fbpx

Không còn Charlie Munger, ai sẽ là người nói “không” với Warren Buffett?

Warren Buffett từng có lần được hỏi rằng đâu là thành tựu đầu tư vĩ đại nhất của ông. Và nhà đầu tư huyền thoại đã trả lời rằng đó là việc ông “tuyển dụng Charlie Munger”…

Không còn Charlie Munger, ai sẽ là người nói “không” với Warren Buffett?

Nhân vật được Warren Buffett nhắc tới là Charlie Munger, người vừa qua đời vào ngày 28/11 ở tuổi 99. Lúc sinh thời, Munger là người bạn thân nhất và là “cánh tay phải” của Buffett. Một bài viết trên trang MarketWatch nói rằng đôi bạn Buffett-Munger là một ví dụ điển hình về “hai cái đầu tốt hơn một cái đầu”, khi cả hai đã sát cánh và cùng nhau gặt hái những thành công lừng lẫy trong sự nghiệp đầu tư. Nếu Buffett không có Munger, hoặc ngược lại, thì sao? Có lẽ, họ vẫn sẽ thành công nhưng không thể đạt tới những đỉnh cao như họ đã đạt được cùng nhau. Và cũng chính nhờ sự cộng tác giữa hai ông, hàng ngàn cổ đông của Berkshire Hathaway đã trở thành triệu phú và hàng triệu nhà đầu tư khác đã được tiếp cận với một kho tàng kiến thức.

Trong một lần trò chuyện với Munger, tác giả bài viết là Lawrence A. Cunningham nói rằng mọi người đều rất ấn tượng với số tài sản mà Munger tích luỹ được. Khi đó, Munger đã trả lời bằng một sự khiêm tốn vốn dĩ không phải là tính cách của ông: “Là đối tác kinh doanh của Buffett, đó là việc không tránh được”. Về phần mình, khi được hỏi về thành tựu đầu tư lớn nhất trong đời, Buffett trả lời không một chút lưỡng lự: “Tuyển dụng Charlie”.

Trong lá thư gửi cổ đông vào năm 2015, đánh dấu 50 năm ngày thành lập Berkshire, Buffett nói đóng góp quan trọng nhất của Munger đối với Berkshire là định hình triết lý đầu tư của Buffett. Đó là vào năm 1971 và thương vụ là công ty sản xuất bánh kẹo See’s Candies. Đó là lần đầu tiên Buffett trả giá cao cho một doanh nghiệp nhượng quyền, và về sau ông luôn nói đó là vụ đầu tư quan trọng nhất mà ông từng có. Munger đã dạy cho Buffett một bài học mà Buffett không bao giờ quên: “Việc mua một công ty tốt với một mức giá vừa phải thì tốt hơn là mua một công ty vừa phải với một mức giá tốt”.

Mối quan hệ Buffett-Munger giữ vai trò trung tâm trong một tuyên ngôn nổi tiếng khác về Berkshire: “Dạng thức của chúng tôi là doanh nghiệp, nhưng quan điểm của chúng tôi là đối tác”. Hành động theo tuyên ngôn đó, vào năm 1981, Munger đã sáng tạo ra chương trình hiến tặng từ thiện mang đặc trưng riêng của cổ đông Berkshire. Tại hầu hết các công ty, tổng giám đốc (CEO) là người lựa chọn các quỹ từ thiện để công ty tài trợ, nhưng cách làm như vậy không được ưa chuộng ở Berskhire. Thay vào đó, ông Munger vạch ra một chương trình lấy cổ đông làm trung tâm mà thông qua đó, mỗi cổ đông của Berkshire đều có thể nhận diện các tổ chức từ thiện mà Berkshire sẽ tài trợ.

Không còn Charlie Munger, ai sẽ là người nói “không” với Warren Buffett?

SỨC MẠNH PHỦ QUYẾT CỦA MUNGER

Buffett thường nói đùa rằng Munger là “người phủ quyết đáng sợ”, nhắc tới sức mạnh từ chối của ông đối với những thương vụ mua lại hoang phí. Gần như tất cả những điều này vẫn còn nằm trong vòng bí mật của Berkshire, nhưng các ví dụ điển hình thường là những doanh nghiệp có đặc trưng mạnh dễ nhận thấy – trung thành thương hiệu, năng lực thiết lập giá, lực lượng lao động kỹ năng tốt – nhưng lại đi kèm một vài hạn chế như thiếu minh bạch trong công bố thông tin hoặc hành vi kế toán thổi phồng giá trị thực tế của doanh nghiệp.

Trong những dịp hiếm hoi mà Buffett và Munger bất đồng, họ thường bất đồng một cách hài hước. Trong một trường hợp kinh đỉnh, vào năm 1985 Berkshire mua một máy bay phản lực để sử dụng cho hoạt động của công ty. Buffett nghĩ chiếc máy bay sẽ là phương tiện tuyệt vời để ông bay vòng quanh thế giới khi tiến hành các thương vụ. Nhưng Munger lại cho rằng việc này là quá lãng phí và hai người cũng tranh cãi về việc đặt tên cho chiếc máy bay. Munger muốn đặt tên máy bay là The Aberration (tạm dịch: Sai lầm); Buffett muốn cái tên Charles T. Munger; và cuối cùng họ chọn cái tên Indefensible (tạm dịch: Không thể biện hộ).

Về sau, Berkshire bán lại chiếc máy bay mà họ mua từ NetJets – một công ty hàng không nhỏ mà kể từ đó Buffett đã bay trong bất kỳ chuyến bay nào mà ông có.

“LẦN TỚI, TÔI SẼ GỌI CHO CHARLIE”

Munger cũng không ngại “chê” khi Buffett muốn hành động theo bất kỳ hướng nào. Tại cuộc họp cổ đông Berskhire vào năm 1999, khi một cổ đông hỏi Buffett: “Làm thế nào ông biết khi ông có một ý tưởng lớn?” Buffett trả lời: “Tôi biết mình có một ý tưởng lớn khi tôi nói với Charlie và ông ấy nói ‘không’ thay vì nói ‘đó là ý tưởng tệ nhất mà tôi từng nghe’”.

Không phải lúc nào Buffett cũng tham khảo ý kiến của Munger. Vào năm 2007, ông đầu tư 2 tỷ USD vào chứng khoán nợ của vụ mua lại sử dụng đòn bẩy mà mục tiêu thâu tóm là công ty điện Texas Electric Utilities. Khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, giá trị của khoản đầu tư đó bị bút toán giảm, và Berkshire hứng khoản thua lỗ 1 tỷ USD. Trong một báo cáo vào năm 2013, Buffett thừa nhận đây là sai lầm của mình và viết rằng: “Lần tới, tôi sẽ gọi cho Charlie”.

Tại đại hội cổ đông 2013, một cổ đông Berkshire đã hỏi về các cơ hội đầu tư của công ty ở khu vực eurozone. Sau khi Buffett chỉ trích những thiếu sót chính trị của Liên minh châu Âu (EU), Munger – bằng phong thái đã trở thành đặc trưng riêng của mình – nói rằng việc đưa Hy Lạp vào EU cũng giống như “đặt bả chuột vào kem tươi”. Tuy nhiên, Buffett nói: “Tôi muốn mua một doanh nghiệp lớn ở châu Âu, nên nếu các bạn có ý tưởng nào, hãy nói với tôi. Munger khép lại chủ đề này bằng cách “bồi” thêm một câu: “Nếu doanh nghiệp đó ở Hy Lạp, tôi hy vọng là các bạn hãy gọi cho tôi”.

Không còn Charlie Munger, ai sẽ là người nói “không” với Warren Buffett?

HẬU CHARLIE

Trong bức thư vào năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Berkshire, Munger viết về chủ đề chống quan liêu ở Berkshire. Ông cho rằng thành công của Berkshire có được một phần là nhờ sự kết hợp giữa tiết kiệm và tự chủ. Đây được cho sẽ là những giá trị giúp Berkshire trường tồn sau khi Munger và Buffett không còn lãnh đạo công ty.

Nhiều người từ lâu đã đặt câu hỏi về số phận của Berkshire khi Buffett, người hiện đã 93 tuổi, ra đi. Một câu hỏi khó khác cũng đang được đặt ra vào lúc này: Berkshire sẽ như thế nào khi không còn Munger – hoặc có lẽ chính xác hơn là Buffett sẽ ra sao khi không còn một bản ngã khác – người duy nhất có thể nhận diện những “điểm mù” của ông.

Xét cho cùng, hai đối tác kinh doanh lâu năm này bổ sung cho nhau theo một cách gần như là lý tưởng: Buffett có khuynh hướng kiên trì trong khi Munger có khuynh hướng từ chối. Munger là một người “nói không” vô cùng quan trọng của Buffett vì Buffett thân thiện và lạc quan trong khi Munger là hiện thân của chủ nghĩa hoài nghi. Nhưng hai người cũng có rất nhiều điểm chung: ham học hỏi, trung thành, kiên nhẫn, có lý trí, đáng tin cậy, và có tầm nhìn dài hạn. Điều tốt cho Berkshire là Buffett và Munger đã dựa vào những giá trị này để xây dựng nên một văn hoá bền vững cho công ty. Kết quả là một đội ngũ quản lý ở Berkshire có thể mang đến những câu trả lời chắc chắn cho tương lai của công ty hậu Munger và hậu Buffett.

Nhiều cá nhân sẽ cùng nhau đảm nhiệm các vai trò mà Munger và Buffett để lại. Buffett đến nay vẫn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, CEO và Giám đốc đầu tư (CIO) – những vai trò mà Buffett nói là sẽ được tiếp quản bởi Howard, con trai ông, ở cương vị Chủ tịch; Greg Abel ở cương vị CEO; và Todd Combs cùng Ted Weschler ở cương vị đồng CIO.

VỊ TRÍ MÀ MUNGER ĐỂ LẠI

Munger là nhân vật số 2 ở Berkshire, với chức danh Phó chủ tịch. Quan trọng hơn cả, ông là người nói “không” với Buffett khi cần thiết. Vai trò của Buffett sẽ được chia cho nhiều người, thì vai trò của Munger cũng vậy. Nhiệm vụ duy trì văn hoá công ty – nói không với các nguy cơ nảy sinh đối với các sức mạnh về lý lẽ, tính học hỏi, sự phi tập trung, quyền tự chủ và dựa trên sự tin tưởng của công ty – sẽ được gánh vác bởi tất cả những người kế nhiệm.

Munger đã tham gia định hình văn hoá ở Berkshire trong hơn 60 năm. Dù đã ra đi, ông sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Buffett trong suốt phần đời còn lại và đến Berkshire mãi về sau.

Hoai An Le (Theo Vneconomy)

Có thể bạn quan tâm cuốn sách:

Damn Right! – Vén màn bí ẩn về tỷ phú Charlie Munger

Damn right! - Vén màn bí ẩn về tỷ phú Charlie Munger cánh tay phải của Warren Buffett

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề