fbpx

Hai lời khuyên sự nghiệp ai cũng nên ngộ ra trước tuổi 30

Bạn cho rằng mình đã thể hiện đủ tốt ở công ty, nhưng có vẻ như sếp vẫn chưa nhìn ra nỗ lực của bạn? Bạn cho rằng mình đã đóng góp đủ nhiều cho công ty, sao lại chẳng thấy một đề xuất thăng tiến? Bạn cho rằng mình xứng đáng đạt được nhiều thứ tốt hơn hiện tại, nhưng tại sao bao năm trôi qua, bạn vẫn ở yên một chỗ? Cần xem xét lại, bạn có đang vấp phải hai quan niệm sai lầm sau đây hay không. 

1. Xác định mình đang đi làm hay “đi chơi” ở công ty:Hai lời khuyên sự nghiệp ai cũng nên ngộ ra trước tuổi 30

Đối với một số bạn trẻ đến phỏng vấn tại Happy Live, tôi hay hỏi các bạn rằng: Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới là gì? Sẽ trở thành ai? Ai là mẫu hình hay idol của bạn? Bạn muốn điều gì khi làm việc ở đây? Bạn sẽ đóng góp được gì cho sự phát triển của công ty của tôi? Có nhiều bạn trẻ rất mơ hồ trong 5 năm nữa họ sẽ làm được gì. Nhiều câu trả lời đại loại như em muốn vượt qua nỗi sợ và chiến thắng bản thân mình. Trong khi các bạn thật sự có kế hoạch, dự định trong tương lai nhưng lại không biết cách diễn đạt. Hoặc có một số bạn sẽ trả lời mong muốn vào Happy Live để được học hỏi từ tôi, được học hỏi từ người này, người kia. Đương nhiên, những câu trả lời đó sẽ không giúp bạn có được công việc.

(*) Bài viết được trích từ sách Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Chiến lược làm chủ vận mệnh hoàn hảo, xem thêm thông tin sách tại đây:

Sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng

Nếu bạn vào công ty với một thái độ mong muốn được học hỏi, hoặc nhìn thấy trên tivi đây là công ty rất tốt, hoặc thấy trên youtube, anh là một người rất giỏi. Đó chỉ là những lý do rất phụ. Nhà tuyển dụng tuyển bạn vào không phải để bạn học hỏi họ, để trở thành phiên bản thứ hai của họ. Việc học hỏi ở tổ chức là đương nhiên, nhưng đó không phải là mục tiêu để chúng ta kiếm tìm một công việc. Đừng mong muốn bước vào công ty làm việc với tâm thế được cầm tay chỉ việc. Bản chất của công việc chính là sự hợp tác, hỗ trợ và đóng góp. Tất cả những điều này dựa trên kỹ năng của bạn và bạn được trả lương dựa trên đóng góp của bạn với công ty.

Có một bạn cộng tác viên, sau một thời gian làm ở Happy Live, cảm thấy ấm ức vì bạn phải làm chứ không học được gì ở công ty cả. Bạn tưởng là vào công ty sẽ được học thêm từ tôi, từ các anh chị, từ tất cả mọi người. Tôi mới quay sang hỏi là em nghĩ công ty là nơi em học, làm hay chơi? Thật ra em học thông qua chính công việc em làm, chính từ cách giao thiệp với đồng nghiệp. Tìm cách để công việc tốt hơn cũng là một cách học hỏi. Công ty mong muốn bạn vào để cống hiến tài năng, sức lực giúp công ty phát triển, phục vụ được khách hàng, giúp khách hàng giải quyết các bài toán của họ. Khách hàng mới là người trả lương cho bạn chứ không phải sếp của bạn.

Hai lời khuyên sự nghiệp ai cũng nên ngộ ra trước tuổi 30
Bạn học đủ rồi, đừng đến công ty để học

Không có ai mong bạn đến công ty để bảo bạn ngồi đó đi, hôm nay họ sẽ dạy bạn việc này, ngày mai họ sẽ dạy bạn việc kia. Khoan hãy làm, học trước đã. Như vậy sẽ rất tốn thời gian cũng như tốn công sức của những người hướng dẫn bạn. Đồng thời, đó cũng không phải là cách một công ty vận hành. Nếu học theo kiểu như thế, bạn sẽ không bao giờ học được điều gì cả. Bạn nên quan sát xem những người giỏi hơn bạn, nhiều kinh nghiệm hơn bạn ở công ty đang làm gì và áp dụng những điều học được vào thực tế. Đó là cách học nhanh nhất.

Và khi bạn học từ chính công việc của mình, trăm hay không bằng tay quen, sáng tạo công việc, va đập nhiều với thực tế thì đó là cách học mang lại nhiều hiệu quả cho bạn. Sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã học được rất nhiều kỹ năng và đóng góp cho công ty rất nhiều. Công ty sẽ cảm thấy bạn có giá trị, sếp bạn sau một thời gian quan sát, đánh giá sẽ cho bạn một mức lương cao hơn.

 

Chúng ta mua cái khoan không phải vì muốn khoan cái lỗ trên tường, chúng ta mua khoan là bởi vì chúng ta muốn treo một vật gì đó lên tường. Và khi một vật nào đó được treo lên tường, công việc của bạn đã hoàn thành. Bạn được trả lương, trả công cho thành quả đó, chứ không phải bởi vì bạn tạo ra một cái lỗ nhỏ trên tường. Bạn được trả lương vì bạn đã treo được một vật gì đó lên trên tường. Hãy nhớ rằng, bạn không đến công ty để học, bạn đã học đủ rồi. Rất nhiều người quen của tôi phàn nàn rằng có nhiều bạn trẻ mới ra trường, muốn vào công ty để tiếp tục học, ảo tưởng mong muốn một mức lương xứng tầm nhưng không biết xã hội đang đánh giá mình như thế nào.

Hai lời khuyên sự nghiệp ai cũng nên ngộ ra trước tuổi 30
Chúng ta mua cái khoan không phải vì muốn khoan cái lỗ trên tường

Cho nên, các bạn trẻ, nên bớt mơ mộng về một xã hội màu hồng, một môi trường làm việc màu hồng và mức lương lý tưởng chỉ bằng mớ kiến thức có được khi mới ra trường, thay vào đó, hãy tập trung vào việc bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ làm việc.

2. Phải hiểu rằng người giỏi không phải là người làm tất cả:

Nếu bạn để ý, có một số lãnh đạo luôn trong trạng thái stress liên tục, nhân viên cấp dưới thì yếu kém, chẳng làm được gì và những người đó ôm tất cả việc vào người để đạt được tiến độ. Nhân viên lúc đó trở thành người đi chuyển tiếp email (forward email) cho sếp. Bất cứ việc gì cũng phải thông qua sếp mới dám làm, hoặc nhờ sếp làm giúp mình. Những việc này ngoài người nhân viên thiếu năng lực, người sếp cũng có năng lực lãnh đạo kém. Bạn biết vì sao không?

Vì họ luôn nghĩ rằng mình là người giỏi và người giỏi phải là người làm được tất cả. Hậu quả là họ cảm thấy mình luôn thiếu thời gian, luôn áp lực, luôn cáu gắt, luôn áp đặt cách làm việc cho nhân viên của mình, nếu nhân viên làm gì không vừa ý thì họ quyết định tự làm luôn cho nhanh. Họ luôn sợ nhân viên giỏi hơn, nổi bật hơn mình và ghi điểm với những người sếp (leader) cao hơn. Nếu bạn đến một công ty làm việc, nhưng có một người sếp cho rằng anh ta đã biết hết mọi thứ thì bạn có dám nêu lên sáng kiến của mình hay không? Hay là cứ hỏi ý kiến sếp, sếp kêu sao thì làm vậy?Hai lời khuyên sự nghiệp ai cũng nên ngộ ra trước tuổi 30

Từ câu chuyện này, bạn nghĩ mình có nên đi theo vết xe đổ của người leader hay của những nhân viên kia? Và làm thế nào để làm việc hiệu quả, bớt căng thẳng đi, công việc của bạn được đánh giá cao hoặc bạn thấy công việc của mình thú vị hơn. Nếu bạn đang là nhân viên, khi nhận được một công việc bạn nên làm gì? Hỏi lại sếp:

– Thời gian hoàn thành công việc là khi nào?

– Thế nào gọi là hoàn thành – yêu cầu và chất lượng công việc ra sao?

– Thường xuyên cập nhật cho sếp tiến độ công việc mình đang làm.

Dù nhận bất cứ công việc nào, luôn phải hỏi lại sếp 3 câu hỏi này. Sẽ rất là lạc quẻ nếu bạn ôm một công việc, cắm mặt vào làm và khi đến hạn (deadline) thì bạn gửi lại sếp một bản kế hoạch vô cùng lạc quẻ. Sếp căng thẳng, bạn được đánh giá là kém năng lực. Vậy thì làm thế nào để nâng cao năng suất lao động của bạn lên? Câu hỏi tiếp theo bạn cần hỏi sếp mình là ai sẽ hỗ trợ bạn trong công việc này và ngân sách cho kế hoạch này là bao nhiêu. Nếu bạn nhận một công việc, nhưng không biết thời hạn, yêu cầu, ai sẽ hỗ trợ bạn và ngân sách bao nhiêu thì làm sao hoàn thành tốt công việc. Đừng biến bản thân thành người kém năng lực, hãy biến mình thành một người làm việc hiệu quả, có năng lực. Người làm việc có năng lực là người làm việc đúng thời gian, đúng chất lượng, đúng tiến độ, luôn luôn cập nhật và biết ai là người hỗ trợ mình.

Nếu bạn là sếp:

– Chất lượng mong đợi trong công việc là gì?

– Thời gian hoàn thành của công việc?

– Nguồn lực hỗ trợ: tiền + con người cho công việc ấy?

– Thường xuyên kiểm tra + yêu cầu nhân viên của mình cập nhật tiến độ công việc.

Ví dụ khi tôi muốn làm một video, tôi sẽ cho nhân viên của mình hình dung mong đợi của tôi là gì, trong thời gian cụ thể, tôi sẽ chỉ định những người hỗ trợ nhân viên trong việc làm video đó. hông báo cụ thể ngân sách cũng như thường xuyên hỏi công việc đến đâu rồi, có gặp khó khăn gì không, để hỗ trợ.

Như vậy, bạn là một người giao việc thông minh và không biến nhân viên của mình trở thành một người đi forward email cho bạn. Lúc đó, bạn sẽ thành người giỏi vì bạn không làm tất công việc. Bạn là người tận dụng được sức mạnh, lợi thế của nhân viên cũng như sức mạnh của một tập thể. Mỗi người đều có năng lực và tài năng riêng biệt, bạn không phải là người giỏi hết tất cả lĩnh vực đâu. Việc của bạn, một người sếp là biết trọng dụng những năng lực đặc biệt của nhân viên để công việc đạt hiệu quả cao và bạn mặc nhiên sẽ trở thành một người lãnh đạo có năng lực.

Tóm lại, dù là nhân viên, hay là sếp, cách bạn quản lý công việc cũng là cách bạn quản lý cuộc đời của mình. Nó nói lên việc bạn có khả năng thăng tiến trong công việc hay không.

Trích từ Chương 2 Xây dựng hệ nhận thức mới – sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng

Có thể bạn quan tâm:

THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG – CẨM NANG XÂY DỰNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG

Sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng - Thái phạm

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề