Nâng cao trí tuệ cảm xúc để trở thành người không thể thay thế
Hàng năm, diễn đàn kinh tế thế giới luôn cập nhật danh sách những kỹ năng hàng đầu mà các nhà tuyển dụng cần cho 5 đến 10 năm tới. