Lựa “đồng mua mắm, mua tương”, thúc giải ngân gói 350.000 tỷ đồng
Nếu xem nền kinh tế sau COVID-19 giống như một người vừa trải qua cơn bạo bệnh thì các gói hỗ trợ giống như liều thuốc bổ giúp người bệnh phục hồi sức khỏe cũng như nền kinh tế lấy lại nhịp tăng trưởng sau những giai đoạn gần như đóng băng nhiều hoạt động…
Ngay đầu năm 2022, một Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, với gói ngân sách “chưa có tiền lệ” lên tới 350.000 tỉ đồng, được giải ngân trong 2 năm 2022 – 2023 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 là kim chỉ nam hành động cho chương trình này.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để vững bước đi lên.
Thời điểm hiện tại, một số chính sách đã được đưa vào thực tế, các đối tượng thụ hưởng đã ngay lập tức nhận được hỗ trợ.
Như với việc giảm 2% thuế VAT (từ 10% xuống 8% với nhiều mặt hàng), trước kia một giỏ hàng hóa có giá trị khoảng 1 triệu đồng, người tiêu dùng sẽ phải đóng thuế VAT là 10%, tương đương với 100.000 đồng. Nhưng nay được giảm 2%, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được 20.000 đồng.
Dự kiến, việc giảm 2% thuế VAT sẽ tương đương với khoảng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách, góp phần kích thích tiêu dùng và kiềm chế lạm phát.
“Việc giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp nhập hàng rẻ hơn, qua đó sẽ có giá bán tốt hơn. Khách hàng cũng sẽ tiết kiệm được hơn với những hàng hoá mua sắm. Qua đó kích cầu chung cho toàn xã hội”, Chủ chuỗi siêu thị HT Mart (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết.
Cùng với giảm thuế VAT, từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được giảm 50%, theo Nghị định số 103 của Chính phủ. Người tiêu dùng tiết kiệm được tiền mua xe. Người bán cũng bán được nhiều xe hơn.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ của xe ô tô khiến ngân sách Nhà nước hụt thu, nhưng vì lượng xe tiêu thụ tăng lên, nên tổng thu ngân sách đối với các loại thuế vẫn tăng. Điển hình như nửa cuối năm 2020, thu từ lệ phí trước bạ giảm hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng tổng thu ngân sách Nhà nước lại tăng hơn 14.000 tỷ đồng…
“Việc giảm thuế phí có tác dụng kép đối với cả nền kinh tế. Ví dụ chương trình giảm thuế VAT, mặt thứ nhất giúp cho người dân giảm chi phí khi đi mua sắm, qua đó kích cầu tiêu dùng. Tiêu dùng chỉ cần tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp cho GDP tăng khoảng 0,12 điểm %”, ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết.
Trong gói 350.000 tỷ đồng, phần lớn nhất – khoảng 1/3 của cả gói (tương đương với hơn 113.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước) sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển… Tại đây tập trung vào các nhóm: Hạ tầng giao thông (dự án đường Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, dự án liên kết vùng, các trục xương sống (trục ngang, trục dọc) của vùng miền Trung, ĐBSCL…); Các dự án của Ngành NN&PTNT (phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai)…
Về việc triển khai các dự án đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, bên cạnh 3 nhóm giải pháp đặc thù được Quốc hội cho phép thực hiện thì vẫn phải thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư công. Do vậy việc triển khai mất nhiều thời gian hơn so với nhóm tín dụng cũng như nhóm chính sách thuế, phí.
“Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội đã cho phép thực hiện một cơ chế mang tính linh hoạt kết hợp hài hoà giữa chương trình phục hồi với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025”, ông Phương cho biết.
Theo đó, với khoản ngân sách được bổ sung từ chương trình phục hồi hơn 113.000 tỷ đồng cho đầu tư công sẽ triển khai tăng thêm dự toán ngân sách trung ương năm 2022 – 2023 chi cho đầu tư công. Trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Còn với các dự án trong chương trình phục hồi nền kinh tế, theo ông Phương, có thể những dự án được hoàn thiện sớm thủ tục có thể giải ngân được ngay trong năm 2022 hoặc 2023. Còn với những dự án lớn thì phần giải ngân trong quá trình thực hiện sẽ rơi vào khoảng 2024 – 2025, lúc đó sẽ sử dụng khoản vốn đáng nhẽ ra được chi tiêu cho kế hoạch đầu tư công trung hạn. Với các dự án đã được tiêu trước năm 2022 – 2023, phần vốn dư sẽ được để đắp sang giải ngân cho các dự án của chương trình phục hồi.
“Nói một cách dễ hiểu dân dã với đồng mua mắm và đồng mua tương. Hiện nay chúng ta có tiền để mua tương nhưng tương chưa có thì chúng ta dùng tiền mua tương để mua mắm trước. Còn đối với tương sau nay khi có để mua thì chúng ta dùng tiền mua mắm để mua tương”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư so sánh.
Ông Phương nhấn mạnh, việc hài hoà giữa chương trình phục hồi và kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ giải quyết được vấn đề mà chúng ta dễ mắc phải đó là “có tiền mà không có dự án để chi tiêu”. Đây là điểm mới của cơ chế thực hiên chương trình phục hồi lần này khác rất nhiều so với các lần trước đây.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GT.TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng không nên phân biệt đồng nào “mua mắm”, đồng nào “mua tương” bởi tiền đều từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên cần phân biệt rất rõ, dự án triển khai cần phải phục vụ mục tiêu phục hồi nền kinh tế.
“Một người mới ốm dậy, người ta làm nhà. Để có sức làm nhà cần bổ sung một liều thuốc bổ. Phải uống thuốc bổ xong mới làm nhà. Nhưng nếu không dùng tiền đấy để mua thuốc bổ, mà dùng để làm nhà. Sau khi làm nhà xong rồi chắc gì đã có đủ sức khỏe để phục hồi. Lúc đấy mua thuốc bổ không có ý nghĩa gì nữa”, ông Cường so sánh.
Ông Cường nhấn mạnh, những cái gì thuộc về phục hồi kinh tế buộc lòng phải thực hiện trong 2 năm (2022 – 2023).
Bên cạnh tập trung triển khai những dự án trọng điểm, với hơn 113.000 tỷ đồng, hiện không ít địa phương đang chờ đợi vào gói ngân sách cho đầu tư hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế như là một giải pháp cho những dự án đang “tắc vốn” trên địa bàn.
Như tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu là dự án giao thông trọng điểm kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Dư án được phê duyệt đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa huy động được vốn. Các địa phương có dự án đi qua là Sơn La và Hòa Bình đang tiếp tục đề xuất chuyển đổi sang đầu tư công.
“Đoạn từ km19 – km53 có tổng số vốn là 9.770 tỷ đồng, dự kiến thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 4.650 tỷ, như vậy số vốn còn thiếu khoảng hơn 5.000 tỷ, sẽ tiếp tục báo cáo bộ ngành trung ương để có vốn bố trí cho chương trình”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Chưa có vốn cũng hiện đang là thách thức của dự án đường cao tốc đi qua 4 tỉnh Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng. Với phương án đầu tư PPP, dự án có tổng vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang đề xuất được chuyển hoàn toàn sang đầu tư công với số vốn dự kiến lên gần 21.000 tỷ đồng. Trong phương án từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mới chỉ bố trí cho dự án 1.100 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 – 2023 – tức chưa đáp ứng 5% về nhu cầu vốn.
“Các tỉnh thống nhất đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Tài chính… đề nghị Trung ương hỗ trợ tối thiểu 50% của dự án. Trong trường hợp nguồn ngân sách Trung ương khó khăn, các tỉnh cam kết sẽ cố gắng đáp ứng nguồn ngân sách địa phương khoảng 50%”, bà Hà Lan Anh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết.
Địa phương nào cũng có tâm lý muốn tiếp cận nguồn vốn đặc biệt tư gói hỗ trợ, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, ngay từ đầu khi xây dựng chương trình đã có một quan điểm hết sức rõ ràng, gói chính sách tài khoá tiền tệ lần này mang tính hỗ trợ thêm cho nền kinh tế. Nó không phải là giải pháp có thể thay thể tất cả các giải pháp khác. Do vậy không chỉ cho 1 tỉnh hay 2 tỉnh trên đất nước mà với tất cả các địa phương trong cả nước.
“Đặt trong bối cảnh ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách Trung ương không phải là vô hạn để mỗi lần chúng ta khó khăn là chúng ta lại yêu cầu ngân sách Trung ương hỗ trợ”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, các địa phương hoàn toàn có thể sử dụng “vốn mồi” từ chương trình gói hỗ trợ để đầu tư vào những khâu vướng nhất, hay cho các nút thắt khiến không khai thông được nguồn vốn…
“Nếu như giải phóng mặt bằng sạch rồi, có nguồn đất sạch rồi thì có thể kêu gọi các nhà đầu tư vào, thậm chí có thể đấu thầu đất để tạo nguồn lực…”, GS.TS Hoàng Văn Cường khuyến nghị.
Trong khi đó ông Cấn Văn Lực cho rằng nên thông cảm cho các địa phương bởi “ai cũng cần tiền, cần vốn, ai cũng muốn được hưởng lợi từ chương trình”. Nhưng không nên quá dựa dẫm vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội khi chúng ta có rất nhiều chương trình kết hoạch khác đã và đang tiến hành.
Với quy mô gói lên đến 350.000 tỷ đồng, những khoản tiền không nhỏ sẽ được giải ngân trong thời gian gần đây, không ít ý kiến đã bày tỏ nỗi lo về lạm phát?
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong quá trình tham mưu cho Chính phủ về công tác điều hành giá cũng như tại phiên họp điều hành giá tháng 2 vừa rồi, các Bộ đã thể hiện quyết tâm trong việc cố gắng kiểm soát giá cả ở mức tốt nhất, nhất là điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới đây.
“Không phải toàn bộ số tiền sẽ được giải ngân cùng một lúc. Các cơ quan vĩ mô như: Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ theo dõi hết sức chặt chẽ các biến động của thị trường của giá cả để làm sao điều chỉnh liều lượng từng phải pháp một cách hợp lý nhất”, ông Phương khẳng định.
Lạc quan hơn, ông Cấn Văn Lực cho rằng không nên quá lo lắng việc gói phục hồi này sẽ đẩy lạm phát lên cao. Theo ông Lực, nếu giải ngân đến 70 – 90% gói hỗ trợ, cũng chỉ giải ngân tăng thêm đâu đó khoảng 2% GDP.
Còn theo ông Hoàng Văn Cường, lượng tiền tăng thêm cho nền kinh tế của chương trình phục hồi khoảng 350.000 tỷ đồng nhưng lượng tiền ngân sách thực tế bỏ thêm chỉ khoảng 176.000 tỷ đồng. Do vậy chương trình phục hồi không phải là bơm tiền vào nền kinh tế, đừng nghĩ đây là bơm tiền.
“Khoảng 80.000 tỷ đồng/năm không đáng bao nhiêu, cho nên nếu quản lý tốt, không để tiền trong gói chạy “lệch lạc” thì chương trình phục hồi không phải là vấn đề lớn của áp lực lạm phát. Chúng ta cần những giải pháp bình ổn giá dầu, tăng tự chủ sản xuất chế biến trong nước sẽ đỡ được nhiều tác động của thế giới”, ông Cường cho biết.
Nguồn: VTV.vnn
Có thể bạn quan tâm