18 thương hiệu từng mất đến hàng triệu USD chỉ vì những chiến dịch quảng cáo “nổ” quá đà (Phần 1)
Trong lĩnh vực quảng cáo, ranh giới giữa việc đề cao sản phẩm và nói quá đến mức sai sự thật về công dụng của sản phẩm là cực kì mong manh. Nhiều nhãn hàng chính vì không thể nhận ra cái ranh giới này, lạm dụng những cụm từ mạnh như “đã được khoa học kiểm chứng”, “đảm bảo kết quả 100%”, mà đã phải trả giá bằng hàng triệu USD cũng như uy tín của mình.
Đúng là sai 1 ly, đi luôn vạn dặm (và vài triệu USD).
Dưới đây là 9 ví dụ đầu tiên về những vụ scandal trong làng quảng cáo từng khiến nhiều công ty lớn phải chao đảo vì những án phạt tài chính, cũng như sự phẫn nộ từ người tiêu dùng.
Uber – 20 triệu USD vì quảng cáo sai về mức lương tài xế trong tin tuyển dụng của mình.
Vào năm 2015, Uber từng bị FTC (Uỷ ban Thương mại Liên bang) “sờ gáy” vì hành vi đưa thông tin sai lệch về mức lương của tài xế trong 1 tin tuyển dụng của mình. Theo đó, họ khẳng định những nhân vân làm việc tại Minneapolis có thể nhận được 18 USD/giờ, và tại Boston là 25 USD/giờ. Tuy nhiên, con số thực tế mà các tài xế được trả lại thấp hơn khoảng 10%. Sau 2 năm điều tra, FTC quyết định phạt Uber 20 triệu USD và buộc họ phải chỉnh sửa lại thông tin tuyển dụng của mình.
Đại diện của Uber cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều cải tiến để nâng cao trải nghiệm cho tài xế trong năm vừa qua. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thương hiệu để Uber luôn là điểm đến hàng đầu cho những ứng viên đang tìm kiếm 1 công việc mới”.
Hãng sữa chua Activia – 45 triệu USD vì tự nhận sản phẩm của mình có chứa “nguyên liệu tiệt trùng đặc biệt” để bán với giá cao hơn đối thủ.
Vào năm 2010, thương hiệu sữa chua Activia đã phải đối diện với án phạt 45 triệu USD vì quảng cáo sai lệch sự thật để bán sản phẩm với giá cao hơn đối thủ. Cụ thể, các chiến dịch truyền thông của Activia đều nhấn mạnh rằng sữa chua của họ đã được “y tế và khoa học chứng minh” sẽ giúp người dùng cải thiện hệ miễn dịch cũng như hệ tiêu hoá. Và chính vì tác dụng to lớn này, họ đã thản nhiên bán sản phẩm với giá cao hơn 30% so với những đối thủ khác.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại từ nhiều người tiêu dùng và điều tra làm rõ sự việc, toà án Cleveland tuyên bố những thông tin quảng cáo của Activia là sai sự thật. Đồng thời, họ cũng phải loại bỏ những cụm từ như “đã được khoa học chứng minh” ra khỏi các chiến dịch truyền thông trong tương lai.
DaftKings và FanDuel – 6 triệu USD vì quảng cáo sai sự thật để lừa người chơi mới.
Vào năm 2016, hai công ty thể thao giả tưởng lớn nhất thế giới, DaftKings và FanDuel đã bị phạt 6 triệu USD cũng vì hành vi quảng cáo sai sự thật. Những đơn kiện nhắm vào 2 công ty này chủ yếu tập trung vào vấn đề họ đã giải thích sai về cơ hội chiến thắng của những người chơi ngẫu nhiên và người chơi mới. Theo đó, người chơi chuyên nghiệp hoặc lâu năm đã sử dụng các kịch bản máy tính tự động kết hợp với những số liệu phân tích kịch bản game để thâu tóm 1 khoản tiền lớn từ giải thưởng.
Theo Bộ trưởng Tư pháp New York cho biết số tiền phạt dành cho DaftKings và FanDuel là mức phạt cao nhất vì hành vi quảng cáo mập mờ, sai sự thật trong nhiều năm trở lại đây.
Volkswagen – 15 tỉ USD vì “chém gió” mẫu xe của hãng chạy bằng nguyên liệu dầu sạch, thân thiện với môi trường.
Vào năm 2016, FTC đã đệ đơn kiện Volkswagen cũng vi hành vi quảng cáo sai sự thật, sau khi hãng xe này khẳng định họ đã sản xuất những mẫu sản phẩm chạy bằng “dầu sạch” (Clean Diesel) để bảo vệ môi trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đã gian lận trong bài kiểm tra mức độ khí thải ra môi trường mà Mỹ đã áp dụng trong suốt 7 năm qua.
FTC cho biết Volkswagen đã bán hoặc cho thuê hơn 550.000 mẫu xe mà họ khẳng định chạy bằng “Clean Diesel” và đòi họ phải bồi thường 61 tỉ USD vì đã vi phạm điều luật Clean Air (bảo vệ môi trường không khí). Tuy nhiên, sau nhiều lần đám phán, án phạt dành cho hãng ô tô này chỉ là 15 tỉ USD mà thôi.
Tesco – 432 triệu USD vì bán thịt bò trộn với thịt ngựa trong 1 số sản phẩm thức ăn nhanh.
Vào năm 2013, chuỗi siêu thị Tesco đã phải đối mặt với 1 làn sóng chỉ trích liên quan đến một số mặt hàng thực phẩm của mình. Theo đó, họ đã sử dụng thịt bò trộn lẫn với thịt ngựa trong các sản phẩm bánh hamburger và đồ ăn nhanh để bán cho người tiêu dùng.
Sau đó, Tesco tiếp tục sai lầm khi đưa ra 1 bài báo dài 2 trang giấy với tiêu đề “Những chiếc burger đã dạy chúng ta điều gì”, kèm theo hàm ý tình trạng “thịt giả” đã xảy ra trong toàn ngành công nghiệp thực phẩm chứ không riêng gì họ – 1 điều vu khống trắng trợn. Bài báo và chiến dịch mới này sau đó đã phải nhận lệnh cấm từ ASA, kèm theo đó là án phạt 300 triệu bảng (432 triệu USD) dành cho chuỗi siêu thị này.
Red Bull – 13 triệu USD chỉ vì 1 câu slogan nghĩa bóng nhưng khách hàng thích hiểu theo nghĩa đen.
Năm 2014, hãng nước tăng lực Red Bull cũng phải đối diện án phạt 13 triệu USD vì câu slogan “Red Bull gives you wings” (RedBull sẽ mang đến đôi cánh cho bạn – tất nhiên là theo nghĩa bóng) của mình. Số tiền này bao gồm cả khoản bồi thường 10 USD/khách hàng, áp dụng cho những người đã mua sản phẩm của họ từ năm 2002. Câu slogan này vốn đã được Red Bull sử dụng trong suốt gần 2 thập kỷ hoạt động, cùng với đó là lời quảng cáo thức uống của họ có thể giúp người dùng cải thiện phản xạ và độ tập trung tức thì.
Beganin Caraethers là 1 trong những khách hàng lâu năm của RedBull, đã gắn bó với thương hiệu này trong suốt 10 năm liền. Tuy nhiên, anh khẳng định bản thân không hề “mọc cánh”, hay có bất cứ biến đổi nào về mặt thể chất như RedBull quảng cáo. RedBull sau đó đã phải đưa ra lời đính chính: “RedBull quyết định thực hiện án phạt để có thể tránh tổn thất nặng nề hơn về mặt tài chính cũng như những lùm xùm xoay quanh vụ kiện này. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rằng thương hiệu của như chiến dịch marketing của chúng tôi luôn trong sạch, thẳng thắn và chính xác, không hề có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật”.
New Balance – 2,3 triệu USD vì quảng cáo vô căn cứ, “đi giày của hãng sẽ giúp đốt calo nhanh hơn”.
Năm 2011, New Balance đã tiến hành 1 chiến dịch quảng cáo với thông tin sai lệch khi khẳng định mẫu giày mới của họ có thể giúp người dùng đốt cháy calo. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng dù bạn có đi loại giày gì đi nữa cũng sẽ không mang lại hiệu quả cho sức khỏe của bạn.
New Balance cho biết các mẫu sneaker của họ sử dụng công nghệ ván ẩn (hidden board), có thể tác động vào vào nhóm cơ mông, đùi, dây chằng và cẳng chân. Chính quảng cáo sai sự thật này đã khiến họ phải chịu án phạt 2,3 triệu USD vào ngày 20/8/2012.
Lumos Labs – 2 triệu USD vì “nổ” rằng ứng dụng của họ sẽ giúp người dùng thông minh hơn chỉ sau 1 thời gian ngắn.
Năm 2016, “cha đẻ” của Luminosity – ứng dụng nổi tiếng về huấn luyện não bộ của con người, đã lĩnh án phạt 2 triệu USD từ FTC vì hành vi quảng cáo vô căn cứ. Theo đó, công ty này khẳng định họ có thể ngăn ngừa căn bệnh Alzheimer, giúp người dùng học tập tốt hơn. Chưa hết, họ thậm còn “nổ” hơn nữa khi tuyên bố khách hàng chỉ cần sử dụng ứng dụng 10 phút/ngày, 3 ngày/tuần là có thể “phát huy tối đa tiềm năng trong mọi lĩnh vực đời sống”.
Jessica Rich, giám đốc tại FTC cho biết: “Luminosity không hề sở hữu đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chuyên nghiệp nào có thể đứng ra chịu trách nhiệm cho những tuyên bố của mình”.
Kellogg – 2,5 triệu USD vì quảng cáo mập mờ, không được kiểm chứng.
Năm 2010, loại ngũ cốc nổi tiếng Rice Krispies của Kellogg đã phải trải qua 1 khoảng thời gian điêu đứng trước những cáo buộc quảng cáo sai thông tin về thành phần cải thiện hệ miễn dịch trong sản phẩm của mình. FTC sau đó đã buộc Kellogg ngừng toàn bộ những chiến dịch quảng cáo có sử dụng thông tin “Rice Krispies giúp cải thiện hệ miễn dịch trẻ nhỏ nhờ 25% các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hoá – bao gồm vitamins A, B, C, E”, bởi thông tin này có phần hơi mập mờ.
Vụ kiện trên kết thúc vào năm 2011, và Kellogg đồng ý bồi thường 2,5 triệu USD cho những khách hàng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, họ còn quyên góp số sản phẩm trị giá 2,5 triệu USD cho các quỹ từ thiện.
Nguồn: ttvn
Có thể bạn quan tâm: BỘ ĐÔI MARKETING BÁN HÀNG ĐỈNH CAO