6 gợi ý tăng trưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ tại APAC
Có thể thấy, ngành bán lẻ khu vực APAC phát triển nhanh chóng, theo nhiều cách thức và với tốc độ khác nhau trong những năm gần đây. Báo cáo của Bain & Company hồi tháng 8/2020 đưa ra một số xu hướng phát triển chính của ngành bán lẻ tại khu vực APAC, và cung cấp 6 gợi ý giúp doanh nghiệp bán lẻ thiết lập chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.
Ngày 20/8/2020, Bain & Company công bố báo cáo The Future of Retail in Asia-Pacific: How to Thrive at High Speed. Công ty đã khảo sát xu hướng phát triển chiến lược bán lẻ tại các quốc gia thuộc APAC. Qua đó, báo cáo nhấn mạnh sự đa dạng trong việc xây dựng chiến lược bán lẻ của các thương hiệu.
Dựa trên các thước đo là đột phá số thức (digital disruption)* và độ trưởng thành của thị trường, báo cáo phân chia thị trường thành 4 nhóm chính gồm: fast modernizers, digital leaders, developing digitalizers, và mature followers. Theo báo cáo, nhóm fast modernizers có mức đột phá và trưởng thành thấp nhất hiện nay. Nhưng, nhóm này lại được đánh giá là có khả năng tăng tốc, thúc đẩy phát triển kỹ thuật số, tuy nhiên mức độ phát triển lại không đồng đều giữa các quốc gia.
Ngược lại, các nước thuộc nhóm mature followers có sự đột phá, trưởng thành cao, và sẽ còn phát triển vượt bậc. Theo sau nhóm mature followers là developing digitalizers có chỉ số đột phá thấp và độ trưởng thành ở mức trung bình.
* Đột phá số thức (digital disruption) là tình huống khi công nghệ mới nổi lên và cạnh tranh lại cách thức làm kinh doanh truyền thống. Chẳng hạn, máy tính cá nhân nổi lên và phá huỷ kinh doanh máy tính lớn; công nghệ di động (điện thoại thông minh và máy tính bảng) nổi lên và cạnh tranh với kinh doanh máy tính cá nhân.
Báo cáo đưa ra một loạt các biểu đồ minh hoạ những thách thức mà marketer phải đối mặt. Nội dung bao gồm những chỉ dẫn như cách tăng lượng tương tác trên nền tảng kỹ thuật số, đầu tư vào môi trường vật lý của thuơng hiệu, và xây dựng chiến lược cung ứng hiệu quả để tối ưu hoá thời gian vận chuyển hàng hoá đến người tiêu dùng.
Báo cáo còn đào sâu vào 6 phương diện mà “các đội ngũ điều hành doanh nghiệp bán lẻ nên nhanh trí nắm bắt” để giành lợi thế trước đối thủ:
1. Làm mới tuyên bố giá trị thương hiệu (value proposition)
Mặc dù thị trường không ngừng phát triển trong suốt nhiều thập kỷ, người tiêu dùng tại APAC vẫn đang trong giai đoạn gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (những người có mức sống cao hơn 15USD/người/ngày). Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng bị số hoá do Gen Z – thế hệ đầu tiên của kỷ nguyên số, đang ngày càng lớn mạnh.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình có thu nhập kép ngày càng gia tăng do càng nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, COVID-19 gây áp lực lên các hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã khoét sâu thêm khoảng cách giàu – nghèo.
Do đó, các nhà bán lẻ phải đảm bảo giá trị thương hiệu đáp ứng nhu cầu của các tệp khách hàng này. Doanh nghiệp có thể lấy “siêu” tiện lợi làm trọng tâm dịch vụ để theo kịp nhịp độ đô thị hoá và sự gia tăng của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Chẳng hạn tỷ lệ thâm nhập của thức ăn chế biến sẵn tại Hàn Quốc và Thái Lan tăng gấp đôi từ năm 2010 đến 2019 là một ví dụ minh hoạ cho ý kiến trên.
Các nhà bán lẻ nên tận dụng tình hình tài chính khó khăn của người tiêu dùng trong mùa dịch để đưa ra nhiều chính sách ưu đãi. Đặc biệt, một số khác có thể tập trung phát triển các dịch vụ về sức khoẻ và tính bền vững, hoặc sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến để đáp ứng nhu cầu cá nhân hoá.
2. Tăng tương tác trên nền tảng kỹ thuật số
Các nhà bán lẻ cần cải thiện sự tương tác với khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là thông qua điện thoại di động. Khuynh hướng mua sắm trực tuyến qua điện thoại của người tiêu dùng tại APAC ngày càng tăng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester, vào năm 2023 sẽ có 70% đến 85% giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) được thực hiện qua điện thoại. Mọi người có chiều hướng mua sắm nhiều hơn trên các ứng dụng như WeChat, Paytm, KakaoTalk và Grab. TMĐT thông qua mạng xã hội cũng đã và đang phát triển trong những năm gần đây. Ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm bằng hình thức này trong mùa dịch.
Do đó, các nhà bán lẻ tại khu vực APAC cần quan sát hành vi tiêu dùng của khách hàng và tối đa hoá sự hiện diện của thương hiệu trên các ứng dụng cũng như mạng xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo định dạng nội dung phù hợp với xu hướng và sở thích của nhóm khách hàng mục tiêu.
Song song đó, các nhà bán lẻ cần liên tục cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho khách hàng. Vì theo Bain & Company, hơn ¼ nguyên nhân của việc thất vọng khi mua sắm trực tuyến của người dùng đến từ lỗi kỹ thuật trên website.
3. Chú trọng phát triển cửa hàng vật lý
Ngoài Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các nhà bán lẻ thuộc các quốc gia còn lại trong khu vực APAC tập trung đầu tư vào cửa hàng trực tuyến mà không mở rộng mạng lưới cửa hàng vật lý rộng khắp như phương Tây.
Điều này dẫn đến các mô hình kinh doanh cũ sẽ cần được cải tiến hoặc thâm chí bị loại bỏ. Hơn nữa, sự phát triển của bán hàng trực tuyến có thể “đe doạ” các siêu thị và đại siêu thị. Thế nhưng, các cửa hàng tiện lợi vẫn còn sức hút với người tiêu dùng.
Theo báo cáo, doanh thu bán hàng có xu hướng nghiêng về kênh TMĐT. Do đó, các cửa hàng cần thay đổi vai trò cũng như định dạng, góp phần tạo nên một tổng thể đa kênh liền mạch. Nhiều cửa hàng vật lý sẽ hoạt động như showroom hoặc nơi diễn ra các dịch vụ tự động.
Vì vậy, doanh nghiệp có thể đầu tư công nghệ để cải thiện hệ thống vận hành và trải nghiệm khách hàng ngay tại cửa hàng. Chẳng hạn, các nhà bán lẻ có thể áp dụng ứng dụng mua sắm scan-and-go, kệ trưng bày thông minh, nhận dạng tần số vô tuyến…
4. Làm chủ và quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng
Người tiêu dùng mong muốn dịch vụ giao hàng diễn ra nhanh hơn với mức giá thấp hơn. Đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế TMĐT tại APAC do địa hình phức tạp của khu vực này. Không có một mô hình cố định nào để đáp ứng sự đa dạng giữa các thị trường về nhu cầu TMĐT, mật độ đô thị, động lực tăng trưởng bất động sản, chi phí lao động, và dịch vụ giao nhận.
Thay vào đó, các nhà bán lẻ cần điều chỉnh cách tiếp cận khách hàng ở khâu cung ứng, được ví như “chặng cuối” trong hành trình mua sắm trực tuyến cho phù hợp với đặc điểm của mỗi thị trường.
Ngoài ra, đội ngũ điều hành cần dự đoán các xu hướng mới ảnh hưởng thế nào đến khâu cung ứng, và hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ tự động hoá.
Đồng thời, các nhà bán lẻ cần linh hoạt điều chỉnh mô hình chuỗi cung ứng ngắn hơn, tự động hoá và phù hợp với thị trường địa phương để nâng cao khả năng phục hồi do ảnh hưởng của COVID-19.
5. Nắm bắt mô hình kinh doanh hệ sinh thái
Alibaba và Tencent là các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng mô hình hệ sinh thái. Các tập đoàn công nghệ, công ty bán lẻ đang “nuôi dưỡng” hệ sinh thái của riêng mình như Kakao, Naver, Shinsegae của Hàn Quốc, Grab của Singapore, Walmart và Reliance Industries ở Ấn Độ, và Woolworths ở Úc.
Các doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh doanh hệ sinh thái đang dần phá vỡ huỗi giá trị truyền thống. Họ sử dụng quy mô và khả năng của mình để cung cấp dịch vụ bán hàng theo hình thức B2B, giải pháp quản lý chuỗi cung ứng, hay dịch vụ phân tích dữ liệu.
Mô hình hệ sinh thái đang lớn mạnh hơn bao giờ hết, được thúc đẩy bởi đại dịch. Dưới áp lực thúc đẩy quá trình số hoá, các nhà bán lẻ truyền thống tìm kiếm và xây dựng hệ sinh thái đối tác. Việc hợp tác giúp các nhà bán lẻ đầu tư ít vốn hơn và tiết kiệm chi phí quản lý. Đổi lại, các đối tác hệ sinh thái được quyền truy cập vào các địa điểm vật lý trong mạng lưới chuỗi cung ứng.
6. Cải tiến nền tảng kỹ thuật số
Các nhà bán lẻ khu vực APAC hiện đang đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới. Do đó, một số doanh nghiệp tiên phong thực hiện số hoá đang sở hữu kho dữ liệu khổng lồ. Điều này cho phép họ củng cố lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Một số tay chơi bán lẻ cần củng cố kỹ năng trong việc phân tích dữ liệu để khai thác toàn bộ tiềm năng dữ liệu của họ. Đồng thời, nhà lãnh đạo cũng nên trau dồi kỹ năng quản lý trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng khác như trí tuệ nhân tạo, IoT, thực tế ảo, thực tế tăng cường, robot tự động, an ninh mạng. Các doanh nghiệp số hoá thành công sẽ không ngừng cải tiến và ứng dụng các tính năng mới để mang lại lợi ích lớn nhất cho khách hàng cũng như tăng lợi nhuận.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ thiết lập lại mô hình hoạt động của mình như áp dụng cách làm việc nhanh nhẹn, xây dựng mối liên kết với các chuyên gia bên ngoài, và khuyến khích chấp nhận rủi ro, đổi mới.
Kinh doanh trong mảng bán lẻ không phải điều đơn giản. Các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp bán lẻ nên cân bằng giữa các ưu tiên cạnh tranh, điều hành doanh nghiệp, và xác định bản sắc thương hiệu.
Báo cáo của Bain & Company cho thấy các nhà bán lẻ tại khu vực APAC vẫn thích ứng nhanh với sự đổi mới. Các nhóm lợi nhuận (profit pools) vẫn ổn định. Khu vực APAC tự hào khi càng nhiều doanh nghiệp hoàn toàn thích nghi với tương lai kỹ thuật số mới, thậm chí một số đang tự tạo ra tương lai đó.
Nguồn: Brandsvietnam
Quyển sách dành cho những bạn khởi nghiệp bán lẻ: THẤU HIỂU NGƯỜI MUA, GIẢI MÃ TĂNG TRƯỞNG
ĐỌC THỬ
ĐẶT MUA