6 lời khuyên thiền sư Nhật Bản Kodo Sawaki gửi người tham sân si
“Nếu không cẩn thận, bạn có thể lãng phí cả cuộc đời chỉ để chờ đợi, một ngày nào đó, những nhu cầu tầm thường của bản thân sẽ được thỏa mãn”, Kodo Sawaki.
Kodo Sawaki (1880 – 1965), hay Kodo – Kẻ không nhà, là một trong những vị thiền sư của phái Tào Động (Nhật Bản) có tầm ảnh hưởng nhất ở thế kỷ XX. Tuy nhiên, thay vì tu tập ở một tu viện, ông lang thang khắp nơi và truyền bá về thiền ở Nhật. Vì lẽ đó, ông mang danh là Kodo – Kẻ không nhà.
Thiền sư luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành thiền hơn việc học kinh sách hay tam công án. Những lời khuyên mà thiền sư để lại được các môn sinh tập hợp thành bộ “Gửi đến bạn”. Trong đó, ngoài những lời khuyên gửi đến những người theo đuổi con đường tu thiền, Kodo Sawaki cũng đưa ra những lời giảng giải sâu sắc dành cho những con người nhiều ham muốn, sân si trong cuộc đời.
1. Gửi người bắt đầu biết suy ngẫm về cuộc đời
Thời xưa, ở Mãn Châu, người ta thường dùng các chú chó to lớn để kéo xe. Để khiến bầy chó kéo hăng, người chủ treo một miếng thịt trước mũi chó và thế là chúng chạy điên cuồng hòng cướp được miếng thịt. Tất nhiên, chúng không bao giờ với tới. Người chủ chỉ vứt cho chúng miếng thịt khi đã kéo cỗ xe tới đích. Và chỉ một giây sau, chúng nuốt chửng miếng ăn.
Người đi làm công ăn lương cũng tương tự như thế. Từ đầu tháng cho đến cuối tháng, họ làm việc vì đồng lương treo trước mũi. Mỗi kỳ lương, họ cũng tiêu xài nhanh chóng và lại tiếp tục chu kỳ “đuổi theo” đồng lương. Không ai có thể nhìn xa hơn chóp mũi của mình.
Câu hỏi là: Tại sao bạn phải khốn khổ như thế?
Nếu không cẩn thận, bạn có thể lãng phí cả cuộc đời chỉ để chờ đợi, một ngày nào đó, những nhu cầu tầm thường của bản thân sẽ được thỏa mãn.
2. Gửi những người suốt đời “bắt chước” người khác
Bạn luôn dõi theo cuộc sống của người khác. Nếu họ ăn khoai tây chiên, bạn cũng muốn món tương tự. Nếu họ ăn kẹo, bạn cũng nhất định phải có kẹo. Nếu ai đó đã thổi kèn, bạn lập tức hét lên: “Mẹ, con muốn có một cái kèn quá”. Điều này không chỉ đúng với những đứa trẻ.
Khi mùa xuân tới, bạn điên cuồng chạy theo mùa xuân. Khi mùa thu đến, bạn để mùa thu điều khiển tâm trí bạn. Bạn chỉ đơn thuần là đợi điều gì đó xảy ra và dẫn dắt tâm trí của mình. Chỉ có một số ít người có thể kiếm sống dựa vào điều đó, và họ là những nhà quảng cáo.
Đối với từng cá nhân, điều này không ảnh hưởng nhiều. Nhưng khi có một nhóm, một cộng đồng trở nên điên cuồng vì một thứ gì đó thay đổi, họ cùng rơi vào cái bẫy “bầy đàn”. Khi chạy theo đám đông, chúng ta lẫn lộn giữa sự phát cuồng với trải nghiệm thực sự. Điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu rõ bản thân mình, thức tỉnh khỏi “đám đông”.
Thực hành thiền nghĩa là bạn đang tìm kiếm chính mình, rời bỏ đám đông và tự đi bằng chính đôi chân của mình.
3. Gửi tới người suốt đời chỉ nghĩ đến tiền, sống vì tiền
Hạnh phúc và bất hạnh không chỉ phụ thuộc vào tiền. Nếu số tiền trong tài khoản là thước đo hạnh phúc của bạn thì mọi việc đơn giản biết bao. Nhưng thực tế không như vậy.
Đừng nghĩ tiêu cực khi bạn nói rằng, bạn cần tiền để sống. Trong thế giới này, bạn có thể sống tốt mà không cần đến sổ tiết kiệm.
Một số người nghĩ rằng họ quan trọng, bởi họ có tiền. Một số thì cho rằng họ quan trọng vì họ đã được giác ngộ. Nhưng, cho dù bạn có nuôi dưỡng tấm da thịt này bằng bao nhiêu đồ ngon vật lạ, cuối cùng tất cả ctrở thành tàn tro.
4. Gửi người luôn muốn có nhiều tiền, tình yêu và danh vọng hơn nữa
Kẻ ngu muội luôn bận tâm vì những thứ xảy đến với bản thân họ. Kẻ trí nói rằng, “Dù có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn cứ là tôi”.
Trong chiến tranh, tôi từng xuống thăm một mỏ than với trang phục của người thợ mỏ. Lúc xuống mỏ, tôi có cảm giác như mình đang đi lên. Cuộc đời cũng giống như vậy, đôi khi chúng ta đang đi sai hướng, nhưng lầm tưởng rằng đó là con đường tiến lên.
Thua là giác ngộ. Thắng là ảo ảnh. Không ham muốn bất cứ thứ gì là món quà lớn nhất bạn có thể gửi tới vũ trụ.
5. Gửi người để thù hận nắm giữ tâm trí
Chúng ta luôn tự hỏi, ai là người thực sự tốt hơn. Nhưng chẳng phải, tất cả chúng ta đều được tạo ra từ đất đó sao?
Cuộc sống đã hoàn toàn nằm ngoài tâm trí của bạn, bởi bạn luôn suy nghĩ về việc tồn tại “tôi” và “người khác”. Bạn muốn được nổi bật giữa đám đông, nhưng thực tế, tất cả đều là một tổng thể. Chúng ta đã quá quen với suy nghĩ rằng, có ranh giới giữa “tôi” và “người khác” và hành xử như thể nó thực sự hiện hữu.
Nghèo hay giàu, quan trọng hay không quan trọng – không có gì tồn tại thực sự. Chúng chỉ là ánh sáng lấp lánh trên các làn sóng cuộc đời.
6. Gửi người luôn than phiền rằng: Tôi không có thời gian
Mọi người đều than phiền rằng cuộc sống quá bận rộn, họ không có thời gian. Nhưng tại sao họ lại bận rộn đến thế? Chính ảo vọng khiến họ cảm thấy không còn khoảng trống nào trong cuộc sống. Nhưng người thực hành thiền luôn có thời gian. Khi bạn thiền, bạn có nhiều thời gian hơn bất cứ ai ở trên thế gian này.
Bạn chỉ đang làm quá việc bạn phải kiếm sống hàng ngày. Bạn luôn bận rộn, nhưng chỉ vì cơm áo. Đàn gà cũng tíu tít bận rộn khi mổ thức ăn con người đem cho. Nhưng vì mục đích gì? Cuối cùng những con gà cũng đều bị làm thịt.
Con người tự tạo ra bao nhiêu ảo vọng trong cuộc đời. Ngày qua ngày, bạn muốn điều này, mong điều kia… Và tất cả đều gấp gáp chạy theo những ảo ảnh do chính mình tạo ra.