Quản lý tài chính cá nhân chỉ với 3 bước đơn giản
Kiếm tiền đã khó, nhưng việc tiêu tiền thế nào cho đúng còn khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, nếu biết cách quản lý tài chính cá nhân và chi tiêu hợp lý, bạn sẽ trở nên tự chủ và có cho mình nhiều cơ hội phát triển hơn.
Tuy nhiên, việc quản lý tài chính là một trong những vấn đề khó khăn mà nhiều người đang gặp phải hiện nay. Cùng tìm hiểu các phương pháp và lời khuyên hữu ích giúp bạn thoát khỏi “vũng lầy” của việc kiểm soát tài chính cá nhân nhé.
Tài chính cá nhân là gì? Tại sao chúng ta phải quản lý tài chính cá nhân?
Nói một cách đơn giản, tài chính cá nhân là việc áp dụng các nguyên tắc tài chính vào việc chi tiêu của một cá nhân hoặc gia đình. Tài chính cá nhân liên quan đến các vấn đề tài chính chung như chi tiêu, thu nhập, đầu tư, tiết kiệm,… Ngoài ra, bạn cũng có thể hiểu tài chính cá nhân là việc sử dụng tiền một cách hiệu quả. Điều này sẽ giúp bạn sống thoải mái hơn và tránh được những rủi ro không đáng có trong cuộc sống hàng ngày.
Định nghĩa trên cho thấy tài chính cá nhân quan trọng như thế nào đối với cá nhân và gia đình. Do đó, việc quản lý tài chính cá nhân có thể ảnh hưởng lớn đến thu nhập, chi phí và các khoản đầu tư của bạn. Một khi quản lý được tài chính của mình, bạn sẽ nhanh chóng đạt được mức độ tự do tài chính theo như mong muốn. Đến lúc đó, bạn sẽ có một cuộc sống nhàn nhã mà không phải lo lắng hay căng thẳng về vấn đề tài chính nữa.
3 bước quản lý tài chính cá nhân hiệu quả
Rà soát chi tiêu
Đây là một bước quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân vì nếu bạn không biết mình đang tiêu gì, bạn sẽ không thể quản lý được tiền của mình đang đi đâu. Kết quả thường là bạn sẽ nhanh chóng tiêu hết tiền vào những việc không quan trọng hoặc ít cần thiết hơn. Để làm được điều này, bạn cần theo dõi thu nhập và chi tiêu của mình trong vài tháng. Việc rà soát lại chi tiêu một cách cẩn thận sẽ giúp bạn có đủ thông tin để thiết lập một kế hoạch tài chính cụ thể và chính xác thông qua các bước tiếp theo.
Thiết lập mục tiêu
Khi đã xem xét chi tiêu của mình, hãy xác định những gì khiến bạn muốn chi tiêu trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Chẳng hạn, trước mắt, bạn dự định tiết kiệm tiền để năm sau đi du lịch cùng gia đình. Đồng thời, mục tiêu trung hạn của bạn là tích lũy vốn trong vòng 4 – 5 năm tới để trả khoản trả trước cho việc mua nhà. Mục tiêu dài hạn có thể là nghỉ hưu ở tuổi 55 và đi du lịch vòng quanh thế giới.
Hãy suy nghĩ và viết xuống các dự định chi tiêu của mình ra giấy ngay bây giờ. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về tình hình tài chính của bản thân trong tương lai. Bạn sẽ biết chính xác mình cần bao nhiêu tiền vào những thời điểm cụ thể. Từ đó, việc lên kế hoạch tiết kiệm để đạt được mục tiêu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Xác định lộ trình
Sau khi hoàn thành hai bước trên, bây giờ bạn đã có thể bắt đầu điều chỉnh chi tiêu hiện tại của mình sao cho phù hợp với các mục tiêu trong tương lai. Một quy tắc đơn giản bạn có thể áp dụng đó là quy tắc 50/30/20:
– 50% thu nhập được sử dụng cho các chi phí sinh hoạt cần thiết như nhà ở, thực phẩm và phương tiện đi lại.
– 30% cho các khoản chi linh hoạt như vui chơi, chiêu đãi… Bạn có thể cắt giảm các khoản chi này nếu cần.
