4 đại gia Việt giàu có vang bóng một thời, kinh doanh cái gì thành Vua thứ đó
Không chỉ kinh doanh giỏi, những đại gia Việt này còn có lòng yêu nước nồng nàn, thường xuyên ủng hộ tiền vàng cho đất nước.
Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà – ông “tổ” nghề sơn Việt
Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà (SN 1894, tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây nay là Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có 7 anh em. Từ nhỏ, ông đã được học chữ Nho và chữ Quốc Ngữ. Nhờ đó khi lớn lên, ông xin được công việc phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp.
Sau này vì lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Tại đây ông không ngừng nung nấu ý chí tạo dựng một hãng sơn dầu của riêng người Việt Nam. Năm 1917, khi đã nắm giữ được những công nghệ của ngành sản xuất sơn và tích cóp được kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh của người Pháp, ông bắt đầu thực hiện mộng lớn của mình.
Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà và người vợ thứ ba.
Ban đầu ông bán chiếc xe đạp để có tiền làm vốn rồi mở một cửa hiệu nhỏ chuyên nhân việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa. Ông còn nghiên cứu chế tạo loại sơn riêng bằng cách dùng các nhiên liệu trong nước như nhựa thông, dầu cây thầu dấu… Cuối cùng, sau rất nhiều gian nan, mẻ sơn đầu tiên thành công, đóng hộp bán ra thị trường với thương hiệu sơn “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”. Chất lượng và giá cả sơn của ông đã chinh phục cả người tiêu dùng Pháp và Việt.
Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, thương hiệu sơn của ông Nguyễn Sơn Hà vượt biên giới sang Phnôm Pênh, Viên Chăn, Xiêm… và được ưa chuộng đến mức làm không đủ bán. Sau khi thành công với sản phẩm sơn của riêng mình, ông thành lập một hãng sơn lấy tên là Gecko.
Năm 1939, trong một lần vào miền Nam, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ tới thăm Phan Bội Châu đang bị thực dân Pháp quản thúc tại Huế. Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến ông. Với vị trí một nhà tư sản có uy tín trong giới công thương thành phố, ông đã tranh cử hội đồng thành phố.
Ông cũng tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi Hội Truyền Bá quốc ngữ. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, ông có một tấm lòng thương yêu người lao động sâu sắc. Ông cũng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói.
Di tích được xếp hạng bảo tồn này trước đây là biệt thự của gia đình ông Nguyễn Sơn Hà.
Trong “Tuần lễ vàng” do chính phủ phát động, tỷ phú Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình, gồm vàng bạc, đá quý cân được 10,5 kg.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô – người giàu có bậc nhất Hà thành
Ông Trịnh Văn Bô (SN 1914) cùng vợ là chủ nhân của cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi đặt tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Cho đến giữa năm 1940, ông được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà thành, có bạn hàng tại các nước Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt và có kinh doanh cả ngành bất động sản.
Tên tuổi của ông Trịnh Văn Bô được biết đến nhiều nhất qua những hoạt động từ thiện và sự đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Là thương nhân giàu có, nhưng gia đình ông lại kinh doanh trên triết lý “Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức”.
Tầng hai của hiệu buôn sầm uất Phúc Lợi từng là nơi ở của nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng cấp cao của Việt Nam khi chuyển hoạt động từ chiến khu về Hà Nội.
Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô.
Sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, ngân khố quốc gia khi đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó đa phần đã rách nát, không thể tiêu dùng được. Khi “Tuần lễ vàng” được phát động, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.
Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động “Tuần lễ vàng”, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
Doanh nhân Trương Văn Bền – ông chủ thương hiệu xà bông “Cô Ba” nức tiếng
Ông Trương Văn Bền (SN 1884), trong một gia đình giàu có tại Chợ Lớn (Sài Gòn). Từ bé, ông đã quen với khung cảnh giao thương mua bán tấp nập và máu kinh doanh cũng thấm vào người ông như lẽ tự nhiên. Ông thi đỗ kỳ thi Brevet élémentaire (cao đẳng tiểu học) đầu tiên do chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức, được bổ nhiệm chức vụ Ký lục thượng thư.
Năm 1901, ông rời bỏ không làm cho chính quyền Pháp nữa và trở lại nghề buôn bán của cha ông. Thời gian đầu, ông bán lạc, đậu xanh, đường trong một cửa tiệm nhỏ tọa lạc ở số 40 rue du Cambodge (Chợ Lớn). Sau đó ông khuếch trương mua các loại hàng sỉ từ các thương gia người Hoa rồi bán lại cho các tiệm bán lẻ ở Chợ Lớn.
Là người nhạy cảm trong việc thương mại, nhìn xa thấy rộng, ông Bền biết rõ một tiềm năng kinh tế Việt Nam còn bị lãng quên: cây dừa. Năm 1918, ông lập xưởng ép dầu dừa. Xưởng này sản xuất đủ loại dầu từ dấu nấu ăn, dầu salat (salad oil) đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ.
Doanh nhân Trương Văn Bền.
Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập tại đường Quai de Cambodge (trước chợ Kim Biên bây giờ), ban đầu sản xuất 600 tấn xà bông giặt mỗi tháng. Tận dụng nguyên liệu có sẵn, ứng dụng kỹ thuật mới, công ty của ông đưa ra những sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả phải chăng. Thêm vào đó, ông lại rất chú trọng đến việc quảng cáo và khuếch trương thương hiệu.
Trên hộp xà bông của hãng là hình một trong những mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ – cô Ba. Xà bông cô Ba xuất hiện trên khắp các báo chí với lời kêu gọi: “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” và “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam”.
Xà bông cô Ba đánh bại xà bông Marseille, nhanh chóng được biết tới trên toàn Đông Dương, thậm chí còn xuất sang Hương Cảng, qua châu Phi và Tân Đảo.
Thương gia Bạch Thái Bưởi – giàu có bậc nhất đất Việt đầu thế kỷ XX
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (SN 1874) sinh trong một gia đình nông dân nghèo, họ Đỗ tại làng An Phúc (Hà Đông). Cha ông mất sớm, nên ông phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong. Lúc ấy có một nhà phú hào họ Bạch thấy ông thông minh, lanh lợi, nên nhận làm con nuôi và đổi lại họ Bạch. Nhờ đó, ông có cơ hội ăn học, được đi học chữ quốc ngữ, chữ Pháp.
Sau đó ông xin làm nhân viên thư ký cho một hãng buôn người Pháp ở phố Tràng Tiền (Hà Nội) rồi chuyển sang làm với một hãng thầu công chánh. Chính ở những nơi này, ông đã học được cách tổ chức, quản lý sản xuất và tiếp xúc với thiết bị, máy móc.
Khi người Pháp xúc tiến, mở đường sắt nối liền Bắc –Nam, nhận thấy nhu cầu tà-vẹt gỗ rất lớn, Bạch Thái Bưởi dốc hết vốn liếng dành dụm bấy lâu hùn với một người Pháp vào việc lãnh thầu cung cấp tà-vẹt cho công trình này. Sau đó, ông mở một hiệu cầm đồ ở Nam Định, rồi lãnh thêm việc thầu thuế ở các chợ tại Vinh, Nam Định, Thanh Hóa…
Thương gia Bạch Thái Bưởi.
Thời kỳ đó, ông còn lấn sân sang lĩnh vực in ấn và bỏ tiền ra mở “Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi” (sau là Đông Kinh ấn quán), xuất bản tờ “Khai hóa nhật báo” nhằm cổ động phong trào thực nghiệp ở nước ta.
Năm l909, với vốn liếng, kinh nghiệm làm ăn trong những năm qua, Bạch Thái Bưởi quyết tâm lao vào một lĩnh vực kinh doanh mới: vận tải đường sông. Từ đây ông vươn lên đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh, trở thành “Vua sông biển Đông Dương” và là một trong “tứ đại gia” lừng lẫy thời đó.
Trong vòng 10 năm (1909 -1919), Công ty Bạch Thái Bưởi đã có tới 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều sà lan chạy hầu hết tuyến sông miền Bắc, rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước xung quanh như Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Trung Quốc…
Nguồn: Thị trường 24h
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU