fbpx

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống, S&P 500 tiến gần vùng thị trường gấu

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 19/5 đóng cửa trong sắc đỏ, nhà đầu tư tiếp tục bán ra giữa lo ngại nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vì Fed tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát.

chung-khoan-my-tiep-tuc-di-xuong-sp-500-tien-gan-vung-thi-truong-gau-happy-live-1
Nasdaq đã chìm sâu trong thị trường gấu, S&P 500 và Dow Jones đang trong vùng điều chỉnh.

S&P 500 giảm 0,58% còn gần 3.901 điểm. Phiên trước đó (18/5), chỉ số đại diện thị trường này sụt 4%. Hiện nay, S&P 500 đang thấp hơn 18,2% so với ngày cuối năm 2021 và giảm 18,7% so với đỉnh lịch sử thiết lập vào phiên 3/1 năm nay.

Khi một chỉ số giảm từ 20% trở lên, nhà đầu tư sẽ coi chỉ số đó rơi vào vùng thị trường gấu. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite hiện thấp hơn 27,2% so với đầu năm và kém 29,1% so với đỉnh lịch sử ngày 19/11/2021, tức là đang chìm sâu trong thị trường gấu.

Phiên 19/5, Nasdaq giảm 0,26% còn 11.388,5 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 237 điểm, tương ứng 0,75%, và kết phiên ở 31.253 điểm. Phiên trước đó (18/5), Dow Jones sụt 1.164 điểm và ghi nhận ngày giảm sốc nhất kể từ tháng 6/2020.

chung-khoan-my-tiep-tuc-di-xuong-sp-500-tien-gan-vung-thi-truong-gau-happy-live-2

CNBC dẫn lời ông Greg Bassuk, CEO của công ty đầu tư AXS Investments, nhận xét: “Bài học lớn mà nhà đầu tư cần rút ra là hãy chuẩn bị cho giai đoạn biến động mạnh. Chúng tôi cho rằng sự biến động sẽ là câu chuyện chính trong phần còn lại của quý II và nói thẳng là cả phần còn lại của 2022”.

Cả S&P 500 và Nasdaq đều đã sụt hơn 3% trong tuần này, Dow Jones giảm 2,9%. Mức giảm chủ yếu đến từ việc hai đại gia bán lẻ Target và Walmart liên tục công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng với lý do chi phí nhiên liệu và nhân công tăng cao. Tỷ lệ lạm phát chung tại Mỹ đang ở vùng cao nhất 40 năm.

Cổ phiếu Target lao dốc 24,9% trong phiên 18/5 rồi tiếp tục giảm 5,1% vào phiên 19/5, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Một số cổ phiếu lớn trong chỉ số S&P 500 đang nằm ở đáy hơn 52 tuần. Target hiện giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ là Walmart cũng đang ở đáy kể từ tháng 7/2020. Bank of America và Charles Schwab đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. 

chung-khoan-my-tiep-tuc-di-xuong-sp-500-tien-gan-vung-thi-truong-gau-happy-live-3

Ông Maneesh S. Deshpande, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại ngân hàng Barclays, nhận định ngày 19/5: “Việc cổ phiếu các công ty bán lẻ bị bán tháo (cùng với các cổ phiếu hàng tiêu dùng khác trong quý này) cho thấy áp lực lạm phát cuối cùng đã có tác động tới lợi nhuận. Mặc dù lạm phát lên cao trong gần một năm qua, biên lợi nhuận và thu nhập dự phóng của nhóm S&P 500 trong quá khứ vẫn khá vững mạnh, nhưng hiện tại câu chuyện này không còn đúng nữa”.

Ngày 19/5, Cisco trở thành công ty lớn tiếp theo có cổ phiếu lao dốc sau khi công bố kết quả kinh doanh. Cụ thể, tập đoàn phần mềm này thông báo doanh thu quý I thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích và cảnh báo triển vọng doanh thu quý II cũng không khả quan. Giá cổ phiếu Cisco sụt 13,7%.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu công nghệ hồi phục đã giúp hạn chế đà giảm của S&P 500 và Nasdaq Composite. Synopsys bật tăng 10,3% sau khi thông báo lợi nhuận vượt kỳ vọng, Datadog cũng vọt lên 9,6%. Nvidia và Amazon cùng đóng cửa trong sắc xanh.

Mặc dù vậy, cổ phiếu công nghệ vẫn là một trong hai nhóm ngành giảm sâu nhất trong chỉ số S&P 500, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Apple và Microsoft mất tương ứng 2,5% và 0,4%. Meta và Alphabet cũng giảm lần lượt 0,5% và 1,3%.

chung-khoan-my-tiep-tuc-di-xuong-sp-500-tien-gan-vung-thi-truong-gau-happy-live-4
Đa số nhóm ngành của chứng khoán Mỹ đều giảm sút trong phiên 19/5/2022.

“Không còn chỗ nào để lẩn trốn”, ông Jonathan Krinsky, Giám đốc kỹ thuật thị trường tại BTIG, nói. “Nhà đầu tư bán cổ phiếu hàng tiêu dùng, đồng thời bán cả những cổ phiếu công nghệ đã bị xả mạnh thời gian qua. Nói cách khác, dòng tiền không luân chuyển giữa các ngành mà bị rút ra khỏi thị trường”.

Một số chuyên gia Phố Wall đã đưa ra những dự báo hết sức tiêu cực về thị trường chứng khoán nếu các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Quý I vừa qua, GDP của Mỹ đã giảm 1,4%. Định nghĩa suy thoái kinh tế là GDP giảm hai quý liên tiếp.

Đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ sẽ “không ngần ngại” nâng lãi suất để chế ngự lạm phát.

chung-khoan-my-tiep-tuc-di-xuong-sp-500-tien-gan-vung-thi-truong-gau-happy-live-5
GDP của Mỹ suy giảm trong quý I.

Deutsche Bank cho rằng nếu suy thoái xảy ra, S&P 500 có thể giảm tới 35 – 40% so với hiện nay và rơi xuống vùng 3.000 điểm.

Ngày 19/5, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần 14/5 tăng lên mức 218.000, một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Các chỉ số chứng khoán châu Âu và châu Á đa phần kết phiên 19/5 trong sắc đỏ, ngoại trừ VN-Index và Shanghai Composite tăng nhẹ.

chung-khoan-my-tiep-tuc-di-xuong-sp-500-tien-gan-vung-thi-truong-gau-happy-live-6

Nguồn:vietnambiz

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Giao dịch theo xu hướng

đánh bại mọi thị trường

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề