6 Phong cách lãnh đạo và thời điểm sử dụng chúng
6 Phong cách lãnh đạo cho những tình huống cụ thể mà trưởng nhóm nào cũng cần biết.
Bản chất lãnh đạo nằm ở việc giao tiếp với các thành viên và hướng họ đến những hành động giúp hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức. Việc áp dụng phong cách lãnh đạo “một màu” sẽ khiến bạn khó kiểm soát tốt đội nhóm với các thành phần đa dạng và bị hạn chế khi nhiều biến động ập tới.
Dưới đây là 6 phong cách lãnh đạo bạn có thể tham khảo để áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
1. Phong cách định hướng
Phong cách định hướng phù hợp nhất khi tổ chức cần đột phá để vươn lên (thường là do tình hình đột nhiên biến chuyển) hoặc để giải quyết các nhiệm vụ không đòi hỏi sự hướng dẫn quá chi tiết.
Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng phong cách này nếu người lãnh đạo đứng đầu một nhóm gồm các chuyên gia có hiểu biết và trình độ hơn họ.
Nhà lãnh đạo theo phong cách này luôn muốn hướng tầm nhìn mọi người đến một viễn cảnh chung, một mục tiêu chung. Tuy nhiên, để làm được việc này họ phải tường tận khả năng của cả đội.
– Lợi thế: Phát huy hiệu quả khả năng phát triển, tinh thần sáng tạo của mỗi cá nhân do họ không bị ép buộc bởi bất cứ cách làm cụ thể nào.
– Thách thức: Để có thể phát triển theo phong cách này, người lãnh đạo cần phát huy sự tự tin và kỹ năng truyền đạt bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên môn và khả năng nhìn xa trông rộng.
Tips để trở thành nhà lãnh đạo phong cách định hướng:
– Hãy dũng cảm thử, trải nghiệm những điều mới và dám chấp nhận thất bại.
– Tạo một mục tiêu đầy tham vọng mà cả nhóm có thể hướng tới.
– Trước khi thực hiện một công việc, luôn hỏi bản thân rằng nó có giúp bạn đạt được mục tiêu cuối cùng hay không.
– Đừng ngại ngần nhờ tới sự trợ giúp của những người trong nhóm khi cần đưa ra những quyết định quan trọng.
Ví dụ: Một công ty bất động sản quyết định thay đổi cách thức kết nối với khách hàng. Nhà lãnh đạo cởi mở hơn với các quy trình và phương pháp cải tiến kỹ thuật, khác biệt hoàn toàn với quy tắc rập khuôn trước kia.
Nhóm kinh doanh phản hồi tích cực và họ sẵn sàng nghĩ ra những ý tưởng mới, học thêm những kỹ năng mới để áp dụng cách thức mới.
2. Phong cách huấn luyện
Đây là phong cách mà nhà lãnh đạo tập trung vào phát triển mỗi cá nhân, giúp nhân viên kết nối mục tiêu riêng với mục tiêu chung của tổ chức.
– Lợi thế: Đội ngũ nhân viên xây dựng được có năng lực cao. Họ luôn xác định được những mục tiêu trước mắt của mình cũng như tổ chức.
– Thách thức: Nhân viên có thể sẽ cảm thấy gò bó và tự ti nếu nhà lãnh đạo sa đà vào quản lý tiểu tiết. Kiến thức và kỹ năng của người lãnh đạo có ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của nhân viên trong tương lai.
– Thời điểm thích hợp:
- Nhân viên cần phát triển kỹ năng và kiến thức mới.
- Cần cải thiện hiệu suất cá nhân hoặc tập thể.
- Tạo dựng văn hóa học hỏi và phát triển.
Tips để trở thành nhà lãnh đạo phong cách huấn luyện:
– Cho dù bạn bận rộn đến đâu, hãy luôn dành thời gian cho từng thành viên trong nhóm.
– Định kỳ đề nghị họ nêu ra những thách thức, vướng mắc của mình cũng như cách giải quyết và rồi cho họ những hướng dẫn phù hợp. Chú ý hãy cung cấp công cụ để họ tự giải quyết vấn đề chứ không “cầm tay chỉ việc”.
– Một trong những sai lầm lớn nhất mà các nhà lãnh đạo mắc phải với phong cách này là cố gắng cải thiện những điểm yếu của nhân viên. Nếu lãnh đạo muốn có được kết quả tốt nhất từ nhóm, hãy tập trung vào điểm mạnh của họ.
Ví dụ: Hàng tháng, trưởng nhóm bán hàng tổ chức các cuộc họp cà phê trực tiếp với từng thành viên để trao đổi về trải nghiệm sản phẩm, cách thức cải tiến sản phẩm.
Thời gian này không chỉ giúp nhà quản lý nắm rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu, góc nhìn của mỗi nhân viên mà còn có thể thu thập nhiều ý tưởng mới từ họ.
3. Phong cách kết nối
Sau những xung đột và áp lực, phong cách kết nối hữu hiệu trong việc hàn gắn và động viên đội nhóm. Phong cách này nên được áp dụng vào những thời điểm căng thẳng, khi cả đội đối mặt các tình huống ngặt nghèo hay niềm tin đang rạn nứt.
Nhà lãnh đạo theo phong cách kết nối là một chất xúc tác, gắn kết mọi người trong tổ chức. Họ chú trọng tạo ra một nơi làm việc hài hòa hơn, nơi mọi người đều thấu hiểu và làm việc tốt với nhau.
– Lợi thế: Môi trường làm việc luôn giữ được sự hài hòa và liên kết giữa các thành viên khá bền chặt.
– Thách thức: Hình ảnh người lãnh đạo có thể không thực sự rõ ràng. Mâu thuẫn trong nội bộ có thể ảnh hưởng nhiều tới kết quả làm việc.
Tips để trở thành nhà lãnh đạo phong cách kết nối:
– Luôn để tâm tới cảm xúc của những thành viên trong nhóm.
– Khuyến khích sự trao đổi, giao tiếp trong nhóm.
– Xây dựng lịch teambuilding đều đặn.
Ví dụ: Đại dịch khiến công ty phải đối mặt với các quyết định cho nghỉ nhân sự và cắt giảm lương. Thay vì một chiều ra quyết định, nhà lãnh đạo ưu tiên tìm hiểu về cảm xúc của nhân viên.
Buổi họp đầu tiên, mọi người được cởi mở chia sẻ cảm nghĩ và những khó khăn trong thời điểm hiện tại.
Chỉ sau hai buổi họp, không khí trong nhóm đã không còn căng thẳng, các mối quan hệ cởi mở hơn và tất cả đã có thể sẵn sàng cho các phương án vượt qua khó khăn.
4. Phong cách dân chủ
Cách tiếp cận này có thể cực kỳ mạnh mẽ khi bạn cần đưa ra quyết định lớn, lên kế hoạch cho các chiến lược trong tương lai. Trong các tình huống khẩn cấp, gấp gáp về thời gian, dân chủ không phải sự lựa chọn phù hợp.
Phong cách dân chủ khuyến khích tất cả nhân viên đóng góp ý kiến để đưa ra quyết định tốt nhất dựa trên sự hợp tác và đồng thuận.
– Lợi thế: Nhiều ý tưởng mới được ra đời, môi trường làm việc sáng tạo, hình thành ranh giới tôn trọng bình đẳng trong tổ chức.
– Thách thức: Vì ý kiến phải đạt được sự đồng thuận của đa số, việc đưa ra quyết định sẽ mất nhiều thời gian.
– Thời điểm thích hợp:
- Cần sự đồng thuận và cam kết của nhân viên.
- Các vấn đề phức tạp đòi hỏi nhiều góc nhìn.
- Nâng cao tinh thần đoàn kết và gắn bó.
Tips để trở thành nhà lãnh đạo phong cách dân chủ:
– Học cách tin tưởng và cải thiện kỹ năng giao tiếp với nhân viên.
– Đề xuất một vài ý tưởng để khơi dậy cuộc thảo luận và truyền đạt rõ cách bạn muốn thu thập ý kiến của tập thể.
– Xem xét tất cả các ý tưởng được trình bày và chia sẻ suy nghĩ của bạn với nhóm.
Ví dụ: Một công ty kinh doanh thua lỗ suốt 1 năm khiến ban giám đốc rất lo lắng. Tổng giám đốc quyết định tổ chức một cuộc họp và gọi tất cả các nhân viên lên.
Sau khi đặt vấn đề, ông để các nhân viên nêu lên quan điểm và giải pháp của họ. Từ đó, ban giám đốc nhận được vô số ý tưởng và đi đến quyết định chọn phương án có nhiều sự đồng thuận nhất từ nhân viên.
5. Phong cách dẫn đầu
Phong cách này hoạt động tốt nhất khi nhóm đã có động lực cùng kỹ năng và người lãnh đạo cần kết quả nhanh chóng. Không nên lạm dụng phong cách này vì yêu cầu cao trong công việc có thể làm nhân viên bị quá tải, suy giảm tinh thần và tăng tỷ lệ nghỉ việc.
Một nhà lãnh đạo phong cách dẫn đầu luôn đặt mục tiêu cao cho nhóm và thúc đẩy mọi người bằng mọi cách đạt được nó.
– Lợi thế: Các mục tiêu trở nên vô cùng rõ ràng, hiệu suất công việc cao.
– Thách thức: Tình thần giảm xuống nhanh chóng do nhân viên thường cảm thấy choáng ngợp bởi tốc độ và các yêu cầu đặt ra.
– Thời điểm thích hợp:
- Khẩn cấp, cần hành động nhanh chóng.
- Môi trường đơn giản, ít rủi ro.
- Nhân viên chưa có kinh nghiệm hoặc cần hướng dẫn chi tiết.
Tips để trở thành nhà lãnh đạo dẫn đầu:
– Chia sẻ tác động từ nỗ lực của mỗi thành viên đến sự phát triển chung của tổ chức.
– Ghi nhận nỗ lực của từng cá nhân.
– Chỉ áp dụng trong ngắn hạn và chắc chắn rằng nhóm của bạn hiểu điều đó.
Ví dụ: Sắp kết thúc năm, các chỉ tiêu kinh doanh vẫn còn dang dở và cả nhóm đều chịu áp lực chạy chỉ tiêu.
Nhận thấy tình hình đó, trưởng nhóm quyết định tăng thêm thưởng cho những người đạt chỉ tiêu. Trưởng nhóm cũng động viên mọi người làm thêm giờ, đồng thời cũng tự mình tăng giờ làm và giúp đỡ những ai tụt lại phía sau.
6. Phong cách chỉ huy
Phong cách này chỉ nên được sử dụng khi tổ chức đang trong tình huống khủng hoảng. Nhưng ngay cả khi đó, nó có thể không phải là cách tiếp cận tốt nhất. Hoặc trừ khi bạn đang làm trong quân đội.
Nhà lãnh đạo phong cách này thường sử dụng mệnh lệnh, đe dọa hoặc trừng phạt để kiểm soát nhân viên. Phần lớn trường hợp, phong cách này có tác động cực kỳ tiêu cực đến văn hóa công ty và hiệu quả công việc.
– Lợi thế: Một nhà lãnh đạo chỉ huy có thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Họ có thể xử lý mọi tình huống khó khăn mà không bị hoảng loạn.
– Thách thức: Phong cách này có thể khiến nhân viên xa lánh, không hài lòng với lãnh đạo, đồng thời bóp nghẹt các ý tưởng mới và sự sáng tạo.
– Thời điểm thích hợp:
- Môi trường phức tạp, nhiều biến động.
- Nhân viên có đủ năng lực và kinh nghiệm.
- Cần sự sáng tạo và đổi mới.
Tips cho lãnh đạo khi buộc phải sử dụng phong cách chỉ huy:
– Đừng ra lệnh cho nhóm của bạn. Thay vào đó, hãy truyền cảm hứng và vẽ ra bức tranh toàn cảnh để mọi người đều có thể hình dung tình hình.
– Hãy chắc chắn họ biết rằng đây chỉ là một giải pháp tạm thời trong những thời điểm khó khăn.
Ví dụ: Nhóm kỹ thuật của công ty mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khiến công ty có thể phá sản.
Thành viên trong nhóm không ai chịu nhận trách nhiệm khiến vị giám đốc trở nên quân phiệt hơn. Mọi quyết định của ông trở nên chắc nịch và yêu cầu mọi người phải làm theo kế hoạch ông đề ra.
Chỉ sau khi xử lý xong khủng hoảng, ông mới làm dịu lại không khí tại công ty và chuyển sang phong cách lãnh đạo dân chủ hơn.
Kết luận
Tình hình kinh doanh và môi trường làm việc luôn biến động. Vì vậy, một lãnh đạo uyển chuyển áp dụng phong cách phù hợp cho từng tình huống sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.
Sự uy nghiêm giúp tạo dựng “sức nặng” về hình ảnh cho nhà lãnh đạo. Tuy nhiên đó không nên là tiêu chuẩn đặt lên hàng đầu. Hãy luôn ưu tiên hiệu quả công việc, và rồi bạn sẽ biết mình cần làm gì để cả nhóm hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của họ.
Happy Live Team (Tham khảo Vietcetera)
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Nghệ Thuật Lãnh Đạo Bằng Ngôn Ngữ
Bí quyết Nâng cấp tư duy lãnh đạo cùng David Marquet
ĐẶT SÁCH NGAY