29 tuổi quản lý danh mục 2,5 tỷ USD tiền số
Ophelia Snyder, 29 tuổi, quản lý danh mục các quỹ ETF Bitcoin giao ngay được niêm yết trên 10 sàn giao dịch tại châu Âu.
Ophelia Snyder từng là người làm phim tài liệu về sinh vật biển cho Discovery Chanel lúc 20 tuổi. Giờ khi ở tuổi 29, cô quản lý danh mục 2,5 tỷ USD tiền mã hóa – một lĩnh vực tài chính rủi ro và biến động mạnh.
21Shares – công ty của Snyder’s có trụ sở tại Zug – còn được biết đến là Thung lũng tiền mã hoá của Thuỵ Sỹ. 21Shares có các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tiền mã hóa (crypto) niêm yết trên 10 sàn giao dịch tại châu Âu.
Cô đang hợp tác với “bà trùm” quản lý quỹ Cathie Wood để phát triển một quỹ Bitcoin ETF giao ngay ở Mỹ, nếu được cơ quan quản lý nước này cho phép.
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) như một rổ tài sản, hoạt động mô phỏng theo sự biến động của Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác. Tài sản trong rổ này sẽ được kiểm soát bởi công ty quản lý quỹ và được đem ra giao dịch trên thị trường chứng khoán gần đúng với giá trị tài sản ròng.
Snyder nhận thấy nhu cầu đầu tư vào crypto ngày một lan rộng khắp thế giới nhưng việc giao dịch lại là quá trình phức tạp với nhiều nhà đầu tư cá nhân, kể cả ở Mỹ.
Vì thế thông qua quỹ ETF, nhà đầu tư có thể sở hữu tiền mã hóa mà không cần nắm bất kỳ ví Bitcoin nào. Hình thức này sẽ giúp các nhà đầu tư non kinh nghiệm dễ dàng tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, trong gần 10 năm qua, các nhà quản lý vẫn còn giữ cái nhìn thận trọng và hoài nghi về quỹ ETF tiền mã hóa.
Nhiều tham vọng nhưng Ophelia Snyder cũng đang phải đương đầu với các sóng gió.
Cathie Wood, cố vốn của Snyder – vừa có một khởi đầu tồi tệ năm 2022 khi cổ phiếu công nghệ sụt giá và các nhà đầu tư đang rút tiền khỏi quỹ. Chỉ trong tuần qua, crypto tiếp tục giảm thêm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu cho các đợt tăng lãi suất. Trong khi đó, Uỷ ban chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) dường như chưa có xu hướng bật đèn xanh cho các ETF tiền điện tử.
Snyder vẫn không nản lòng. Cô cho biết vẫn kiên định với mục tiêu xoá dần rào cản gia nhập thị trường crypto và bảo vệ cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ trước xu hướng phát triển ào ạt của ngày càng nhiều công ty trong lĩnh vực này.
21Shares mua các đồng coin và lưu trữ chúng trong ví ngoại tuyến (ví lạnh). Điều đó làm tăng chi phí quản lý quỹ, dẫn đến phí hàng năm cao, ăn vào lợi nhuận. Tại 21Shares, phí quản lý trong khoảng từ 1,49% đến 2,5% – cao hơn nhiều so với mức phí trung bình 0,5% của các quỹ ETF cổ phiếu.
Mô hình ETF Bitcoin kiểu này có thể tồn tại hợp pháp tại Thuỵ Sỹ nhờ môi trường chính sách cởi mở, đặc biệt là tại thành phố Zug – nơi 21Shares đang đặt trụ sở. Đây còn được gọi là Thung lũng crypto – ngôi nhà của nhiều quỹ phòng hộ, trader hàng hoá và các công ty tiền mã hoá, nhờ vào mức thuế thấp và thái độ rộng mở với công nghệ blockchain. Thành phố này thậm chí còn cho phép công dân nộp thuế bằng Bitcoin và Ether.
Snyder từng là sinh viên Đại học Stanford nhưng không học về ngành tài chính. Cô làm việc trong các phòng thí nghiệm khoa học và làm phim tài liệu về sinh vật biển cho Discovery Channel. Tuy nhiên, Snyder sau đó quan tâm nhiều hơn tới tài chính vì cho rằng “đó là trọng tâm của cách chúng ta thay đổi thế giới”, cho dù đó là các vấn đề biến đổi khí hậu, quyền của phụ nữ hay giáo dục. Vì thế, cô chuyển sang lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và quản lý tài sản, từ đó đến với lĩnh vực tiền mã hóa.
Năm 2018, cô cùng với Hany Rashwan, một doanh nhân người Mỹ gốc Ai Cập sáng lập nên Amun – sở hữu quỹ ETF đại diện Bitcoin, Ethereum và các đồng tiền phổ biến khác, niêm yết trên Sàn giao dịch Thụy Sĩ SIX ở Zurich.
21Shares được tách ra từ Amun, đang có 23 ETF tiền mã hóa yết trên 10 sàn giao dịch tại châu Âu.
Snyder thừa nhận, các nhà đầu tư vào ETF tiền mã hóa vẫn có thể mất tiền, nhưng cho biết công ty cố gắng để mọi người hiểu hơn về thị trường. “Đầu tư vào thị trường tiền mã hóa gần với đầu tư mạo hiểm hơn là thị trường cổ phiếu”, cô nói.
Dù đã phê duyệt cho quỹ ETF hợp đồng tương lai Bitcoin, Chủ tịch SEC Gary Gensler, vẫn nghi ngờ về các quỹ ETF giao ngay. Nhưng dưới góc nhìn Snyder, ETF hợp đồng tương lai không hiệu quả khi phí giao dịch nhiều còn sản phẩm phức tạp, không phù hợp với nhiều nhà đầu tư.
Theo Bloomberg
Có thể bạn quan tâm