5 điều bạn cần làm ngay khi cảm thấy cuộc sống bế tắc
Luôn có thứ gì đó ta muốn làm nhưng chưa bao giờ thử. Nếu thực hiện, điều đó thậm chí có thể giúp ta thoát ra khỏi bế tắc một cách đơn giản.
Là một blogger có tầm ảnh hưởng, Aaron Force (ở thành phố Seattle, Washington, Mỹ, chuyên viết những nội dung về động lực sống) cho rằng mình thường có cái nhìn rất rõ ràng về việc bản thân cần phải làm gì.
Cuộc sống của Aaron cũng được định hướng bởi mục đích giúp người khác thoát ra khỏi tình trạng bế tắc và tạo ra những tác động lớn cho cuộc đời họ. Điều này có thể đồng nghĩa là Aaron hiếm khi cảm thấy lạc lối và không biết phải làm gì tiếp theo.
Tuy nhiên, trong một bài viết mới đây trên Addicted2success, Aaron thú nhận vừa trải qua cảm giác hoàn toàn bế tắc và kiệt sức, như thể “đang ở trong một cái hố và mất hoàn toàn động lực”. Lúc đó, Aaron đã quyết định ngồi xuống và viết ra những cách giúp bản thân tái tạo năng lượng để tiếp tục tiến về phía trước.
Và dưới đây là những cách hiệu quả Aaron đã áp dụng và muốn chia sẻ lại với những người có thể đang gặp tình huống tương tự:
1. Tạo ra lối tư duy đầy năng lượng
Khi bắt đầu cảm thấy không thể tiến về phía trước, chúng ta thường cảm thấy bất lực về chính mình. Chúng ta bắt đầu cảm thấy bản thân không có khả năng và nghĩ rằng mình là nguyên nhân của sự trì trệ này. Nó đặt chúng ta vào một lối tư duy tiêu cực.
Để phá vỡ tình trạng đó, hãy thử một “trò chơi thay thế”: đối với mỗi một suy nghĩ tiêu cực xảy đến, hãy xóa nó đi và thay thế bằng một suy nghĩ tích cực. Ví dụ, thay vì “Tôi không thể hình dung ra được điều đó. Tôi thật ngu ngốc!”, hãy thay thế nó bằng “Tôi luôn tìm ra được cách giải quyết vào đúng thời điểm”. Suy nghĩ này sẽ giúp bạn trở nên tích cực và dễ dàng quay trở lại giải quyết vấn đề.
2. Hãy “dọn dẹp”
Khi cuộc sống quá vội vàng, chúng ta sẽ không có thời gian “dọn dẹp” và đặt để mọi thứ vào đúng chỗ của nó.
Quá trình sắp xếp, tổ chức lại những thứ trong cuộc sống của mình thực sự rất có tác dụng. Quá trình thúc đẩy tâm trí “dọn dẹp” mọi thứ, chẳng hạn như những tập tin tài liệu, hình ảnh trong máy tính… sẽ giúp đầu óc bạn trở nên sáng rõ hơn. Đây là hành động bên ngoài nhưng sẽ giúp thay đổi bạn từ bên trong.
Nếu chúng ta cần một định hướng cho cuộc đời, chúng ta cần phải có chỗ cho nó. Nghĩa là, chỉ nên giữ lại những gì mình thực sự cần. Bằng cách sắp xếp gọn gàng mọi thứ, chúng ta sẽ dọn sẵn con đường cho những ý tưởng và cảm hứng mới.
3. Nhanh chóng tạo ra những “thành tựu” để tự khích lệ mình
Dù đang bế tắc đến mức nào, sẽ luôn có thứ gì đó bạn có thể làm và đem lại ngay một kết quả có thể đo lường được. Dù chỉ là những chiến thắng nhỏ, chúng cũng sẽ giúp bạn có cảm giác đạt được mục tiêu. Khi thực hiện điều này, hãy lưu ý:
– Đặt ra những mục tiêu đơn giản để bạn dễ dàng đạt được. Nghĩ về những thứ bạn có thể hoàn thành trong 5 – 10 phút. Khi hoàn thành chúng, bạn sẽ có động lực trở lại.
– Hãy “trực quan hóa” hoạt động này. Chẳng hạn như viết ra những nhiệm vụ và đặt một chiếc hộp nhỏ trước mặt. Hoàn thành các nhiệm vụ càng nhanh càng tốt rồi bỏ những mảnh giấy ghi nhiệm vụ đó vào chiếc hộp. Hãy xem đây như một trò chơi và lấp đầy chiếc hộp trong vòng một giờ đồng hồ chẳng hạn.
4. Quay lại làm những điều yêu thích
Khi bắt đầu cảm thấy kiệt sức với những thứ mình đang làm, sẽ rất tốt nếu quay trở lại với những điều bạn làm giỏi nhất và cảm thấy thoải mái nhất. Đem niềm vui trở lại cuộc sống của mình sẽ mang đến một cảm giác tươi mới. Đồng thời, nó cũng mang một dòng chảy tích cực quay trở lại. Vì vậy, chúng ta cần phải duy trì một cảm xúc vui vẻ với những gì mình làm.
5. Thử làm thứ gì đó mới mẻ
Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy bế tắc với những gì mình đang làm. Nhưng luôn luôn có thứ gì đó chúng ta muốn làm nhưng chưa bao giờ thử, có thể do chưa cảm thấy sẵn sàng hoặc do quá tập trung vào những thứ khác. Đôi khi, nhất là trong những lúc bế tắc thế này, hãy “lôi” những thứ này ra và bắt đầu hiện thực hóa chúng.
Nếu trên con đường đang đi, bạn cảm thấy không biết nên tiếp tục như thế nào, nó có thể là thời điểm hoàn hảo để phá vỡ giới hạn của một thứ gì đó trong quá khứ.
Nguồn: Doanh nhân SG