Thị trường chờ điều gì từ báo cáo lạm phát quan trọng sắp công bố của Mỹ?
Đó là bởi “sức nóng” của báo cáo này được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tiếp theo…
Báo cáo lạm phát tháng 7 của Mỹ mà Bộ Lao động nước này dự kiến công bố vào ngày 10/8 đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall và trên toàn cầu. Đó là bởi “sức nóng” của báo cáo này được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tiếp theo.
Sau khi lập đỉnh hơn 40 năm vào tháng 6, tốc độ tăng giá tiêu dùng của Mỹ có thể đã chậm lại nhờ giá xăng giảm và những nút thắt trong chuỗi cung ứng được giải toả bớt.
LẠM PHÁT ĐÃ QUA ĐỈNH?
Dữ liệu từ Dow Jones cho thấy các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,2% so với tháng trước, từ mức tăng 1,3% ghi nhận trong tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 7 được dự báo tăng 8,7%, từ mức tăng 9,1% của tháng 6.
Sự giảm tốc được kỳ vọng này đồng nghĩa với lạm phát ở Mỹ cuối cùng đã qua đỉnh.
“Có 4 nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao. Thứ nhất là giá hàng hoá cơ bản, và giá của nhóm mặt hàng này giờ không còn tăng mạnh nữa. Thứ hai là những vấn đề trong chuỗi cung ứng, cũng đang được giải toả. Nhưng vẫn còn đó nguyên nhân thứ ba là sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và nguyên nhân thứ tư là sự tăng trưởng thị trường lao động. Hai yếu tố này đang và sẽ tiếp tục đẩy lạm phát giá dịch vụ lên”, chuyên gia kinh tế trưởng Aneta Markowska của Jefferies nhận định.
“Lạm phát giá dịch vụ vẫn đang là một vấn đề, và có thể trầm trọng hơn do tình trạng thiếu nhà ở và thiếu nhân công. Những vấn đề này sẽ không sớm được khắc phục, chừng nào Fed còn chưa khống chế được nhu cầu”.
Lạm phát lõi, không bao gồm hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là năng lượng và lương thực-thực phẩm, được dự báo ở mức 0,5% trong tháng 7 so với tháng sau, từ mức 0,7% của tháng 6. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi của tháng 6 được dự báo tăng 6,1%, từ mức tăng 5,9% ghi nhận trong tháng 6.
“Mọi người đều đang chờ tin tốt, nên nếu thông tin không được tốt như mọi người nghĩ, đó sẽ là tin rất xấu”, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định.
Ông Zandi dự báo lạm phát tháng 7 của Mỹ so với tháng 6 chỉ là 0,1% và con số so với cùng kỳ năm ngoái là 8,7%. Ông nhận xét mức lạm phát cả năm như vậy là “vẫn cao nhưng đã đi đúng hướng. Tôi cho rằng mức lạm phát 9,1% trong tháng 6 đã là đỉnh, nhưng việc này còn tuỳ thuộc vào diễn biến giá dầu sắp tới như thế nào”.
Báo cáo lạm phát tháng 7 của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh người tiêu dùng và thị trường tài chính ở nước này cùng kỳ vọng lạm phát giảm nhiệt. Một cuộc khảo sát của Fed New York tuần này cho thấy người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát cả năm giảm về mức 6,2% trong năm tới và 3,2% trong vòng 3 năm tới. Những dự báo này giảm mạnh từ mức tương ứng 6,8% và 3,6% ghi nhận trong cuộc khảo sát tháng 6.
“Đó là một trong những khía cạnh tích cực nhất của tình hình lạm phát. Kỳ vọng lạm phát đã thu lại. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên xét tới giá xăng giảm. Nhưng quan trọng hơn, các kỳ vọng trên thị trường trái phiếu cũng thu lại, về mức rất gần với mục tiêu lạm phát của Fed. Đó thực sự là một tín hiệu tốt”, ông Zandi nhận định.
Các thước đo lạm phát của thị trường trái phiếu, chẳng hạn mức lợi suất hoà vốn của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng mức lạm phát thấp hơn so với những gì họ kỳ vọng cách đây 2 tháng. Theo ông Ian Lyngen – trưởng bộ phận chiến lược trái phiếu của BMO Capital Markets, lợi suất hoà vốn của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 2,5%, giảm từ mức cao 3,07% thiết lập trong năm nay.
Điều đó có nghĩa là thị trường đang kỳ vọng tốc độ lạm phát bình quân 2,5% mỗi năm trong 10 năm tới. Nhận định về mức tăng CPI tháng 7, ông Lyngen cho rằng khả năng nghiêng về con số đưa ra thấp hơn dự báo.
NHÂN TỐ GIÁ DẦU VÀ NHÀ Ở
Một nhân tố khó lường tác động đến lạm phát là giá dầu. Gần đây, giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh do nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá dầu WTI giao sau tại New York hiện dao động gần mức 90 USD/thùng, giảm gần 40 USD/thùng so với mức xấp xỉ 130 USD/thùng hồi tháng 3.
Giá xăng bán lẻ ở Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 7, hiện thấp hơn khoảng 20% so với mức kỷ lục 5,01 USD/gallon thiết lập hôm 14/6. Theo dữ liệu từ AAA, giá bán lẻ xăng không chì bình quân toàn quốc ở Mỹ ngày 9/8 là 4,03 USD/gallon.
Nhóm nhà ở được dự báo vẫn sẽ đóng góp nhiều vào lạm phát ở Mỹ trong những tháng tới. Trong tháng 6, giá thuê nhà ở nước này tăng 0,8% so với tháng 5, mức tăng tháng mạnh nhất kể từ tháng 4/1986.
Ông Zandi dự báo trong tương lai gần, nhóm nhà ở sẽ tiếp tục đóng góp nửa điểm phần trăm vào lạm phát của Mỹ. “Lạm phát sẽ giảm về 2,5% vào mùa xuân năm 2024, nhưng nửa điểm phần trăm trong đó vẫn đến từ nhóm nhà ở”, ông nói.
Giới phân tích cho rằng việc Fed nhận thấy lạm phát dịu đi sẽ là một việc rất quan trọng, bởi sự xuống thang của lạm phát có thể sẽ khiến Fed bớt cứng rắn trong việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, sau báo cáo lạm phát này, Fed còn dựa vào báo cáo việc và báo cáo lạm phát tháng 8 trước khi có đợt tăng lãi suất tiếp theo trong cuộc họp vào tháng 9.
Ông Lyngen nói rằng tất cả những số liệu này sẽ quyết định liệu Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm hay 0,75 điểm phần trăm.
Báo cáo việc làm tháng 7 công bố vào tuần trước cho thấy khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có 528.000 công việc mới trong tháng 7, nhiều gấp đôi mức dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó. Số liệu này đã khiến giới đầu tư ở Phố Wall nghiêng về khả năng Fed sẽ áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm khi tăng lãi suất trong tháng 9. Bước nhảy này đã được áp dụng trong 2 cuộc họp của Fed vào tháng 6 và tháng 7.
Hà An
Có thể bạn quan tâm