Tiền tiếp tục chảy vào chứng khoán, số tài khoản cá nhân mở mới hơn 188.000, lập kỷ lục 13 tháng
Nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới 188.165 tài khoản và các tổ chức mở mới 133 tài khoản, con số này cao nhất trong vòng 13 tháng trở lại đây…
Số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 188.298 tài khoản trong tháng 8/2023. Con số này tăng 25% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 liền trước và là mức cao nhất trong vòng hơn một năm kể từ tháng 7/2022.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới 188.165 tài khoản và các tổ chức mở mới 133 tài khoản. Tính đến cuối tháng 8, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước vượt mốc 7,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng gần 8% dân số.
Trước đó, trong tháng 7, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 151 nghìn tài khoản chứng khoán trong tháng 7, chiếm 99,8% số lượng tài khoản mở mới của toàn thị trường.
Nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản trong bối cảnh giá trị giao dịch tăng mạnh thời gian vừa qua. Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HSX tăng mạnh 34% so với tháng 7 với giá trị giao dịch bình quân đạt 20,5 nghìn tỷ đồng/phiên tăng 22%.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn kiểm soát thanh khoản thị trường với 86% tổng giá trị giao dịch, tăng 31 %. Đáng chú ý khối ngoại và nhà đầu tư tổ chức ghi nhận mức tăng thanh khoản 45% trong bối cảnh thị trường biến động mạnh. Nhà đầu tư cá nhân quay trở lại mua ròng mạnh 3.378 tỷ đồng (140,5 triệu USD). Vị thế ròng từ đầu năm tăng thêm lên 14.130 tỷ đồng (587,5 triệu USD).
Khối ngoại tăng tốc trong việc giao dịch phần lớn giao dịch là bán ròng. Vị thế ròng hàng tháng là -2.550 tỷ đồng (106 triệu USD) và khiến vị thế ròng kể từ đầu năm của nhóm này ngày càng sâu, giá trị tích lũy đạt -3.325 tỷ đồng (138,3 triệu USD).
Đà bán ròng của Nhà đầu tư tổ chức trong nước chậm lại trong 3 tháng gần đây. Các tổ chức trong nước bán ra khiêm tốn trong tháng Tám với số tiền 828 tỷ đồng khi nhóm này đã bán mạnh trước khi thị trường điều chỉnh và mua mạnh sau đó.
Số tài khoản được dự báo sẽ tiếp tục được mở mới nhiều hơn nữa trong thời gian tới trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm đáng kể, dẫn chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
VDSC kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm và hỗ trợ dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. Cuối tháng 8, các ngân hàng quốc doanh đã giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống mức 5,8%/năm. Với định giá P/E hiện tại của VN Index là 14,9x và lợi suất tương ứng là 6,7%, thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn tương đối so với kênh tiền gửi tiết kiệm.
Trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống liên ngân hàng vẫn rất dồi dào khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp (tại ngày 06/09/2023 là 0,16%), VDSC kỳ vọng các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động trong thời gian tới.
“Với triển vọng mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tiếp tục giảm thời gian tới, nhà đầu tư nội sẽ có xu hướng dịch chuyển tiền gửi sang các kênh đầu tư khác, trong đó có cổ phiếu, để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại dự kiến sẽ tiếp tục bán ròng, một phần do tác động của tỷ giá, một phần do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến vốn ngoại đang rút ra khỏi thị trường Trung Quốc”, Chứng khoán ABS kỳ vọng.
Tiến Phát