– 20% sẽ được sử dụng để trả nợ và tiết kiệm cho các mục tiêu. Bạn có thể chia số tiền tiết kiệm này thành nhiều tài khoản cho từng mục tiêu để tiện theo dõi.
Ví dụ: Giả sử thu nhập của bạn là 10 triệu một tháng, bạn có thể chia ngân sách theo quy tắc 50/30/20 như sau:
– 5 triệu cho những nhu cầu thiết yếu như trả tiền thuê nhà, điện nước, đi lại, ăn uống,…
– 3 triệu cho các khoản chi linh hoạt, phát sinh như mua sắm quần áo, đi chơi với bạn bè, tiền mừng, quà cáp,…
– 2 triệu còn lại sẽ dùng cho việc tiết kiệm và đầu tư.
5 lời khuyên giúp bạn quản lý tài chính cá nhân tốt hơn
Đừng lạm dụng thẻ tín dụng
Nếu có thể, hãy đừng sử dụng thẻ tín dụng. Một chiếc thẻ có hạn mức cao, nhiều ưu đãi hấp dẫn và tiện lợi sẽ khiến cho bạn dễ “vung tay quá trớn” và mất đi kiểm soát. Nếu cảm thấy việc sử dụng thẻ tín dụng là không thể thiếu, bạn cần thật sự cẩn trọng và xây dựng tính kỷ luật nhiều hơn cho bản thân nhé!
Không nên có nợ xấu
Nợ xấu có thể tạo ra nhiều trở ngại cho các kế hoạch và mục tiêu tài chính của bạn về lâu dài. Một số mẹo dưới đây có thể giúp bạn trả nợ nhanh chóng:
– Bán lại các món đồ không sử dụng để có thêm tiền.
– Tìm một công việc bán thời gian để rút ngắn thời gian trả nợ.
– Tìm kiếm những khoản chi có thể tạm thời cắt giảm để có thể tập trung vào việc trả nợ.
Có kế hoạch phù hợp
Lập kế hoạch tài chính luôn là một bước quan trọng để đạt được mục tiêu của bạn. Để làm cho kế hoạch của mình rõ ràng hơn, bạn có thể thêm các bước hoặc cột mốc quan trọng để dễ theo dõi hơn. Một kế hoạch điển hình sẽ bao gồm việc thiết lập ngân sách hàng tháng, bảng dự tính chi tiêu rõ ràng, cũng như các cách thức và nguồn tiền dùng để trả nợ (nếu có).
Đầu tư sinh lời bằng tiền nhàn rỗi
Theo lẽ hiển nhiên, tiền nhàn rỗi cũng bao gồm các khoản tiết kiệm, quỹ dự phòng của bạn. Sẽ không có vấn đề gì nếu bạn để yên những khoản tiền này trong tài khoản ngân hàng của mình. Tuy nhiên, nếu đủ thông minh để đầu tư khoản tiền đang “nhàn rỗi” này, bạn sẽ có thêm một nguồn thu nhập thụ động.
Tuân thủ, kiên nhẫn và linh hoạt
Việc đảm bảo rằng mình luôn tuân theo các nguyên tắc quản lý tài chính sẽ có tác động rất lớn đến kết quả bạn nhận được. Bên cạnh đó, để đạt được kết quả tốt, bạn còn cần kiên nhẫn chờ đợi nữa. Bạn nên biết rằng tất cả các phương pháp quản lý chi tiêu ở trên đều chỉ là lý thuyết. Bạn có thể linh hoạt thay đổi nó dựa trên tình hình tài chính hoặc nhu cầu của mình. Tóm lại, hãy luôn tuân thủ, kiên nhẫn và linh hoạt ứng biến với các phương pháp quản lý tài chính bạn nhé!
Lời kết
Tóm lại, mỗi người trong chúng ta sẽ có một cách quản lý tài chính cá nhân riêng biệt. Bạn có thể linh hoạt thích ứng với mức sống và nhu cầu của mình để tìm ra công thức phù hợp nhất. Tất cả những gì bạn cần nhớ là hãy bắt đầu lập kế hoạch ngay từ bây giờ và duy trì nó đủ lâu, ít nhất là cho đến khi bạn trả hết nợ và tiết kiệm đủ tiền.
Happy Live Team
Nguồn: theo DNSE