fbpx

8 nguyên tắc đầu tư bậc thầy khi “đội mũ tư duy” của loài kiến

Nếu loài kiến có thể sử dụng một loạt các nguyên tắc cơ bản để phát triển một chiến lược sinh tồn phức tạp đến vô tận, vậy các nhà đầu tư thì sao? Họ sẽ cần đến những nguyên tắc đầu tư gì?

8 nguyên tắc đầu tư bậc thầy khi "đội mũ tư duy" của loài kiến

Có thể bạn đã biết kiến là một trong những loài mạnh nhất vì chúng có thể dùng sức mạnh tập thể để vác thức ăn nặng hơn chúng cả 10 lần. Nhưng không nhiều người biết rằng kiến là loài côn trùng có hệ thống tổ chức rất tiến bộ. Cùng với kiến Chúa, kiến thợ, kiến chỉ huy mai táng thì còn có kiến “thầy giáo”. Để có đủ kỹ năng cần thiết, chúng trải qua một quá trình học hỏi dưới sự hướng dẫn của những “thầy giáo”. Trong trường hợp “học sinh” học chậm và “thi trượt” trong kỳ kiểm tra, chúng sẽ được chuyển đến một công việc khác ít cần đến kỹ năng hơn.

Chiến lược sinh tồn thông minh của loài kiến mạnh mẽ đến mức nhà đầu tư Guy Spier đã phải thốt lên: “Đọc (sách) về loài kiến là cả một sự khai sáng.”

8 nguyên tắc đầu tư bậc thầy khi "đội mũ tư duy" của loài kiến
Nhà đầu tư Guy Spier

Guy đã đọc quyển Journey to the Ants của Bert Holldobler và Edward O. Wilson. Phần lớn quyển sách dành để miêu tả các chiến lược sinh tồn khác nhau được sử dụng bởi các loài kiến và để khám phá cách thức các loài khác nhau cùng tiến hóa và cạnh tranh với nhau.

Guy Spier cho rằng quyển sách này dạy ông về kinh tế còn nhiều hơn những gì được học trong trường đại học. Bởi vì một đàn kiến, cũng như nền kinh tế, có một cấu trúc phức tạp có khả năng tương thích. Ví dụ, các đàn kiến vận hành theo những bộ quy tắc đơn giản cho phép chúng hóa giải rất nhiều những vấn đề sinh tồn khó khăn.

Nếu loài kiến có thể sử dụng một loạt các nguyên tắc cơ bản để phát triển một chiến lược sinh tồn phức tạp đến vô tận, vậy các nhà đầu tư thì sao? Liệu chúng ta có thể tạo nên bộ nguyên tắc có tính đột phá giúp ta đưa ra các quyết định đầu tư thông minh hơn và ít bị tổn thương bởi sự méo mó của bộ não phi lý trí?

Chìa khóa để khôn ngoan như loài kiến

Theo Guy, một cách để nghiêng bàn cờ về phía có lợi cho ta là xây dựng một môi trường nơi ta có thể hoạt động có lý trí hơn – hay chí ít là bớt phi lý trí đi. Nhưng có một công cụ khác mà ta đã bỏ qua: nếu chúng ta muốn đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn hơn, một điều vô cùng giá trị là phát triển một loạt các quy tắc và thói quen mà ta có thể liên tục áp dụng.

Trong thời hậu khủng hoảng, Guy Spier cần mẫn làm việc để thiết lập cho mình cách tiếp cận đầu tư có hệ thống hơn, nhằm đem lại sự ngăn nắp và tính dễ suy đoán hơn đối với hành vi của ông, đồng thời làm giảm độ phức tạp của quá trình đưa ra quyết định của mình.

Những quy tắc ông thiết lập bao gồm một tập hợp phổ biến và rộng rãi những quy trình đầu tư thiết yếu, bao gồm những gì ông đọc (và cả thứ tự) khi nghiên cứu cổ phiếu; những người ông sẽ thảo luận (và từ chối nói chuyện) về những thương vụ đầu tư tiềm năng; cách ông nói chuyện với ban điều hành công ty; cách ông mua bán cổ phiếu; cách ông trao đổi (và những điều không nên trao đổi) với cổ đông.

Các phi công đã dung nạp những bộ quy tắc, quy trình hướng dẫn từng hành động của họ và đảm bảo an toàn của chính họ cũng như các hành khách. Những nhà đầu tư nghiêm túc muốn đạt lợi nhuận cao mà không phải đánh đổi bằng rủi ro nên theo bước các phi công. Vì sao? Vì trong đầu tư, cũng như lái may bay, sai lầm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Để kiểm soát cảm xúc, thành công hơn trong đầu tư, Guy Spier đã lập ra 8 nguyên tắc và thói quen sau.

8 nguyên tắc đầu tư bậc thầy khi “đội mũ tư duy” của loài kiến

1. Kiểm tra giá cổ phiếu càng ít thường xuyên càng tốt

Chúng ta cũng biết từ nghiên cứu tài chính hành vi bởi Daniel Kahneman và Amos Tversky rằng các nhà đầu tư cảm nhận nỗi đau mất mát lớn gấp hai lần khoái cảm khi gặt hái. Nên tôi cần bảo vệ trí não mình khỏi cơn bão cảm xúc có thể xảy ra khi thấy cổ phiếu, hay cả thị trường đi xuống.

Nếu dao động trung bình, thị trường điển hình sẽ đi lên trong hầu hết các năm suốt thời kỳ 20 năm. Nhưng nếu kiểm tra thường xuyên, xác suất cao là thị trường tại thời điểm tôi kiểm tra đang đi xuống (Nassim Taleb giải thích chi tiết về hiện tượng này trong quyển sách cực hay của ông Fooled by Randomness).

Vậy thì vì sao lại phải đặt bản thân vào vị trí có thể gánh lấy phản ứng cảm xúc tiêu cực với những cú trượt ngắn hạn, những thứ sẽ gửi tín hiệu sai lầm đến não của mình?

2. Nếu ai cố bán cho bạn thứ gì, đừng mua thứ ấy

Có thể bạn sẽ lắng nghe. Có thể bạn sẽ rất ấn tượng. Có thể bạn sẽ rất thèm muốn. Nhưng bạn sẽ không mua nếu họ được hưởng lợi từ quyết định mua của bạn. Trong nhiều trường hợp, cái họ được hưởng không hẳn là hoa hồng hay một lợi ích kinh tế cụ thể: có thể đơn giản là họ được hưởng sự thỏa mãn tâm lý khi bán thành công ý tưởng của mình. Dù sao thì đó cũng là điều không nên, bởi vì ý tưởng đó đã sai từ trong trứng nước khi nó xuất phát từ tư lợi của người bán.

3. Không nói chuyện với Ban Điều Hành của công ty mà bạn có ý định mua cổ phiếu

Rất nhiều nhà đầu tư thông thái sẽ không đồng tình với Guy ở điểm này. Với họ, liên lạc thường xuyên với quản lý cấp cao của công ty là điều rất hữu ích. Tuy nhiên, lời hứa hẹn tiếp cận với những quản lý cấp cao có thể là một công cụ marketing hữu ích, đầy hấp dẫn với các cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng.

Vấn đề ở đây chính là những quản lý cấp cao – đặc biệt là CEO – có xu hướng là những người bán hàng thạo nghề. Không cần biết doanh nghiệp của họ kinh doanh ra sao, họ có tài khiến người nghe cảm thấy lạc quan về viễn cảnh của công ty. Khả năng chinh phục người nghe có lẽ là tài năng quan trọng nhất đưa họ lên đến đỉnh của “chuỗi giá trị thức ăn” doanh nghiệp. Nhưng khả năng hùng biện
này không hẳn sẽ biến họ thành một nguồn thông tin đáng tin cậy.

4. Nghiên cứu đầu tư đúng thứ tự

Hãy học Guy Spier nghiên cứu các báo cáo chính thức về công ty trước khi đọc bất cứ bài báo nào về công ty ấy. Có nhiều ký giả giỏi cung cấp những nội dung và lối tiếp cận rất hữu dụng. Nhưng thông thường những câu chuyện mặt báo sẽ tạo lý do cho não của bạn hành động, hơn là cung cấp dinh dưỡng thực. Chính các báo cáo của công ty mới là thịt và rau – ít ngon miệng hơn, nhưng thường bổ dưỡng hơn.

5. Chia sẻ kiến thức với các nhà đầu tư khác, nhưng gắn bó với những người có thể dẹp bỏ cái tôi của mình

Theo Guy Spier, các cuộc trò chuyện về đầu tư hiệu quả nhất khi bám sát vào ba nguyên tắc nền tảng mà ông vay mượn từ những nhóm như Tổ chức các Chủ tịch Trẻ (Young Presidents’ Organization).
– Đầu tiên, cuộc nói chuyện phải tuyệt đối được bảo mật.
– Thứ hai, không ai được bảo người kia phải làm điều gì vì làm thế chỉ khiến người khác cảm thấy bị phán xét, nên họ sẽ vào thế phòng thủ.
– Thứ ba, các bên tham gia không được có bất kỳ quan hệ làm ăn nào vì điều này sẽ khiến câu chuyện bị bẻ cong do len lỏi vào đó là những ý đồ tài chính lộ liễu hay được ẩn giấu. Dĩ nhiên, điều quan trọng nhất trong những cuộc trao đổi kiểu này là sự tin tưởng.

6. Không Mua hay Bán khi thị trường đang mở cửa

Khi mua hay bán cổ phiếu, bạn cần phải tách mình ra khỏi dịch chuyển giá của thị trường, vốn có thể khuấy động cảm xúc, kích thích ham muốn hành động, và che mờ khả năng nhận định của bản thân. Do vậy không nên mua bán cổ phiếu khi thị trường đang mở cửa.

7. Nếu một cổ phiếu tụt dốc sau khu bạn mua, đừng bán nó trước thời hạn hai năm

8 nguyên tắc đầu tư bậc thầy khi "đội mũ tư duy" của loài kiến
Guy Spier chụp cùng Mohnish Pabrai

Đây là nguyên tắc Guy học hỏi từ người bạn Mohnish của ông. Vai trò của nguyên tắc này giống một cầu dao, một cách làm chậm hành động của bạn lại và gia tăng khả năng đưa ra những quyết định có lý trí. Thậm chí còn quan trọng hơn, nguyên tắc này buộc bạn phải cẩn thận trước khi mua một cổ phiếu nào đó vì bạn biết mình sẽ phải sống với sai lầm này trong thời gian ít nhất là hai năm. Chính suy nghĩ này đã giúp Guy Spier tránh rất nhiều vụ đầu tư tệ hại.

8. Đừng nói về các khoản đầu tư hiện tại của mình

Một khi chúng ta công bố một điều gì đó, sẽ có một rào cản tâm lý khiến ta không thể quay mặt với những điều đã tuyên bố – ngay cả khi chúng ta hối hận vì nhận định đó. Thế nên điều mà Guy không muốn làm chính là đặt chân vào cái bẫy tuyên bố với mọi người về một cổ phiếu, biết rằng tình thế có thể thay đổi và sau đó bản thân có thể phát hiện ra rằng mình đã sai.

Bộ bí kíp trên đã giúp Guy Spier kiếm được hàng tỷ đô la từ thị trường chứng khoán. Đó không phải là danh sách các nguyên tắc kiện toàn với tất cả mọi người. Nhưng hy vọng cho bạn những bài học bổ ích về một phần trải nghiệm mà Guy Spier đúc kết được về kinh nghiệm đầu tư cũng như sức mạnh của loài kiến.

Nguồn: Happy Live team, tổng hợp và biên tập từ “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị”

Có thể bạn quan tâm:

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị – Guy Spier

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề