải đủ tiền gốc và tiền lãi ngân hàng ngày càng leo thang.Bởi vậy, nếu có thể để được một khoản cho con ngay từ sớm, để riêng ra hàng tháng, đầu tư đều đặn hàng năm thì tương lai tài chính, học vấn của con cái và gia đình sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Không bố mẹ nào muốn đưa con ra đời với một khoản nợ lớn, phải không?
Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình, việc để riêng ra một khoản đầu tư tiền học cho con như thế này là rất khó vì nuôi một đứa trẻ ngày nay cần rất nhiều khoản tiền nhỏ như tiền ăn, học chính, học thêm, quần áo, hoạt động ngoại khóa… Nhưng trong quan điểm của tôi, nếu chúng ta dạy trẻ biết tiết kiệm, hài lòng với cuộc sống hiện tại, không đua đòi để cắt bớt những khoản chi nhỏ bây giờ nhằm đầu tư cho những khoản lớn sau này thì không chỉ tốt hơn cho tương lai của trẻ mà còn dạy được cho trẻ cách nhìn cuộc sống với lăng kính rộng hơn. Những khoản tiền nho nhỏ như cái quần, cái áo, đôi giày, đồ chơi… nhiều khi là không cần thiết nhưng cha mẹ vẫn chiều và mua cho con, những khoản này nếu có thể cắt giảm đi để riêng cho tương lai của con sau này thì dần dần sẽ tạo được thành một khoản không hề nhỏ. Ngay chính bản thân tôi khi nhìn lại quá khứ tuổi thơ được bố mẹ yêu chiều cho mua nhiều thứ xa xỉ, lớn lên thì được cho đi làm đẹp như nhuộm tóc, sơn móng tay…; đôi lúc tôi ước những khoản tiền đó có thể dành lại để lo cho sau này thì tốt biết mấy. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng, “trời sinh voi, trời sinh cỏ” cứ nuôi con lớn lên rồi ắt sẽ có tiền lo cho con. Nhưng thực sự, nếu ta có mục tiêu rõ ràng hơn thì việc nuôi dạy con và tiết kiệm tiền cũng sẽ có mục đích hơn; không chỉ cha mẹ mà con cũng có thể đóng góp về tinh thần và vật chất cho mục đích lớn phía trước.
Bước 6: Trả hết tiền trả góp nhà — sở hữu hoàn toàn ngôi nhà của mình
Nếu bạn mua nhà trả góp (xem bước 3B phía trên), đây là bước mà bạn tiến hành trả hết toàn bộ tiền nhà và sở hữu toàn bộ căn nhà cho mình. Nếu bạn đã có nhà riêng, bạn có thể bỏ qua bước này. Về kế hoạch trả tiền nhà, Dave Ramsey cho rằng khi bạn chỉ nên lập kế hoạch trả hết trong vòng 15 năm mà thôi. Nghiên cứu cho thấy những người có kế hoạch trả lâu hơn 15 năm (như 20, 30 năm), thường bị mất động lực, kéo dài thời gian trả nợ lâu hơn hạn định; trong khi đó, những người đặt kế hoạch 15 năm thường trả hết nợ sớm hơn hạn định. Ngoài ra, trong thời gian dài hàng thập kỷ như vậy, có rất nhiều việc có thể xảy ra đối với một con người/một gia đình; bởi vậy, càng rút ngắn thời gian trả nợ, ta càng tập trung và giảm bớt xao nhãng, sai số, bất trắc trong kế hoạch của mình. Phương pháp trả hết tiền nhà cũng tương tự phương pháp trả nợ ở Bước 2.
Bước 7: Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh và giúp đỡ cho người khác
Sau khi đã hoàn thành được hết 6 bước kể trên, ta đã hoàn toàn trở nên “độc lập về tài chính” – ta trả hết nợ, có đủ tiền tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp, đầu tư cho kế hoạch về hưu, đầu tư cho học tập của con cái, sở hữu nhà của mình. Bước cuối cùng chính là làm giàu và giúp đỡ cho người khác. Làm giàu ở đây có nghĩa là bên cạnh những khoản tiền đầu tư ổn định cho tương lai, nếu còn khoản rảnh rỗi, ta sẽ tiếp tục đầu tư vào những mặt mạo hiểm hơn nhưng có khả năng cho thu nhập cao hơn như kinh doanh, địa ốc, cổ phiếu mới… Khác với những cuốn sách dạy làm giàu, quan điểm Dave Ramsey hướng tới sự ổn định, tự chủ về tài chính trước (từ bước 1 đến bước 6), sau đó mới đến làm giàu (bước 7). Với cách làm này, ta có thể xây dựng nền tảng vững chắc về tài chính để nếu không may có thua lỗ, thất bại thì cũng không đến mức bị đẩy vào đường cùng. Đồng thời, ta cũng có thể lo cho gia đình và con cái mình một nền tảng tài chính tốt, song song với quá trình làm giàu thêm cho bản thân và phát triển sự nghiệp riêng.
Dave Ramsey cũng nhấn mạnh việc giúp đỡ người khác về mặt tài chính, thông qua quá trình làm từ thiện, quyên góp, tặng tiền cho các tổ chức và những người có hoàn cảnh khó khăn. Dave cho rằng sai lầm thường gặp nhất của mọi người là lối suy nghĩ càng bo bo giữ tiền thì sẽ càng giàu có. Nhưng thực tế, càng rộng rãi, càng thoải mái với đồng tiền thì con người sẽ càng được giải phóng khỏi đồng tiền, tự tin hơn, thu hút được nhiều người, nhiều mối quan hệ tốt hơn, và từ đó, trở nên giàu có hơn. Vì vậy, song song với việc kiếm tiền và tiết kiệm tiền, ta còn phải cho tặng tiền nữa. Đó không chỉ là việc nên làm mà còn là việc cần phải làm, theo quan điểm của Dave để có sự thịnh vượng tài chính. Là người theo đạo Thiên Chúa, Dave khuyên mọi người đóng góp 10% thu nhập hàng tháng cho nhà thờ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đang nương tựa nơi đây. Nhưng mỗi người đều có quyền tìm cho mình một địa chỉ hay một cá nhân nào đó thực sự cần để chia sẻ nguồn tài chính của mình, đó có thể là một người bạn quen biết đang gặp khó khăn, một tổ chức tình thương mái ấm cần hỗ trợ, hay những mảnh đời bất hạnh đang cần giang tay trợ giúp.
Bước thứ 7 này sẽ không chỉ giúp ta trở nên giàu có, mà còn khiến cuộc sống của ta trở nên thịnh vượng, có ý nghĩa, và hạnh phúc hơn với đồng tiền mình kiếm được.
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn