fbpx

Yuval Noah Harari: Chúng ta cần giáo dục con trẻ như thế nào để thành công vào năm 2050?

Không phải lập trình mà chính sự tái kiến thiết (reinvention) mới là kỹ năng quan trọng nhất cần dạy cho con trẻ. Trong trích đoạn dưới đây, tác giả cuốn Sapiens, Yuval Noah Harari hé lộ tương lai chờ đợi dành cho con người vào năm 2050.

Yuval Noah Harari: Chúng ta cần giáo dục con trẻ như thế nào để thành công vào năm 2050?

Phần 1: Thay đổi là hằng số duy nhất

Nhân loại đang đối mặt với những cuộc cách mạng chưa từng có, với những câu chuyện cũ nay đã vỡ vụn mà chưa xuất hiện câu chuyện mới nào thay thế. Chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho bản thân và con cháu mình trước một thế giới với những biến đổi vô tiền khoáng hậu và bất ổn đến cực đoan? Một em bé sinh ra hôm nay sẽ vào khoảng 30 tuổi vào năm 2050. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, em bé đó sẽ tiếp tục sống đến năm 2100 và thậm chí có thể trở thành một công dân của Thế kỷ 22. Vậy ta cần dạy đứa trẻ này điều gì để em có thể tồn tại và phát triển trong thế giới của năm 2050 và Thế kỷ 22? Đứa trẻ sẽ cần những kỹ năng gì để tìm được việc làm, nắm bắt thế giới xung quanh và định hướng bản thân trong mê cung của cuộc đời?

Đáng tiếc là không ai trong chúng ta biết thế giới sẽ như thế nào vào năm 2050, chưa nói đến năm 2100 để có thể trả lời câu hỏi này. Con người tất nhiên chưa bao giờ có khả năng dự đoán tương lai một cách chính xác và điều này lại càng khó khăn hơn vào thời điểm hiện nay, bởi một khi công nghệ cho phép chế tạo ra những hình hài, khối óc và trí tuệ, chúng ta chẳng còn có thể chắc chắn về bất cứ điều gì – kể cả những điều trước đây tưởng như cố định và bất biến.

Một nghìn năm trước, dẫu có nhiều điều không biết về tương lai thì con người vẫn có niềm tin vững chắc rằng những đặc điểm cơ bản của xã hội loài người sẽ không bao giờ thay đổi. Nếu sống ở Trung Quốc vào năm 1018, bạn biết rằng triều đại Nhà Tống có thể sụp đổ trước năm 1050, người Khiết Đan có thể sẽ đánh chiếm từ phương Bắc và bệnh dịch có thể giết chết hàng triệu người. Dù vậy, có một điều rõ ràng là vào 1050, dân chúng vẫn kiếm sống bằng nghề nông và nghề dệt là chính, vua quan vẫn dựa vào sức người để vận hành quân đội và bộ máy chính quyền, đàn ông vẫn thống trị đàn bà, tuổi thọ trung bình là 40, và cơ thể con người không có gì thay đổi. Vì vậy mà vào năm 1018, trong khi nhà nghèo dạy con trồng lúa, dệt vải thì nhà giàu dạy con trai đọc Khổng Tử, viết thư pháp, chiến đấu trên lưng ngựa, dạy con gái trở thành những bà nội trợ khiêm nhường và biết vâng lời. Tất nhiên những kỹ năng này là cần thiết cho cuộc sống của năm 2050.

Trái lại, chúng ta ngày nay không thể biết Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ ra sao vào năm 2050. Chúng ta không biết người ta sẽ làm gì để sống, cũng không biết quân đội và bộ máy chính quyền vận hành thế nào hay mối quan hệ giới tính sẽ ra sao. Con người có thể sẽ sống lâu hơn và cơ thể sẽ trải qua một cuộc cách mạng chưa từng thấy nhờ kỹ thuật sinh học và tương tác trực tiếp giữa não bộ và máy tính. Phần lớn những gì con trẻ học bây giờ sẽ không còn thích hợp vào năm 2050.

Thế kỷ 21 lại hoàn toàn trái ngược khi chúng ta bị nhấn chìm trong một biển thông tin khổng lồ, mà ngay cả những nhà kiểm duyệt cũng không buồn ngăn chặn. Thay vào đó, họ bận rộn trong việc truyền bá thông tin sai lệch và làm chúng ta sao nhãng bởi những thông tin không cần thiết. Ngay cả khi sống ở một tỉnh lẻ Mexico mà có một chiếc điện thoại thông minh, bạn cũng có thể dành cả đời chỉ đọc Wikipedia, xem thuyết trình TED hay tham gia những khóa học online miễn phí. Không chính phủ nào có khả năng bưng bít mọi thông tin trái chiều. Mặt khác, việc lan truyền trong cộng đồng những báo cáo mâu thuẫn và thông tin gây nhiễu loạn trở nên dễ dàng một cách đáng báo động. Dù ở bất cứ đâu trên thế giới thì cũng chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể xem được tin tức mới nhất về vụ ném bom ở Aleppo hay tan băng ở Bắc Cực, nhưng đồng thời cũng khó mà biết đâu là sự thật khi có quá nhiều thông tin trái ngược. Hơn nữa, khi mọi thông tin đều có thể truy cập chỉ bằng một cú nhấp chuột thì cũng khó mà giữ được sự tập trung, khi chính trị và khoa học quá rắc rối thì việc chuyển sang những video thú cưng hài hước, chuyên mục tám chuyện showbiz hay phim khiêu dâm trở nên thật cám dỗ.Nhiều trường học hiện nay tập trung quá nhiều vào việc nhồi nhét thông tin. Trong quá khứ điều này cũng dễ hiểu khi thông tin còn khan hiếm và ngay cả lượng thông tin hiện hành nhỏ giọt cũng phải qua kiểm duyệt nhiều lần. Nếu sống ở một tỉnh lẻ Mexico vào năm 1800, thật khó để bạn có thể biết được nhiều về thế giới bên ngoài khi không có tivi, báo đài hay thư viện công cộng. Ngay cả khi biết chữ và sở hữu một thư viện riêng, bạn cũng không có gì nhiều để đọc ngoài văn học hay các chuyên đề tôn giáo. Đế quốc Tây Ban Nha kiểm duyệt gắt gao mọi văn bản in trong nước, và chỉ cho phép một số ít tài liệu đã được hiệu đính kỹ lưỡng được du nhập từ bên ngoài. Điều tương tự cũng xảy ra như khi bạn sống ở một tỉnh lẻ ở Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc. Khi những ngôi trường hiện đại xuất hiện, dạy trẻ em biết đọc biết viết và những kiến thức thường thức về địa lý, lịch sử và sinh học, chúng đại diện cho một cuộc cải cách to lớn.

Trong thế giới như thế, cung cấp thêm thông tin cho học sinh là điều cuối cùng mà giáo viên cần làm. Đơn giản là bởi chúng đã có quá nhiều thông tin rồi. Thay vào đó, học sinh cần được học năng lực xử lý thông tin, nhận biết thông tin nào là quan trọng, và hơn hết là khả năng kết hợp những mẩu thông tin riêng lẻ để hình thành một bức tranh toàn diện về thế giới.

Sự thật thì đây chính là lý tưởng của nền giáo dục khai phóng phương Tây qua hàng trăm năm, nhưng cho đến nay, nhiều trường học ở đây lại tỏ ra khá trì trệ khi thực hiện phương châm này. Giáo viên tự cho phép mình nhối nhét kiến thức trong khi vẫn khuyến khích học sinh “tự suy nghĩ”. Do sợ hãi chủ nghĩa độc tài, nhiều trường học khai phóng khiếp sợ những chủ đề lớn. Họ cho rằng chỉ cần cung cấp cho học sinh lượng lớn thông tin và ít nhiều tự do là chúng có thể tự hình thành nên một bức tranh của riêng mình về thế giới, và thậm chí nếu thế hệ này không thể tổng hợp toàn bộ khối thông tin đó tạo nên một bức tranh mạch lạc và ý nghĩa về thế giới hiện tại, thì vẫn còn nhiều thời gian để hoàn thiện công trình này trong tương lai. Nhưng thời gian nay sắp hết rồi. Quyết định mà chúng ta đưa ra trong vài thập niên tới sẽ định hình cuộc sống, và chúng ta chỉ có thể đưa ra những quyết định này dựa trên thế giới quan của chúng ta hiện nay. Nếu thế hệ này thiếu đi một cái nhìn toàn diện về vũ trụ, tương lai sắp tới của cuộc sống sẽ được định đoạt một cách ngẫu nhiên.

Phần Hai: Nhiệt độ đang nóng dần lên

Yuval Noah Harari: Chúng ta cần giáo dục con trẻ như thế nào để thành công vào năm 2050?

Ngoài thông tin, phần lớn trường học tập trung quá nhiều vào việc rèn giũa cho học sinh các kỹ năng cụ thể như giải phương trình, lập trình máy tính ngôn ngữ C++, xác định hóa chất trong ống nghiệm hay đàm thoại tiếng Hoa. Song, vì không có ý niệm gì về tương lai của thế giới hay thị trường việc làm năm 2050, ta không thể biết được kỹ năng nào rồi sẽ trở nên cần thiết. Chúng ta có thể bỏ nhiều công sức dạy trẻ em cách lập trình C++ hay đàm thoại tiếng Hoa, chỉ để nhận ra đến năm 2050 trí tuệ nhân tạo sẽ có khả năng lập trình vượt xa con người, còn Google Translate có thể cho phép đàm thoại trôi chảy bằng các phương ngữ của tiếng Hoa, từ Quan Thoại, Quảng Đông đến Hakka, dù thực tế bạn chỉ biết nói “Ni hao” đi chăng nữa.

Vậy chúng ta cần dạy gì? Nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng trường học cần chuyển sang dạy “4C”: Critical thinking (tư duy phản biện), Communication (giao tiếp), Collaboration (hợp tác) và Creativity (Sáng tạo). Nhìn rộng ra, trường học cần chuyển trọng tâm từ các kỹ năng kỹ thuật thuần túy sang các kỹ năng sống thiết thực, trong đó quan trọng nhất là khả năng đối phó với thay đổi, lĩnh hội kiến thức mới và giữ cái đầu lạnh trước những tình huống không quen thuộc. Để đuổi kịp với thế giới năm 2050, bạn sẽ không chỉ cần sáng tạo ý tưởng hay sản phẩm mà hơn hết còn phải làm mới chính mình.

Với tốc độ thay đổi ngày càng tăng, không chỉ nền kinh tế, mà ý nghĩa của việc “làm người” cũng sẽ biến đổi. Năm 1848, khi Tuyên ngôn Cộng sản tuyên bố “mọi thứ vững chắc sẽ tan vào hư không”, Marx và Engels đang ám chỉ cấu trúc xã hội và kinh tế. Tới năm 2048, đến lượt cấu trúc vật lý và nhận thức cũng sẽ tan thành hư không, hay trở thành đám mây dữ liệu.

Năm 1848, hàng triệu người vì thất nghiệp trong các trang trại nông thôn mà phải lên thành phố lớn làm việc trong các công xưởng. Nhưng dù có lên thành phố, họ cũng không thay đổi giới tính hay có thêm giác quan thứ sáu. Nếu tìm được việc làm ở một nhà máy dệt, họ có thể sẽ gắn bó với công việc này cả đời.

Đến năm 2048, con người có lẽ sẽ phải làm quen với việc di cư vào không gian ảo, bản dạng giới linh hoạt và những trải nghiệm cảm giác hoàn toàn mới do các bộ phận cấy ghép tạo ra. Nếu xem việc thiết kế những bộ cánh thời trang thời thượng cho trò chơi 3D thực tế ảo là một nghề ý nghĩa, thì trong chưa đầy một thập kỉ nữa, không chỉ nghề này, mà tất cả các nghề yêu cầu trình độ sáng tạo tương đương có thể được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Ở tuổi 25, bạn có thể tự giới thiệu mình trên trang hẹn hò là “một cô gái dị tính 25 tuổi sống ở London và làm việc tại cửa hàng thời trang” thì đến năm 35 tuổi, bạn có thể sẽ nói rằng mình là “một người có giới tính không xác định đang trải qua quá trình điều chỉnh tuổi tác, có hoạt động vỏ não chủ yếu diễn ra trên không gian ảo Vũ Trụ Mới, và mục tiêu sống là đạt thành tựu mà chưa nhà thiết kế thời trang nào từng đạt được.” Ở tuổi 45, cả hẹn hò lẫn định nghĩa bản thân đã trở nên lỗi thời. Bạn chỉ việc chờ đợi thuật toán tìm ra (hoặc tạo ra) nửa kia hoàn hảo cho mình. Giống như những bản vẽ trong thế giới thời trang, bạn đã bị thuật toán vượt xa vĩnh viễn, khiến việc nhìn lại những thành tựu đáng kể trong quá khứ khiến bạn xấu hổ nhiều hơn là tự hào. Và cho dù ở đã tuổi 45, vẫn còn những thay đổi triệt để sẽ đợi bạn trước mắt.

Xin đừng đặt niềm tin vào những viễn cảnh này. Không ai có thể dự đoán cụ thể ta sẽ chứng kiến những thay đổi gì trong tương lai. Những viễn cảnh đó đều có thể sẽ không thành sự thật. Nếu ai đó mô tả cho bạn thế giới trong giai đoạn giữa thế kỷ 21 mà nghe có vẻ giống truyện khoa học viễn tưởng thì mô tả đó có lẽ sẽ không xảy ra. Nhưng ngược lại, nếu mô tả đó nghe không hề giống truyện khoa học viễn tưởng – thì mô tả đó chắc chắn là sai rồi. Chúng ta có thể không biết về chi tiết, nhưng chính sự thay đổi là một điều chắc chắn.

Sự thay đổi toàn diện như vậy có thể làm biến đổi cấu trúc cơ bản của cuộc sống, và khiến sự gián đoạn trở thành một đặc tính nổi bật. Từ thời xa xưa, cuộc sống có thể được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn học tập và theo sau là giai đoạn lao động. Trong giai đoạn đầu của cuộc sống, con người sẽ tích luỹ thông tin, phát triển kỹ năng, hình thành thế giới quan và xây dựng một bản dạng vững chắc. Thậm chí khi ở tuổi 15, bạn cũng dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc trên mảnh ruộng của gia đình (thay vì đi học), điều quan trọng nhất bạn làm đó học cách trồng lúa, cách thương lượng với những tay buôn gạo tham lam trên thành phố và giải quyết những tranh chấp đất đai hay nguồn nước với những người dân khác trong làng. Trong giai đoạn thứ hai, bạn sẽ sử dụng những kỹ năng tích lũy được để tìm ra hướng đi trong cuộc sống, kiếm tiền và đóng góp cho xã hội. Tất nhiên, ngay cả ở tuổi 50 thì bạn vẫn còn có thể học hỏi nhiều điều mới về gạo, về các thương lái hay cách xử lý xung đột, nhưng đó chỉ là một chút tinh chỉnh đối với khả năng đã được tôi luyện từ trước.

Đến giữa thế kỷ 21, tốc độ thay đổi ngày càng gia tăng và tuổi thọ ngày càng cao sẽ khiến mô hình truyền thống này trở nên lỗi thời. Cuộc sống dường như sẽ nối liền ở các nét đứt, và sự liền mạch giữa các giai đoạn khác nhau của cuộc đời sẽ ít dần đi. Câu hỏi “Tôi là ai?” sẽ trở nên cấp bách và phức tạp hơn bao giờ hết.

Điều này có khả năng dẫn đến sự căng thẳng ở cấp độ nghiêm trọng. Bởi thay đổi lúc nào cũng gây căng thẳng và khi đến một độ tuổi nhất định thì đó sẽ điều mà hầu hết mọi người không ai mong muốn. Ở tuổi 15, toàn bộ cuộc sống của bạn luôn thay đổi. Cơ thể bạn lớn lên, tâm trí phát triển, và những mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn. Mọi thứ đang tuôn trào và mọi thứ đều mới mẻ. Hầu hết các thanh thiếu nên thấy quá trình này thật đáng sợ, nhưng cũng thật phấn khích. Những chân trời mới đang mở ra trước mắt, và bạn có cả thế giới để chinh phục. Khi đến tuổi 50, bạn không còn muốn thay đổi nữa, và phần lớn mọi người đã từ bỏ khát khao chinh phục thế giới. Đã sống và nếm trải, bạn thích sự ổn định hơn. Bạn đã đầu tư rất nhiều vào kỹ năng, sự nghiệp, bản dạng và thế giới quan nên bạn không muốn bắt đầu lại từ đầu. Càng mất nhiều công sức gây dựng điều gì, càng khó khăn hơn khi phải từ bỏ điều đó và nhường chỗ cho những điều mới mẻ. Có thể bạn vẫn trân trọng những trải nghiệm mới và những thay đổi nhỏ, nhưng phần lớn mọi người ở tuổi 50 đã không còn sẵn sàng thay đổi hoàn toàn tính cách và bản dạng của họ tới tận gốc rễ.

Có thể lý giải điều này trên phương diện thần kinh học. Dù não bộ người trưởng thành có linh hoạt và dễ thay đổi hơn chúng ta từng nghĩ, nhưng so với não bộ của thiếu niên thì vẫn không dễ uốn nắn bằng. Việc hình thành kết nối mới giữa các neuron thần kinh và sắp xếp lại các synapse là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, sự ổn định là một điều xa xỉ. Nếu cố thủ với một bản dạng, nghề nghiệp, thế giới quan ổn định là bạn đang đánh cược với việc bị cả thế giới bỏ lại sau lưng trong nháy mắt. Dù tuổi thọ trung bình sẽ cao hơn, bạn hoàn toàn có thể trở thành một hoá thạch vô tri trong vài thập kỉ. Để bắt kịp cả về mặt kinh tế lẫn các mối quan hệ xã hội, bạn cần khả năng học hỏi không ngừng và luôn luôn tái tạo chính mình, nhất là ở độ tuổi 50 “trẻ trung”.

Khi những điều kỳ lạ trở thành chuẩn mực mới, những trải nghiệm trước đây của bạn, cũng như của toàn nhân loại, sẽ trở thành những hướng dẫn mất độ tin cậy. Con người nói riêng và nhân loại nói chung sẽ ngày càng phải đối mặt với những vấn đề chưa có tiền lệ, như những cỗ máy siêu thông minh, bộ phận cơ thể được lắp ráp chế tạo, thuật toán có thể thao túng cảm xúc với độ chính xác đến kinh ngạc, thảm hoạ khí hậu do con người tạo ra, và nhu cầu thay đổi nghề nghiệp qua từng thập kỉ. Vậy đâu là điều đúng đắn cần làm khi đối phó với tình huống hoàn toàn chưa từng diễn ra trước đây? Ta cần làm gì khi bị nhấn chìm trong một biển thông tin khổng lồ mà không có cách nào hấp thụ hay phân tích được toàn bộ? Làm thế nào để sống trong thế giới mà sự bất ổn sâu sắc không còn là khiếm khuyết mà đã trở thành một đặc tính?

Để tồn tại và phát triển trong một thế giới như vậy, bạn sẽ cần một cái đầu linh hoạt và một trái tim lạnh. Bạn sẽ phải từ bỏ những gì mình hiểu rõ nhất và học cách làm quen với những điều mình chưa biết. Không may là, việc dạy trẻ em đón nhận những điều chưa biết và giữ cái đầu lạnh khó hơn nhiều việc dạy chúng biết cách giải phương trình hay nguyên nhân gây ra Thế chiến thứ nhất. Bạn không thể học được đức tính kiên trì nhờ việc đọc một cuốn sách hay nghe một bài giảng. Bản thân giáo viên cũng thường thiếu sự linh hoạt về tư duy mà Thế kỷ 21 đòi hỏi, bởi chính họ cũng là một sản phẩm của hệ thống giáo dục cũ.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp để lại cho chúng ta lý thuyết giáo dục mang tính rập khuôn. Ở giữa thành phố có một toà nhà bê tông lớn được chia thành nhiều phòng giống hệt nhau, mỗi phòng học được trang bị ghế và bàn. Mỗi khi có chuông, bạn đi vào một trong những phòng này cùng 30 đứa trẻ khác, tất cả đều bằng tuổi. Mỗi giờ lại có một người lớn bước vào và bắt đầu nói. Họ được chính phủ trả lương để làm vậy. Người thì nói về hình dạng của Trái Đất, người thì nói về quá khứ của nhân loại, còn người lại nói về cơ thể người. Mô hình này nghe có vẻ nực cười, và phần lớn mọi người đều đồng ý rằng dẫu trong quá khứ nó đã đạt được những thành tựu ra sao thì hiện tại đã là một thất bại. Nhưng cho đến nay, chúng ta chưa tạo ra được một giải pháp thay thế nào khả dĩ. Chắc chắn chưa tồn tại một giải pháp quy mô có thể áp dụng được ở vùng nông thôn Mexico mà không chỉ ở khu ngoại ô giàu có ở California.

Phần Ba: Xâm nhập con người

Vậy lời khuyên tốt nhất tôi có thể dành cho một thiếu niên 15 tuổi mắc kẹt trong một ngôi trường cổ lỗ sĩ đâu đó ở Mexico, Ấn Độ hay Alabama là: đừng dựa dẫm quá nhiều vào người lớn. Hầu hết họ đều có ý tốt, nhưng họ không hiểu về thế giới xung quanh. Trong quá khứ, noi theo người lớn là một việc tương đối an toàn bởi họ hiểu biết khá rõ về thế giới và thế giới thay đổi chậm. Nhưng thế kỷ 21 sẽ khác. Bởi tốc độ thay đổi ngày càng tăng, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể chắc chắn rằng những gì người lớn nói với bạn là chân lý vĩnh cửu hay là thành kiến lỗi thời.

Vậy bạn có thể dựa vào đâu? Công nghệ? Đó là một canh bạc thậm chí còn mạo hiểm hơn. Công nghệ có thể giúp ích nhiều cho bạn, nhưng nếu công nghệ giành được quá nhiều quyền lực trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ trở thành con tin của nó. Con người phát minh ra nông nghiệp hàng ngàn năm trước, nhưng kỹ nghệ này cuối cùng lại chỉ làm giàu cho số ít thuộc tầng lớp thượng lưu, và biến phần đông nhân loại thành nô lệ. Hầu hết mọi người thời đó phải làm việc từ rạng sáng cho tới hoàng hôn, nhổ cỏ dại, gánh nước và thu hoạch ngô dưới ánh nắng chói chang. Điều này cũng có thể xảy ra với bạn.

Công nghệ không xấu. Nếu bạn biết rõ những gì mình muốn, công nghệ có thể giúp bạn đạt được điều đó. Nhưng nếu bạn không biết mình muốn gì, sẽ thật dễ dàng để công nghệ nhào nặn mục tiêu cho bạn và giành quyền kiểm soát cuộc đời bạn. Nhất là khi công nghệ ngày càng hiểu rõ con người hơn, bạn có thể sẽ thấy mình ngày càng phục vụ nhu cầu của nó, hơn là nó phục vụ bạn. Bạn đã nhìn thấy đám xác sống đi lang thang trên phố, mắt dán vào điện thoại thông minh chưa? Bạn nghĩ họ kiểm soát công nghệ, hay công nghệ kiểm soát họ?

Vậy bạn chỉ còn cách dựa vào chính mình, phải không? Ý tưởng nghe có vẻ rất hay nếu nằm trong Sesame Street hay các phim hoạt hình cổ điển của Disney, nhưng trong đời thực thì không như vậy. Ngay cả Disney cũng bắt đầu nhận ra điều này. Cũng giống như nhân vật Riley Andersen trong Inside Out, hầu hết mọi người đều không hiểu rõ bản thân, và khi họ cố gắng “lắng nghe chính mình” họ dễ dàng trở thành con mồi trước những tác động từ bên ngoài. Giọng nói chúng ta nghe thấy từ bên trong không bao giờ đáng tin cậy bởi nó luôn phản ánh tuyên truyền của nhà nước, tẩy não ý thức hệ, quảng cáo thương mại, chưa kể đến những thay đổi về mặt hoá sinh trong cơ thể.

Khi công nghệ sinh học và học máy được cải thiện, con người sẽ trở nên dễ dàng thao túc về mặt cảm xúc và ham muốn, và việc lắng nghe trái tim mình sẽ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Khi Coca-Cola, Amazon, Baidu hay các chính phủ biết cách nắm sợi dây điều khiển trái tim và nhấn nút trong bộ não của bạn, bạn còn có thể phân biệt đâu là bản thân mình và đâu là chuyên gia marketing của họ không?

Để thành công trước nhiệm vụ khó khăn như vậy, bạn sẽ cần cố gắng tìm hiểu hệ điều hành của bản thân mình tốt hơn. Bạn cần biết mình là ai và muốn gì trong cuộc đời. Đây, tất nhiên, là lời khuyên lâu đời nhất trong sách vở: biết mình. Các triết gia và nhà tiên tri đã khuyên nhủ con người cần phải biết mình suốt hàng ngàn năm qua. Nhưng trong thế kỷ 21, lời khuyên này lại càng trở nên cấp bách hơn, bởi khác với thời đại của Lão Tử hay Socrates, giờ đây bạn đang đối mặt với một cuộc cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Coca-Cola, Amazon, Baidu và chính phủ đều chạy đua để xâm nhập bạn. Không phải điện thoại thông minh của bạn, máy tính của bạn hay tài khoản ngân hàng của bạn, tất cả bọn họ đều đang chạy đua để xâm nhập bạn, và hệ điều hành của bạn. Bạn có thể nghe nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại máy tính bị xâm nhập, nhưng đó không phải sự thật. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong thời đại mà con người bị xâm nhập.

Các thuật toán đang theo dõi bạn ngay lúc này. Chúng đang xem bạn đi đâu, mua gì, gặp ai. Chẳng bao lâu nữa chúng sẽ theo dõi từng bước chân của bạn, từng nhịp thở, nhịp tim của bạn. Chúng đang dựa vào Big Data và học máy để hiểu bạn tốt hơn và tốt hơn nữa. Và một khi những thuật toán này hiểu bạn hơn bạn hiểu chính mình, chúng có thể điều khiển và thao túng bạn, và bạn không thể làm gì nhiều. Bạn sẽ sống trong một ma trận, hay một chương trình kiểu Truman Show. Xét cho cùng, đây là một vấn đề thuộc về kinh nghiệm: khi thuật toán thực sự hiểu được những gì diễn ra bên trong bạn tốt hơn chính bạn, quyền lực sẽ về tay chúng.

Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể vui vẻ nhường lại quyền lực cho những thuật toán và tin tưởng chúng đưa ra quyết định thay bạn và phần còn lại của thế giới. Nếu vậy, chỉ cần thư giãn và tận hưởng chuyến đi. Thuật toán sẽ lo hết mọi thứ mà bạn chẳng cần làm gì cả. Nhưng nếu bạn muốn giữ lại phần nào quyền kiểm soát lên bản thể và tương lai cuộc sống của bạn, bạn sẽ phải chạy nhanh hơn các thuật toán, nhanh hơn Amazon và chính phủ, để hiểu rõ bản thân mình trước họ. Để chạy nhanh, đừng mang theo nhiều hành lý. Hãy để những ảo tượng lại đằng sau. Chúng rất nặng.

Nguồn: Wired Magazine, Gác Xép Bookstore

 

Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm

Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn

Sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng - Thái phạm

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề