4 mẹo nhỏ giúp trẻ nhận thức giá trị của tiền bạc
Trẻ cần biết rằng tiền không tự nhiên có như lá cây hay được phân phát từ máy ATM. Những mẹo nhỏ dạy trẻ nhận thức giá trị của tiền bạc sẽ giúp bé hiểu và sử dụng tiền hợp lý.
Ở tuổi lên 5 hoặc 6 là lúc trẻ bắt đầu có khả năng hiểu được các khái niệm tiền tệ cơ bản như: Nhận dạng đồng tiền, thực hiện những phép tính đơn giản, có thể dụng tiền để đổi lấy những vật dụng trẻ muốn. Những bài học về tiền bạc được bắt đầu từ thời gian này sẽ giúp trẻ có kỹ năng lập kế hoạch tài chính từ rất sớm, góp phần quan trọng vào thói quen chi tiêu của trẻ trong tương lai.
Giải thích cách hoạt động cơ bản của tiền
Trước hết, trẻ cần biết rằng không có máy in tiền giấu trong túi của bố mẹ hay cây ATM và hiểu được cách vận hành cơ bản của tiền như:
- + Tiền có giới hạn và sẽ biến mất khi được sử dụng để mua đồ.
- + Ngân hàng cũng giống như heo đất, là nơi để giữ tiền cho đến khi bạn muốn sử dụng.
- + Để có tiền bạn phải làm việc.
Chính vì vậy trẻ sẽ nhận thức được vấn đề: Không thể mua bất cứ thứ gì trẻ muốn mà cần phải có lựa chọn hợp lý khi quyết định tiêu tiền.
Dạy trẻ cách tiêu tiền
Bạn có thể bắt đầu mẹo nhỏ dạy trẻ nhận thức giá trị của tiền bạc bằng một bảng quy đổi giá trị đơn giản. Ví dụ: 10.000 đồng sẽ mua được 3 cây bút. 20.000 đồng mua được 1 tô bún bò, 50.000 đồng mua được 1 quả bóng da hoặc 1 búp bê nhựa,… Bảng quy đổi này có thể được dán lên cánh cửa hoặc dính trên tủ lạnh để trẻ ghi nhớ và biết được chi phí cho các đồ dùng trẻ sử dụng mỗi ngày.
Sau đó bạn có thể giúp trẻ thực hành bằng cách đưa một số tiền nhỏ để trẻ lựa chọn: Với số tiền đó, trẻ sẽ mua gì?
Cho trẻ tiền tiêu vặt
Trẻ nên có một khoản tiêu vặt cố định để có thể sử dụng cho nhu cầu của mình. Tuy nhiên, nếu bé yêu cầu được cho thêm tiền để mua thứ gì đó, bố mẹ nên giải thích: Trẻ sẽ phải chờ đến ngày phát tiền tiêu vặt tiếp theo. Điều này sẽ giúp trẻ bắt đầu có suy nghĩ về việc tiêu số tiền của mình như thế nào cho phù hợp với mong muốn của bản thân.
Vậy nếu trẻ muốn mua một món đồ có giá trị lớn thì sao? Bạn không nên đáp ứng yêu cầu này của trẻ ngay lập tức mà hãy để bé tự tiết kiệm hoặc làm tìm cách kiếm ra tiền để mua nó. Việc có thể tự làm ra tiền sẽ khiến trẻ hiểu được giá trị bản thân và trân trọng tiền bạc hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng khuyến khích trẻ kiếm tiền không đồng nghĩa với việc trả tiền cho bé để làm việc nhà. Trẻ là một thành viên của gia đình nên làm việc nhà là trách nhiệm tự nguyện chứ không phải công việc để được trả lương.
Để trẻ tự tiêu tiền
Khi trẻ muốn mua hàng, bạn có thể giúp bé đếm đúng số tiền cần trả và tự tay đưa cho nhân viên bán hàng. Đồng thời, bạn có thể để bé tự cân nhắc và đưa ra quyết định mua hàng dựa trên số tiền bé đang có. Nếu quyết định đó không hợp lý thì bố mẹ có thể góp ý và giải thích lý do, trẻ sẽ phân biệt được giữa “cần” và “muốn” khi đưa ra quyết định chi tiêu.
Thỉnh thoảng bạn cũng nên để bé “được” mắc sai lầm khi tiêu tiền như mua thứ không cần thiết, mua thêm món hàng đã có, không cân đối mua sắm nên chẳng còn tiền nữa,… Đây là mẹo nhỏ dạy trẻ nhận thức giá trị của tiền bạc khá hiệu quả vì những sai lầm này sẽ giúp bé hiểu rõ hơn việc chi tiêu hợp lý và có kế hoạch tài chính khôn ngoan.
Nguồn: blog.generali-life
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live