fbpx

4 kiểu giao dịch theo phân tích kỹ thuật (phần 2)

Các kiểu giao dịch kỹ thuật khác nhau sẽ nổi trội ở các cấu trúc thị trường khác nhau, vì vậy nhà đầu tư cần phải nắm rõ những kiểu giao dịch này. 

Trong bài viết “4 kiểu giao dịch theo phân tích kỹ thuật (phần 1)” thì chúng ta đã hiểu sơ qua về tầm quan trọng của việc làm rõ thiết lập giao dịch của bạn, tìm hiểu về kiểu giao dịch theo xu hướng tiếp diễn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 3 kiểu giao dịch kỹ thuật còn lại: Xu hướng kết thúc, giữ vững hỗ trợ hoặc kháng cự và đánh mất/phá vỡ hỗ trợ hoặc kháng cự.

4 kiểu giao dịch theo phân tích kỹ thuật (phần 2)

Giao dịch theo xu hướng kết thúc 

Về khái niệm

Ở đây, sử dụng thuật ngữ chính xác có vai trò quan trọng hơn bất kỳ loại giao dịch nào khác. Nếu bất cẩn, chúng ta có thể gán mác “đảo ngược xu hướng” cho phần lớn các giao dịch dạng này, nhưng điều này sẽ phản tác dụng vì kỳ vọng của nhà giao dịch không được xác định chính xác. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang giao dịch đảo ngược xu hướng, thì bạn sẽ kỳ vọng rằng một giao dịch thắng lợi sẽ chuyển thành một xu hướng nghịch. Đây là một sự đảo ngược xu hướng thực sự và những điểm này sẽ cho một tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro vượt trội và một vị trí giao dịch gần như hoàn hảo. Có ai lại không muốn mua đáy bán đỉnh khi đảo chiều chứ? Tuy nhiên, việc đảo ngược xu hướng thực sự là rất hiếm, và việc bán ra ở gần vùng đỉnh rồi chứng kiến thị trường dừng xu hướng đó lại là điều phổ biến hơn nhiều. Hãy nhớ điều này: Chiến thắng của một giao dịch theo xu hướng kết thúc là khi xu hướng đã không còn tiếp diễn. Những thứ khác đều là phần thưởng, vì vậy điều quan trọng là phải điều chỉnh kỳ vọng của bạn cho phù hợp.

Lợi thế của kiểu giao dịch theo xu hướng kết thúc   

Các điểm thuận lợi trong chu kỳ cho các giao dịch theo xu hướng kết thúc là những điểm mà xu hướng tăng dừng lại và chuyển sang giai đoạn phân phối, điều này ngược lại với xu hướng giảm, nhưng vẫn có những khả năng khác. Một số nhà giao dịch chuyên tìm kiếm các điểm mở rộng quá mức trong các xu hướng đã xác lập, và ngược dòng (đi ngược lại với xu hướng) ở những điểm này hy vọng một đợt đảo chiều rất nhanh và ngắn.

4 kiểu giao dịch theo phân tích kỹ thuật (phần 2)

Ví dụ, một nhà giao dịch có thể tìm vị trí mà các đợt tăng giá đã đi quá nhanh, quá xa trong giai đoạn tăng trưởng và thực hiện bán khống chống lại các đợt tăng đó, rồi dự kiến mua lại ở một đến ba nến sau đó. Đây là giao dịch chỉ dành cho những nhà giao dịch nhanh trí và hoạt bát nhất, các nhà giao dịch mới vào nghề được khuyên nên tránh những cú lướt sóng nghịch hướng này vì chúng làm bạn không tập trung vào bức tranh toàn cảnh. Duy trì một khung thời gian nhất quán là điều quan trọng; một nhà giao dịch có thể tìm kiếm các điểm mà các xu hướng giảm ngắn hạn (điều chỉnh) trong xu hướng tăng đã đi quá xa, và sau đó vào vị thế mua chống lại các đợt suy giảm ở khung thời gian thấp hơn. Trong trường hợp này, nhà giao dịch thực sự đang định vị nghịch hướng trong khung thời gian thấp hơn nhưng thuận với xu hướng trên khung thời gian giao dịch. Vậy, đây là giao dịch theo xu hướng tiếp diễn hay xu hướng kết thúc? Câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm và khung thời gian của bạn, và điều quan trọng là bạn phải nhất quán. Hiểu những gì bạn đang cố gắng đạt được với giao dịch này và làm thế nào để giao dịch này phù hợp nhất trong cấu trúc thị trường thực.

Rủi ro của giao dịch theo xu hướng kết thúc 

Các giao dịch theo xu hướng kết thúc thường không phải là giao dịch có xác suất cao, nhưng bù lại lợi nhuận tiềm năng của các giao dịch thắng lợi có xu hướng lớn hơn nhiều so với rủi ro ban đầu. Nếu các mô hình cho phép bạn bán khống gần đỉnh cao nhất của chân xu hướng với một mức độ chắc chắn nhất định, thì bạn có rủi ro được xác định rõ ràng và tiềm năng đạt được lợi nhuận vượt trội trong một vài giao dịch theo dạng này. Trên một kích thước mẫu đủ lớn, tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận có thể rất tốt, dẫn đến một kỳ vọng dương chắc chắn ngay cả khi phần lớn các giao dịch này đều thua lỗ.

Giao dịch xu hướng kết thúc là giao dịch nghịch hướng (ngược với xu hướng hiện tại) và quản lý giao dịch là một vấn đề hệ trọng. Đa số các khoản lỗ thực sự đáng kể khiến các nhà giao dịch kiệt quệ (và không liên quan đến quyền chọn) xảy ra khi họ đang đi ngược xu hướng và gia tăng thêm vị thế khi xu hướng tiếp tục đi ngược lại với dự đoán của họ. Nếu đây là một trong những tình huống mà xu hướng chuyển sang kiểu sụp đổ parabol, thì rất có thể sự nghiệp giao dịch sẽ bị chấm dứt hoàn toàn chỉ bằng một giao dịch duy nhất. Đối với các nhà giao dịch lướt sóng, đôi khi sẽ có những biến động đáng kể chống lại các vị thế nắm giữ qua đêm khi giao dịch nghịch hướng, vì vậy trong kế hoạch quản lý rủi ro và định cỡ vị thế, điều này cần phải được tính đến. Kỷ luật thép là điều cần thiết, hơn bất cứ kiểu giao dịch nào khác, để thực hiện những giao dịch này với bất kỳ mức độ nhất quán nào.

Giao dịch giữ vững hỗ trợ hoặc kháng cự

4 kiểu giao dịch theo phân tích kỹ thuật (phần 2)

Về khái niệm 

Các kiểu giao dịch này có một số sự chồng chéo và có thể áp dụng các giao dịch từ các dạng này ở nhiều vị trí trong cấu trúc thị trường. Chúng ta có thể cho rằng hầu hết các giao dịch hỗ trợ/kháng cự sẽ diễn ra trong các khu vực tích lũy hoặc phân phối khi thị trường đi ngang, nhưng các giao dịch thuận hướng cũng có thể bắt đầu bằng cách mua tại hỗ trợ trong xu hướng. Đây là các giao dịch theo xu hướng tiếp diễn hay các giao dịch giữ vững hỗ trợ? Câu trả lời là cả hai, vì vậy, các nhà giao dịch phải xây dựng một hệ thống phân loại được suy nghĩ kỹ lưỡng phản ánh đúng cách tiếp cận của họ với thị trường. Các mô hình và quy tắc giao dịch của bạn là những công cụ mà thông qua đó bạn cấu trúc biến động giá và cấu trúc thị trường, chúng phải có ý nghĩa đối với bạn. Hãy dành thời gian để xác định rõ những thứ này.

Lưu ý và bất lợi của kiểu giao dịch này

Có nhiều phạm vi giao dịch được xác định tương đối chính xác ở biểu đồ quá khứ, những phạm vi mà bạn có thể mua và mạo hiểm một số tiền rất nhỏ khi thị trường hồi lại vào lúc chạm mức giá “kỳ diệu” ở đáy phạm vi. Các giao dịch này thực sự tồn tại, nhưng chúng là một tập nhỏ của các giao dịch giữ vững hỗ trợ. Ngay cả khi được giữ vững, ngưỡng hỗ trợ thường không được giữ vững một cách hoàn hảo. Giá phá ngưỡng hỗ trợ thực sự củng cố sức mạnh của ngưỡng hỗ trợ đó, vì người mua bị đẩy ra khỏi vị thế của mình và buộc phải vào lại khi chắc chắn rằng sự sụt giảm đó là một cú lừa. Đối với nhà giao dịch ngắn hạn sử dụng các mô hình này, có một số vấn đề quan trọng cần xem xét. Nếu bạn biết rằng các ngưỡng hỗ trợ là không hoàn hảo, bạn sẽ giao dịch như thế nào? Cắt lỗ khi giá phá đáy, chịu nhiều khoản lỗ nhỏ và thiết lập lại khi giá về lại hỗ trợ? Hay đơn giản là bạn sẽ vào trước một phần vị thế trong phạm vi, mua thêm nếu giá giảm và chấp nhận đôi khi sẽ chịu lỗ rất lớn tính trên quy mô tài sản tối đa của mình khi thị trường giảm sâu? Nếu bạn vào lệnh nhiều lần, bạn sẽ đối mặt thế nào với thực tế là chiến thắng dễ dàng của bạn sẽ không được tối ưu hóa, vì bạn đã hết cơ hội mua ở giá gần chạm đáy phạm vi (trường hợp giữ vững)? Vào thời điểm bạn thấy hỗ trợ đang được giữ vững, thị trường đã ở cách xa mức đó, làm tăng quy mô cắt lỗ cần thiết.

Chính vì vậy, nhóm giao dịch giữ vững hỗ trợ và kháng cự này thường có tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro thấp nhất. Theo định nghĩa, ở ngưỡng hỗ trợ, sự mất cân bằng của áp lực mua tạo ra hỗ trợ, nhưng thị trường thường ở trạng thái cân bằng tương đối ngay trên hỗ trợ đó. Hầu hết các nhà giao dịch sẽ cố gắng tránh giao dịch trong các khu vực cân bằng này, vì vậy nhiều giao dịch giữ vững hỗ trợ được thiết lập trong môi trường giao dịch dưới mức tối ưu. Điều đáng nói là có một tập hợp đặc biệt của các giao dịch giữ vững hỗ trợ/kháng cự thực sự là các giao dịch có xác suất rất cao: đột phá thất bại. Hãy nhớ rằng, khi mọi người đều nghiêng về hướng sai, khả năng xảy ra các biến động mạnh sẽ tăng lên rất nhiều, và điều đó lại càng đúng hơn với một bứt phá thất bại.

Kiểu giao dịch đánh mất/phá vỡ hỗ trợ hoặc kháng cự 

4 kiểu giao dịch theo phân tích kỹ thuật (phần 2)

 

Về khái niệm 

Các giao dịch phá vỡ hỗ trợ/kháng cự là đột phá truyền thống hoặc đột phá từ kênh giao dịch và lý tưởng là nằm ở cuối các giai đoạn tích lũy hoặc phân phối. Trên thực tế, những giao dịch này thực sự xác nhận sự kết thúc của giai đoạn tích lũy hoặc phân phối, khi hỗ trợ hoặc kháng cự bị đánh mất, thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn có xu hướng. Ngay trong một xu hướng chúng ta cũng có thể sử dụng các giao dịch phá vỡ hỗ trợ/kháng cự ở một số điểm nhất định, nhưng phần lớn các điểm này chính là các điểm ở khung thời gian thấp hơn bắt đầu bứt phá thành mô hình xu hướng trong khung thời gian giao dịch. Nhiều nhà giao dịch, đặc biệt là những người giao dịch trong ngày, đều bị thu hút bởi những mô hình này vì chúng đã hoạt động cực kỳ tốt trong nhiều trường hợp. Nhiều sách giao dịch chỉ ra hết ví dụ này đến ví dụ khác về các đột phá mạnh mẽ, nhưng có một vấn đề nhỏ với các giao dịch đột phá – hầu hết các đột phá đều thất bại.

Những lưu ý về kiểu giao dịch này 

Ngoài ra, các khu vực đột phá thực tế thường là các khu vực có độ biến động cao và thanh khoản thấp, có thể làm tăng rủi ro của các giao dịch này. Chúng xảy ra ở các điểm rất dễ nhìn thấy trên biểu đồ và vì vậy rất nhiều người sẽ giao dịch chúng. Khối lượng thanh khoản và biến động bất thường có thể vừa là cơ hội, nhưng cũng vừa là nguy hiểm. Hơn bất cứ kiểu giao dịch nào khác, kỹ năng khớp lệnh ở đây có vai trò quan trọng hơn cả, vì trượt giá và thị trường nông có thể làm xói mòn lợi thế của nhà giao dịch. Các giao dịch này có thể mang lại tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro vượt trội, nhưng, đặc biệt là trong các giao dịch ngắn hạn, điều quan trọng cần phải nhớ là các khoản lỗ đã thực hiện đôi khi có thể lớn hơn gấp nhiều lần rủi ro dự tính, làm cho vấn đề định cỡ vị thế trở nên phức tạp hơn nhiều. Đây không phải là một điểm yếu chí tử, nhưng nó phải được xem xét trong kế hoạch quản lý rủi ro của bạn.

Tùy thuộc vào khung thời gian và thời gian nắm giữ dự kiến cho giao dịch, các mô hình trước có thể thiết lập các ví dụ tốt nhất về các giao dịch này. Các giao dịch phá vỡ kháng cự tốt nhất sẽ được thúc đẩy bởi sự bất cân bằng trên quy mô lớn của lực mua và những sự mất cân bằng này thường thể hiện, ví dụ, khi thị trường thiết lập mô hình đáy sau cao hơn đáy trước tiến về ngưỡng kháng cự trước khi đột phá thực sự. Các đột phá được thúc đẩy bởi các nhà giao dịch nhỏ – những người chỉ cố gắng có được chút ít lợi nhuận khi biến động gia tăng – sẽ ít chắc chắn hơn và thường không được thiết lập bởi các mô hình ở quy mô lớn hơn này. Ví dụ điển hình nhất về các giao dịch này là, những người mua bị mắc kẹt ngoài thị trường do đột phá xảy ra đột ngột sẽ buộc phải nhảy vào thị trường trong những ngày hoặc tuần tới, và áp lực mua này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kiểu giao dịch này. Những người chuyên giao dịch đột phá thường xuyên dành nhiều thời gian để nghiên cứu các mô hình thiết lập các giao dịch tốt nhất và duy trì một danh sách theo dõi các ứng cử viên tiềm năng để giao dịch bất cứ lúc nào. Thực hiện các giao dịch đột phá không có kế hoạch mà chỉ dựa vào khả năng phản ứng khó có thể là công thức cho thành công lâu dài.

Trích từ Phân tích kỹ thuật: Sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật trong đầu tư chứng khoán 

Có thể bạn quan tâm:

Phân tích kỹ thuật:

Sự kết hợp giữa KHOA HỌC và NGHỆ THUẬT trong đầu tư chứng khoán

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề