fbpx

5 bước tiếp cận thị trường hiệu quả theo phương pháp Wyckoff

Phương pháp Wyckoff không đơn giản chỉ là một chỉ báo kỹ thuật mà nó còn bao gồm nhiều nguyên tắc, lý thuyết và kỹ thuật giao dịch, cho phép nhà giao dịch và nhà đầu tư ra quyết định mua bán hợp lý hơn thay vì hành động theo cảm tính. Có thể nói, phương pháp Wyckoff là sự kết hợp hoàn hảo cả 2 trường phái phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

Lịch sử của phương pháp Wyckoff

Phương pháp Wyckoff là gì

Wyckoff tên đầy đủ là Richard Demille Wyckoff, sinh ngày 02/11/1873, mất ngày 07/03/1934). Theo Wikipedia.

Wyckoff là một nhà đầu tư người Mỹ, là nhà sáng lập, đồng thời là biên tập viên của tờ “Tạp chí Phố Wall” – The Magazine of Wall Street (thành lập năm 1907), một tờ báo đã từng có thời điểm đạt được 200,000 người đăng ký. Ông cũng là tác giả của quyển sách “Stock Market Technique“.

Năm 1888, khi mới 15 tuổi, ông đã bắt đầu sự nghiệp trên thị trường tài chính bằng vị trí nhân viên nhập lệnh cho một công ty môi giới ở New York. Sau hơn 10 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, ông đã tự mở một công ty môi giới riêng của mình và từ đó ông cũng bắt đầu tò mò về logic đằng sau những hành động của thị trường.

Thông qua việc trò chuyện, phỏng vấn và nghiên cứu về các nhà giao dịch thành công cùng thời như Jesse Livermore, E. H. Harriman, James R. Keene, Otto Kahn, J.P. Morgan… Ông đã phát triển phương pháp Wyckoff bằng cách hệ thống hóa các phương pháp giao dịch hay nhất của những “tượng đài” này, cộng với nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế của mình thành các quy luật, nguyên tắc, kỹ thuật giao dịch, quản lý tiền và kỷ luật tinh thần.

Ông đã vận dụng phương pháp của mình vào thị trường tài chính, cụ thể là chứng khoán và gia tăng được tài sản của mình thành một khối tài sản rất lớn, bao gồm hơn 9 mẫu đất và một dinh thự tại New York.

Sau khi giàu có hơn nhờ phương pháp giao dịch của mình, ông bắt đầu niềm đam mê giảng dạy và xuất bản.

Vào những năm 1930, ông thành lập một Học viện đào tạo, sau này đã trở thành Học viên Wyckoff Mỹ.

Học viện này cung cấp các khóa học đào tạo về lý thuyết và cách tiếp cận thực tế của phương pháp giao dịch Wyckoff, bao gồm bao gồm hướng dẫn xác định các cổ phiếu tiềm năng để vào lệnh Mua hoặc Bán, phân tích các giai đoạn của biến động giá tích lũy hay phân phối, cách xác định mục tiêu giá,…

Sau khi Wyckoff mất năm 1934, khóa học được tiếp tục phát triển bởi những sinh viên hàng đầu của ông trong đó có Bob Evans, Hank Pruden.

Wyckoff được xem là một trong những người tiên phong từ những năm đầu thế kỷ 20 trong việc áp dụng phân tích kỹ thuật để nghiên cứu thị trường chứng khoán. Ông được coi là một trong năm người khổng lồ về phân tích kỹ thuật, cùng với Dow, Gann, Elliott và Merrill.

Cho đến tận bây giờ, phương pháp Wyckoff vẫn đang là một phần quan trọng trong chương trình đào tạo sau đại học của Golden Gate University ở San Francisco, Mỹ và được rất nhiều nhà đầu tư vận dụng thành công vào các giao dịch hằng ngày của mình trên thị trường tài chính.

Phương pháp Wyckoff là gì?

Phương pháp Wyckoff bao gồm một loạt các quy luật, nguyên tắc và kỹ thuật giao dịch được thiết kế nhằm giúp nhà đầu tư đánh giá tổng thể thị trường, tìm ra những cổ phiếu có lợi nhuận tiềm năng và xác định mục tiêu giao dịch.

Từ nền tảng của phương pháp Wyckoff, đã có rất nhiều mô hình, phương pháp giao dịch ra đời, trong đó có 2 phương pháp rất nổi tiếng được vận dụng phổ biến trên thị trường, đó là mô hình Spring and Upthrust và phương pháp VSA (Phân tích khối lượng và giá).

Mặc dù phương pháp Wyckoff ban đầu được ứng dụng thị trường chứng khoán, nhưng ngày nay, phương pháp này được sử dụng rộng rãi cho các loại thị trường tài chính khác nhau như tiền tệ, hàng hóa, trái phiếu hay tiền điện tử.

Ba quy luật của phương pháp Wyckoff

Phương pháp luận của Wyckoff dựa trên 3 quy luật cơ bản:

  • Quy luật cung cầu
  • Quy luật nguyên nhân – kết quả
  • Quy luật nỗ lực so với kết quả

Những quy luật này ảnh hưởng đến toàn bộ các khía cạnh của phân tích và nhận định thị trường. Bao gồm việc xác định xu hướng hiện tại và tương lai của từng cổ phiếu tiềm năng và của toàn thị trường, lựa chọn cổ phiếu tốt nhất để giao dịch, xác định phạm vi giao dịch và dự đoán mục tiêu lợi nhuận theo xu hướng từ hành vi của giá trong một biên độ nhất định.

Quy luật Cung Cầu (The law of supply and demand)

Quy luật cung cầu xác định xu hướng của giá cả. Khi cầu lớn hơn cung thì giá tăng, ngược lại khi cung lớn hơn cầu thì giá giảm.

Nói cách khác, cầu ở đây chính là người mua, cung là người bán. Khi số lượng người mua nhiều hơn người bán, nghĩa là nhu cầu sử dụng một loại hàng hóa tăng cao thì giá hàng hóa sẽ tăng lên.

Ngược lại, khi số lượng người bán nhiều hơn người mua, nghĩa là nhu cầu giảm, giá hàng hóa giảm.

Đây cũng là quy luật chung và cơ bản nhất của thị trường tài chính chứ không riêng gì phương pháp Wyckoff.

Nhiều nhà đầu tư sử dụng Phương pháp Wyckoff và so sánh các xu hướng giá và khối lượng giao dịch để có thể hình dung rõ hơn mối quan hệ giữa cung và cầu. Điều này giúp họ có thể dự đoán các biến động thị trường trong tương lai.

Quy luật Nguyên nhân – Kết quả (The law of cause and effect)

Theo quy luật này, sự khác biệt giữa cung và cầu không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của nhiều giai đoạn chuẩn bị cũng như các sự kiện cụ thể.

Để mô tả quy luật này, Wyckoff sử dụng biểu đồ Điểm và Hình (Point and Figure chart). Trong đó, nguyên nhân được đo lường bằng số điểm đi ngang trong biểu đồ (giai đoạn tích lũy/phân phối) và kết quả chính là khoảng cách giá dịch chuyển tương ứng với số điểm đó (sau khi đã thoát ra khỏi giai đoạn tích lũy/phân phối).

Nếu giá đi ngang càng lâu (tích lũy/phân phối càng lâu) thì khi giá vượt ra khỏi giai đoạn đó sẽ đi theo xu hướng càng mạnh.

Theo Wyckoff, giai đoạn tích lũy (nguyên nhân) cuối cùng sẽ dẫn đến giai đoạn tăng giá (kêt quả). Ngược lại, giai đoạn phân phối (nguyên nhân) cuối cùng sẽ dẫn đến giai đoạn giảm giá (kết quả).

Quy luật Nỗ lực so với Kết quả (The law of Effort and Result)

Quy luật Nỗ lực so với Kết quả đưa ra các cảnh báo về khả năng thay đổi của một xu hướng trong tương lai gần.

Wyckoff cho rằng rằng những thay đổi về giá của tài sản là kết quả của các nỗ lực và được thể hiện bằng sự thay đổi trong khối lượng giao dịch. 

Nếu giá tài sản biến động theo cách hòa hợp với khối lượng giao dịch, có nhiều khả năng xu hướng sẽ tiếp tục. Nhưng, nếu khối lượng giao dịch và giá tài sản có sự khác biệt đáng kể thì xu hướng thị trường có khả năng dừng lại hoặc đổi hướng.

Khái niệm “Composite man” – Quy luật người vận hành đằng sau

Wyckoff đã đưa ra ý tưởng về người vận hành đằng sau (composite man hoặc composite operator) như một nhân vật tưởng tượng đứng sau thị trường. Những người này chính là các thực thể có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường như các ngân hàng, công ty đầu tư, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác.

Thị trường sẽ luôn vận động theo cách có lợi nhất cho người vận hành đằng sau này và để đảm bảo người vận hành này luôn có thể mua vào ở mức giá thấp và bán ra ở mức giá cao.

Hành vi của người vận hành đằng sau thường ngược lại so với hành vi của phần lớn các nhà đầu tư cá nhân, mà theo quan sát của Wyckoff thường là những người thua lỗ trên thị trường.

Do đó, khi đầu tư, chúng ta cần cố gắng quan sát và tìm hiểu động cơ của các composite man thông qua các hành động giá được thể hiện trên biểu đồ để sớm phát hiện các cơ hội mua bán tốt hơn và đi theo những nhà vận hành này.

Chúng ta sẽ sử dụng khái niệm composite man này để mô tả chu kỳ thị trường theo phương pháp Wyckoff bên dưới.

Chu kỳ thị trường theo phương pháp Wyckoff (Wyckoff Price Cycle)

Theo Wyckoff, nhà đầu tư có thể thấu hiểu và dự đoán thị trường thông qua phân tích chi tiết cung và cầu, được xác định bằng việc nghiên cứu hành động giá, khối lượng và thời gian.

Ông đã mô tả một sơ đồ về các giai đoạn diễn ra trong một chu kỳ giá, từ đó xác định các thời điểm vào lệnh hợp lý.

Theo đó, thời điểm để vào một lệnh Buy là ở cuối quá trình chuẩn bị cho một đợt tăng giá (cuối giai đoạn tích lũy) và vào lệnh Sell ở cuối quá trình chuẩn bị cho đợt giảm giá (kết thúc một giai đoạn phân phối).

4 giai đoạn chính của chu kỳ thị trường, bao gồm:

  • Giai đoạn tích lũy
  • Giai đoạn tăng giá
  • Giai đoạn phân phối
  • Giai đoạn giảm giá

Giai đoạn Tích lũy

Là giai đoạn các composite man trên thị trường bắt đầu tích lũy tài sản. Một số tiền lớn từ những thế lực này được đổ vào thị trường một cách khéo léo và chậm rãi để tránh cho giá biến động không quá nhiều.

Giai đoạn này thường được thể hiện dưới dạng một thị trường có xu hướng đi ngang.

Giai đoạn Tăng giá

Khi giai đoạn tích lũy bị phá vỡ, thị trường sẽ bắt đầu giai đoạn tăng giá.

Sau khi đã nắm được một lượng cổ phiếu đủ lớn, cộng thêm lực bán ra gần cạn kiệt, các composite man bắt đầu nhanh chóng đẩy giá lên, xu hướng tăng mới bắt đầu được hình thành.

Giai đoạn tăng giá sẽ thúc đẩy những người đang ở bên ngoài thị trường nhảy vào mua cổ phiếu, khiến cho cầu lớn hơn cung, thị trường tiếp tục đẩy giá lên cao hơn nữa.

Trong giai đoạn tăng giá này, không nhất thiết là lúc nào giá cũng đi lên mà thị trường sẽ có những giai đoạn tích lũy ngắn (tái tích lũy) hoặc những đợt suy thoái nhỏ (điều chỉnh giảm).

Khi đó, giá sẽ đi ngang hoặc điều chỉnh giảm nhẹ trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi tiếp tục giai đoạn tăng giá trở lại.

Giai đoạn Phân phối

Sau khi nhu cầu mua cổ phiếu đã thỏa mãn, những nhà đầu tư có lợi nhuận cao bắt đầu phân phối tài sản của mình cho những người nhập cuộc muộn hơn bằng cách bán bớt cổ phiếu ra để chốt lời.

Giai đoạn này được các composite man thực hiện một cách khéo léo bán ra từ từ để giá không giảm nhanh mà vẫn kích thích được nhu cầu mua vào của những nhà đầu tư cá nhân cho đến khi nhu cầu gần như cạn kiệt.

Giai đoạn này thị trường cũng thể hiện bằng một xu hướng đi ngang.

Giai đoạn Giảm giá

Sau khi người vận hành đằng sau đã bán một lượng lớn các phiếu của mình, anh ta bắt đầu đẩy thị trường đi xuống nhanh hơn. Điều này thúc đẩy những nhà đầu tư khác cũng lo sợ và bán cổ phiếu ra làm cho lượng cung lớn hơn nhiều so với lượng cầu, dẫn đến giá giảm.

So với giai đoạn tích lũy và tăng giá thì giai đoạn giảm giá diễn ra nhanh hơn với cường độ mạnh hơn. Vì trong giai đoạn này, nhà đầu tư có xu hướng muốn bán nhanh tài sản để thoát khỏi vị thế của mình.

Tương tự giai đoạn tăng giá, thị trường không phải lúc nào cũng đi xuống trong giai đoạn giảm giá mà sẽ có những khoảng thời gian ngắn thị trường sẽ tái phân phối hoặc điều chỉnh tăng trước khi tiếp tục xu hướng giảm.

Khi kết thúc giai đoạn giảm giá, thị trường sẽ lại tiếp tục chu kỳ bằng một giai đoạn tích lũy mới.

Sơ đồ Wyckoff

Sơ đồ giai đoạn tích lũy và giai đoạn phân phối có lẽ là một trong những kết quả phổ biến nhất trong các công trình của Wyckoff

Những mô hình này chia các giai đoạn Tích lũy và Phân phối thành 5 giai đoạn nhỏ hơn cùng với nhiều Sự kiện Wyckoff, được mô tả ngắn gọn dưới đây.

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm Phạm vi giao dịch (Trading range).

Wyckoff định nghĩa Trading range (Phạm vi giao dịch) là nơi mà một xu hướng (tăng hoặc giảm) trước đó bị dừng lại và thị trường tồn tại sự cân bằng tương đối giữa cung và cầu tại vùng giá đó.

Trong phạm vi giao dịch này, các “composite man” trên thị trường sẽ chuẩn bị cho chiến lược tăng giá hoặc giảm giá tiếp theo của họ trong các giai đoạn tích lũy và phân phối.

Ở những giai đoạn này thì các hoạt động mua và bán đều diễn ra rất tích cực. Trong giai đoạn tích lũy thì cổ phiếu được mua vào nhiều hơn so với bán ra và giai đoạn phân phối thì cổ phiếu được bán ra nhiều hơn so với mua vào.

Mức độ tích lũy hoặc phân phối sẽ xác định cường độ phá vỡ của giá ra khỏi phạm vi giao dịch này. Tức là, giá tích lũy hoặc phân phối càng kéo dài, sự phá vỡ và hình thành xu hướng mới sau đó sẽ càng mạnh mẽ.

Sơ đồ Wyckoff trong giai đoạn Tích lũy

giai đoạn tích lũy

Các sự kiện diễn ra trong giai đoạn Tích lũy

  • PS (preliminary support – hỗ trợ sơ bộ): cho thấy sự xuất hiện của một lượng mua đáng kể sau một đợt giảm giá dài hạn, báo hiệu xu hướng giảm có thể sắp kết thúc. Tuy nhiên, lượng mua không đủ để ngăn chặn giá tiếp tục đi xuống.
  • SC (Selling Climax – Điểm Bán cao trào): đây là thời điểm mà áp lực bán được đẩy lên đỉnh điểm khi các nhà đầu tư bắt đầu bỏ cuộc, hoảng loạn bán ra. Thông thường, tại điểm này, giá sẽ đóng cửa phía trên SC, phản ánh hành động bắt đầu mua vào của những thế lực lớn.
  • AR (Automatic Rally – Phục hồi tự động): áp lực bán nhanh chóng bị hấp thụ bởi lực mua mạnh của các “composite man” đã đẩy giá lên cao. Mức giá cao nhất của đợt phục hồi này chính là đường biên trên của phạm vi giao dịch (Trading Range) trong giai đoạn tích lũy. Đường biên dưới chính là SC.
  • ST (Secondary Test – Thử nghiệm thứ cấp): là lúc thị trường thử nghiệm lại xem xu hướng giảm đã thực sự kết thúc hay chưa. Tại thời điểm này, khối lượng giao dịch và biến động thị trường không lớn. Có thể có một, hai hoặc nhiều ST sau một SC và cũng không nhất thiết ST phải thấp hơn SC.
  • Spring (Nhảy vọt): đây thường là cái bẫy cuối cùng do những tổ chức lớn tạo ra để đánh lừa những nhà đầu tư đã mua vào trước đó, khiến họ tin rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm xuống và bán ra những cổ phiếu mà họ đang nắm giữ. Điều này khiến cho giá tiếp tục giảm mạnh và thường xuyên phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. “Dòng tiền thông minh” lúc này đang chờ đợi, sẵn sàng mua vào với giá rất thấp, đảo ngược đà giảm mạnh đang hoản loạn trước đó, khiến cho thị trường tăng giá trở lại. Trong giai đoạn tích lũy, Spring không phải là yếu tố bắt buộc, tức là nó có thể không xảy ra nếu vùng hỗ trợ SC có lực cầu hấp thụ đủ mạnh.
  • Test (Kiểm tra): các thế lực lớn thường test lại nguồn cung trong suốt phạm vi giao dịch hoặc tại các vị trí quan trọng của giai đoạn tăng giá. Nếu nguồn cung tăng đáng kể khi test chứng tỏ thị trường chưa sẵn sàng cho xu hướng tăng. Một lần test thành công, giá sẽ tạo đáy cao hơn và khối lượng giao dịch sẽ giảm.
  • LPS (Last Point of Support – Điểm hỗ trợ gần nhất): khi thị trường bắt đầu đạt được khối lượng giao dịch và biến động giá lớn, LPS xuất hiện làm cho thị trường giảm sâu hơn, giống như lấy đà để chuẩn bị bức phá lên mức cao hơn. Trong sơ đồ giai đoạn tích lũy, có thể có nhiều hơn một điểm LPS.
  • SOS (Sign of Strength – Dấu hiệu sức mạnh): khi khối lượng giao dịch và biến động giá ngày càng tăng thì giá sẽ phá vỡ ra khỏi phạm vi giao dịch. Các mức kháng cự trước đó bị phá vỡ, trở thành những vùng hỗ trợ mới cho giá.
  • BU (Back-up): là một thuật ngữ được đặt ra bởi Robert Evans, một giáo viên hàng đầu của phương pháp Wyckoff từ những năm 1930-1960. Theo ông, BU có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như pullback hoặc là một vùng giá đi ngang mới ở mức cao hơn trước khi hình thành SOS.

5 giai đoạn nhỏ trong sơ đồ tích lũy

Giai đoạn A (phase A): đánh dấu sự chậm lại của xu hướng giảm trước đó và khối lượng giao dịch tăng dần. Tại đây, lực cung vẫn đang chiếm ưu thế hơn so với lực cầu. Tuy nhiên, lực cung đang suy yếu dần, điều này đã được minh chứng bằng sự xuất hiện của PS và SC.

Giai đoạn B (phase B): đây chính là giai đoạn xây dựng nên “nguyên nhân” trong quy luật Nguyên nhân – Kết quả của phương pháp Wyckoff. Về cơ bản, đây là giai đoạn các “composite man” tích lũy số lượng tài sản lớn nhất ở mức giá thấp để đón đầu cho một xu hướng tăng mới. Giai đoạn này có thể kéo dài trong thời gian khá lâu, và thị trường thử nghiệm cả kháng cự phía trên và hỗ trợ phía dưới của Trading range.

Giai đoạn C (phase C): giai đoạn này thực hiện một bài test mang tính chất quyết định, bao gồm một điểm Spring, đây thường là cái bẫy cuối cùng trước khi thị trường bắt đầu hình thành các đáy cao hơn.

Trong phương pháp Wyckoff, khi Spring diễn ra thành công với khối lượng thấp, cho thấy thị trường còn rất ít nguồn cung, chứng tỏ cổ phiếu đã sẵn sàng tăng giá. Đây chính là thời điểm tốt để nhà đầu tư vào lệnh Mua, sẽ mang lại cho nhà đầu tư cơ hội giao dịch với xác suất thành công cao và rủi ro thấp nhất.

Giai đoạn D (phase D): đánh dấu quá trình chuyển tiếp từ “nguyên nhân” sang “kết quả”. Trong giai đoạn này thường xảy ra các đợt pullback, BU hoặc LPS trước khi hình thành SOS, với khối lượng giao dịch và biến động lớn. Ở giai đoạn này, khối lượng giao dịch thường tăng lên khi thử nghiệm các vùng hỗ trợ mới.

Giai đoạn E (phase E): đây là giai đoạn giá đã thoát ra khỏi phạm vi giao dịch một cách rõ ràng nhất, lực cầu cao hơn nhiều so với lực cung, xu hướng tăng giá bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, các nền giá mới ở mức cao hơn có thể hình thành tại bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn này, nhưng thường hình thành trong một thời gian ngắn (chính là các giai đoạn tái tích lũy), các nền giá mới này được xem là bước đệm để giá tiếp tục thu hút lực cầu đẩy giá tăng cao hơn.

Sơ đồ Wyckoff trong giai đoạn Phân phối

giai đoạn phân phốiCác sự kiện và giai đoạn trong sơ đồ này được gọi tên và diễn giải với các khái niệm khác đi.

Nhưng về bản chất, Sơ đồ giai đoạn phân phối hoạt động tương tự và theo hướng ngược lại với giai đoạn tích lũy ở trên, do đó chúng ta chỉ đi nhanh qua các khái niệm này.

Giai đoạn A (phase A)

Đây là giai đoạn đầu tiên, khi thị trường bắt đầu tăng chậm lại do cầu giảm và khối lượng giao dịch tăng dần. Nguồn cung sơ bộ (Preliminary Supply-PSY) cho thấy có một lực lượng người bán ra xuất hiện, mặc dù vẫn không đủ mạnh để ngăn chặn xu hướng tăng. Sau đó Điểm mua cao trào (Buying Climax-BC) được hình thành bởi một lực mua mạnh. Điều này thường được gây ra bởi những nhà giao dịch thiếu kinh nghiệm và mua theo cảm tính, fomo của thị trường tăng trước đó.

Tiếp theo, sự tăng giá mạnh mẽ gây ra một Phản ứng tự động (Automatic Reaction-AR), khi thị trường đáp ứng các nhu cầu mua vào. Nói cách khác, các composite man bắt đầu phân phối các cổ phiếu của mình cho những người tham gia vào thị trường muộn.  Thử nghiệm thứ cấp (Secondary Test-ST)  xảy ra khi thị trường xem xét lại khu vực BC , tạo ra một đỉnh cao hơn trên đồ thị.

Giai đoạn B (phase B)

Giai đoạn B của giai đoạn Phân phối đóng vai trò là vùng hợp nhất (Nguyên nhân) diễn ra trước khi thị trường giảm giá (Kết quả). Trong giai đoạn này, người vận hành đằng sau dần dần bán các tài sản của mình, đáp ứng các nhu cầu của thị trường và khiến các nhu cầu suy giảm.

Thông thường, các dải trên và dưới của phạm vi giao dịch được thử nghiệm nhiều lần, có thể bao gồm các bẫy giảm giá và tăng giá. Đôi khi, thị trường sẽ di chuyển trên mức kháng cự do BC tạo ra, dẫn đến một ST việc thị trường đi lên cũng có thể được gọi là Upthrust (UT).

Giai đoạn C (phase C)

Trong một số trường hợp, thị trường sẽ đưa ra một bẫy tăng giá cuối cùng sau giai đoạn hợp nhất. Nó được gọi là UTAD hay Upthrust After Distribution (Tăng giá sau phân phối). Về cơ bản, nó trái ngược với Accumulation Spring (nhảy vọt ở giai đoạn tích lũy).

Giai đoạn D (phase D)

Giai đoạn D của giai đoạn phân phối gần như là một hình ảnh phản chiếu của giai đoạn tích lũy. Nó thường có Last Point of Supply (LPSY) (Điểm kháng cự cuối cùng) ở giữa phạm vi, tạo một đỉnh thấp hơn trên đồ thị. Từ thời điểm này, các LPSY mới được tạo ra – xung quanh hoặc bên dưới vùng hỗ trợ. Một Sign of Weakness (SOW) (Dấu hiệu Suy yếu) xuất hiện khi thị trường phá vỡ bên dưới các đường hỗ trợ.

Giai đoạn E (phase E)

Giai đoạn cuối cùng của giai đoạn Phân phối đánh dấu sự khởi đầu của một xu hướng giảm giá, với sự phá vỡ rõ ràng dưới phạm vi giao dịch do cung áp đảo mạnh mẽ so với cầu.

5 bước tiếp cận thị trường của phương pháp Wyckoff

Phương pháp Wyckoff đề cập đến quy trình 5 bước để tiếp cận thị trường, lựa chọn cổ phiếu tiềm năng và tham gia giao dịch.

Bước 1: Xác định xu hướng

Xác định xu hướng bao gồm cả việc nhận định xu hướng hiện tại và dự đoán hướng đi của giá trong tương lai thông qua việc phân tích cấu trúc thị trường và mối quan hệ cung-cầu. Xác định xu hướng sẽ giúp bạn quyết định có nên tham gia vào thị trường hay không và nếu có, tham gia ở vị thế nào, mua hay bán?

Bước 2: Lựa chọn cổ phiếu thuận với xu hướng

Trong một xu hướng tăng, lựa chọn những cổ phiếu có mức tăng tương đối hoặc mạnh hơn so với thị trường, hay nói cách khác là so với chỉ số chung của thị trường. Đó là những cổ phiếu có phần trăm tăng cao hơn khi thị trường phục hồi hoặc phần trăm giảm thấp hơn khi thị trường điều chỉnh.

Trong xu hướng giảm, hãy làm ngược lại.

Bước 3: Lựa chọn cổ phiếu có “Nguyên nhân” tối thiểu bằng với mục tiêu giá của bạn

Theo quy luật Nguyên nhân – Kết quả, liệu cổ phiếu đó có đủ Nguyên nhân (có đủ lý do mua hoặc bán) để mình có thể chấp nhận rủi ro giao dịch nhằm đạt được các phần thưởng (Kết quả) tiềm năng hay không?

Phương pháp của Wyckoff xác định mục tiêu giá dựa vào độ dài của giai đoạn tích lũy/phân phối (khi thị trường đi ngang hoặc điều chỉnh).

Do đó, nếu bạn đang có ý định tham gia các vị thế mua, hãy chọn những cổ phiếu đang tích lũy hoặc tái tích lũy và có nguyên nhân đủ để thỏa mãn kết quả của bạn.

Bước 4: Xác định khả năng di chuyển của giá

Bước này tập trung đánh giá liệu rằng giá đã sẵn sàng phá vỡ phạm vi giao dịch để tăng lên sau đợt tích lũy hoặc sẵn sàng giảm xuống sau đợt phân phối hay chưa? Vị trí của nó trong xu hướng lớn hơn là gì? Giá và khối lượng giao dịch cho thấy điều gì?

Để nhận định khả năng di chuyển của giá, Wyckoff đã đề xuất 9 thử nghiệm (các tín hiệu) mua và bán. Các thử nghiệm này là các nguyên tắc cụ thể, giúp xác định khi nào một Trading range sắp kết thúc và một xu hướng mới (tăng giá hoặc giảm giá) sắp bắt đầu.

Bước 5: Xác định thời gian tham gia vào thị trường 

Wyckoff cho rằng, chỉ nên tham gia vào thị trường khi các yếu tố của cổ phiếu riêng lẻ thỏa mãn được ¾ trở lên sự hài hòa với xu hướng chung của thị trường. Được như thế, giao dịch của bạn sẽ thành công hơn nhờ sức mạnh của tổng thể thị trường.

Ngoài ra, các nguyên tắc cụ thể trong các thử nghiệm của Wyckoff, cộng với các hành động giá trong phạm vi giao dịch sẽ giúp nhà đầu tư xác định điểm vào lệnh, cắt lỗ và chốt lời hợp lý.

Ví dụ, một nhà giao dịch có thể so sánh xu hướng giá của một cổ phiếu tương quan với chỉ số chung VN-Index. Tùy thuộc vào cổ phiếu đang ở vị trí nào trong Sơ đồ Wyckoff của chúng, sự phân tích này có thể đưa ra các thông tin về các chuyển động tiếp theo của tài sản, nhờ đó giúp xác định thời điểm gia nhập thị trường phù hợp.

Kết luận

Mặc dù các quy luật và nguyên tắc của phương pháp Wyckoff khá đơn giản nhưng để tiếp cận chúng một cách có hiệu quả trên thị trường là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, thị trường không phải lúc nào cũng vận hành chính xác theo những mô hình này.

Trong thực tế, sơ đồ giai đoạn tích lũy và phân phối có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, về bản chất, Phương pháp Wyckoff cho phép các nhà đầu tư đưa ra quyết định hợp lý hơn thay vì hành động theo cảm tính. Từ đó, cung cấp cho các nhà giao dịch và nhà đầu tư một loạt các công cụ để giảm rủi ro và tăng cơ hội thành công hơn.

Đố cũng là lý do Phương pháp Wyckoff đã ra đời gần một thế kỷ nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay trên khắp thị trường tài chính.

Trong phạm vi bài viết lần này, chúng tôi chỉ trình bày những thành tố cơ bản tạo nên phương pháp Wyckoff, hy vọng các bạn sẽ hiểu được bản chất và nền tảng của phương pháp này, từ đó vận dụng chúng vào quy trình phân tích thị trường và lựa chọn cổ phiếu tiềm năng.

Nguồn: anhthucf

Có thể bạn quan tâm:

Làm giàu từ chứng khoán bằng phương pháp VSA chính gốc

Nghiên cứu chuyên sâu về cách giao dịch của Wyckoff

Làm giàu từ chứng khoán bằng phương pháp VSA chính gốc: Nghiên cứu chuyên sâu về cách giao dịch của Wyckoff

ĐỌC THỬ

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề