fbpx

101 lời khuyên tài chính cá nhân: Người giàu và nghèo?

Tại sao người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo? Sự khác biệt của họ đến từ Tư duy? Hành động? Thói quen? Gia cành? Hay nguyên nhân nào khác? 

Nội dung bài viết này được trích từ cuốn sách 101 Lời Khuyên Tài Chính từ Thái Phạm, cuốn sách được viết bởi nhà đầu tư, chuyên gia tài chính có hơn 17 năm kinh nghiệm trên TTCK, cuốn sách cung cấp 101 bài học vỡ lòng và thông thái giúp bạn từng bước xây dựng cho tương lai tài chính thịnh vượng của chính bạn.

Đọc lại phần 1: Tại sao người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo?  

Lý do số 3: HỌC NHIỀU HƠN Ở TRẢI NGHIỆM – “TRƯỜNG ĐỜI” – THAY VÌ MẢI MÊ ĐẮM CHÌM VÀO KIẾN THỨC Ở BỤC GIẢNG

Đã bao giờ bạn học qua môn “Dạy làm giàu” từ bất kỳ trường lớp nào chưa?

Có lẽ tất cả những gì bạn được dạy từ trường lớp, sách vở là “Hãy đến trường, học cho thật giỏi, điểm thật cao môn Toán, môn Vật lý, Hóa học,… và sau đó đỗ vào một trường đại học thật danh tiếng.

Bố mẹ biết nỗ lực đó là vất vả, nhưng lấy được cái bằng đại học hẳn sẽ ấm no thôi. Sau này xin một công việc ổn định, may mắn thì lương cao, còn không thì trung bình nhưng vẫn đủ sống”.

Đấy chính là tư duy đi học để trở nên giỏi – từ giỏi trở nên giàu có.

Đối với tôi, không có gì là dễ dàng và bằng phẳng khi bạn bước chân ra “trường đời”.

“Trường đời” không chấm công việc bạn bằng điểm 9 hay điểm 10, mà đánh giá bằng năng lực, kinh nghiệm và thể hiện bằng đồng lương.

“Trường đời” không ép buộc bạn phải thi đánh giá cuối kỳ, nhưng khi người ta được nâng lương, thăng chức, bạn vẫn dậm chân tại chỗ thì bạn phải tự đánh giá lại chính mình.

“Trường đời” cũng chẳng giao cho bạn bài tập về nhà và bắt bạn nộp vào ngày mai, nhưng việc rèn luyện và trau dồi là tự bạn phải làm lấy, không làm – người khác cũng không “mách phụ huynh” bạn, nhưng xã hội sẽ tự đào thải bạn ra khỏi nó.

Nói đến đây, bạn có thể thấy được việc đạt danh hiệu học sinh xuất sắc ở cấp 1, cấp 2, cấp 3,… không có ý nghĩa gì đối với việc bạn tích lũy được bao nhiêu kiến thức, trải nghiệm và bài học tự rút ra trong hành trình phát triển bản thân mỗi ngày của mình để trở nên tự do tài chính.

Thế nhưng, bạn trẻ cũng đừng chủ quan và hiểu sai lệch về vấn đề này.

Học là chuyện cả đời, đọc và trải nghiệm cũng là chuyện quan trọng không kém. Suy cho cùng, tôi đang muốn phá vỡ tư duy sai lệch của bạn về việc chỉ cần đi học là sẽ kiếm được nhiều tiền.

Câu chuyện Bill Gates bỏ học Harvard sau hai năm theo học ngành Khoa học máy tính là điều được rất nhiều người nhắc đến.

Nhưng ít ai biết rằng, tỷ phú 66 tuổi này đã đạt 1590/1600 điểm bài kiểm tra đầu vào SAT. Sau đó, Bill Gates bỏ học và cùng với người bạn thời thơ ấu Paul Allen sáng lập nên Microsoft vào năm 1975 như đã biết.

Nhưng vấn đề ở đây chính là việc bạn phải xác định được mục tiêu và kế hoạch cho tương lai của mình, biết rõ mình đang làm gì và sẽ làm gì. Có nhiều bạn trẻ gửi tin nhắn cho tôi về việc “bỏ học để đi làm kiếm tiền”, tôi thực sự muốn các bạn nhìn xa hơn về những thay đổi bất ngờ sẽ xảy đến trong cuộc sống khi bước chân ra xã hội. Vì nếu bỏ học, bạn phải trải nghiệm đủ nhiều, tư duy và tầm nhìn đủ rộng để chinh phục mọi rào cản của thách thức.

Lý do số 4: LUÔN THẮC MẮC VÀ ĐẶT NHIỀU CÂU HỎI

Khi gặp một vấn đề nào đó có tỷ lệ thành công không cao mà ai cũng nhìn thấy, người nghèo luôn tìm cách trốn tránh vấn đề và đặt ra hàng trăm lý do rằng họ không thể.

Giả sử, họ muốn đầu tư bất động sản nhưng thấy giá hơi cao so với khả năng tàichính của mình, họ sẽ cho rằng mình không làm được và đưa ra lý do tương tự như “Mình không đủ tài chính”, hay đầu tư chứng khoán – họ luôn thích việc thụ động ngồi chờ được “phím hàng” thay vì chủ động đi tìm cách học tập và nâng cao chuyên môn, trình độ.

Có một câu chuyện muôn thuở là “Vốn không có thì làm sao mà đầu tư?” thay vì “Làm thế nào để tôi có thật nhiều tiền để tiếp tục đầu tư sinh lời?”.

Trong khi đó, người giàu luôn đặt câu hỏi để tìm cho bằng được “gốc rễ” của mọi vấn đề bằng cách đưa mình vào các tình huống có thể xảy ra và nghĩ cách giải quyết.

Tư duy giàu có chính là tư duy của một người biết dấn thân, nhưng cũng không quên giới hạn để bảo vệ chính bản thân mình.

Điều bạn thường nghe chính là “Cái nào rẻ nhất ở đây?”, “Giá cái này là bao nhiêu?”,… những câu hỏi bởi người có chi phí trong túi không cao. Người nghèo thường có xu hướng bỏ qua chất lượng và ưu tiên giá thành. Họ không dám bỏ số tiền lớn để có thể sở hữu lợi nhuận cực lớn mà chỉ muốn bỏ một số tiền nhỏ và đòi hỏi lợi nhuận cao.

Cùng là một sản phẩm nhưng nếu nó có mức giá rẻ, nó sẽ chiếm được cảm tình của… người nghèo.

Trái ngược lại, người giàu sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn, nhiều công sức hơn để mua được sản phẩm tốt. Người giàu coi trọng chất lượng và giá trị sử dụng của sản phẩm nên họ cần những mặt hàng thật sự tốt chứ không phải là giá cả phải chăng. 

Lý do số 5: KHÔNG PHÀN NÀN VÀ HẾT LÒNG VỚI HIỆN TẠI

Cách bạn suy nghĩ sẽ phản ánh qua hành động, điều này cụ thể ở việc thay vì nhìn mọi vấn đề theo hướng tích cực, lạc quan, đổi mới góc nhìn để phù hợp và thích nghi thì người nghèo tự áp đặt mọi thứ theo cách tiêu cực.

Ví dụ: Một người phỏng vấn vào một công ty sau đó thất bại, người có tư duy nghèo cho rằng công ty này đã sai lầm khi không tuyển dụng mình thay vì nhận ra rằng họ chưa có đủ các yếu tố kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết cho công việc đó. Hay mỗi khi có vấn đề xảy ra, người nghèo sẽ đưa ra cả tá lý do vì sao vấn đề này sai nhưng không thể kể được họ rút ra được bài học và kinh nghiệm gì từ đó.

Cũng là một người đi phỏng vấn vào công ty sau đó thất bại, nhưng người có tư duy giàu sẽ xem xét lại bản thân, rằng họ chưa đủ kỹ năng và trình độ để được tuyển dụng hay vì một lý do nào khác. Nguyên nhân “gốc rễ” của mọi vấn đề sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc và giải quyết triệt để mọi rào cản thăng tiến của bản thân.

Học cách chấp nhận hiện tại, dám đối mặt với sự thất bại của ngày hôm nay chính là bước tiến giúp bạn có được sự đột phá vào ngày mai.

Chính vì thế hãy coi trọng tất cả mọi thứ đến với cuộc sống của bạn như những món quà, những kinh nghiệm đồng thời tìm hiểu khả năng để biến vấn đề thành “kho” kinh nghiệm, giúp bạn kiếm tiền dễ dàng hơn bao giờ hết.

Nguồn: Trích sách 101 Lời Khuyên Tài Chính từ Thái Phạm / Happy Live Team tổng hợp

Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm

Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia định thịnh vượng, bền vững

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề