6 biểu đồ dự báo thị trường tài chính toàn cầu năm 2022
Cách các ngân hàng trung ương phản ứng với lạm phát gia tăng sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến thị trường tài chính trong năm 2022.
Trong thị trường tài chính 2021, xu hướng đích thị là bạn tốt của nhà đầu tư. Tiêm phòng ngừa COVID-19 cho phép các nền kinh tế mở cửa trở lại trong khi kích thích tài khóa tạo ra sự phục hồi nhanh chóng trong việc làm, đưa thị trường chứng khoán lên đỉnh cao kỷ lục.
Trong thị trường chứng khoán thu nhập cố định, các ngân hàng trung ương duy trì chương trình nới lỏng định lượng, giữ cho lợi suất trái phiếu ở mức thấp. Năm 2022 có vẻ sẽ khó khăn hơn nhiều.
Lạm phát đang tăng tốc khắp mọi nơi và các gián đoạn chuỗi cung ứng kéo giá tiêu dùng lên cao vẫn chưa được giải quyết. Lần đầu tiên sau nhiều năm, biến đổi trong thị trường lao động đem lại quyền lực mặc cả lương cho nhân viên.
Thị trường chứng khoán bắt đầu có vẻ đã tăng quá nóng, đặc biệt là nếu ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ trong vài tháng tới. Và biến chủng Omicron cho thấy COVID-19 vẫn là mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu. Sợ hãi có thể thay thế lòng tham trở thành yếu tố chi phối thị trường trong 2022.
$119.717.895.834.140 lý do để lo lắng
Hơn 119.700 tỷ USD là tổng giá trị của thị trường chứng khoán toàn cầu, tăng gần gấp đôi kể từ khi đại dịch càn quét vào tháng 3/2020.
Các công ty công nghệ Mỹ đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy đà tăng. Chỉ riêng Apple đã đóng góp gần 3.000 tỷ USD cho vốn hóa toàn cầu. Khoảng 4.100 tỷ USD đến từ Microsoft và Amazon.
Nhưng khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) siết vòi bơm tiền đã gây chia rẽ trong giới chuyên gia. Ước tính của Phố Wall đối với chỉ số S&P 500 vào cuối năm 2022 trải dài từ 4.400 đến 5.300 điểm, tương ứng chênh lệch 20% – cách biệt lớn thứ hai trong một thập kỷ.
Tuy con số dự báo cao nhất đồng nghĩa với mức tăng 10,5% so với hiện tại, dự đoán thấp nhất chỉ ra sự sụt giảm lên tới 8%.
Nỗi buồn khi kỳ vọng bị phá vỡ
Giá tiêu dùng tăng cao liên tục khiến các nhà hoạch định chính sách thót tim. Hiện tượng tưởng chừng chỉ là “tạm thời” từ cú sốc chuỗi cung ứng kết hợp với sự phục hồi của chi tiêu hậu phong tỏa đã chuyển hóa thành xu hướng đáng ngại hơn.
Kỳ vọng về lạm phát quan trọng không kém tốc độ thay đổi giá tiêu dùng thực sự. Nếu kỳ vọng này bắt đầu rời xa khỏi mức 2% mà nhiều ngân hàng trung ương nhắm đến, các nhà hoạch định chính sách có thể làm tổn thương cuộc phục hồi tăng trưởng bằng việc tăng lãi suất trước khi nền kinh tế đủ vững chắc để chống chịu chi phí vay cao hơn.
Lựa lời mà nói
Chủ tịch Fed Jerome Powell từng dẫn đầu nỗ lực bảo vệ chính sách bơm tiềm của các ngân hàng trung ương bằng việc miêu tả xu hướng gia tăng của giá tiêu dùng là “tạm thời”.
Chức năng News Trends của Bloomberg tính toán số lần xuất hiện của các từ khóa trong các bài báo từ hơn 1.500 nguồn cho thấy ông Powell đã châm ngòi cuộc tranh luận nảy lửa về việc liệu giá cả gia tăng là tạm thời hay dai dẳng.
Đầu tháng 12, ông Powell nói với các nhà lập pháp rằng đã đến lúc “gác lại” thuật ngữ này. Câu hỏi lớn của năm 2022 là liệu những người lo sốt vó về lạm phát do kích thích tiền tệ gây ra có phải đã đúng hay không.
Độc đáo quá hóa dở
Trong 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay thế Argentina trở thành thương binh lớn nhất trong các thị trường tài chính mới nổi. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chưa cho thấy dấu hiệu từ bỏ cuộc chiến với các quy tắc kinh tế chính thống, tuyên bố ông là “kẻ địch của lãi suất” với niềm tin độc đáo rằng lạm phát nhanh hơn là do giữ chi phí vay chính thức quá cao.
Mặc cho lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá 21%, ngân hàng trung ương nước này vẫn cắt giảm lãi suất xuống còn 14%. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước có lãi suất thực âm lớn nhất trên thế giới. Đồng lira được cho là sẽ tiếp tục có một năm tồi tệ.
Không trụ nổi
China Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản khổng lồ với núi nợ 300 tỷ USD, đã vài lần thoát khỏi vực thẳm trong 2021 nhưng rốt cuộc vẫn bị tuyên bố vỡ nợ. Evergrande hiện đã biến thành cuộc khủng hoảng trong và ngoài Trung Quốc cần đến nhiều năm để khắc phục và tái cấu trúc, với kết cục khác nhau chờ đợi các chủ nợ.
Giới chức trách đang cố gắng hạn chế thiệt hại lan ra toàn bộ ngành bất động sản, một trong những trụ cột chính của kinh tế Trung Quốc. Theo người viết của Bloomberg, có vẻ Bắc Kinh sẽ buộc phải giải cứu các nhà đầu tư tổ chức của Evergrande giống như những vụ sụp đổ ngân hàng trước đó.
Chuyến tàu siêu tốc của tiền mã hóa
Đôi khi cuộc hành trình quan trọng không kém điểm đến. Bitcoin hiện không chênh lệch là bao so với giá trung bình năm 2020 là khoảng 47.000 USD. Nhưng bitcoin đã từng leo cao đến 68.000 USD và cũng có lúc rớt xuống còn 29.000 USD. Rõ ràng bitcoin không phải đồng tiền ổn định.
Các nhà quản lý có thể nâng đỡ hoặc phá hủy tiền mã hóa? Liệu tiền mã hóa là vàng kỹ thuật số hay thiên đường của những kẻ lừa đảo? Trò lừa Ponzi hay tương lai của tiền tệ? 2022 sẽ đem đến câu trả lời.
Nguồn: vietnambiz
Có thể bạn quan tâm