Hệ thống đầu tư Canslim: Vì sao có 100 triệu trong tay, chỉ nên sở hữu 1-2 cổ phiếu
Hệ thống đầu tư Canslim – Một khi bạn đã quyết định tham gia vào thị trường chứng khoán, bạn phải đối mặt với rất nhiều quyết định chứ không đơn giản là chỉ chọn mua cổ phiếu nào. Bạn phải quyết định xem sẽ quản trị danh mục như thế nào, nên nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu trong danh mục, bạn sẽ mua dựa trên loại hành động giá nào và các khoản đầu tư nào tốt hơn hết là nên tránh xa.
Trong bài viết này William O’Neil muốn giới thiệu cho bạn biết cách thức tiến hành đa dạng hóa. Mặc dù đa dạng hóa mang đến một số lợi ích nhất định và xứng đáng để bạn lưu tâm đến, nhưng đa dạng hóa quá mức là cực kỳ rủi ro, quá phức tạp và khiến bạn mất đi sự tập trung trong khi lại không có được mức lợi nhuận cao tương xứng. Trong đầu tư, bạn không chỉ biết càng nhiều càng tốt, mà cần phải biết những việc không nên làm. Tôi cho rằng, bạn không nên khiến mọi thứ trở nên phức tạp, hãy giữ cho nó thật đơn giản.
Bạn nên sở hữu bao nhiêu cổ phiếu trong danh mục
Đã bao nhiêu lần bạn từng nhận được lời khuyên: “Đừng bỏ tất cả các trứng vào một giỏ!” Mới nghe qua, đây có vẻ là lời khuyên tốt, nhưng kinh nghiệm của William O’Neil cho thấy, chỉ có rất ít người có thể làm giỏi cùng lúc nhiều hơn một hoặc hai việc. “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Những ai chỉ am hiểu mỗi thứ một chút hiếm khi có được thành công lớn trong bất cứ lĩnh vực gì, bao gồm cả đầu tư.
Liệu các chứng khoán phái sinh sẽ hữu ích hay làm hại các nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Phố Wall? Liệu mức đòn bẩy cao bất thường 50 lần hoặc 100 lần sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng kiếm tiền hay nhanh chóng đốt cháy tài khoản?
Liệu bạn có dám đến khám nha sĩ, người còn kiếm thêm cả nghề cơ khí hoặc đóng bàn tủ, thậm chí còn viết nhạc, sửa ô tô, sửa ống nước, làm kế toán vào cuối tuần?
Điều này đúng với các cả đầu tư cá nhân lẫn các doanh nghiệp. Ví dụ tốt nhất về đa dạng hóa ở các doanh nghiệp là các tập đoàn đa ngành. Hầu hết các tập đoàn đa ngành lớn đều làm ăn thiếu hiệu quả. Quy mô của chúng quá lớn, thiếu hiệu quả và dàn trải ở nhiều ngành nghề kinh doanh nên không có sự tập trung nguồn lực nhằm mang tới sự hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận.
Đa dạng hóa càng nhiều, bạn càng ít hiểu biết ở bất kỳ lĩnh vực nào trong số đó. Nhiều nhà đầu tư đã tiến hành đa dạng hóa danh mục quá mức. Bạn chỉ có thể đạt được tỷ suất sinh lợi lớn bằng cách tập trung danh mục vào một số cổ phiếu. Nói cách khác, bạn phải dồn tất cả trứng vào một vài cái giỏ mà bạn am hiểu sâu sắc và trông coi chúng cẩn thận.
Liệu đa dạng hóa danh mục có bảo vệ danh mục của bạn an toàn trước cú đổ vỡ vào năm 2000 hay 2008? Câu trả lời là không, thậm chí còn tệ hơn nữa. Việc sở hữu quá nhiều cổ phiếu sẽ khiến phản ứng cắt lỗ của bạn trở nên chậm chạp hơn. Bạn sẽ không kịp rút vốn để nắm giữ tiền mặt khi thị trường con gấu lớn diễn ra. Nắm giữ quá nhiều cổ phiếu khiến bạn mắc phải ảo tưởng sai lầm về sự an toàn. Bạn dễ mắc vào bẫy cho rằng, nếu có nhiều cổ phiếu thì cổ phiếu giảm sẽ được giảm bớt thiệt hại bằng cổ phiếu tăng. Nhưng trong thị trường con gấu, có đến 75% cổ phiếu đều giảm giá theo thị trường chung.
Khi thị trường đạt đỉnh, không có cách nào tốt hơn ngoài việc bạn nên bán cổ phiếu, loại bỏ margin và tăng nắm giữ tiền mặt. Nếu không, bạn sẽ mất sạch toàn bộ lợi nhuận kiếm được từ thị trường tăng giá và thậm chí trở nên thua lỗ.
Mục tiêu của các nhà đầu tư thành công: là kiếm được những khoản lãi lớn ở một hoặc hai cổ phiếu chứ không phải tích lũy hàng chục khoản lãi nhỏ.
Tốt hơn hết là bạn có nhiều khoản lỗ nhỏ và một vài khoản lãi lớn. Warren Buffett từng nói: “Đa dạng hóa quá mức, đơn giản là để chống lại sự ngu dốt và ngạo mạn.” Các ngân hàng từ năm 1997 đến 2007 đã mua những gói nợ dưới chuẩn (CDO) được đa dạng hóa ở 5,000 khoản cho vay bất động sản khác nhau. Bạn đã biết kết cục ra sao. Hệ thống ngân hàng tổn thương nặng nề khi các CDO này sụp đổ. Đa dạng hóa không hề bảo vệ mà thậm chí còn khiến bạn thua lỗ nặng nề hơn.
Theo kinh nghiệm của William O’Neil
- Nhà đầu tư có quy mô vốn từ $20,000 đến $200,000: Nên giới hạn danh mục chỉ trong bốn hoặc năm cổ phiếu mà bạn hiểu rõ về nó nhất. Một khi đã sở hữu năm cổ phiếu, bạn phải kiềm chế lòng tham khi muốn mua thêm những cổ phiếu khác. Hoặc bạn sẽ phải tuân thủ kỷ luật bán đi những cổ phiếu kém nhất trong danh mục hiện tại để chuyển sang các cổ phiếu tiềm năng hơn.
- Nếu bạn có quy mô vốn đầu tư từ $5,000 đến $20,000: chỉ nên có tối đa ba cổ phiếu trong danh mục.
- Nếu bạn có quy mô vốn đầu tư $3,000: chỉ nên có hai cổ phiếu mà thôi.
Phải giữ cho mọi thứ trong tầm kiểm soát. Càng sở hữu nhiều cổ phiếu, bạn càng khó khăn để theo dõi chúng một cách kỹ lưỡng. Bạn chỉ có thể trở thành nhà đầu tư siêu hạng bằng cách tập trung đầu tư vào một vài cổ phiếu, tuân thủ các quy tắc mua và bán cùng với việc nhận định đúng đắn về xu hướng thị trường chung.
Mua bổ sung cổ phiếu khi nào
Theo thời gian, bạn tích lũy vị thế qua nhiều lần mua khác nhau. Đây là một dạng thú vị của đa dạng hóa. Tôi đã gom một số lượng cổ phiếu Amgen sau nhiều lần mua khác nhau từ năm 1990 đến năm 1991. Sau lần mua đầu tiên, William O’Neil tiến hành bổ sung vị thế khi có một mức lãi đáng kể so với lần mua trước. Nếu giá thị trường cao hơn 20 điểm so với giá vốn bình quân của tôi và cổ phiếu vừa mới tạo điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá tốt, tôi lại tiếp tục mua, nhưng phải đảm bảo giá vốn bình quân không tăng lên quá nhiều. Để làm điều này, tôi phải tính toán chính xác số lượng cổ phiếu cần mua thêm.
Tuy nhiên, những nhà giao dịch mới bước chân vào thị trường hãy thận trọng khi sử dụng phương pháp có độ tập trung cao và nhiều rủi ro này. Bạn phải học cách tính toán mọi thứ thật chính xác và phải sẵn sàng bán đi nếu như mọi thứ không hoạt động đúng như kỳ vọng.
Trong thị trường tăng giá, có một cách để quản lý danh mục theo hướng tập trung hơn là tiếp tục mua những cổ phiếu chiến thắng mà bạn đã thua.
Ngay sau khi cổ phiếu này tăng 2-3% so với điểm mua đầu tiên, bạn nên tiến hành 1 hoặc 2 lần mua với số lượng cổ phiếu nhỏ hơn.Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo mình không mua rượt đuổi quá xa so với điểm Pivot (lớn hơn 5%). Phương pháp này sẽ giúp bạn không còn cảm thấy thất vọng khi mua một siêu cổ phiếu nhưng lại sở hữu số lượng cổ phiếu quá ít so với các cổ phiếu kém hiệu quả khác. Bởi lúc này, bạn đã bán và loại bỏ tất cả những khoản đầu tư thua lỗ trước khi chúng biến thành những thảm họa.
Sử dụng phương pháp mua nối tiếp này sẽ giúp bạn tập trung tiền cho một vài khoản đầu tư tốt nhất. Không hệ thống giao dịch nào hoàn hảo cả, nhưng đây là cách làm thực tế hơn so với việc đa dạng hóa danh mục quá mức và có khả năng cao đạt được siêu lợi nhuận. Đa dạng hóa nghe thì có vẻ tốt, nhưng đừng bao giờ làm điều đó quá mức. Luôn luôn giới hạn số lượng cổ phiếu mà bạn sẽ mua và nghiêm ngặt tuân thủ quy tắc này.
Bạn có nên đầu tư dài hạn hay không
Nếu bạn quyết định tập trung cho hoạt động đầu tư, bạn có nên đầu tư dài hạn hoặc giao dịch thường xuyên hay không? Câu trả lời là thời gian nắm giữ cổ phiếu (dài hạn hoặc ngắn hạn) không phải là vấn đề chính.
Điều quan trọng là bạn mua đúng cổ phiếu (là những cổ phiếu tốt nhất) tại thời điểm hợp lý nhất và sau đó bán đi bất cứ khi nào thị trường hoặc các quy tắc chốt lãi của bạn yêu cầu.
Thời gian từ khi bạn mua đến khi bán có thể dài hoặc ngắn. Hãy để cho các quy tắc giao dịch và thị trường quyết định điều đó. Nếu bạn làm như vậy, một số các khoản đầu tư thắng lợi của bạn sẽ được nắm giữ trong ba tháng, một số khác sẽ được nắm giữ trong sáu tháng, và số khác được nắm giữ đến một, hai hoặc ba năm, thậm chí lâu hơn.
Hầu hết các khoản đầu tư thua lỗ của bạn nên được nắm giữ trong thời gian ngắn, bình thường là từ vài tuần đến ba tháng. Đừng bao giờ quản lý danh mục theo kiểu nắm giữ các khoản lỗ nhiều hơn sáu tháng. Hãy giữ cho danh mục của bạn được sạch sẽ và “nhảy cùng nhịp” với Ngài Thị Trường. Nên nhớ, những người làm vườn giỏi luôn chăm chút từng bông hoa đẹp và cắt tỉa những cành hoa bị héo.
Bài học cho các nhà đầu tư mua và nắm giữ dài hạn không hề sử dụng đồ thị
Tôi đã đánh dấu một số điểm trên biểu đồ tuần của Worldcom vào năm 1999, Enron vào năm 2001 và AIG, Citigroup và General Motors vào năm 2007. Chúng có 10 đến 15 tín hiệu cho thấy các khoản đầu tư này phải sớm được bán đi trước giá sụp đổ.
Tại sao bạn không sử dụng đồ thị giá để biết điều gì xảy ra sắp tới.
Thực sự nếu bạn quan sát trong các khung thời gian dài hạn, thậm chí còn có nhiều tín hiệu bán hơn nữa. Ví dụ, Citigroup có chỉ báo RS đột ngột giảm mạnh trong ba năm gần nhất, từ năm 2004 đến năm 2006 và tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian này đang chậm lại so với tốc độ tăng trưởng vào những năm 1990. Hoàn toàn xứng đáng để bạn dành thời gian quan sát hoạt động giá và khối lượng của mỗi cổ phiếu. Đó là cách bạn ngừng thua lỗ và bắt đầu chiến thắng.
Happy Live biên soạn/ Làm giàu từ chứng khoán