‘Kinh tế tháng 8 tích cực vì mức nền thấp năm ngoái và độ trễ chính sách thắt chặt, nhìn toàn cảnh khu vực tiền tệ tương đối tiêu cực’
Mới đây chia sẻ tại Kênh Tài chính và Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup cho biết chỉ số vĩ mô của Việt Nam trong tháng 8 rất tích cực, đáng chú ý là khu vực sản xuất và tiêu dùng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên theo ông Báu, cần lưu ý hai yếu tố là mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái khi Việt Nam giãn cách vì dịch COVID-19 và độ trễ của chính sách.
“Tất cả những hành động thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm đến giờ chưa thẩm thấm đủ lớn vào nền kinh tế. Độ trễ của chính sách thường là 1 – 1,5 năm. Có thể thấy khu vực sản xuất và tiêu dùng tăng trưởng tích cực nhưng nhìn toàn cảnh ra hơn, khu vực tiền tệ tương đối tiêu cực. Theo quan điểm cá nhân, sang tháng 9 mọi thứ có thể tiêu cực hơn”, ông Báu chia sẻ.
Tại chương trình, CEO WiGroup cũng có những phân tích về 4 yếu tố quan trọng gồm lạm phát, tỷ giá, thanh khoản hệ thống – lãi suất và sức khỏe nền kinh tế.
CPI tháng 8 tích cực trong ngắn hạn, CPI tháng 9 sẽ tiêu cực hơn
Ông nhìn nhận lạm phát tháng 8 nhìn chung tích cực, giá cả tháng 8 không tăng nhiều so với tháng 7, sau giai đoạn tăng mạnh. Tuy nhiên sự tích cực trong tháng 8 chỉ mang tính tạm thời, áp lực trong tháng 9 sẽ mạnh mẽ hơn.
Ông cho hay nhóm hàng ăn uống dự kiến vẫn còn áp lực tăng.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (VLXD) gồm giá thuê nhà và giá VLXD. Giá VLXD giảm nhưng giá thuê nhà vẫn tăng làm cho chỉ số về nhà ở, VLXD vẫn tăng. Nhóm này chiếm trọng số lớn trong rổ tính CPI nhưng CPI tháng 8 lại thấp vì có nhóm giao thông giảm tương đối mạnh theo giá dầu thế giới. Nhóm giao thông đã giúp kìm lại đà tăng của CPI.
Ngoài ra, theo ông, có một chỉ số nữa cần theo dõi là nhóm giáo dục, thường tăng vào mùa tựu trường tháng 9, tháng 10.
Dự báo về CPI sắp tới, ông Báu cho rằng từ tháng 9, chỉ số giao thông sẽ không giảm nhiều nữa, nhóm hàng ăn uống cũng sẽ tăng do độ trễ của chính sách. Trong khi đó, nhóm nhà ở và VLXD có thể sẽ tăng, với áp lực tăng của chỉ số giá thuê nhà và giá VLXD, đặc biệt là giá thép không thể giảm nữa.
“CPI tháng 9 sẽ tăng lên tương đối mạnh, tất cả mặt hàng đều tăng, và không còn yếu tố hỗ trợ từ giá xăng dầu giúp kéo CPI xuống”, ông dự báo.
Tỷ giá căng thẳng sẽ tác động mạnh đến lạm phát, thanh khoản và lãi suất
Phân tích yếu tố thứ hai là tỷ giá, ông cho rằng với chính sách diều hâu của Fed và dự báo lạm phát tại Việt Nam cao hơn thời gian tới, bài toán đặt ra lại là tỷ giá.
Như đã nhiều lần khẳng định, tỷ giá hiện là vấn đề đau đầu nhất với NHNN vì vốn rất căng thẳng. Theo ông, nguyên nhân gây căng thẳng tỷ giá nằm ở yếu tố chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa Việt Nam và Mỹ. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, gây áp lực lên Việt Nam, khi đó Việt Nam phải tiếp tục nhấc nền lãi suất thị trường hai lên.
Hai yếu tố gây áp lực đó là NHNN phải tiếp tục bán USD để can thiệp thị trường. Hai tháng qua NHNN tiếp tục bán ra 5 tỷ USD, tiếp tục hút về khoảng 120.000 tỷ đồng, như vậy thanh khoản hệ thống mất đi khoảng 120.0000 tỷ. Thứ hai là phải nhấc nền lãi suất thị trường hai và thị trường một lên, tiếp tục rút tiền về.
Ông nhận định tỷ giá tiếp tục căng thẳng ít nhất trong một tháng nữa bởi Fed vẫn tương đối “diều hâu”. Trong tháng 9, sự diều hâu trong lời nói của Fed sẽ chuyển thành hành động. Như vậy công cụ của Fed mới có tác dụng giảm kỳ vọng lạm phát của thị trường xuống.
Giá cả của Mỹ sẽ giảm chậm lại trong thời gian tới. Việc áp lực giá giảm chậm và việc Fed duy trì chính sách diều hâu hơn làm cho kỳ vọng chỉ số DXY tiếp tục mạnh lên, gây áp lực tỷ giá.
“Chúng ta chưa có một công cụ thực sự mạnh ngoài tăng lãi suất để kìm lại đà tăng của tỷ giá. Ngoài ra, tỷ giá căng thẳng tiếp tục gây ra lạm phát”.
Ông giải thích rõ hơn, Việt Nam là nước phải nhập khẩu về để sản xuất, hiểu đơn giản nếu tỷ giá mất giá 2%, các mặt hàng nhập từ Mỹ sẽ tự động tăng 2%. Nhưng có một điều may mắn là giai đoạn tỷ giá căng thẳng nhưng Việt Nam vẫn kiềm chế được lạm phát. Lý do là tất cả các đồng tiền mạnh khác còn giảm mạnh hơn VND.
“Hàng hóa trong nước đang ở mức đắt đỏ hơn so với nền chung của hàng hóa quốc tế nên chúng ta chưa bị áp lực lạm phát bởi tỷ giá nhưng nếu tỷ giá căng thẳng thời gian tới, sẽ gây áp lực lạm phát dần dần. Để kìm lạm phát bắt buộc phải nâng nền lãi suất lên và hút bớt tiền về”, ông nói.
Đề cập đến yếu tố thứ ba là hệ thống thanh khoản – lãi suất, trong bối cảnh tỷ giá tiếp tục căng thẳng và lạm phát tháng 9 có thể bắt đầu mạnh lên, NHTW phải nhấc nền lãi suất thị trường hai lên để khoảng cách giữa lãi suất liên ngân hàng ở bên Mỹ và lãi suất liên ngân hàng ở Việt Nam không chênh lệch nhiều, giảm tính đầu cơ, từ đó giảm phần nào áp lực lên tỷ giá.
Về vấn đề liên quan dòng vốn chảy ra, chúng ta vẫn phải chờ sự điều chỉnh chính sách từ Fed. Vấn đề căng thẳng tỷ giá chưa thể giải quyết dứt điểm được, chỉ có biện pháp tốt nhất là nhấc nền lãi suất lên và hút bớt tiền về.
Phân tích về đầu tư công, lĩnh vực này vẫn tăng rất chậm. Đầu tư công trong tháng 8 tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không phải tăng thật mà vì tháng 8/2021 giảm rất mạnh (thời điểm giãn cách xã hội tác động đến đầu tư công).
“Về cơ bản đầu tư công hiện tại tăng tương đối chậm. Đầu tư công là thứ kích hoạt tiền trong nền kinh tế. Tiền trong kho bạc không được tính vào M2, không nằm trong hệ thống ngân hàng nhưng đầu tư công là thứ kích hoạt đẩy lượng tiền nằm trong kho bạc ra hệ thống ngân hàng làm cho hệ thống ngân hàng nhận thêm tiền về. Đó là một công cụ bơm tiền tốt nhất và mạnh mẽ nhất thời điểm hiện tại nhưng vẫn đang tắc nên vấn đề thanh khoản hệ thống chưa được xử lý”, ông nói thêm.
Cảnh báo vấn đề gây áp lực cho thanh khoản hệ thống ngân hàng trong trung và dài hạn
Về vấn đề lãi suất, đại diện WiGroup dự báo lãi suất vẫn còn tiếp tục tăng. Ông lưu ý một điểm đáng báo động là chênh lệch huy động và tín dụng.
“Từ 2013, chúng ta chứng kiến giai đoạn huy động tiền gửi luôn cao hơn tín dụng nhưng giai đoạn này bắt đầu gặp nhau, thể hiện ở tổng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng bắt đầu ít hơn lượng tín dụng mà NHTM cho vay ra. Điều này sẽ gây áp lực cho thanh khoản hệ thống ngân hàng trong trung và dài hạn. Bởi NHTM buộc phải huy động vốn ở nhiều kênh khác ngoài kênh người dân, điều này sẽ kéo mặt bằng chung lãi suất lên cao hơn nữa.
Lãi suất huy động tăng không đến từ lạm phát mà đến từ thanh khoản hệ thống ngân hàng đã thực sự có vấn đề”, ông nói.
Quý III sẽ tăng trưởng rất mạnh nhưng là do cùng kỳ thấp
Cuối cùng ông dự báo tăng trưởng GDP quý III sẽ ở mức kỷ lục, với sự tăng trưởng mạnh đến từ khu vực sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng cùng kỳ năm ngoái hai khu vực này có mức nền thấp.
Đại điện WiGroup cho hay các tổ chức cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng quý III sẽ đạt 10-12% nhưng tăng trưởng cao là do cùng kỳ thấp chứ không phải do nội lực kinh tế mạnh
“Không phải cứ nhìn tăng trưởng GDP mạnh, sản xuất mạnh mà cho rằng sức khỏe nền kinh tế tốt. Như đã nói, còn vấn đề nằm ở độ trễ chính sách. Quý IV và năm 2023 sẽ là một câu chuyện khác. Đến năm 2023 thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn mạnh mẽ hơn làm cho mặt bằng chung gặp áp lực hơn còn giai đoạn này, chính sách chưa thẩm thấu đủ lớn”, ông dự báo.
Dự phóng thị trường tài chính, ông cho rằng tháng 9 sẽ không còn tốt đẹp như tháng 8.
Hà An
Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH MARKETING – BÁN HÀNG ĐỈNH CAO