fbpx

9 câu hỏi về tiền bạc dành cho các cặp đôi

Có lúc nào bạn nói chuyện về tiền bạc với người yêu hay bạn đời của mình trước khi xảy ra vấn đề tài chính và nhờ đó mà cả hai thân thiết với nhau hơn?

Ngày càng nhiều các cặp đôi ly hôn và tiền được chỉ đích danh là nguyên nhân số 1 gây ra rạn nứt trong mối quan hệ của họ.

Nói về tiền vẫn còn là điều kiêng kỵ với nhiều cặp đôi. Chúng ta tránh nói về các mục tiêu tài chính và chuyện chi tiêu cho đến khi có vấn đề phát sinh. Chẳng hạn có cặp vợ chồng nọ, sau khi vợ quyết định mua miếng đất và gặp trục trặc pháp lý xong mới nói với chồng và cả hai có hục hặc với nhau vì chuyện này, dù rằng số tiền mua đất là của vợ. Qua thời gian, những câu chuyện như trên tiếp diễn thì cuối cùng chỉ còn lại là những lần đổ lỗi và lèm bèm về nhau, cả hai đều cố thủ và chẳng buồn nói chuyện với nhau nữa. Hôn nhân liệu có giữ được?

Nói về tiền thì cần “luôn và ngay”, bởi nó là cách để cả hai hoạch định tương lai cùng nhau, nó cũng đồng thời là bài tập để gắn kết hai tâm hồn với nhau, hoặc không làm, nó sẽ làm cho mối quan hệ ấy có thể tan tành.
Cả hai không nhất thiết phải là “tri kỷ về tài chính” và lúc nào cũng phải 100% giống nhau, đồng lòng trong mọi mục tiêu tài chính, nhưng ít nhất đối phương cũng cần biết bạn đang có mục tiêu gì để không càm ràm về nó chẳng hạn. Hiểu về mục tiêu tài chính của nhau cũng giúp cả hai nhìn thấy được những vấn đề về tiền từ các góc nhìn khác nhau và tìm ra được những giải pháp tối ưu cho tình huống tài chính đang có.

Câu hỏi 1: Chúng ta sẽ quản lý chung hay riêng hay cách nào khác?

Có vẻ bạn sẽ nghĩ ngay rằng hãy cùng nhau quản lý và đó là cách tốt nhất. Thực ra thì không cần thiết phải như thế. Nếu bạn biết rằng cả hai không hòa hợp về cách quản lý thì quản lý chung có thể dẫn đến căng thẳng đấy.

Bạn vẫn cần đóng góp vào các khoản chung của nhau. Có những mục tiêu tài chính mà cả hai phải cùng hoạch định như chuyện mua nhà, nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ. Nhưng có rất nhiều khoản khác bạn vẫn có thể tính riêng, như chuyện mua xe, đi du lịch, hay kể cả với hoạch định hưu trí.
Sự thoải mái và tự chủ rất quan trọng trong quản lý tài chính, hai bạn cần lưu ý điều này. Việc có khoản chung, khoản riêng sẽ cho hai bạn sự tự chủ cần thiết cho các nhu cầu cá nhân và cũng tránh được việc bị kiểm soát quá mức bởi người còn lại.

Câu hỏi 2: Anh/em mang những khoản nợ nào vào mối quan hệ này?

Giấu giếm chủ đề này sẽ gây ra nhiều nguy cơ tài chính cho gia đình của bạn đấy. Mỗi người cần trung thực tuyệt đối về các khoản nợ, thời hạn trả nợ và loại hình nợ mà mình đang có. Đó là nợ gia đình, nợ bạn bè, hay nợ tín chấp, nợ thế chấp và nợ ấy đã dùng vào việc gì. Khoản thời gian trả nợ và lãi suất cũng quan trọng. Biết thêm hai điều này thì bạn mới quyết định phải làm gì với khoản nợ và liệu rằng bạn có ý định tham gia vào việc trả nợ hay không nữa.

Này, bạn không muốn bị ném mắm tôm vào nhà và gọi điện đe dọa chứ? Nếu không thì khoản nợ này thuộc “vay nóng” thì hãy giúp đối phương thanh toán càng sớm càng tốt nhé.

Câu hỏi 3: Những khoản chi nào được tự quyết mà không cần hỏi ý kiến nhau?

Như tôi đã nói ở trên, tự chủ rất quan trọng vì thế cả hai nhất định phải trao đổi với nhau về những khoản chi và số tiền hạn mức chi được tự quyết định. Giải quyết được câu hỏi này sẽ giúp hai bạn giảm đáng kể “lời qua tiếng lại” đấy.

Bạn thử nghĩ nếu một người thường xuyên thích mua những món đồ thuộc sở thích sưu tập tranh chẳng hạn, hẳn người ấy sẽ tốn rất nhiều tiền cho nó. Bạn có chấp nhận được chuyện này?

Nếu không thì hạn mức chi tiêu và các khoản mục chi nào được chi thoải mái cần được thẳng thắn nêu ra bạn nhé.

Câu hỏi 4: Mục tiêu tiết kiệm của anh/em là gì? Cuộc sống về hưu của anh/em sẽ thế nào?

Kể cả bản thân bạn có khi còn chưa bao giờ trả lời câu hỏi này, bạn tiết kiệm chỉ để tiết kiệm, tức tiền của bạn không có mục đích. Vậy thì đối tác của bạn cũng sẽ vậy đấy, họ có khi chưa bao giờ nghĩ về nó đâu.
Mục tiêu hưu trí nghe xa vời nhưng nó quan trọng lắm đấy bạn à. Việc hai bạn hình dung về cuộc sống hưu trí ra sao sẽ dẫn đến việc các bạn cần tiết kiệm định kỳ bao nhiêu để có được cuộc sống cả hai đang mong muốn ấy. Nếu người bạn đời của bạn có mục tiêu hưu trí ít tốn kém hơn bạn thì họ có thể sẽ chẳng lấy làm hứng thú lắm để tiết kiệm nhiều vào lúc này.

Câu hỏi này không chỉ để nói về tiết kiệm, nó còn về chia sẻ những mục tiêu và mơ ước của nhau. Hai bạn cũng hãy cùng nhau nói về ngôi nhà mơ ước, về kỳ nghỉ cả hai cùng mong muốn, hay việc giáo dục con cái chẳng hạn. Những mục tiêu này cũng sẽ giúp hai bạn gần nhau hơn và nói về nó là cách để chuẩn bị sẵn sàng để bạn có thể đạt được những ước mơ ấy.

Câu hỏi 5: Chúng ta cần bao nhiêu tiền?

Rồi cũng tới lúc đặt con số vào và đối mặt với thực tế.
Bạn không thể vội vàng được, bạn cần tiết kiệm từ từ và có mốc thời gian, cùng số tiền rõ ràng cho từng mục tiêu. Câu hỏi này đặt ra cũng là lúc cả hai phải nhìn vào thói quen chi tiêu của mình và thật thà với khả năng tiết kiệm hiện tại. Liệu với cách chi tiêu và ngân sách như đang có, hai bạn có thể tiết kiệm đủ cho các mục tiêu của mình? Nếu không, đâu là chỗ cần phải thay đổi?

Câu hỏi 6: Nếu có dư tiền thì sao?

Một lúc nào đó có thể hai bạn sẽ không còn lo lắng gì về tài chính nữa. Lúc này, mọi mục tiêu, mọi khoản chi phí đều đã có nguồn để bù đắp. Vậy với số tiền dư ra, hai bạn sẽ làm gì?

Bạn có thể nghĩ là hiện tại bạn còn không có tiền để xài, lấy đâu ra để nghĩ đến chuyện làm gì với tiền dư. “Tiền nhiều để làm gì?” có lẽ vẫn là câu hỏi mà bạn thấy buồn cười và dành cho ai chứ chẳng phải mình và “làm sao để có tiền?” mới là câu bạn quan tâm.

Không nhất thiết phải như thế bạn nhé. Tôi đã chứng kiến những người ở tuổi 40 – 50 đang làm việc tại các doanh nghiệp lớn với thu nhập ít nhất 100 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản thưởng họ có thể có nữa. Ở mức thu nhập này, họ dư dả và không thiếu tiền nữa, trong khi trước đó 5-10 năm, họ vẫn chưa nghĩ rằng rồi sẽ đến lúc họ như thế. Và giờ họ không biết phải làm gì với số tiền đang ngày càng nhiều hơn.

Với hai bạn, hai bạn sẽ làm gì? Bạn dự định sẽ để lại hết cho con cái, hay sẽ dùng hết tiền đi du lịch, hay còn điều gì khác nữa?
Việc có dư tiền có thể dẫn đến cảm giác muốn xài tiền phung phí, “xài cho đã” và có lúc dẫn đến phần tiết kiệm cho các bạn tiêu bị “ăn” mất, tới lúc nhận ra thì đã quá muộn.

Hãy trao đổi cẩn thận về số tiền dư ra này, có lẽ hai bạn sẽ muốn giúp đỡ cho ai đó, đóng góp vào một tổ chức xã hội hoặc lập ra một quỹ học bổng chăng?

Câu hỏi 7: Chúng ta sẽ đầu tư và tiết kiệm dùng tài khoản chung hay riêng?

Câu hỏi này liên quan đến câu hỏi số 1 và chi tiết hơn về chuyện đầu tư.

Nếu hai bạn dùng tài khoản riêng thì không có gì phải bàn rồi, nhưng nếu cả hai chọn dùng chung thì sẽ cần bàn bạc và chuẩn bị đấy. Hai bạn có thể bàn thêm cho những câu hỏi như tài khoản ấy sẽ đứng tên ai, cách hai bạn cùng ra quyết định đầu tư là như thế nào, tiền đầu tư sẽ được phân bổ vào tài khoản ấy ra sao?

Câu hỏi 8: Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc lên kế hoạch tài chính gia đình và ra quyết định?

Hm, ra quyết định tài chính chưa bao giờ là dễ dàng và lập kế hoạch tài chính cũng thế. Nó đòi hỏi cần có sự tham gia của cả 2 vợ chồng nhưng đến mức độ nào thì lại là chuyện khác. Việc phân chia trách nhiệm cần bàn thảo và có sự đồng thuận trước. Có thể những chi phí lớn và các mục tiêu tốn kém sẽ do một người đảm nhiệm hoạch định, còn các khoản chi định kỳ, ngắn hạn và nhỏ thì do người còn lại. Cả hai, dù là ai làm gì, thì cũng cần trung thực và thẳng thắn về tiền nong và cần minh bạch, rõ ràng trong quản lý.

Câu hỏi 9: Chúng ta sẽ dạy gì về tiền cho con cái và dạy như thế nào?

À há, bạn trách bố mẹ không dạy bạn gì về tiền và giờ bạn cũng không định dạy cho con của mình ư? Hai bạn sẽ cần thống nhất với nhau về những chủ đề nào sẽ được dạy cho con khi con lớn dần qua thời gian và cách nào để dạy con về tài chính cho hiệu quả, giúp con tự chủ được trong quyết định của mình và có tư duy đúng đắn về tài chính cá nhân. Tôi gợi ý hai bạn hãy đọc sách “Dạy con về tài chính” của Joline Godfrey do Thái Hà Books xuất bản. Cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu về cách dạy con về tài chính để phù hợp với sự phát triển về tâm lý, tư duy qua các giai đoạn khác nhau của trẻ. Có rất nhiều bài tập để hai bạn có thể thử với con nữa.

Một lần nữa, tôi lại có những gợi ý thêm cho bạn về trò chuyện tài chính dành cho cặp đôi. Với tôi, khi không thể nói chuyện về tiền được với nhau thì rất nhiều vấn đề khác sẽ phát sinh và làm mối quan hệ ngày càng lỏng lẻo. Hãy dành thời gian định kỳ và trao đổi với nhau về những chuyện trên, khi bắt tay vào làm bạn mới thấy được lợi ích của nó và tôi tin chắc, bạn sẽ thấy thích nó.

Nguồn: Dungdetienroi/ peerfinance101

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Nội dung chương trình dành cho bạn:

Các viết cùng chủ đề