fbpx

Đồng USD đắt đỏ, tỷ giá và lãi suất của Việt Nam sẽ ra sao?

Lạm phát của Mỹ cao nhất trong hơn 4 thập niên đã trở thành ngọn lửa châm ngòi cho giá USD trên thị trường quốc tế sôi sục những ngày qua.

Đồng USD gia tăng vị thế

Số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới công bố từ cơ quan thống kê Mỹ cho thấy áp lực lạm phát vẫn gia tăng trong tháng 6/2022. Cụ thể, chỉ số CPI toàn phần và CPI cơ bản tháng 6 lần lượt tăng 9.1% và 5.9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12/1981.

Phần lớn mức tăng lạm phát trong tháng 6 là do giá năng lượng – tăng 7.5% sau 1 tháng và tăng 41.6% trong giai đoạn 12 tháng.

Lạm phát của Mỹ cao chót vót đã đẩy cao kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hành động quyết liệt trong việc tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác ngay trong kỳ họp tháng 7 tới đây, với mục tiêu “hạ nhiệt” lạm phát vốn đã quanh mức cao nhất trong 4 thập niên. Việc Fed nâng lãi suất khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, qua đó thu hút các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn những kênh đầu tư khác trên thế giới. Điều này làm tăng nhu cầu đối với chứng khoán định giá bằng đồng USD, từ đó giúp đẩy giá trị của đồng USD lên cao.

Mặt khác, tâm lý tin tưởng của nhà đầu tư cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn của đồng bạc xanh. Theo giới quan sát, mặc dù có những lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn, các nhà đầu tư vẫn tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn và đặt cược rằng nền kinh tế Mỹ sẽ vững chãi hơn các nền kinh tế khác.

Chỉ số USD-Index từ năm 1967-2022

Nguồn: tradingview.com

Theo đó, đồng USD đắt đỏ làm chao đảo thị trường tiền tệ với chỉ số USD-Index phiên 18/07/2022 treo cao ở mức 107.07 điểm, tương đương tăng  hơn 11% so với hồi đầu năm và đang trên con đường chinh phục đỉnh cao đã từng thiết lập sau gần 20 năm.

Ngược lại, kỳ vọng kém tích cực về triển vọng kinh tế khu vực EU đã khiến đồng Euro lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua giảm mạnh về tương đương với đồng USD. Tương tự, các đồng tiền khác tiếp tục giảm mạnh so với USD.

Nguồn: investing.com

Các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ cho rằng kinh tế châu Âu sẽ đi xuống nghiêm trọng nếu Nga hoàn toàn ngưng nguồn cung khí đốt sang châu lục này trong khi khí đốt vô cùng cần thiết cho việc sưởi ấm, chiếu sáng và vận hành các nhà máy ở châu Âu. Ngoài ra, giá năng lượng tăng cao còn bởi các cuộc đình công tại mỏ dầu khu vực Tây Âu.

Tỷ giá liên ngân hàng và thị trường tự do biến động mạnh

Sự tăng vọt của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng kéo theo những biến động của tỷ giá trong nước. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đồng USD cũng tăng mạnh thêm 111 đồng/USD so với hồi đầu năm, tương đương tỷ lệ 0.5%, lên mức 23,245 đồng tính đến phiên 18/07/2022. Theo sau là tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng 660 đồng, tỷ lệ tăng tương đương 3%, kết phiên 15/07 ở mức 23,270 đồng/USD (mua vào) và 23,580 đồng/USD (bán ra) – mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 trong khi đó tỷ giá bán niêm yết tại một số NHTM đã tăng chạm mức 23,800 đồng/USD.

Nguồn: VietstockFinance

Đáng chú ý, diễn biến mạnh lên liên tục của đồng USD khiến nhu cầu tích trữ tăng và tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng mạnh. Trong phiên giao dịch ngay đầu tuần này, tỷ giá tự do tăng 1,000 đồng/USD ở chiều mua và 1,150 đồng/USD so với hồi đầu năm, lên mức 24,500 đồng/USD (chiều mua) và 24,700 đồng/USD (chiều bán). Theo đó, chênh lệch tỷ giá giữa ngân hàng và thị trường tự do đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng giá bán USD để can thiệp thị trường, ổn định tỷ giá USD/VNĐ.

Cụ thể, ngày 04/07/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng giá bán ra USD từ mức 23,250 đồng/USD lên 23,400 đồng/USD. Đồng thời, nhà điều hành tiền tệ cũng chuyển từ phương thức giao dịch bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay. Động thái này nhằm bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường.

Lãi suất liên ngân hàng vượt 1%

Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất liên ngân hàng của VND trong nước và USD quốc tế đã giảm sâu về mức âm, có lúc chênh lệch âm tới 1.2% ở kỳ hạn qua đêm, đã gây thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND khi nhu cầu mua USD tiếp tục tăng lên (do khi vay VND để mua USD người mua sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền này và vừa hưởng lợi từ việc tỷ giá tăng khi Fed tăng lãi suất). Vì thế, NHNN tiếp tục sử dụng các nghiệp vụ trên thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản tiền Đồng trong hệ thống.

Cụ thể, trong tuần qua (11-15/07/222), NHNN đã phát hành tổng cộng 12.4 ngàn tỷ đồng tín phiếu 14 ngày với lãi suất 0.9% và 46.9 ngàn tỷ đồng  kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 1.5%, trong khi có 56.8 ngàn tỷ đồng đáo hạn, tương đương với việc hút ròng nhẹ 2.4 ngàn tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Mặt khác, kênh mua kỳ hạn vẫn được sử dụng đều đặn với khối lượng phát hành trung bình khoảng 200 tỷ đồng/ngày ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2.5%. Qua đó, lãi suất liên ngân hàng nhích tăng nhẹ, kết tuần 15/07/2022, lãi suất kỳ hạn qua đêm ghi nhận ở 1.05% (tăng 12 điểm cơ bản) và 1 tuần là 1.65% (tăng 13 điểm cơ bản), thu hẹp chêch lệch lãi suất giữa VND/USD, về mức âm khoảng 50 điểm cơ bản, giảm bớt nhu cầu sở hữu USD trong hệ thống.

Tỷ giá và lãi suất của Việt Nam sẽ ra sao?

Theo báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên khoảng 2% khi nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong năm trước, nhờ hoạt động xuất khẩu tích cực và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm nay. Nguyên nhân là lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh.

Ngoài ra, nhu cầu tín dụng cũng tăng lên khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Vì vậy các chuyên gia cho rằng mức tăng nhiều khả năng sẽ là 0.5-1%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3.8%.

Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động, song mức tăng chỉ ở mức khoảng 0.4-0.7% do Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành chịu tác động bởi dịch bệnh.

Với kỳ vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3.8% cho cả năm 2022, các chuyên gia của KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có dư địa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng với mức độ hạn chế hơn, trước áp lực lạm phát và tỷ giá, mà không buộc phải thắt chặt theo xu hướng chung của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Theo đó, lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên ở mức thấp và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tương đương mức tăng năm 2021.

Trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời hai công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá trước những cú sốc bên ngoài. Lạm phát neo cao khiến các NHTW lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed.

Theo ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô CTCK MB (MBS),  từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều diễn biến gây bất lợi, khiến VND có xu hướng giảm giá thêm so với USD.

Một là Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất và quá trình tăng lãi suất sẽ khá mạnh. Hiện nay lãi suất tham chiếu của Mỹ đã khoảng 1.75%, dự kiến sẽ tăng lên mức 3.4-3.5% vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có bất kỳ động thái nào trong việc tăng lãi suất điều hành. Đây là yếu tố khiến cho chênh lệch lãi suất đồng USD và VND hạ xuống và khiến đồng tiền Việt Nam bị tác động yếu đi.

Thứ hai là lạm phát, trong thời gian vừa qua, dù lãi suất Mỹ tăng nhưng vẫn giữ được mức tương đối ổn định, một phần là do lạm phát Mỹ cao, hàm ý rằng đồng tiền Mỹ bị mất giá. Tuy nhiên với chính sách của Ngân hàng trung ương Mỹ cộng thêm giá hàng hóa cơ bản có xu hướng giảm thì nhiều khả năng lạm phát của Mỹ đã tạo đỉnh vào tháng 6 vừa qua và khả năng bắt đầu giảm dần, dự kiến lạm phát của Mỹ sẽ giảm từ 9.1% xuống mức 5% vào cuối năm nay. Như vậy, lạm phát Mỹ dự kiến sẽ giảm trong khi lạm phát ở Việt Nam có xu hướng đi ngang hoặc nhích tăng sẽ là yếu tố có lợi cho việc tăng giá của USD.

Ngoài ra, chỉ số USD-Index hiện đã lên mức 108 điểm từ mức gần 100 điểm hồi đầu năm nay – tăng khá mạnh so với các đồng tiền khác; một phần do Mỹ tăng lãi suất, một phần là kinh tế thế giới có khả năng suy giảm khiến đồng USD trở thành kênh trú ẩn an toàn, dẫn đến nhu cầu nắm giữ đồng USD sẽ tăng lên.

Với các yếu tố trên, ông Tuấn đánh giá sẽ có thời điểm VND mất giá trên 3% so với USD khi Mỹ tăng mạnh lãi suất. Tuy nhiên, về tổng thể, tỷ giá VND/USD vẫn giữ được mức ổn định, không có yếu tố đáng ngại, vì so với các đồng tiền khác trong khu vực, mức mất giá của Việt Nam đồng vẫn thấp hơn và ổn định hơn.

Vừa qua, tại cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và định hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm, NHNN nhấn mạnh việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%, tuy nhiên sẽ có bộ tiêu chí thống nhất để minh bạch phân bổ việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng NHTM. Nhìn chung, quan điểm điều hành của NHNN vẫn tương đối thận trọng trước áp lực lạm phát cũng như áp lực mất giá của VND. Với mức tăng trưởng tín dụng chỉ 14% trong năm 2022, sẽ chỉ có gần 500 ngàn tỷ đồng được giải ngân trong nửa cuối năm (so với mức gần 1 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm). Điều này giúp cải thiện mức chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn và từ đó giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Nguồn: vietstock

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

bo-sach-dau-tu-gia-tri-tu-den-z

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề