Ông trùm truyền thông Martin Sorrell – cỗ máy chuyển động không ngừng nghỉ
Ông trùm truyền thông Martin Sorrell đã giành được sự tôn trọng của các đối thủ cũng như sự ngưỡng mộ từ đồng nghiệp khi biến quảng cáo và tiếp thị thành bộ máy kiếm tiền trên toàn cầu, theo Financial Times.
Sir Martin Sorrell là người sáng lập WPP – tập đoàn quảng cáo và PR lớn nhất thế giới. Từ chức ở tuổi 73 sau 33 năm điều hành, Sorrell là CEO lâu nhất của một công ty trong nhóm FTSE 100 (chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London).
Ông trùm truyền thông
Philip Lader – Chủ tịch WPP đồng thời là cựu đại sứ Mỹ tại Anh – nhớ lại hình ảnh Sorrell khi được ngồi sau lưng ông trong trận chung kết Wimbledon. Khi trận đấu kết thúc, vợ của Lader thì thầm: “Anh ấy có bao giờ ngước lên khỏi chiếc BlackBerry không vậy”? Số là, khi Martin Sorrell vắng mặt trong cuộc họp các giám đốc, những người còn lại đôi khi cố tình gửi email cho ông cùng một lúc để kiểm tra xem ông trả lời ai trước và nhanh đến mức nào.
CEO của WPP hiếm khi rời mắt khỏi chiếc điện thoại. Dù là trong bữa tối riêng tư, hội nghị hay cuộc họp hội đồng quản trị, những ngón tay ông liên tục làm việc, trả lời tin nhắn của đồng nghiệp, khách hàng hay giới truyền thông. Thời gian phản hồi lại ngay lập tức của ông đã đi vào huyền thoại. Thậm chí thỉnh thoảng lại rộ lên tin đồn rằng ông có hẳn một đội ngũ trợ lý giúp phản hồi dưới danh nghĩa của ông dù ông đã phủ nhận.
Với sự kết hợp giữa một loạt quyết định thỏa thuận lớn, không ngừng giao tiếp, chu du liên tục và các chiến dịch quảng bá không mệt mỏi của bản thân cũng như công ty, Sorrell đã biến một xưởng sản xuất dây dợ và nhựa nhỏ bé trở thành tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường hiện tại là 15 tỷ bảng Anh.
Sau 30 năm, WPP giờ đây đã nắm trong tay những cái tên nổi tiếng nhất trong lĩnh vực truyền thông gồm Ogilvy & Mather, J Walter Thompson và Burson-Marsteller.
Sir Martin là một cỗ máy chuyển động không ngừng nghỉ, ngay cả trong kỳ nghỉ, trả lời email 24 giờ một ngày. Lịch trình du lịch của ông đưa ông đến khắp nơi trên thế giới, gặp gỡ khách hàng và đối tác và thường xuyên tiếp xúc với giới thượng lưu toàn cầu. Khi Hoàng tử Harry kết hôn với Meghan Markle ở London tháng trước, Sir Martin là một trong số những vị khách tại nhà nguyện St George ở Windsor.
Là hình ảnh thu nhỏ của “Davos Man”, ông luôn sẵn sàng cho mọi câu hỏi hay lời châm biếm trong cuộc họp, sự kiện từ hội nghị truyền thông Allen & Co đến liên hoan Cannes Lions. Sorrell đã giành được sự tôn trọng miễn cưỡng của các đối thủ và sự ngưỡng mộ từ đồng nghiệp khi biến quảng cáo và tiếp thị từ một ngành công nghiệp tiểu thủ trở thành cỗ máy kiếm tiền trên toàn cầu.
Người cầu toàn và cỗ máy làm việc không ngơi nghỉ
Martin Sorrell lấy làm thích thú khi mọi người nói ông là người cầu toàn. “Mọi người nói buôn bán nhỏ lẻ mới cần để ý tiểu tiết. Có lẽ tôi thừa hưởng tính cầu toàn từ cha mình. Nó chỉ đơn giản là một cách để có thể hiểu rõ hơn mọi vấn đề. Rõ ràng là tôi không thể biết tất tần tật mọi thứ đang diễn ra trong doanh nghiệp. Điều đó sẽ khiến tôi kiệt sức và chắc tôi sẽ chết vì đau tim… nhưng bạn phải cố gắng tìm ra điều gì hệ trọng”.
Fernando Rodés Vilà, cựu giám đốc điều hành của công ty quảng cáo đối thủ Havas, nói rằng Sorrell dường như luôn biết nhiều hơn về các doanh nghiệp của đối thủ cạnh tranh so với các giám đốc điều hành của họ. Nhưng ông nói Sorrell “thực sự sử dụng bàn tay nắm chặt của mình để quản lý” – và điều này có thể phản tác dụng nếu ông ta phải thả tay ra.
“Sự tò mò không thể dừng lại chính là định nghĩa cho con người của ông ấy”, Richard Ingleton – Giám đốc TNS, công ty nghiên cứu thị trường của WPP – nói về Sorrell. Ông luôn thích là trung gian cho các ý kiến của hội đồng quản trị với đội ngũ điều hành WPP.
Miles Young – người đứng đầu Ogilvy & Mather và làm việc tại đây trước khi được WPP tiếp quản chia sẻ: “Sorrell sinh ra là thợ săn theo đuổi đam mê và coi đó là một phần lớn trong công việc của mình“. Don Baer – Giám đốc điều hành của Burson-Marsteller, nhóm truyền thông thuộc sở hữu WPP, nói: “Nếu ông ấy đến với bạn vì một điều gì đó, anh ấy tập trung vào nó và không quan tâm lễ nghĩa đâu”. Christiana Falcone – vợ Sorrell mô tả ông là người kì quặc, vì hiếm khi Sorrell nghỉ ngơi – giống như “một vị phật đang cố gắng tập trung cao độ vào một thứ trong một khoảng thời gian”.
Điều này giải thích cho việc trở thành cố vấn cao cấp hay về vườn không có trong từ điển của Sorrell. Ông đồng thời là thành viên trong hội đồng quản trị của Alcoa, tập đoàn kim loại Mỹ và là giám đốc một công ty sở hữu Formula One. “Tôi chỉ muốn chịu trách nhiệm hoặc tham gia vào một vài thứ. Tôi không thích bắt tay vào rồi bỏ dở. Tôi thích sự phức tạp nhưng cần có một mục tiêu rõ ràng”, Sorrell chia sẻ.
Falcone cũng nói rằng chúng ta nên nhìn vào những nhà lãnh đạo kinh doanh như “nghệ sĩ”: “Họ không bao giờ dừng lại, họ không ngừng sáng tạo. Nếu Martin chậm lại, tôi sẽ thuê một trung tâm gọi 24 giờ, liên tục gửi email để giữ anh ấy bận rộn, bởi vì nếu anh ấy ở trong nhà mà không có gì để làm, anh ấy sẽ phá hỏng mọi thứ”.
“Không bao giờ sợ hãi”
Cha của Sorrell vốn là một doanh nhân rất thành công nổi tiếng khắp Bắc London. Ông chính là người ảnh hưởng lớn đến con đường sự nghiệp của Sorrell. Khoảng 13 tuổi, Sorrell đã đọc Financial Times trên chiếc xe buýt chở ông đi học hàng ngày. Ông luôn tò mò về công việc mà người cha doanh nhân của mình đang làm. Cha ông vốn điều hành hệ thống với khoảng 750 cửa hàng ở Anh nên vào Chủ nhật, Sorrell thường cùng cha nhận báo cáo từ các quản lý bán hàng và đi thăm các cửa hàng.
Sorrell nói rằng cha mình là một nhân vật vĩ đại ở hạt Sussex. Ông vẫn nhớ một buổi chiều khi lên 14, cha ông hỏi rằng “Lớn lên con muốn làm gì?”. Và, ông trả lời mình muốn kinh doanh. Cha ông đã nói với ông: “Vậy thì con phải vào học trường Harvard”, Sorrell khắc sâu câu nói của cha mình và cho đến sau này, ông tốt nghiệp bằng MBA tại Harvard.
Một trong những điều hối tiếc lớn của Sorrell là ông và cha chưa bao giờ làm việc cùng nhau. Mặc dù bận rộn, cha ông luôn dành thời gian cho mọi người. Trong những khoảng thời gian làm việc cao độ, Sorrell vẫn có thể nói chuyện với cha mình 3 đến 5 lần một ngày. Trong khoảng 1987-1989, giao dịch JWT và Ogilvy đang ở điểm nóng, Sorrell hầu như tâm sự với cha mình toàn thời gian.
Không nên từ bỏ một cơ hội và mong đợi cơ hội tiếp theo, hãy gắn bó với lĩnh vực mà mình yêu thích. Đó là lời khuyên đặc biệt từ người cha quá cố của ông. Làm việc chăm chỉ, trách nhiệm cao, để ý tiểu tiết là tất cả thuộc tính mà cha Sorrell có. Ông ấy luôn hết mình với mọi thứ ông làm và chèo lái gia đình, CEO của tập đoàn truyền thông lớn nhất chia sẻ về cha mình.
Ngoài 2 chiếc BlackBerry phục vụ công việc (1 chiếc để liên lạc bên Mỹ và chiếc còn lại cho bên Anh), thứ quý giá hơn cả ông luôn mang theo mình đó là bức thư của cha ông, được gửi 1 năm trước khi qua đời. “Bức thư thực sự sâu sắc”, Sorrell nói, một thông điệp trong đó là “no matter how dark the clouds are, [you must] have no fear” (dù cho mây đen kéo đến, con không bao giờ được sợ hãi).
Theo: Doanhnhansaigon