Highlands Coffee gây tranh cãi khi tăng giá bán đến 18%: Các thương hiệu khác nói gì về áp lực giá lên ly cà phê hàng ngày?
Theo như trao đổi của chúng tôi, có vẻ nhiều thương hiệu khác vẫn chưa có chủ trương tăng giá bán. Thay vào đó, các bên đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường các dòng sản phẩm mới nhằm kích cầu cũng như đón đầu xu hướng mới từ thị trường.
Tiếp tục bài khảo sát ý kiến của các thương hiệu cà phê phổ biến hiện nay, xoay quanh việc Lạm phát đến ly cà phê trước việc Highlands tăng giá sản phẩm, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Khoa – Head of Operations – của chuỗi The Running Bean cho biết: “Việc tăng giá của ngành hàng ăn uống nói chung xuất phát từ giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang tăng mạnh. Hiện nay, hầu như các nhà cung cấp nguyên vật liệu đều đang tăng giá từ 15 – 20%“.
Là thương hiệu mới có vị trí tại các khu vực đắc địa, chuyên phục vụ phân khúc dân văn phòng, khách tây… The Running Bean được biết đang theo đuổi chính sách song song ổn định chất lượng từng món ăn, thức uống và chú trọng vào chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua cải thiện, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Riêng việc tăng giá hay không, theo ông Khoa còn phụ thuộc rất nhiều, hơn hết là cân nhắc xem các sản phẩm đầu vào ảnh hưởng như thế nào đến giá bán.
“Chúng tôi luôn muốn khách hàng có những trải nghiệm về dịch vụ cũng như thưởng thức các sản phẩm chất lượng nhất nên giá cả sẽ đi đôi với chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại cửa hàng.
Có thể nói, việc tăng trưởng thị phần trong ngành hàng F&B vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với Inn Saigon nói chung và The Running Bean nói riêng. Bởi lẽ, ngành hàng F&B càng ngày càng sôi động với rất nhiều đối thủ cạnh tranh cùng với lạm phát sẽ dẫn đến việc khách hàng sẽ vừa có vô vàn sự lựa chọn vừa sẽ cẩn thận và suy xét kĩ hơn để có thể tìm kiếm và sử dụng những những thương hiệu sở hữu chất lượng tốt ở cả sản phẩm và dịch vụ“, ông nói.
Cùng phân khúc và gần như là đối thủ đáng gờm với Highlands, đại diện The Coffee House cho biết Công ty vẫn chưa có chủ trương tăng giá. Thay vào đó, chuỗi đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tái cấu trúc, đón đầu xu hướng tiêu dùng mới đề ra đầu năm.
Theo một khảo sát của Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của Covid-19 đến hành vi của người tiêu dùng cho thấy, có đến 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài. Đây là bài toán khó đặt ra không chỉ cho The Coffee House nói riêng mà cả ngành F&B cho ngành F&B nói chung trong thời kỳ bình thường mới. Chính vì vậy, hiện tại The Coffee House đang hướng đến mục tiêu đưa khách hàng trở lại thói quen dùng tại quán, đồng thời phân phối sản phẩm đa kênh.
“Hiện, chuỗi đang đẩy mạnh các dòng sản phẩm mới. Đặc biệt, sản phẩm trà Hi-Tea đang giúp Công ty có sự trở lại ấn tượng, cùng với nhiều dòng mới khác cũng vận hành cũng trơn tru… Ghi nhận khách hàng dần trở lại, quán cũng đông hơn, nhìn chung tình hình đang tốt lên”, phía The Coffee House nhấn mạnh.
Sau thành công của Hi-Tea, chuỗi tiếp tục ra mắt sản phẩm CloudFee, gồm 2 dòng sản phẩm là Creamy và Creme Brulee. Hai sản phẩm mới này đã giúp The Coffee House đạt kỷ lục doanh thu. Chuỗi cũng đã và đang mở mới các cửa hàng, số cửa hàng đã về lại con số 154 (so với trước dịch) và dự kiến sẽ còn tăng nhanh.
Highlands gây tranh cãi khi tăng giá bán đến 18%
Trở lại với câu chuyện tăng giá của Highlands, ngay sau thông báo trên fanpage, chuỗi đã nhận hàng chục nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội và rất nhiều phản ứng trái chiều từ người tiêu dùng.
Có một vài bên bày tỏ sự cảm thông đối với hãng trong việc tăng giá bán ngay thời kỳ bão giá: “Là người ủng hộ Highlands hơn chục năm, mình thấu hiểu nỗi đau của các cửa hàng kinh doanh trong thời bão giá hiện nay. Mọi thứ như điên loạn. Giá cả bay nhảy không trần. Lạm phát làm tăng giá mọi thứ một cách khó hiểu. Mặt bằng, nguyên liệu và năng lượng, tất cả như một áp lực tàng hình đè lên những cỗ máy đang sản xuất sản phẩm mỗi ngày. Mong Highlands sẽ thành công và tiếp tục là thành viên có ích cho xã hội”.
“Giá của Highlands là thứ duy nhất mình thấy ít thay đổi sau ngần ấy năm. Trong bối cảnh hiện tại thì việc tăng giá là không thể tránh khỏi. Cảm ơn vì đã giữ giá cho khách hàng bao lâu nay, mình sẽ vẫn tiếp tục tin tưởng và ủng hộ Highlands thường xuyên”, một khách hàng nêu.
Dù vậy, đa số ý kiến lại tỏ ra khá gay gắt. Đơn cử, “Chắc bữa nay uống bữa cuối ở Highlands Coffee, cafe sữa 39k thì cao quá!”, “Mới thử trà ổi hồng 55.000 đồng/ly, lương không tăng mà mức giá của Highlands đã tăng thêm thì có lẽ sẽ nghỉ Highlands” hay “Mong là cafe không tăng giá, chứ tăng là mình cũng nghỉ uống vì ly cafe bình thường cũng khá mắc (đắt) rồi”…
Trước những phản ứng của khách hàng, Highlands Coffee cho biết giá cà phê truyền thống size S vẫn như cũ, giá của sản phẩm chỉ tăng một ít. Highlands Coffee cũng nhấn mạnh luôn có những chương trình khuyến mãi như là món quà để tặng và hỗ trợ đến khách hàng.
Theo khảo sát, mức giá mới của các đồ uống ở Highlands đã tăng từ 10 – 15%, dao động từ 4.000 – 10.000 đồng/sản phẩm, tùy loại và kích thước. Đối với cà phê pha phin có mức tăng từ 4.000 – 6.000 đồng/sản phẩm, ly cỡ vừa tăng 4.000 đồng lên 39.000 đồng/ly, cỡ lớn tăng 6.000 đồng lên 45.000 đồng/ly, riêng cỡ nhỏ giữ giá 29.000 đồng/ly; cà phê espresso đồng loạt tăng 10.000 đồng/sản phẩm ở các kích thước… Đặc biệt, các món trà có mức tăng giá cao nhất 18% với kích thước lớn, từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng/ly, giá bán các ly trà cỡ nhỏ và vừa đều tăng 6.000 đồng.
Theo như trao đổi của chúng tôi, có vẻ nhiều thương hiệu khác vẫn chưa có chủ trương tăng giá bán. Thay vào đó, các bên đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường các dòng sản phẩm mới nhằm kích cầu cũng như đón đầu xu hướng mới từ thị trường.
Theo Trí thức trẻ
Có thể bạn quan tâm