Con mèo đuổi theo chính chiếc đuôi của nó – làm sao thoát khỏi tâm lý đầu tư này?
Con mèo đuổi theo chính chiếc đuôi của nó là gì? Tại sao nhà giao dịch dễ rơi vào bẫy tâm lý này?
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của cảm giác bất định kéo dài. Kết luận rằng: Con người phản ứng với sự bất định giống cách mà các loài động vật phản ứng khi đối mặt với đe dọa – chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy. Một số người không thích kết luận này vì nó khiến họ cảm thấy như mình bị khuyết về mặt nhận thức.
Trong môi trường sống của động vật, mối đe dọa đến rồi đi một cách nhanh chóng, còn cuộc sống của con người trải qua những tình huống căng thẳng liên tục, nhiều trong số đó cứ dai dẳng hoặc lấp ló không đến. Theo Nhà Thần kinh học Robert Sapolsky, không giống các loài động vật khác, con người là giống loài có thể – và thường xuyên – rơi vào trạng thái căng thẳng bằng cách tưởng tượng tình huống căng thẳng:
“Với 99% các loài động vật trên hành tinh này, tình huống căng thẳng chỉ vỏn vẹn 3 phút kinh hoàng, sau đó đe dọa kết thúc hoặc chúng mất mạng. Còn con người thì khác, chỉ cần nghĩ về khoản vay thế chấp mua nhà 30 năm đã đủ kích hoạt phản ứng căng thẳng giống vậy rồi. Nghĩ về khoản vay thế chấp không đe dọa đến tính mạng nhưng sự căng thẳng sẽ dài hơn 3 phút. Vì thế, 50 năm tới, trầm cảm sẽ là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong thế giới hiện đại”.
Những nhà giao dịch không chuẩn bị tinh thần thua lỗ sẽ trầm cảm khi mất tiền. Họ nhìn khắp nơi nhưng không nhìn vào bản thân, họ đổ lỗi cho người khác hoặc yếu tố ngoại cảnh để tránh chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Thay vì lý giải trạng thái cảm xúc của bản thân, họ tìm kiếm cách làm giàu nhanh và chén thánh đầu tư để khỏi phải nhọc công suy nghĩ. Chẳng khác nào con mèo đuổi theo chính chiếc đuôi của nó.
Bạn thấy đấy, nhiều người muốn kiếm thêm nhiều tiền nhưng lại thấy tội lỗi khi thừa nhận cảm xúc ấy. Một số người giàu có lại muốn có nhiều hơn nữa và cảm thấy tội lỗi.
Hãy dành chút thời gian suy ngẫm về động cơ giao dịch của bạn. Nếu bạn có bất kỳ lý do gì để giao dịch ngoài việc kiếm tiền, hãy tìm thứ khác để làm, nuôi chó hay gì đấy nhằm tránh căng thẳng. Tiền bạc không tốt cũng chẳng xấu. Tiền chỉ là công cụ – không hơn không kém.
Hành vi thị trường và thiên kiến khiến nhà đầu tư thua lỗ
“Biết người là khôn ngoan; biết bản thân là giác ngộ.
Làm chủ kẻ khác cần vũ lực; làm chủ bản thân cần sức mạnh.”
– Lão Tử
Có vô vàn hành vi thị trường và thiên kiến khiến nhà đầu tư thua lỗ. Những hành vi này đi ngược lại giao dịch theo xu hướng, ví dụ thể kể đến:
- Thiếu kỷ luật: Để thành công trong giao dịch, cần tích lũy kiến thức và tập trung cao độ. Nhiều người thà nghe lời khuyên của người khác hơn là tự học. Họ lười không muốn thu nạp kiến thức cần cho giao dịch. Tôi chỉ xin nói một câu: Đừng chết vì thiếu hiểu biết.
- Thiếu kiên nhẫn: Tâm trí con người lúc nào cũng ham muốn hành động. Nguyên nhân có thể là do khi ta hành động, adrenaline trong người tăng lên hoặc ta có cảm giác “phê của con bạc.” Tuy nhiên, giao dịch đúng đắn cần kiên nhẫn và đưa ra quyết định khách quan, không phải nghiện mua mua bán bán.
- Không khách quan: Không biết tách bạch cảm xúc ra khỏi thị trường là điều giết chết nhà đầu tư – theo đúng nghĩa đen. Những người thua cuộc trên thị trường “dính như sam” vào vị thế. Họ không đưa phương hướng hành động trước với thị trường.
- Tham lam: Những người thích làm giàu nhanh muốn mua đáy canh đỉnh với hy vọng có thể “định thời điểm” giao dịch để đảm bảo lợi nhuận. Mong muốn kiếm lợi nhuận nhanh khiến họ mờ mắt, không hiểu rằng để thành công phải nỗ lực.
- Không chấp nhận sự thật: Tuýp nhà đầu tư theo tin tức không tin sự thật nằm trong hành động giá. Kết quả là họ đi theo mọi biến số cơ bản (một điều không tưởng), tạo tiền đề cho thua lỗ.
- Hành vi bốc đồng: Những con bạc thường nhảy vào thị trường dựa trên sự dẫn dắt của tin trên báo buổi sáng. Nhưng đến lúc tin tức được công bố, giá đã phản ánh lên thị trường rồi. Nếu bạn nghĩ chỉ cần hành động nhanh chóng, bằng cách nào đó bạn sẽ đánh bại người khác trong cuộc đua giao dịch tần suất cao trong ngày, thì bạn đã cầm chắc thất bại rồi đấy.
- Không biết an trú ở hiện tại: Đừng dành thời gian nghĩ mình sẽ tiêu xài lợi nhuận ra sao. Giao dịch vì phải kiếm tiền là trạng thái tâm trí khiến bạn không bao giờ đến được mục tiêu.
- So sánh sai lệch: Chỉ vì năm 1995 hoặc 2015, thị trường hoạt động theo cách nào đó, không có nghĩa mẫu hình tương tự hôm nay sẽ cho kết quả tương tự vào ngày mai.
Trích: quyển sách “TREND FOLLOWING: Cách thức để kiếm được vận may lớn và giàu có trong các thị trường Bò, Gấu và các sự kiện Thiên nga đen”
Có thể bạn quan tâm: Trend Following
“Thánh kinh” giao dịch theo xu hướng – Làm chủ dòng chảy thị trường tài chính