fbpx

Nợ lợi suất âm trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm

Tổng dư nợ có lợi suất âm của thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua khi kỷ nguyên của chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo sắp kết thúc ở hầu hết các nền kinh tế lớn.

no-loi-suat-am-tren-toan-cau-giam-xuong-muc-thap-nhat-trong-7-nam-happy-live-1
Tổng dư nợ có lợi suất âm của thế giới chỉ còn 2,4 ngàn tỉ đô la, giảm 87% so với mức đỉnh 18,4 ngàn tỉ đô la đạt được vào tháng 12 -2020. Ảnh: mymoneysage

Theo chỉ số Bloomberg Barclays, tổng dư nợ có lợi suất âm của thế giới trong tuần trước ở mức 2,4 ngàn tỉ đô la, giảm 87% so với mức đỉnh 18,4 ngàn tỉ đô la đạt được vào tháng 12 -2020. Lợi suất âm được hiểu là vào ngày đáo hạn, người mua nợ (trái phiếu) sẽ nhận lại được số tiền gốc cộng lãi coupon ít hơn số tiền ban đầu bỏ ra mua trái phiếu.

Việc các nhà đầu tư sẵn sàng mua các khoản nợ đảm bảo sẽ bị thua lỗ nếu giữ đến ngày đáo hạn là một trong những vấn đề bất thường nhất trên thị trường tài chính trong thập niên qua. Khối lượng nợ lợi suất âm bắt đầu tăng lên vào giữa thập niên 2010, khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và các tổ chức tài chính khác triển khai chính sách lãi suất âm để vực dậy mức lạm phát quá thấp.

Sau đó, nợ lợi suất âm bùng nổ trong thời kỳ ban đầu của đại dịch Covid-19, khi các ngân hàng trung ương toàn cầu tích cực giải cứu nền kinh tế của họ bằng cách cắt giảm lãi suất và mua vào lượng lớn trái phiếu.

Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách đang xoay sở ứng phó với tình hình giá cả tăng ở mức nhanh nhất trong nhiều thập niên. Sau một thời gian dài án binh bất động, tuần trước, ECB nâng lãi suất chính sách thêm nửa điểm phần trăm để đưa lên mức zero. Hiện tại, Nhật Bản vẫn chưa tăng lãi suất và nước này đang chiếm phần lớn nhất trong tổng dư nợ lợi suất âm còn lại của thế giới.

Rất ít chuyên gia đặt cược vào khả năng lãi suất âm sẽ sớm quay trở lại ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone). Một cuộc khảo sát hồi tháng 6 của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) với các chuyên gia thị trường tài chính cho thấy 64% người được hỏi nói rằng chỉ có xác suất từ 50% trở xuống cho một giai đoạn lãi suất âm khác ở châu Âu.

Carsten Brzeski, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng ING (Hà Lan), cho biết ECB có thể không muốn quay trở lại chính sách lãi suất âm sau khi nhận thấy những tác động bất lợi của nó như bong bóng giá tài sản và áp lực gia tăng đối với các ngân hàng. Các ngân hàng phàn nàn rằng lãi suất âm làm giảm lợi nhuận của họ, một phần do hạn chế mức lợi nhuận mà họ kiếm được từ việc cho vay.

Lợi suất trái phiếu ở châu Âu đang tăng khi giới đầu tư dự đoán ECB sẽ bước vào chu kỳ nâng lãi suất. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm, được theo dõi chặt chẽ nhất của châu Âu, lần đầu tiên chuyển sang dương vào đầu năm nay kể từ năm 2019. Lợi suất của trái phiếu này chốt ở mức 1,019% khi thị trường đóng cửa vào hôm 25-7.

Các ngân hàng trung ương ở các quốc gia châu Âu khác bao gồm Đan Mạch, Thụy Sĩ và Thụy Điển cũng nằm trong số những ngân hàng thử nghiệm lãi suất âm. Gần đây, cả ba ngân hàng đã triển khai chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ, giúp lợi suất trái phiếu chính phủ của họ trong phần lớn năm nay duy trì ở mức cao hơn năm ngoái. Lãi suất cơ bản ở Đan Mạch và Thụy Sĩ vẫn nằm trong vùng âm, mặc dù trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của cả hai nước này đều có lợi suất dương.

Tại Nhật Bản, BoJ đã tái khẳng định họ chưa sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ và vẫn giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%. BoJ cũng đặt mục tiêu duy trì lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng zero. Các nhà phân tích tại Ngân hàng JPMorgan ước tính Nhật Bản chiếm 84% tổng dư nợ trái phiếu chính phủ có lợi suất âm trên toàn thế giới.

Trong những năm gần đây, một số nhà đầu tư hài lòng với việc trú ẩn tài sản an toàn ở kênh đầu tư trái phiếu chính phủ, ngay cả khi chúng có lợi suất âm.

Trên thực tế, họ vẫn có thể bán lại trái phiếu lợi suất âm trên thị trường thứ cấp để kiếm lời nếu lợi suất tiếp tục giảm sâu vào vùng âm (giá trái phiếu tăng khi lợi suất giảm và ngược lại). Ngoài ra, họ vẫn có thể lãi với trái phiếu âm do biến động tỷ giá. Chẳng hạn, họ sẽ quy đổi tiền tệ của họ sang đô la để mua trái phiếu lợi suất âm. Khi giá đô la tăng mạnh, họ bán trái phiếu đó để thu về đô la rồi quy đổi sang đồng nội tệ của họ.

Nhưng sự gia tăng của các khoản nợ có lợi suất dưới mức zero cũng giúp thúc đẩy cơn bùng nổ thị trường chứng khoán khi nhiều nhà đầu tư khát lợi nhuận đánh giá rằng không có kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn cổ phiếu.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư cho biết lãi suất tăng trên toàn cầu đang khiến nhiều người cân nhắc chuyển sang đầu tư mua trái phiếu chính phủ.

Collin Martin, nhà chiến lược về thu nhập cố định của Trung tâm nghiên cứu tài chính Schwab, nói: “Khi xem xét bức tranh thị trường trái phiếu toàn cầu trong một vài năm qua, chúng tôi thấy các mức lợi suất không hấp dẫn. Nhưng bây giờ, điều này có thể mang lại cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư thu nhập cố định vì cuối cùng, nợ lợi suất âm sẽ chuyển sang dương và tạo ra thu nhập”.

Dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu chính phủ châu Âu đã tăng nhanh trong năm nay. Theo dữ liệu từ Công ty EPFR, chuyên theo dõi việc hoạt động mua và bán ở các quỹ hoán đổi danh mục và phòng hộ, tính đến ngày 20-7, các quỹ này đã thu hút khoảng 12,8 tỉ đô la trong năm nay, cao hơn 3 lần so với dòng vốn họ nhận được trong cả năm 2021.

Tiến Phát

vietstock

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề