Các chiến lược hiệu quả giúp nhà đầu tư sống sót trong thị trường gấu
Ngày xưa thì loạn thế xuất anh hùng. Ngày nay khi thị trường tèo mới biết anh nào chơi chứng giỏi. Dĩ nhiên trong xu hướng giảm việc hiệu quả nhất vẫn là ngồi im không làm gì cả. Tuy nhiên, mấy ai làm được việc này. Vả lại, “mài kiếm chờ thời” cũng là điều cần thiết vì thường thì anh nào ngồi im quá lâu bản năng đầu tư cũng sẽ phai nhạt đi ít nhiều.
Mặt khác, cũng rất ít người dám khẳng định: “Tôi đã nhìn thấy đáy rồi”. Thường thì đáy đã xuất hiện một thời gian rồi thì dân tình mới biết. Đó là một thực tế.
Nhà đầu cơ trứ danh André Kostolany đã từng nói một câu bất hủ: “Trên thị trường chứng khoán, 2 nhân 2 không bao giờ bằng 4, mà bằng 5 trừ 1. Người ta phải có đủ bản lĩnh để chịu đựng được cái trừ 1 đó”.
Vậy chiến lược đầu tư nào có thể giúp nhà đầu tư sống sót qua cái đoạn “trừ 1” này?
Ném đá dò đường
Quan điểm “Liều thì ăn nhiều” chỉ hiệu nghiệm khi thị trường tăng trưởng bùng nổ hoặc các đợt giảm ngắn hạn trong xu hướng tăng dài hạn. Chứ nếu xu hướng dài hạn đang có nguy cơ đảo chiều thì rất dễ ăn đạn, cháy tài khoản như chơi.
Ta lại nói về vấn đề ném đá. Khi nào thì cần phải ném đá dò đường? Dĩ nhiên là khi không nhìn thấy đường rồi. Chứ nếu đã biết trước đường đi nước bước thì còn phải ném đá làm cái quái gì nữa?
Nhà đầu tư sẽ rất khó nghĩ và phân vân khi có những lúc phân tích cơ bản, đầu tư giá trị cũng tạch mà phân tích kỹ thuật, đầu cơ lướt sóng cũng toi. Đối diện với những tình hướng không chắc chắn đó thì ta cần phải ném đá dò đường.
Ví dụ như trong trường hợp của CTD dưới đây. Nếu là một nhà đầu tư theo trường phái bắt đáy thì hẳn sẽ không bỏ qua CTD khi cổ phiếu này giảm giá do đây là cổ phiếu đầu ngành và có “truyền thống” là điều chỉnh ít trong các lần sụt giảm trước đó.
Nhưng cứ nhìn vào đoạn điều chỉnh liên tục gần 50% so với mức đỉnh thì sẽ hiểu giá trị của việc “dò đường” Nếu nhà đầu tư nào vào ôm full cổ phiếu hồi 200,000-205,000 hoặc vùng 185,000-190,000 thì chắc cũng sắp “xanh cỏ” đến nơi rồi.
Tuy nhiên, nếu như chỉ dành ra 20% vốn để mua thăm dò. Sau đó, nếu giá tăng tiếp sẽ mua tiếp để bình quân giá lên. Còn nếu giá thủng vùng hỗ trợ mạnh thì kiên quyết cắt lỗ. Nếu làm như vậy thì với cả ba lần bắt đáy thất bại nhà đầu tư chỉ lỗ khoảng 3 x 10% x 20% = 6% tính trên tổng danh mục (ở đây giả sử mỗi lần thủng đáy sẽ lỗ khoảng 10% của 20% vốn giải ngân). Rõ ràng đây là cách tiếp cận thị trường của những kẻ nhát gan nhưng theo quan sát nhiều năm trên thị trường thì “Kẻ sống sót trên chiến trường là kẻ mạnh và thằng hèn. Thực tế thì anh hùng luôn luôn chết”. Không mạnh thì phải hèn thôi!
Săn lùng “vua tiền mặt”
Chiến lược này thật ra là mở rộng của câu nói kinh điển: “Trong thời khủng hoảng, tiền mặt là vua”. Một công ty có dồi dào tiền mặt trong thời kỳ khủng hoảng sẽ có rất nhiều lợi thế.
Thứ nhất, công ty có nguồn lực tài chính dồi dào sẽ dễ dàng thâm tóm các dự án tốt hoặc các đối thủ cạnh tranh trong khủng hoảng.
Thứ hai, việc mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá cổ phiếu sẽ trở nên thực chất và mạnh mẽ hơn nếu trong két sắt công ty có nhiều tiền mặt. Còn không thì lại diễn ra tình trạng “đăng ký nhiều, mua ít” vẫn xuất hiện nhan nhản hàng ngày trên thị trường.
Cần cù bù thông minh
Đã không có tài bấm độn chính xác như Khương Tử Nha hay đoán việc như thần của Khổng Minh mà vẫn muốn thành công thì chỉ có một con đường là phải “NHẪN”. Triết lý về chữ “NHẪN” trong sách vở thì rất nhiều và rất thâm sâu.
Nói một cách bình dân theo các cụ nhà mình thì “Buôn tài không bằng dài vốn”, tính toán cho lắm vào cũng không qua được siêng năng và chịu khó… gom hàng.
Điều này đặc biệt đúng trong những thời kỳ được cho là rối loạn và phức tạp như hiện nay khi các yếu tốt tốt xấu xuất hiện đan xen. Ngay cả các chuyên gia hàng đầu cũng có phần bấn loạn trước biến động vô chừng của các chỉ số.
Hãy cứ tìm các cổ phiếu thật tốt, có tình hình tài chính thật khỏe mạnh rồi sau đó mỗi ngày hoặc mỗi tuần mua 10 cổ phiếu cho đến khi bạn hết tiền. Tin tôi đi, xui lắm thì bạn cũng sẽ thuộc nhóm người chết cuối cùng trên thị trường!
Nguồn: vietstock.vn