Guy Spier: Đầu tư khôn ngoan là lựa chọn đúng công ty có khả năng kiểm soát vận mệnh của chính mình
Điểm cốt yếu của các nhà đầu tư thông minh là đầu tư vào những công ty kiểm soát vận mệnh của chính mình, không phải những công ty có số phận được định đoạt bởi các thế lực ngoài tầm kiểm soát của họ. “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị” của Guy Spier đã nhận định để đầu tư khôn ngoan, bạn sẽ cần lưu ý những yếu tố sau.
(*) Bài viết được trích từ sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“ – Guy Spier.
ĐIỀU GÌ ẨN GIẤU BÊN DƯỚI?
Nghiên cứu những công ty như Wal-Mart và Costco đã đưa tôi đến với CarMax – một Wal-Mart hay Costco về lĩnh vực bán xe đã qua sử dụng. Từ khi mở cửa hàng đầu tiên ở Virginia năm 1993, CarMax đã bán hơn 4 triệu chiếc xe, và giờ nó đang tự hào sở hữu khoảng 100 cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Đây là một cỗ máy bán hàng hoạt động cực kỳ hiệu quả với khoản chênh lệch hẹp giữa giá thu mua vào và giá bán ra. Khách hàng biết giá bán ở đây là giá hời nhất so với xung quanh. Và họ có một bộ sưu tập xe khổng lồ được trưng bày, từ những chiếc SUV Mercedes chỉ hai năm tuổi đến những chiếc mui trần Mustang từ những năm 1950.
Mô hình kinh doanh của CarMax còn có một yếu tố chiến lược: cho phép khách hàng sử dụng đòn bẩy.
Ở Mỹ, một phần không nhỏ các xe đang lưu hành được mua bằng tiền vay mượn. Không vay, nhiều khách hàng của CarMax sẽ không đủ khả năng để mua xe. Thực sự, CarMax hiểu rằng nếu họ không thể tiếp cận với nguồn vốn vay, cả mô hình kinh doanh của họ sẽ tiêu tùng. Cho nên vào năm 2008 thì họ tiêu thật. Doanh số rớt thê thảm vì CarMax và khách hàng của họ không thể tiếp tục sử dụng tín dụng giữa cuộc khủng hoảng tài chính. Kết quả là giá cổ phiếu lao đầu.
Một lần nữa, tôi khám phá ra tầm quan trọng của việc hiểu cả chuỗi giá trị của một công ty.
Tôi chưa đủ thấu hiểu sự lệ thuộc của CarMax vào thị trường tín dụng, và điều này khiến công ty dễ bị tổn hại đến thế nào. Có thể nếu biết rõ tôi vẫn cứ mua cổ phiếu của họ. Suy cho cùng, tôi không bao giờ có thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng tín dụng. Nhưng tình huống này dạy tôi tầm quan trọng của việc hiểu rõ liệu một doanh nghiệp có đang lộ ra những phần trong chuỗi giá trị mà nó không nắm quyền kiểm soát hay không. Nếu thực sự là vậy (mà thường là như vậy), tôi cần phải bù trừ rủi ro lớn đó bằng giá mua vào thấp.
Để tránh lặp lại trải nghiệm này, tôi phát triển một mục trong bản checklist cho phép tôi có cảm nhận sâu sắc hơn về chất lượng của một doanh nghiệp. Một cách để phát biểu mục này là: “Liệu doanh thu của công ty có đến từ vốn vay của thị trường tín dụng hay không?” Nhưng tôi không muốn nói chính xác ngôn từ tôi dùng trong bản checklist của mình. Một phiên bản khác quan trọng hơn của mục này là: “Công ty này ở vị trí thế nào trong chuỗi giá trị, và những phần nào của công ty có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi từ các phần khác của chuỗi giá trị mà công ty có rất ít ảnh hưởng lên các phần ấy?”
Điểm cốt yếu ở đây là tôi muốn đầu tư vào những công ty kiểm soát vận mệnh của chính mình, không phải những công ty có số phận được định đoạt bởi các thế lực ngoài tầm kiểm soát của họ.
Cách nghĩ này cũng có thể áp dụng để nhận định những cơ hội đầu tư tuyệt vời. Mục đích trong những tình huống này là tìm ra những công ty nào có một mắt xích trong chuỗi giá trị đang bị hỏng hóc, kéo cả công ty xuống. Nếu tôi tin vấn đề này là tạm thời, tôi có thể mua cổ phiếu với giá rẻ bèo và rồi thu lợi khi vấn đề trong chuỗi giá trị đã được khắc phục.
Năm 2007 chính lối suy nghĩ này đã khiến tôi đầu tư vào Alaska Milk, công ty sản xuất sữa đặc chiếm lĩnh thị trường ở Philippine. Thành phần chính trong sản phẩm của công ty là sữa bột được nhập khẩu từ nước ngoài. Khi giá sữa bột tăng lên, biên lợi nhuận của công ty tóp lại và giá cổ phiếu tụt giảm. Tôi tin rằng giá sữa bột dần dần sẽ trở về bình thường khi nguồn cung đáp ứng được với nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc. Kết quả là lợi nhuận của Alaska Milk sẽ nảy lên lại. Điều này đã được chứng minh là chính xác, và tiền đầu tư của tôi tăng lên chừng 5 lần trong 5 năm.
Mục trong bản checklist: Công ty này sẽ bị ảnh hưởng thế nào bởi những thay đổi trong những phần khác của chuỗi giá trị nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty? Ví dụ, doanh thu trước đó của nó có phụ thuộc vào thị trường tín dụng hay giá của một loại hàng hóa nào đó không?
Trích Sách: “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“