Xuất siêu tăng vọt trong tháng 8 – Thời gian tới sẽ ra sao?
Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể đạt mức kỷ lục mới, nhưng liệu thành tích xuất siêu trong tháng 8 vừa qua sẽ lặp lại trong những tháng kế tiếp? Và yếu tố nào có thể tác động lên bức tranh thương mại trong thời gian còn lại của năm nay?
Xuất siêu tháng 8 tăng vọt nhờ đâu?
Sau khi đạt mức xuất siêu hàng hóa 2.36 tỷ USD trong tháng 7, tháng 8 vừa qua bất ngờ chứng kiến mức xuất siêu tăng vọt lên 4.53 tỷ USD, giúp nâng thặng dư cán cân thương mại hàng hóa lũy kế 8 tháng lên 19.07 tỷ USD, theo đó, cũng thu hẹp khoảng cách với con số xuất siêu kỷ lục 19.9 tỷ USD của cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2023.
Với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2024 sơ bộ đạt 37.59 tỷ USD, tăng 3.7% so với tháng trước, ngược lại kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là 33.06 tỷ USD, giảm 2.4% so với tháng trước, nên đã kéo xuất siêu trong tháng 8 lên mức cao như thế. Đặc biệt, trong khi xuất khẩu tháng 8 của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh 9.8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng nhẹ 1.5%, nhập khẩu của khu vực FDI bất ngờ giảm đến 4.5% so với tháng trước còn nhập khẩu khu vực trong nước chỉ tăng thêm 1.4%.
Điều này cho thấy các đơn hàng xuất khẩu đang tiếp tục phục hồi vững chắc, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nội địa, trong khi tốc độ nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đang chậm lại sau khi đã tăng khá mạnh trong những tháng trước. Chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đã phần nào ảnh hưởng đến diễn biến này. Nhìn lại trong năm 2023, tháng 8 cũng là tháng ghi nhận con số xuất siêu sơ bộ lớn nhất hơn 3.8 tỷ USD. Tương tự tháng 8/2022 xuất siêu cũng cao nhất khi đạt hơn 2.4 tỷ USD.
Cụ thể, những lĩnh vực có đơn hàng phục hồi trở lại gần đây là nhóm hàng dệt may với kim ngạch xuất khẩu tháng 8 tăng mạnh 17% so với cùng kỳ, lên hơn 4 tỷ USD; nhóm giày dép tăng gần 21% đạt gần 2.1 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16% lên gần 1.5 tỷ USD. Ngoài ra, các nhóm đạt kim ngạch cao và tăng trưởng mạnh như điện tử, máy tính và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 6.7 tỷ USD trong tháng 8, tăng hơn 27%; nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác là hơn 4.7 tỷ USD, tăng 31%.
Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng ước đạt 40 tỷ USD, tăng 18.6% so với cùng kỳ năm 2023, nâng giá trị xuất siêu lĩnh vực này đạt 11.8 tỷ USD, tăng mạnh 68.4%. Riêng tháng 8, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 5.55 tỷ USD, tăng 12.3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhóm nông sản chính đạt gần 3 tỷ USD, tăng mạnh 22.6%.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, mặt hàng rau quả trong tháng 8 tăng gần 82% so với cùng kỳ 2023; cà phê tăng 49%; hạt tiêu tăng 56%; hạt điều tăng hơn 21% và thủy sản tăng 15%. Xu hướng giá các mặt hàng nông sản vẫn neo cao là một trong những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử như mặt hàng cà phê, nếu xét theo lượng xuất khẩu chỉ tương đương 86% so với cùng kỳ tháng 8 năm ngoái, hay hạt tiêu cũng chỉ tương đương 98%, nhưng tính theo giá trị xuất khẩu vẫn tăng trưởng đáng kể.
Không nên quá lạc quan?
Trước tình hình này, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, với những nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong 4 tháng còn lại của năm 2024 thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay ước lập mốc lịch sử mới 400 tỷ USD, vượt xa mốc lịch sử 371.82 tỷ USD của năm 2022.
Và để đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các giải pháp thông tin sớm về thị trường; bảo vệ cho hàng hoá xuất khẩu bằng việc tăng cường cảnh báo sớm các giải pháp phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các Hiệp định thương mại. Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này.
Dù vậy, với chu kỳ kinh doanh mang tính đặc thù như đã nói, việc lặp lại thành tích xuất siêu của tháng 8 không phải là điều dễ dàng trong những tháng tới. Đầu tiên, các hoạt động xuất khẩu vẫn có thể đối mặt với những rủi ro tiềm tàng về căng thẳng địa chính trị làm gián đoạn, tắc nghẽn các chuỗi cung ứng quốc tế; thách thức từ chi phí vận chuyển đường biển liên tục tăng và duy trì ở mức cao, tác động xấu đến hoạt động thương mại toàn cầu.
Ngoài ra, trước xu hướng tiền đồng đang tăng giá trở lại, cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu khi khiến lợi thế về cạnh tranh tỷ giá của các doanh nghiệp tại Việt Nam suy yếu. Trong 2 tháng gần đây, giá USD trên thị trường tự do đã giảm xấp xỉ 2.5% so với VNĐ, đảo chiều so với mức tăng khá mạnh trong quý 2 trước đó. Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào và đồng USD tiếp tục đi xuống trên thị trường quốc tế, không loại trừ khả năng tiền đồng tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm.
Đáng lưu ý là xu hướng tiền đồng mạnh lên cũng có thể thúc đẩy các hoạt động nhập khẩu nhiều hơn. Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu cũng thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, khi đây là giai đoạn nhu cầu sản xuất hàng hóa và tiêu dùng trong nền kinh tế thường lên cao hơn, kéo theo cầu nhập khẩu nguyên vật liệu lẫn hàng hóa tăng mạnh. Thống kê cho thấy ngoại trừ năm 2023 vừa qua, những năm trước đây nền kinh tế thường chứng kiến mức xuất siêu rất thấp hoặc thậm chí nhập siêu trở lại trong giai đoạn 2 tháng cuối năm.
Đơn cử như trong tháng 8 vừa qua, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm sút như thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu giảm hơn 17% so cùng kỳ tháng 8/2023; sản phẩm hóa chất giảm hơn 3%; phân bón giảm gần 4%; đặc biệt xăng dầu giảm mạnh đến 47%. Tuy nhiên, những tháng cuối năm kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này khả năng sẽ tăng mạnh hơn khi các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng sẽ được tăng cường để chuẩn bị mùa cao điểm tiêu thụ trong kỳ nghỉ lễ, Tết.
Hay như nhóm hàng xăng dầu, với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị giảm lãi suất trở lại từ tháng 9 này, cộng thêm ảnh hưởng từ các cơn bão, theo đó giá dầu quốc tế có thể được hỗ trợ đi lên trở lại trong thời gian tới, khi đó kim ngạch nhập khẩu xăng dầu cũng có thể tăng mạnh hơn. Bên cạnh đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) mới đây đã nhất trí hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu trong tháng 10 và tháng 11, đồng thời cho biết có thể tiếp tục tạm dừng hoặc đảo ngược động thái tăng sản lượng nếu cần. Được biết quyết định của OPEC+ có tác dụng thắt chặt thị trường trong quý 4/2024 khoảng 100,000-200,000 thùng dầu mỗi ngày.
Happy Live team sưu tầm/vietstock
Dành cho nhà đầu tư thích đi theo xu hướng của thị trường để tận dụng cơ hội kiếm tiền