5 xu hướng quản trị doanh nghiệp lên ngôi thời đại mới
Phát triển doanh nghiệp chưa bao giờ là một bài toán dễ dàng đối với bất kì nhà lãnh đạo nào, đặc biệt là trong thời đại những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết như hiện nay. Vậy, đâu là xu hướng quản trị sẽ giúp doanh nghiệp đạt được thành công?
1. Sự lên ngôi của AI – Trí tuệ nhân tạo
Một trong những xu hướng quản trị doanh nghiệp phải kể đến đầu tiên là AI – trí tuệ nhân tạo. Chỉ trong năm 2018, số lượng các doanh nghiệp sử dụng AI đã tăng gấp ba. Theo một nghiên cứu của Mc Kinsey thì đến năm 2030, 70% các doanh nghiệp sẽ ứng dụng ít nhất một loại hình AI. Điều này có thể tạo nên những thay đổi lớn lao trong khâu chăm sóc khách hàng, tuyển dụng, chuỗi cung ứng cũng như hệ thống bảo mật. Có thể nói, để không bị tụt lại trên đường đua, lãnh đạo doanh nghiệp không thể bỏ qua AI. “Sự thay đổi đang tới, và AI chính là công nghệ dẫn dắt,” CP Gurnani, CEO của Tech Mahindra nhận định, “Tuy vậy chúng ta cần nhớ rằng đến sau cùng, con người vẫn là người kiểm soát mọi sự.”
Hiện tại, có khoảng 37% các công ty đã và đang ứng dụng công nghệ này dưới nhiều hình thức. Điển hình như tập đoàn khách sạn Hilton International đang sử dụng chatbot và nền tảng phỏng vấn dựa trên công nghệ AI trong quy trình tuyển dụng; hay gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đang dùng hơn 200.000 robot trong các nhà kho. Chuỗi pizza Domino’s cũng đang ứng dụng các công cụ AI để giám sát những nhân viên làm pizza tại Úc và New Zealand.
2. Thành công của doanh nghiệp xoay quanh trải nghiệm nhân viên
Sự trải nghiệm của nhân viên cũng là một xu hướng quản trị doanh nghiệp mới năm 2020. Trong thập niên mới, các doanh nghiệp dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài. Do đó, việc doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn cho các chiến lược cải thiện trải nghiệm nhân viên (Employee Experience – EX), nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút ứng viên, cũng như khuyến khích họ ở lại với tổ chức của mình đang trở thành xu hướng.
Theo một nghiên cứu, những công ty có nhiều nhân viên gắn bó sẽ thu được lợi nhuận cao hơn 21% so với những doanh nghiệp khác. Chính vì vậy yếu tố này đang trở nên ngày càng quan trọng với các phòng nhân sự. Theo báo cáo Xu hướng nhân lực 2019 của Deloitte, 84% những người tham gia khảo sát xác định trải nghiệm nhân viên là vấn đề quan trọng, trong khi 28% cho rằng đây là “vấn đề bức thiết”.
Hơn nữa, trải nghiệm của nhân viên càng trở nên có ý nghĩa trong tương lai khi thế hệ Z (những người sinh sau năm 1996) gia nhập lực lượng lao động toàn cầu. Ước tính những người trẻ này sẽ chiếm 33% bộ máy nhân sự toàn thế giới vào năm 2030. Dan Schawel, giám đốc nghiên cứu Future of Workplace cho biết :”Thế hệ Z tìm kiếm những người lãnh đạo đáng tin cậy, ủng hộ mọi nhu cầu của họ và thể hiện sự quan tâm với họ trên cương vị người với người, chứ không chỉ đơn thuần là cấp trên và nhân viên”, do đó, “Tập trung vào nhu cầu thường nhật của thế hệ Z là cách tốt nhất để xác định những gì họ cần tại nơi làm việc”.
3. Đo lường và đánh giá hiệu suất của nhân viên dựa trên dữ liệu trong doanh nghiệp
Đo lường và đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên ngày nay đã trở thành xu hướng quản trị doanh nghiệp được nhiều nhà lãnh đạo áp dụng cho công ty của mình. Dữ liệu về hiệu suất của nhân viên mang tới các thông tin cần thiết để thực hiện các thay đổi trong chiến lược cũng như cách vận hành công ty. Tuy nhiên, 79% Giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp thừa nhận họ thiếu công cụ phù hợp để phân tích và làm việc với dữ liệu này, dẫn tới việc không phản ánh được chính xác hiệu suất làm việc của người lao động. Những sai lầm đó về lâu về dài sẽ dẫn tới việc sai lệch kết quả đánh giá, làm nảy sinh mâu thuẫn nội bộ.
Để thoát khỏi những sai lầm phổ biến này, đồng thời triển khai những hoạt động đánh giá hiệu quả hơn, việc tiếp cận và phân tích hiệu suất làm việc của nhân viên dựa trên dữ liệu là vô cùng cần thiết. Với dữ liệu, và hoàn toàn chỉ dữ liệu, những biến số sai lệch từ định kiến và góc nhìn chủ quan hoàn toàn có thể được loại bỏ, nhờ vậy có những phép đo và phân tích kết quả làm việc toàn diện, chính xác hơn nhiều lần.
Xu hướng này sẽ ngày càng được củng cố vững chắc trong năm 2020, khi không ít những phần mềm cộng tác, quản lý công việc đã ra đời để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy văn hóa làm việc dựa trên số liệu. Không chỉ kho lưu trữ công việc minh bạch, các công cụ hiện đại còn là những kênh tham chiếu tuyệt vời để đánh giá nhân viên qua các tính năng nhắc việc, tổng hợp và báo cáo kết quả mạnh mẽ.
4. Thiết lập công cụ làm việc trên điện thoại di động trong doanh nghiệp
Làm việc trên điện thoại di động cũng là một xu hướng quản trị doanh nghiệp hoàn toàn mới trong thời đại công nghiệp 4.0. Không quá bất ngờ khi việc giao tiếp và cộng tác trên kênh điện thoại là xu hướng tiếp theo các doanh nghiệp nên để mắt tới trong năm 2020. Có thể nói, nếu các hoạt động vận hành và giao tiếp nội bộ chưa được tối ưu để sử dụng linh hoạt trên các kênh di động thì doanh nghiệp đang đánh mất đi những lợi thế cạnh tranh rất quan trọng.
Ngoài việc là một trong những phương tiện giao tiếp, cộng tác phổ biến nhất trên thế giới với số lượng người dùng lên tới 5,11 tỉ người (số liệu năm 2019), các kênh giao tiếp linh hoạt trên điện thoại còn đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cụ thể: tăng cường khả năng tiếp nhận và phản hồi theo theo thời gian thực; hay nâng cao khả năng truy cập và cộng tác làm việc cho nhân viên hoạt động trong những điều kiện đặc biệt như thường xuyên phải di chuyển hay trực tiếp tham gia vào các ngành nghề phục vụ/ dịch vụ.
Hiện nay, gần như tất cả các phần mềm quản lý công việc đều hỗ trợ trên nền tảng điện thoại, điều này khiến cho việc cộng tác càng trở nên dễ dàng, và giao tiếp qua điện thoại dần trở thành xu hướng không thể thay thế.
5. Tinh giản hóa những cấu trúc làm việc doanh nghiệp cồng kềnh
Xu hướng quản trị doanh nghiệp dần dần tối ưu với cấu trúc vận hành ngày càng đơn giản hóa nhưng đem đến năng suất cao. Vai trò của các giám đốc vận hành trong năm 2020 sẽ trở nên đặc biệt hơn rất nhiều: Họ cần phải hiểu rõ những nhân tố ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của tổ chức như vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm, thời gian vận chuyển hay dịch vụ chăm sóc, hậu đãi khách hàng; từ đó đưa ra những phương án kiểm soát chúng để tạo lợi thế cho doanh nghiệp. Câu chuyện lúc này sẽ không chỉ dừng lại ở việc quản lý, tối ưu hóa các hoạt động, chi phí vận hành trong doanh nghiệp nữa mà người quản lý sẽ cần phải cộng tác chặt chẽ, liên chức năng nhiều hơn với các cấp lãnh đạo và phòng ban chuyên sâu, qua đó mới có thể đưa ra những quyết định làm việc chính xác.
Với những mô hình làm việc truyền thống, phân tầng nhiều cấp bậc, việc quản lý sẽ trở nên khó khăn và thiếu hiệu quả hơn rất nhiều. Việc cải tiến, loại bỏ cấu trúc làm việc cồng kềnh, tiếp cận những mô hình hiện đại hơn gần như là bắt buộc nếu các nhà quản lý muốn tận dụng được sức mạnh của cả tập thể.
Tạm kết
Trong thế giới kinh doanh, sẽ không ngừng có những sự cải tiến và đổi mới: công nghệ phát triển, sự xuất hiện của công cụ quản lý hiện đại, sự thay đổi trong chất lượng nguồn nhân lực,…Đứng trước những biến chuyển này, các nhà lãnh đạo cũng cần phải có những động thái phù hợp để nắm bắt và bắt kịp xu hướng quản trị doanh nghiệp để không bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: Sage
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU