fbpx

Damn Right: Thương vụ “bắt đáy giá rẻ” đình đám See’s Candy của Charlie Munger và Warren Buffett

Thương vụ “bắt đáy giá rẻ” đình đám See’s Candy của Charlie Munger và Warren Buffett, chúng ta học được gì?

Vào năm 1972, bằng cách sử dụng phần vốn lưu động của Blue Chip Stamps, Buffett và Munger mua lại công ty nhỏ mang tên See’s Candy tại Los Angeles với giá 25 triệu đô la. Đó là bước tiến lớn đối với Charlie và Warren vì đây là thương vụ lớn nhất của họ tính đến thời điểm đó. Chúng ta học được gì thông qua thương vụ mua bán đình đám này? Và góc nhìn đầu tư dưới con mắt của Charlie Munger là gì?

Damn Right: Thương vụ “bắt đáy giá rẻ” đình đám See’s Candy của Charlie Munger và Warren Buffett

Năm 1921, cụ bà Mary See 71 tuổi mở cửa hàng kẹo nhỏ ở Los Angeles, với sự giúp đỡ của anh con trai Charles. Charles A. See từng làm dược sĩ ở Canada, nhưng ông đổi nghề sau khi hai hiệu thuốc bị phá hủy do cháy rừng quét qua thị trấn nơi ông kinh doanh. Ông làm nhân viên bán sô cô la và ước ao thành lập công ty kẹo riêng, sử dụng công thức của mẹ. 

Năm 1921, ông chuyển nhà, từ Canada đến Pasadena, vùng ngoại ô Los Angeles xinh đẹp và trong lành mà sau này Charlie chọn làm nơi an cư. Trong những năm 1920, Los Angeles là một thành phố bùng nổ với 500.000 cư dân. Gia đình See gặp không ít khó khăn vì có hàng trăm đối thủ cạnh tranh. See và cộng sự của mình, James W. Reed, quyết định tập trung xây dựng danh tiếng với sản phẩm chất lượng cao.

Khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929 và Đại khủng hoảng xảy ra, See buộc phải giảm giá 1 pound (tương đương 0,45kg) kẹo từ 80 xu xuống còn 50 xu. Ông ngậm đắng nuốt cay, thuyết phục chủ nhà giảm tiền thuê, lập luận rằng tiền thuê nhà thấp vẫn còn tốt hơn là không thuê. Nhưng ông cũng nhìn thấy cơ hội mở rộng thị trường khi các nhà sản xuất kẹo khác phá sản. 

Cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra trong Thế chiến thứ hai khi đường bị kiểm soát chặt chẽ. Thay vì thỏa hiệp chất lượng sản phẩm bằng cách chấp nhận dùng nguyên liệu kém chất lượng hoặc thay đổi công thức, See’s quyết định tận dụng nguyên liệu được phân phối cho công ty để sản xuất tối đa lượng kẹo chất lượng cao. Khách hàng xếp hàng quanh khu nhà để mua những viên kẹo sô cô la có hạn kia, và khi hết kẹo, cửa hàng đóng cửa nghỉ. Dù cửa hàng đóng cửa giờ nào, nhân viên vẫn được trả tiền đủ cho một ngày làm việc. Hóa ra đây lại là cách tiếp thị thông minh, vì đám đông háo hức lại càng khiến sản phẩm của cửa hàng kẹo đắt giá.

Trải qua giai đoạn khó khăn đó, See’s phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì những lý do riêng, gia đình này đã đi đến quyết định bán công ty để nắm giữ tiền mặt. Và cơ duyên đó đã “chớm nở” với Warren Buffett và Charlie Munger. 

Gia đình See yêu cầu 30 triệu đô la. Nhưng vì giá trị sổ sách của See thấp, Buffett và Munger thống nhất không mua quá 25 triệu đô la. Cuộc đàm phán kết thúc, nhưng sau đó người nhà See gọi lại và chấp nhận mức giá 25 triệu đô la. Munger và Buffett mua See’s Candy vào năm 1972, với giá gấp ba lần giá trị sổ sách, một điều họ chưa từng làm bao giờ.

Damn Right: Thương vụ “bắt đáy giá rẻ” đình đám See’s Candy của Charlie Munger và Warren Buffett

Một phần lợi thế cạnh tranh của See’s nằm ở chỗ nó là công ty dẫn đầu thị trường. Munger chia sẻ: Một số ngành kinh doanh có bản chất như dòng thác hướng về công ty có vị thế thống trị áp đảo. Nó thường tạo ra thị trường trong đó kẻ thắng chiếm sạch. Và lợi thế về quy mô như vậy rất lớn.  Trong đầu tư, chiến tới cùng. Hoặc chúng ta đứng vị trí số một hoặc số hai trong mọi lĩnh vực mình tham gia hoặc chúng ta bỏ. Điều này yêu cầu ý chí vô cùng kiên cường, nhưng tôi nghĩ nếu muốn tối đa hóa tài sản cho cổ đông thì đây là quyết định đúng đắn.

Vào những năm 1990, See’s tiến hành hoạt động mở rộng một cách thận trọng hơn, thay vì xây dựng nhiều cửa hàng hơn, họ lập quầy tại sân bay, trung tâm thương mại và các cửa hàng khác. Cuối thế kỷ 20, See’s điều hành khoảng 250 cửa hàng trên khắp Hoa Kỳ, với 2/3 trong số đó ở California. Công ty bán 33 triệu pound (tương đương 15.000 tấn) kẹo mỗi năm. Hơn 75.000 pound (34.000 ki lô gam) kẹo được bán qua trang web của See’s, cạnh tranh với chính dịch vụ đặt hàng miễn phí của công ty. Doanh thu năm 1999 của công ty là 306 triệu đô la, lợi nhuận hoạt động kinh doanh trước thuế là 73 triệu đô la.

Khi mua lại See’s, Charlie và Warren về căn bản vẫn đang bắt đáy giá rẻ. Nhưng dần dà, họ càng có kinh nghiệm và công ty càng phát triển, thay đổi là cần thiết. Charlie Munger chia sẻ: Anh có thể đãi cát tìm ra vàng trong những phần ít ai chú ý tới, anh sẽ tìm thấy rất nhiều cơ hội. 

Khi See’s lộ diện là một doanh nghiệp xuất sắc, trên đà phát triển, Munger và Buffett nhận ra mua doanh nghiệp tốt và để nó tự vận hành sẽ dễ dàng và thoải mái hơn rất nhiều so với việc mua doanh nghiệp chiết khấu sâu nhưng gặp khó khăn, như vậy ta sẽ tốn thời gian, sức lực, đôi khi là cả đống tiền để cải thiện.

See’s tăng trưởng từ từ, nhưng bền vững, đáng tin cậy và điều tốt nhất là nó không cần bơm thêm vốn.

Munger nói với cổ đông của Berkshire rằng có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ bỏ ra rất nhiều tiền mặt, nhưng lại không mở rộng kinh doanh được nhiều.

Munger cho rằng: Cố gắng mở rộng chẳng khác nào ném tiền xuống hang chuột. Doanh nghiệp như vậy không khiến các tập đoàn hứng thú muốn mua lại, nhưng họ được chào đón tại Berkshire vì ông và Buffett có thể lấy số vốn đó đem đầu tư sinh lợi ở nơi khác.

Đó cũng là lý do Berkshire không trả cổ tức. Berkshire vẫn giữ tiền mặt khi Buffett tin rằng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư có khả năng tạo ra nhiều giá trị thị trường hơn cho các cổ đông, thay vì lợi nhuận không được giữ lại để tái đầu tư trong công ty.

Munger cho hay rút kinh nghiệm từ See’s, “Chúng tôi học được rằng cách ta suy nghĩ và hành động phải bao hàm những giá trị được kiểm chứng theo thời gian. Những bài học đó giúp chúng tôi khôn ngoan hơn trong các thương vụ mua lại khác và đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Nói cách khác, chúng tôi đã thu hái được rất nhiều từ mối quan hệ với See’s.”

Mặc dù See’s chiếm lĩnh vị trí danh dự trong đế chế Berkshire, giờ đây nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị Berkshire sở hữu. Giả sử hiện tại, See’s trị giá 1 tỷ đô la – một điều hoàn toàn có thể nếu xét đến doanh số bán hàng của công ty, nó vẫn chiếm chưa tới 2% vốn hóa thị trường của Berkshire.

Nguồn: Sách Damn Right 

Có thể bạn quan tâm

Damn Right! – Tác giả Janet Lowe

Những bài học “đắt giá” của bậc thầy Charlie Munger

Cánh tay phải của Warren Buffett

 

ĐỌC THỬ

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề