Câu chuyện thành công của LEGO: Từ xưởng mộc nhỏ từng phá sản đến doanh nghiệp được ví như “Apple của đồ chơi”
LEGO đã trải qua một chặng đường dài với lịch sử 88 năm – từ một xưởng mộc nhỏ ở Đan Mạch trở thành nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới
LEGO hiện là công ty đồ chơi lớn nhất thế giới với giá trị thị trường hơn 9 tỷ USD. Vào năm 2021, một nhóm các nhà nghiên cứu kinh doanh quốc tế phát hiện ra đầu tư vào LEGO sinh lời hơn vàng, cổ phiếu, nghệ thuật hoặc rượu.
Từ một xưởng mộc từng phá sản
Năm 1932, thợ mộc bậc thầy Ole Kirk Kristiansen đã thành lập một xưởng nhỏ ở Billund, Đan Mạch. Công việc kinh doanh không suôn sẻ, thậm chí đã có lần cháy rụi cả xưởng và chẳng bao lâu sau, ông sa thải công nhân cuối cùng của mình và đóng cửa xưởng. Tuy vậy, để đảm bảo thu nhập của gia đình và nuôi các con khi vợ ông mất sớm, Ole đã không từ bỏ công việc chế tạo gỗ.
Ông nhận ra một thứ mà mọi người luôn không tiếc bỏ tiền ra đó là mua đồ chơi cho con cái. Ông tiếp tục tự mở một xưởng mộc khác cùng với ý tưởng: Làm đồ chơi bằng gỗ. Với khả năng sáng tạo một cách thiên tài, Ole đã chuyển dần nghề mộc sang chuyên sản xuất đồ chơi với món đồ chơi đầu tiên là một con vịt bằng gỗ. Và phương châm kinh doanh của ông được khắc thành một tấm bảng – “det bedste er ikke for godt” (Chỉ điều tốt nhất mới là đủ tốt).
Công việc kinh doanh đồ chơi bằng gỗ của Ole đã nhanh chóng phát triển. Với sự giúp đỡ của con trai ông là Godtfred, doanh số bán hàng tăng vọt. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi Ole mua một chiếc máy ép nhựa để sản xuất đồ chơi, chiếc máy đầu tiên thuộc loại này ở Đan Mạch.
Vào năm 1949, nhà máy LEGO bắt đầu sản xuất 200 đồ chơi bằng nhựa và gỗ khác nhau, bao gồm cả các mảnh nhựa có cạnh, tiền thân của loại đồ chơi xếp hình LEGO mà chúng ta biết ngày nay.
“Bí kíp” để trở nên thành công
LEGO không chỉ là các viên gạch xếp hình, nó là một hệ thống được xây dựng dựa trên sự sáng tạo và ý tưởng
Với doanh số bán hàng tăng vọt vào dịp Giáng sinh và giảm mạnh vào thời gian còn lại của năm, Godfred cảm thấy đồ chơi LEGO của họ đang thiếu một thứ thiết yếu.
Ông nhận ra rằng họ đang cho trẻ em những món đồ chơi làm sẵn không đủ thử thách. Đồ chơi cần một ý tưởng và một hệ thống được xây dựng xung quanh nó. Bằng cách này, trẻ em đã có thể sử dụng trí tưởng tượng và sự sáng tạo của mình.
Thay vì cung cấp đồ chơi làm sẵn cho trẻ em, LEGO mang đến cho trẻ cơ hội chế tạo đồ chơi của mình – một hoạt động thử thách hơn nhiều khiến trẻ em tham gia hàng giờ liền. Đây chính là “bí quyết” đã đem lại bước đột phá trong kinh doanh của LEGO. Hệ thống đồ chơi LEGO trở nên rất thành công và công ty bắt đầu mở rộng sang các quốc gia khác.
Những viên xếp hình kết dính với nhau
Những đứa trẻ rất vui khi được tự tay mình xây dựng một thứ gì đó và rất tự hào khi được cho bố mẹ xem những công trình của chúng. Nhưng niềm vui của chúng sẽ không kéo dài – những công trình xây dựng mỏng manh, đổ nát chỉ bằng một cái chạm nhẹ như một lâu đài thẻ bài. Điều gì sẽ xảy ra nếu các viên xếp hình có thể dính vào nhau? Godtfried tự hỏi bản thân. Ông quay lại bàn vẽ và vào năm 1958, ông được cấp bằng sáng chế cho viên gạch LEGO mang tính biểu tượng với các ống bên trong làm cho các viên gạch dính lại với nhau.
Tạo dựng thương hiệu LEGO: Là một cách để tăng cường mối quan hệ gia đình và để cha mẹ dành thời gian cho con cái của họ.
Và điều có thể khiến cho mọi người ngạc nhiên đó là LEGO không chỉ hấp dẫn trẻ em mà người lớn cũng yêu thích LEGO chẳng kém. Trên thực tế, có một cộng đồng lớn người lớn hâm mộ LEGO hoặc AFOL như họ tự gọi mình. Họ thường tụ tập với nhau để thảo luận, tổ chức các buổi gặp gỡ và thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
Cuối cùng, đúc rút bí quyết thành công của LEGO, Beth Stackpole của MIT đã xác định ba trong số những chiến thuật thành công của LEGO mà theo bà, bất kỳ thương hiệu “trưởng thành” nào cũng có thể sử dụng: tôn trọng những gì khiến bạn trở nên tuyệt vời; lắng nghe khách hàng cốt lõi của bạn; và sử dụng một loạt các phương pháp đổi mới.
Và định hướng phát triển
“Bằng rất nhiều thử nghiệm và sai sót cùng một số sáng kiến sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhưng không thành công, LEGO đã phát hiện ra rằng khách hàng muốn trải nghiệm kỹ thuật số bổ sung cho các dịch vụ cốt lõi hơn là thay thế chúng”.
Ban lãnh đạo LEGO cho biết “đầu tư vào trò chơi linh hoạt – kết hợp giữa trò chơi kỹ thuật số và trò chơi vật lý – sẽ tiếp tục được ưu tiên và là hướng đi lâu dài của thương hiệu”.
Năm 2015, Tập đoàn LEGO vẫn thuộc sở hữu tư nhân, do gia đình kiểm soát đã vượt qua Ferrari để trở thành thương hiệu quyền lực nhất thế giới. Thương hiệu đồ chơi đã công bố lợi nhuận 660 triệu bảng, trở thành công ty đồ chơi số một ở châu Âu và châu Á, và số ba ở Bắc Mỹ, nơi doanh số bán hàng lần đầu tiên đạt 1 tỷ USD. Từ năm 2008 đến năm 2010, lợi nhuận đã tăng gấp bốn lần, vượt xa Apple. Thật vậy, nó đã được gọi là Apple của đồ chơi: một phép màu tạo ra lợi nhuận. Hiệp hội các nhà bán lẻ đồ chơi của Anh đã bình chọn Lego là đồ chơi của thế kỷ.
Những con số ấn tượng
LEGO sản xuất 318 triệu lốp xe mỗi năm, trở thành nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới;
Có 400 tỷ viên gạch xếp hình LEGO trên Trái đất;
Doanh thu tăng 27% vào năm 2021 khi trẻ em (và người lớn) ở nhà trong thời gian phong toả do ảnh hưởng của dịch Covid 19;
11.695 mảnh trong Bản đồ Thế giới Nghệ thuật LEGO, nhiều nhất trong bất kỳ bộ LEGO nào;
Chỉ cần sáu viên gạch có kích thước 2 x 4 có thể tạo ra 915 triệu sự kết hợp khác nhau;
Mỗi năm, danh mục đầu tư của công ty tăng 60% với các sản phẩm mới.
Theo TheCEOmagazine, Brand-minds, theguardian
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU