20 ý tưởng lớn này đã thay đổi cuộc đời tôi, còn bạn thì sao?
Khi cảm thấy thiếu động lực, tôi tìm đến bộ sưu tập các câu trích dẫn và đoạn văn yêu thích của mình được lưu trữ trên máy tính hoặc đánh dấu trong những cuốn sách (ngân hàng ý tưởng của tôi). Hôm nay là một ngày như vậy.
Khi đọc lại một vài trong số này và nhớ đến lý do tại sao tôi thích viết, thích đọc và hiểu được sức mạnh của câu chữ, tôi nghĩ có lẽ ai đó ngoài kia cũng có thể mang tâm trạng giống như tôi trước khi viết bài viết này.
Vì vậy, đây là 20 đoạn văn hay nhất (không theo thứ tự nào cả) mà tôi từng đọc về cuộc sống và các chủ đề liên quan, và chúng giúp tôi trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân qua thời gian (bên cạnh các bài học tôi nhận được từ Warren Buffett và Charlie Munger, dù sao hai người đàn ông khôn ngoan này đã chiếm quá nhiều bài viết trên blog này).
Hy vọng bạn thấy chúng hữu ích và không làm phí quãng thời gian đáng giá của bạn. Bạn đã sẵn sàng rồi chứ? Đi nào.
20 ý tưởng lớn này đã thay đổi cuộc đời tôi:
1. Steve Jobs – Can đảm để đi theo tiếng gọi trái tim và trực giác của bạn
Tâm niệm mình sẽ chết sớm là công cụ quan trọng nhất tôi từng gặp để giúp tôi đưa ra những lựa chọn lớn lao trong đời. Bởi vì hầu hết mọi thứ – tất cả những kỳ vọng xã hội, niềm tự hào, nỗi sợ phải thất bại – đều không là gì trước cái chết, chỉ còn lại những gì quan trọng thực sự. Nghĩ đến cái chết là cách tốt nhất tôi biết để tránh mắc bẫy bạn sẽ mất đi thứ nào đó. Bạn trần trụi. Không còn lý do nào để khỏi phải đi theo trái tim của bạn.
Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí để sống cuộc đời của người khác. Đừng bị mắc kẹt bởi giáo điều khi phải sống với mong đợi của người khác. Đừng để cho tiếng ồn từ những ý kiến của người khác nhấn chìm tiếng nói nội tâm của chính bạn. Và quan trọng nhất là hãy can đảm để đi theo tiếng gọi trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó chúng biết con người mà bạn thực sự muốn trở thành. Mọi thứ còn lại chỉ là thứ yếu. (Nguồn)
2. Naval Ravikant – Cuộc sống là trò chơi một người chơi
Chúng ta thường nói, “Hãy tập luyện để cơ thể trông đẹp hơn”. Đó là một trò chơi cạnh tranh gồm nhiều người chơi. Người khác có thể đánh giá tôi có làm tốt công việc hay không. Chúng ta nói “Hãy kiếm tiền. Rồi mua một ngôi nhà lớn.” Một lần nữa, trò chơi cạnh tranh xuất hiện. Khi học cách trở nên hạnh phúc, hãy rèn luyện làm sao để bản thân thấy hạnh phúc hoàn toàn từ nội tâm, chứ không phải vẻ ngoài, không phải xác nhận từ bên ngoài, bạn sẽ cạnh tranh với chính mình 100%, đó là trò chơi một người chơi.
Chúng ta là những sinh vật xã hội như thế đó, chúng ta giống như con ong hoặc con kiến, chúng ta được lập trình để tìm động lực và sự tác động từ bên ngoài, để rồi không biết cách chơi và chiến thắng trong các trò chơi một người này nữa. Chúng ta hoàn toàn cạnh tranh trên các trò chơi nhiều người.
Thực tế cuộc sống là trò chơi một người chơi. Bạn sinh ra một mình. Bạn sẽ chết một mình. Tất cả các diễn giải của bạn là một mình. Tất cả những kỷ niệm của bạn là một mình. Trước khi bạn ra đời, không ai quan tâm cả. Tất cả là trò chơi một người chơi. (Nguồn)
3. Eknath Easwaran – Chiến thắng cuộc chiến bên trong bạn
Chiến trường là bối cảnh hoàn hảo, nhưng chủ đề của tác phẩm Gita là cuộc chiến bên trong, cuộc đấu tranh để làm chủ bản thân mà mỗi con người phải trả giá nếu anh ta hoặc cô ta muốn giành chiến thắng.
Các học giả có thể tranh luận về vấn đề này mãi mãi, nhưng khi thực hành Gita, tôi nghĩ, rõ ràng cuộc đấu tranh mà Gita quan tâm là cuộc đấu tranh tự làm chủ. Thiên tài Vyasa đã lấy toàn bộ sử thi Mahabharata vĩ đại và coi đó là phép ẩn dụ cho cuộc chiến bất diệt giữa lực lượng ánh sáng và bóng tối trong mỗi trái tim con người. Arjuna và Krishna cũng không còn đơn thuần là những nhân vật trong một kiệt tác văn học. Arjuna trở thành thường dân hỏi Chúa, Sri Krishna, những câu hỏi bất diệt về sự sống và cái chết – không phải với tư cách là một triết gia. Do đó, Gita không phải là một cuộc đối thoại bên ngoài mà là một cuộc đối thoại bên trong đầy thiêng liêng: giữa con người bình thường đầy những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và chân ngã thâm sâu nhất của chúng ta.
Trên thực tế, không có cách nào khác để đọc Gita và nắm bắt nó như một chỉ dẫn tâm linh. Nếu tôi chỉ có thể đưa ra một chìa khóa để hiểu cuộc đối thoại thiêng liêng này, tôi sẽ nhớ rằng nó diễn ra trong sâu thẳm tâm thức và Krishna chẳng ai đó bên ngoài, dù là con người hay thánh thần, mà là tia sáng của linh thiêng nằm sâu bên trong mỗi con người. (Nguồn)
4. Carl Sagan – Lòng từ và trắc ẩn
Trái đất là sân khấu rất nhỏ trong vũ trụ rộng lớn. Hãy nghĩ về những dòng sông nhuộm máu bởi tất cả những vị tướng lĩnh và hoàng đế để rồi trong vinh quang và chiến thắng, họ trở thành những bậc anh hùng trong một phần của một dấu chấm thời gian. Hãy nghĩ về những sự tàn khốc vô tận mà cư dân ở một phần của dấu chấm gây nên cho những cư dân khác ở một số phần khác của dấu chấm. Đã bao nhiêu lần họ gây xích mích, họ hừng hực muốn chém giết lẫn nhau ra sao, lòng thù hận của họ mãnh liệt đến mức độ nào.
Điệu bộ ngạo mạn, tự cho bản thân là quan trọng, ảo tưởng rằng chúng ta có một vị trí đặc quyền trong vũ trụ đều bị thách thức bởi điểm sáng này. Hành tinh của chúng ta là một đốm cô đơn trong bóng tối vũ trụ bao trùm. Trong bóng tối – giữa tất cả sự rộng lớn này – không có gợi ý về sự giúp đỡ nào từ nơi khác để cứu rỗi chúng ta ngoài chính chúng ta.
Đó là quyết định nơi ta. Người ta nói rằng thiên văn học là bộ môn không quan trọng, và tôi có thể bổ sung rằng nó là trải nghiệm thay đổi nhân sinh quan của một người. Trong tâm trí tôi, có lẽ không có minh chứng nào tốt hơn về sự điên rồ của con người hơn là hình ảnh xa xôi về thế giới nhỏ bé của chúng ta. Đối với tôi, nó nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta là đối xử với lòng từ và trắc ẩn với nhau hơn cũng như giữ gìn và trân trọng cái chấm màu xanh nhạt đó, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta từng biết. (Nguồn)
5. Seneca – Sự ngắn ngủi của cuộc sống
Không phải chúng ta thiếu thời gian, mà chúng ta lãng phí rất nhiều. Cuộc sống đủ dài để chúng ta có đủ thì giờ tạo nên những thành tựu lớn lao nhất nếu được đầu tư tốt. Nhưng khi bị lãng phí trong sự xa xỉ vô nghĩa và dành cho những hoạt động không lành mạnh, cuối cùng chúng ta bị buộc phải đối mặt với cái chết để nhận ra rằng thời gian vụt qua thật nhanh. Vì vậy, cuộc sống của chúng ta không hề ngắn ngủi nhưng chúng ta đã làm cho nó ngắn ngủi. Cuộc sống rất dài nếu bạn biết cách sử dụng nó. (Nguồn)
6. Marcus Aurelius – Sự đi ngược tự nhiên của tức giận
Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy tự nhủ: những người tôi gặp hôm nay sẽ bao đồng, vô ơn, kiêu ngạo, giả dối, ganh tức và cáu kỉnh. Họ giống như vậy bởi vì họ không thể phân biệt thiện ác. Trong khi đó tôi nhìn thấy vẻ đẹp của thiện sự xấu xa của ác, và nhận ra rằng những người làm trái có bản tính liên quan đến tôi – tuy không cùng huyết thống nhưng cùng một tâm trí và sở hữu một phần của đấng thiêng liêng. Và vì vậy không ai trong số họ có thể làm tổn thương tôi. Không ai có thể đưa tôi vào sự xấu xa. Tôi cũng không thể cảm thấy tức giận với người thân của mình, hoặc căm ghét anh ta. Chúng ta được sinh ra để làm việc cùng nhau như chân, tay và mắt, như hàm răng trên và dưới. Cản trở nhau là đi ngược tự nhiên. Cảm thấy tức giận với ai đó, quay lưng lại với anh ta: những điều này là không tự nhiên. (Nguồn)
7. Haruki Murakami – Vượt qua khó khăn cuộc sống
Đôi khi số phận giống như một cơn bão cát nhỏ luôn thay đổi hướng đi. Bạn xoay chiều nhưng cơn bão cát sẽ đuổi theo bạn. Bạn lại đổi chiều, nhưng cơn bão điều chỉnh. Hết lần này đến lần khác, giống như điềm báo về điệu nhảy với cái chết ngay trước bình minh. Tại sao? Bởi vì cơn bão này không thổi từ xa đến hay không liên quan gì đến bạn. Cơn bão này là chính bạn. Một cái gì đó xảy ra bên trong bạn. Vì vậy tất cả những gì bạn có thể làm là nhượng bộ nó, bước vào trong cơn bão, nhắm mắt và bịt tai để cát không làm bạn tổn thương rồi bước qua, từng bước một. Ở đó không có mặt trời, không có mặt trăng, không có định hướng, không có cảm giác về thời gian. Chỉ là cát trắng mịn bay lên trời như xương bị nghiền nát. Đó là loại bão cát bạn cần hình dung.
Và bạn thực sự sẽ phải vượt qua cơn bão dữ dội, siêu hình, mang tính biểu tượng đó. Cho dù nó có thể siêu hình hay tượng trưng như thế nào, đừng nhầm lẫn: nó sẽ cắt xuyên da thịt như hàng ngàn lưỡi dao. Mọi người sẽ chảy máu, và bạn cũng sẽ chảy máu. Dòng máu nóng, đỏ. Bạn sẽ nhuốm máu trong tay do máu của chính bạn và máu của người khác.
Và một khi cơn bão đi qua, bạn sẽ không nhớ được mình đã vượt qua và sống sót như thế nào. Thậm chí bạn còn không chắc cơn bão có thực sự kết thúc hay không. Nhưng có một điều chắc chắn. Khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là con người lúc bước vào nữa. Đó là nhiệm vụ của cơn bão này. (Nguồn)
8. Dale Carnegie – Sống trọn vẹn từng ngày
Bạn và tôi, ngay trong lúc này đây, chúng ta đứng tại chỗ hai cái vô tận gặp nhau: cái dĩ vãng mênh mông có từ thời khai thiên lập địa và cái tương lai nó bắt đầu từ tiếng cuối cùng mà tôi mới thốt. Chúng ta không thể sống trong cả hai cái vô tận đó được, dù chỉ là trong một phần giây. Mà hễ rán sống trong hai thời gian thì ta sẽ làm hại cho tinh thần và thể chất của ta liền. Vậy chúng ta hãy chịu sống trong hiện tại vì ta chỉ có thể sống được trong hiện tại thôi.
Robert Louis Stevenson nói: “Bất kỳ ai cũng có thể làm công việc hàng ngày của mình được, dù công việc đó nặng nhọc tới bực nào đi nữa. Bất kỳ ai cũng có thể sống một cách êm đềm, trong sạch, kiên nhẫn, đầy tình thương chan chứa trong lòng, từ mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn. Đó, ý nghĩ của cuộc đời như vậy”. (Nguồn)
9. Kahlil Gibran – Trẻ em
Con bạn không phải là con của bạn.
Chúng là con trai và con gái của Cuộc sống đầy khao khát.
Chúng ra đời nhờ có bạn nhưng không phải từ bạn,
Và mặc dù chúng ở với bạn nhưng chúng không thuộc về bạn.
—
Bạn có thể cho chúng tình yêu của bạn chứ không phải suy nghĩ của bạn,
Vì chúng có suy nghĩ riêng của mình.
Bạn có thể là ngôi nhà nuôi nấng chúng nhưng không phải linh hồn của chúng,
Vì linh hồn của chúng ngự trong ngôi nhà của ngày mai,
mà bạn không thể đến thăm, ngay cả trong giấc mơ của bạn.
Bạn có thể phấn đấu để được như chúng,
Nhưng đừng tìm cách làm chúng giống bạn.
Vì cuộc sống không thụt lùi cũng không níu kéo ngày hôm qua.
—
Bạn là cung tên, còn con của bạn
là mũi tên sống được bắn ra.
Cung thủ nhìn thấy điểm ngắm trên con đường vô tận,
và Anh ta bẻ cong bạn với sức mạnh của mình
để mũi tên của Anh có thể đi nhanh và xa.
Hãy để sự uốn cong của bạn trong tay cung thủ là niềm vui;
Ngay cả khi Anh ta yêu mũi tên bay,
vì vậy, Anh ta cũng yêu chiếc cung vững chắc. (Nguồn)
10. Viktor Frankl – Suy nghĩ về thành công
“Đừng nhắm vào thành công – vì bạn càng nhắm vào nó, và muốn đạt tới nó, thì bạn càng dễ trượt qua nó. Vì thành công, cũng giống như hạnh phúc, không thể tìm kiếm mà có; nó phải tự sản sinh ra, và chỉ có thể xuất hiện khi một người cống hiến hết mình, hoặc sống vì người khác hơn là vì bản thân mình. Hạnh phúc sẽ đến, và thành công cũng sẽ xuất hiện: bạn phải để nó diễn ra bằng cách đừng quan tâm đến nó. Tôi muốn bạn lắng nghe những gì mà lương tâm bạn ra lệnh phải làm và tiếp tục thực hiện hết mình. Và bạn sẽ thấy rằng về lâu dài – tôi nhấn mạnh là về lâu dài – thành công sẽ đến với bạn bởi vì bạn đã quên nghĩ về nó! (Nguồn)
11. Dostoevsky – Không lừa dối chính mình
Trên hết, đừng tự dối mình. Người dối mình và nghe theo lời nói dối của mình dần dà sẽ không thể phân biệt được sự thật bên trong anh ta, hoặc xung quanh anh ta, và do đó mà đánh mất lòng tự trọng đối với bản thân và với người khác. Khi thiếu tự trọng, người ta ngừng yêu thương. (Nguồn)
12. Anne Frank – Tìm kiếm niềm an ủi trong tự nhiên
Liệu pháp tốt nhất cho những người sợ hãi, cô đơn hoặc không hạnh phúc là bước ra ngoài, một nơi nào đó mà họ có thể tĩnh lặng với thiên đàng, thiên nhiên và Thiên Chúa. Bởi vì chỉ khi đó, người ta mới cảm nhận bản chất của sự vật và Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, và ngắm nhìn cái đẹp của thiên nhiên. Chừng nào chúng còn tồn tại, và chắc chắn sẽ luôn như vậy, tôi biết rằng luôn có niềm an ủi cho mọi nỗi buồn, bất kể hoàn cảnh nào có thể xảy ra. Và tôi tin chắc rằng thiên nhiên sẽ mang lại niềm an ủi dẫu mọi rắc rối. (Nguồn)
13. Nassim Taleb – Chúng ta là Thiên nga đen
Đôi khi tôi cảm thấy ngạc nhiên khi mọi người có thể tỏ ra khốn khổ hay cảm thấy tức giận vì thấy mình bị lừa bởi một bữa ăn không ngon, một cốc cà phê lạnh, một lời chối từ hay bị đối xử khiếm nhã… Chúng ta vội quên mất chỉ cần được sống đã là may mắn lạ thường, một sự kiện từ xa, một biến cố đã xảy ra với tỷ lệ phi thường.
Hãy tưởng tượng một đốm bụi nhỏ đặt kế bên một hành tinh có kích thước lớn hơn Trái đất một tỉ lần. Đốm bụi đó so với hành tinh khổng lồ kia đại diện cho tỉ lệ một người được sinh ra. Vậy thì, đừng nhọc công vì những chuyện không đâu. Đừng hành động như được tặng tòa lâu đài nhưng lại khó chịu về một chút rêu mốc trong nhà tắm. Đừng chê bai, soi mói những gì mình được tặng. Hãy nhớ rằng bạn chính là một Thiên nga đen. (Nguồn)
14. Yuval Noah Harari – Sức mạnh của thiền định
Theo Phật học, gốc rễ của đau khổ không phải là cảm giác của đau đớn, cũng không phải buồn thương, thậm chí cũng không phải sự vô nghĩa. Đúng hơn, gốc thực của sự đau khổ là sự không bao giờ kết thúc này, và sự theo đuổi vô nghĩa của những cảm xúc phù du ngắn ngủi, vốn là nguyên nhân khiến chúng ta ở trong một trạng thái liên tục của căng thẳng, bồn chồn và không bằng lòng. Do việc theo đuổi này, tâm thức không bao giờ hài lòng. Ngay cả khi trải qua vui sướng, nó vẫn không hài lòng, vì nó sợ cảm xúc này có thể biến mất nhanh chóng, và khao khát rằng cảm xúc này sẽ ở lại và tăng lên.
Những người được giải thoát khỏi đau khổ không phải khi họ trải nghiệm niềm vui thoáng qua này hay niềm vui thoáng qua kia, nhưng đúng hơn khi họ hiểu được bản chất vô thường của tất cả những cảm xúc của họ, và ngưng thèm khát chúng. Đây là mục đích của những thực hành thiền định Phật học. Trong thiền định, bạn thường được thừa nhận là phải quan sát chặt chẽ não thức và cơ thể của bạn, chứng kiến sự sanh diệt không ngừng của tất cả những cảm xúc của bạn, và nhận ra là điều vô nghĩa biết chừng nào, nếu cứ theo đuổi chúng. Khi sự theo đuổi dừng lại, tâm thức (hay tinh thần) trở nên rất thoải mái, trong sáng và hài lòng. Tất cả những loại cảm xúc tiếp tục chu kỳ sanh và diệt – vui, giận, buồn chán, thèm muốn – nhưng một khi bạn ngừng khao khát những xúc cảm đặc biệt, bạn có thể chấp nhận chúng đúng như những gì chúng vốn là. Bạn sống trong giây phút hiện tại thay vì mơ tưởng về những khả năng đã có thể xảy ra. Kết quả là một sự thanh thản hết sức sâu xa, khiến những ai chỉ biết phí đời họ trong điên cuồng theo đuổi những cảm xúc dễ chịu, khó có thể tưởng tượng được nó. Nó giống như một người đứng hàng chục năm trên bờ biển, giơ hai tay ôm lấy một số những con sóng ‘tốt’, cố gắng ngăn chúng đừng tan rã, trong khi xô đẩy những con sóng ‘xấu’, ngăn chúng đừng đến gần ông ta. Ngày tiếp ngày, con người vẫn đứng trên bãi biển, tự đẩy mình điên dại với thực tập không kết quả này. Cuối cùng, con người ngồi xuống trên cát, và chỉ để những con sóng đến rồi đi, thật tự nhiên. An bình xiết bao! (Nguồn)
15. Ed Viesturs – Nghiệp (Karma)
Mặc dù tôi vẫn không chắc chắn về sự tồn tại của Chúa hay bất kỳ tôn giáo nào, tôi tin vào nghiệp. Gieo nhân nào gặt quả đó. Cách bạn sống cuộc đời của bạn, sự tôn trọng mà bạn dành cho người khác và núi non, cách bạn đối xử với mọi người nói chung sẽ đáp trở lại bạn tương tự. Tôi thích thuật ngữ mà tôi gọi là Ngân hàng Nghiệp Quốc gia. Nếu bạn từ bỏ cơ hội leo lên đỉnh núi để giúp giải cứu ai đó gặp nguy hiểm, bạn đã đặt một khoản tiền gửi vào ngân hàng. Và đôi khi trong cuộc sống, có lẽ bạn cần rút một khoản tiền lớn. (Nguồn)
16. Albert Einstein – Mở rộng vòng tròn từ bi của chúng ta
Con người là một phần của toàn thể, mà chúng ta gọi là “Vũ trụ”, một phần bị giới hạn về thời gian và không gian. Anh ta trải nghiệm bản thân, suy nghĩ và cảm xúc của mình, như một thứ gì đó tách biệt với phần còn lại – một loại ảo giác về nhận thức. Ảo tưởng này là một loại nhà tù đối với chúng ta, ngăn cản chúng ta theo ham muốn cá nhân và tình cảm với một số người gần gũi chúng ta nhất. Nhiệm vụ của chúng ta phải là giải thoát bản thân khỏi nhà tù này bằng cách mở rộng vòng tròn từ bi của mình với tất cả các sinh vật sống và toàn bộ tự nhiên. (Nguồn)
17. Daily Stoic – Đối mặt với thế giới đáng sợ
Trong cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của Aaron Their “The World Is A Narrow Bridge”, có một cảnh Eva và Murphy, hai nhà tiên tri trẻ của thần Yahweh, được giao cho một nhiệm vụ khiến họ khiếp sợ. Khi họ bắt đầu nhiệm vụ, Eva và Murphy gặp Satan, người được Yahweh phái đến để đưa cho họ những chỉ dẫn cuối cùng. Sau khi Satan đưa ra chỉ dẫn, ông bắt đầu lên đường thực hiện nhiệm vụ tiếp theo:
“Ông phải đi nhanh vậy sao? Ngay bây giờ?”, Eva hỏi.
Cô ấy trông thất vọng. Murphy cũng không vui. Satan cau mày mím môi. Ông không muốn rời bỏ họ như thế này.
Rồi ông bảo, “Ta sẽ chỉ hai người một mẹo nhỏ, ta sẽ dạy các ngươi một câu thần chú chống lại sự tuyệt vọng. Nếu mọi thứ tăm tối mà ta không có mặt để giúp đỡ, các ngươi có thể lặp lại vài lần và sẽ thấy hiệu nghiệm.
Câu thần chú như sau: ‘Thế giới là một cây cầu hẹp, và điều quan trọng nhất là đừng sợ hãi.’”
Murphy và Eva cùng lặp lại từng câu từng chữ. Eva cảm thán, “thật tuyệt”.
Satan gật đầu. “Chỉ cần lặp lại câu thần chú khi hoàn cảnh xấu xảy ra. Các ngươi cũng có thể thử các phiên bản khác nhau nữa. ‘Đừng sợ hãi, cả thế giới là một cây cầu hẹp.’”
Vấn đề là cuộc sống mà chúng ta đang sống – ở thế giới nơi chúng ta đang trú ngụ – là một nơi đáng sợ. Nếu bạn nhìn sang bên kia cây cầu hẹp, bạn có thể run sợ mà không thể tiếp tục. Bạn đóng băng. Bạn quỵ xuống. Cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta suy nghĩ quá nhiều về hành trình mình phải thực hiện, thứ bắt đầu bằng tâm lý sinh tử với bi kịch của cái chết, thứ nguy hiểm và khó lường, thế thì chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được.
Điều quan trọng là chúng ta không được sợ hãi. Rằng chúng ta không nên lật đổ mọi thứ. Chúng ta không thể nhường chỗ cho nỗi sợ hãi, như chủ nghĩa khắc kỷ (the Stoics) nói với chúng ta nhiều lần. Chỉ cần lặp lại điều đó với chính mình rằng Thế giới là một cây cầu hẹp và tôi sẽ không sợ hãi mà tiếp tục bước đi. Giống như hàng ngàn thế hệ cha ông chúng ta. (Nguồn)
18. Morrie Schwartz – Mục đích và ý nghĩa của cuộc sống
Nhiều người sống một cuộc đời vô nghĩa. Họ có vẻ mơ màng dù đó là khi họ đang bận rộn làm những việc mà họ cho là quan trọng. Đó là vì họ theo đuổi sai thứ. Để sống cuộc sống có ý nghĩa, hãy cống hiến hết mình để yêu thương người khác, cống hiến hết mình cho cộng đồng xung quanh bạn và cống hiến hết mình để tạo ra điều mang lại mục đích và ý nghĩa cho bạn. (Nguồn)
19. Seneca – Hy vọng và nỗi sợ
Hạn chế ham muốn thực sự giúp chữa trị nỗi sợ hãi cho con người. Ngừng hy vọng và bạn sẽ không còn sợ hãi nữa. Tuy khác nhau [sợ hãi và hy vọng], hai tính chất này song hành cùng nhau như tù nhân và người hộ tống mà người đó bị còng tay. Sợ hãi bắt nhịp với hy vọng… cả hai thuộc về tâm trí hồi hộp, một tâm trí trong trạng thái lo lắng vì nhìn vào tương lai. Cả hai chủ yếu là do phóng chiếu những suy nghĩ của chúng ta đến nơi xa vời thay vì thích nghi với hiện tại. (Nguồn)
20. Courtney Peppernell – Sống hết mình cho câu chuyện của chúng ta
Nếu kiếp nhân sinh là một cuốn sách, bạn không thể nhảy chương, đó là nguyên lý của cuộc sống. Bạn phải đọc từng dòng, gặp gỡ từng nhân vật một. Bạn sẽ không tận hưởng tất cả trong cuốn sách đó. Tệ hơn một số chương sẽ làm bạn khóc trong nhiều tuần. Bạn sẽ đọc những thứ bạn không muốn đọc, bạn sẽ có những khoảnh khắc mà không muốn trang sách đó kết thúc. Nhưng bạn sẽ phải tiếp tục. Những câu chuyện khiến cho thế giới xoay vòng. Hãy sống trong cuốn sách của bạn, đừng bỏ lỡ. (Nguồn)
Điều gì truyền cảm hứng cho bạn? Hãy chia sẻ nhé!
Nguồn: Safalniveshak/ Happy Live dịch