fbpx

5 năm ròng rã nghiên cứu và sự thật bất ngờ về triệu phú tự thân

Thomas C. Corley, người đã dành 5 năm để nghiên cứu về triệu phú, tiết lộ phần lớn các triệu phú tự thân đều cảm thấy việc khởi nghiệp cực kỳ nhàm chán.

Thomas C. Corley

Thomas C. Corley là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất, đồng thời là một nhà diễn thuyết, một cộng tác truyền thông cho trang Business Insider, CNBC và một vài đài truyền thông quốc gia khác.

Nghiên cứu Thói quen làm giàu của ông đã nhận được hơn 50 triệu lượt xem, ở 25 quốc gia trên toàn thế giới. Mục tiêu quan trọng nhất trong nghiên cứu này là trả lời hai câu hỏi cơ bản:

1. Tại sao con người lại giàu hay nghèo?

2. Người giàu và người nghèo làm gì từ lúc họ thức dậy vào buổi sáng đến lúc họ đi ngủ vào ban đêm?

Tuy nhiên, trong bài viết này, Corley chủ yếu đề cập đến một sự thật khá bất ngờ về các triệu phú tự thân. 

Dưới đây là chia sẻ của ông:

Khi nghĩ đến các nhà khởi nghiệp thành công, hình ảnh nào thường xuất hiện ngay trong tâm trí bạn?

Phải chăng bạn nhìn thấy một nhân vật ăn mặc lịch sự được vây quanh bởi đội bảo vệ, đi nơi này nơi khác bằng chuyên cơ riêng, siêu xe độc lạ và du thuyền?

Hay bạn thấy ai đó chỉ mặc đồ ngủ ngồi một mình ở bàn làm việc, trước màn hình máy tính, hay một chồng sách lúc 5 giờ sáng?

Trong nghiên cứu về thói quen làm giàu của mình, tôi đã phỏng vấn 233 nhân vật giàu có (177 người trong số họ là triệu phú tự thân) với ít nhất 160.000 USD tổng thu nhập hằng năm và 3,2 triệu USD tài sản ròng.

Trong suốt 5 năm nghiên cứu, nhiều triệu phú tự thân đã chia sẻ rằng hành trình hướng tới thành công có thể vô cùng nhàm chán. Bởi đó là một hành trình ngày này qua ngày khác chẳng có điều gì xảy ra cả, bất chấp những nỗ lực hết mình của các nhà khởi nghiệp.

Đối với những nhà khởi nghiệp khác trong nghiên cứu của tôi, thì hành trình đó giống như một cuộc đi bộ chậm rãi qua địa ngục. Một địa ngục trần gian mà ở đó họ phải vượt qua hết rào cản này đến rào cản khác, hết thất bại này đến thất bại khác, hết thất vọng này đến thất vọng khác, hay bị từ chối hết lần này đến lần khác.

Nhiều doanh nhân trong nghiên cứu này cũng chia sẻ rằng trong hành trình khởi nghiệp, họ rất hay cảm thấy nản lòng. Những người quan trọng thường phớt lờ email của họ. Các cuộc gọi không nhận được hồi đáp. Các cuộc họp bị hoãn vào phút chót.

Giai đoạn đầu của khởi nghiệp giống như bị mắc kẹt trong một hang động rất nhiều năm, thế giới bên ngoài thì lãng quên tài năng, kỹ năng, sản phẩm hay dịch vụ tuyệt vời của bạn.

Có lẽ, phần tồi tệ nhất là biết rằng, chỉ với một chút ít vận may, mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong một nhịp tim hay một cái chớp mắt. Nhưng vận may dường như không mỉm cười với bạn.

Vất vả, khó khăn, chán nản, thất vọng là thế, tại sao các nhà khởi nghiệp vẫn tiếp tục chơi tiếp “ván bài” này?

Ba thứ này đã giúp họ kiên trì trong suốt hành trình khởi nghiệp của họ:

1. Niềm tin vào bản thân.

2. Sự lạc quan bất diệt.

3. Tình yêu cho công việc họ đang theo đuổi.

Những doanh nhân thành công tin rằng họ đủ giỏi, hoặc là sẽ trở nên đủ giỏi để thành công.

Họ lạc quan rằng họ sẽ thành công và thành công đó sẽ trả lãi lớn cho họ ở cuối hành trình.

Họ cũng yêu công việc họ làm. Tình yêu công việc đó là suối nguồn của năng lượng, của động lực và nhiệt huyết, bất chấp sự trống rỗng ngột ngạt hay những khó khăn chất chồng họ phải chịu đựng.

Vì vậy, lần tới khi nhìn thấy một doanh nhân thành đạt, đừng vội ghen tị với sự giàu có của họ. Thay vào đó, hãy khâm phục họ vì họ đã rất nỗ lực trên con đường sự nghiệp để có được thành công của hiện tại.

Thông tin tóm tắt về nghiên cứu Thói quen làm giàu của Thomas C. Corley

1. Nghiên cứu 233 người giàu có và 128 người nghèo trong một giai đoạn kéo dài 3 năm từ tháng 3/2004 đến tháng 3/2007.

2. Trong số 233 triệu phú, có 177 triệu phú tự thân và 56 triệu phú được thừa kế.

3. Trong số 177 triệu phú tự thân, 105 người (59%) xuất phát từ gia đình trung lưu và 72 người (41%) xuất phát từ gia đình nghèo khó.

4. Tác giả mất 16 tháng để phân tích, tóm tắt dữ liệu, hoàn thành phân tích ban đầu vào khoảng tháng 8-10/2008.

5. Nhóm giàu: Tổng thu nhập hằng năm là 160.000 USD và tài sản ròng là 3,2 triệu USD.

6. Nhóm nghèo: Tổng thu nhập hằng năm ít hơn 35.000 USD và tài sản lỏng dưới 5.000 USD.

7. Khoảng 50% câu trả lời nhận được qua các cuộc họp thực tế và 50% còn lại qua các cuộc phỏng vấn trên điện thoại hoặc email.

8. Mỗi cá nhân được hỏi 20 câu hỏi mở rộng (144 câu hỏi phụ) về hoạt động hằng ngày.

9. Hầu hết các cuộc phỏng vấn đều được phân bố theo địa lý như sau trong phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ: 50% Đông Bắc, 20% Đông Nam, 10% Trung Tây và rải rác cân bằng trên cả nước.

10. Theo độ tuổi:

– Nhóm giàu (233 người):

+ Tuổi 40 – 45: 7 người

+ Tuổi 46 – 50: 37 người

+ Tuổi 51 – 55: 65 người

+ Tuổi 56 – 60: 72 người

+ Ngoài 60 : 52 người

– Nhóm triệu phú tự thân (177 trong 233 người):

+ Tuổi 40 – 45: 2 người

+ Tuổi 46 – 50: 11 người

+ Tuổi 51 – 55: 25 người

+ Tuổi 56 – 60: 99 người

+ Ngoài 60 : 40 người

– Nhóm nghèo (128 người):

+ Tuổi 40 – 45: 9 người

+ Tuổi 46 – 50: 15 người

+ Tuổi 51 – 55: 16 người

+ Tuổi 56 – 60: 41 người

+ Ngoài 60 : 47 người

11. Đối với người giàu, 4% là người Mỹ gốc Phi, 19% là người Do Thái và 77% là người da trắng.

12. Đối với người nghèo, 3% là người Do Thái, 33% là người da trắng và 64% là người Mỹ gốc Phi.

13. Trong nhóm giàu, có 214 người là nam và 14 người là nữ.

14. Trong nhóm nghèo, 114 người là nam và 14 người là nữ.

15. Trong nhóm giàu (233), 51% là chủ doanh nghiệp tự làm chủ, 28% là chuyên gia, 18% là giám đốc điều hành cấp cao trong các công ty lớn và 3% là lĩnh vực khác.

16. Trong nhóm nghèo (128), 10% là chủ doanh ngiệp tự làm chủ và phần còn lại là người làm thuê.

Tác giả cũng thu thập các thông tin liên quan đến sự nghiệp, tỷ lệ sinh ra trong giàu có, nghèo đói hay trung lưu, thói quen chi tiêu, thành tích học tập, giáo dục, nhận thức, dữ liệu sức khỏe, tiền thừa kế, thói quen cờ bạc, sở hữu nhà, xe, thói quen đọc sách, quản lý mối quan hệ, thói quen tiết kiệm, thói quen tự cải thiện, thói quen quản lý thời gian, niềm tin, thói quen nghỉ phép, tình nguyện, thói quen dùng mạng, bỏ phiếu và các dữ liệu liên quan đến công việc.

Tác giả đã viết rất nhiều cuốn sách, mỗi cuốn chia sẻ một khía cạnh khác nhau trong nghiên cứu.

Nguồn: Nhịp sống kinh tế/Business Insider

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề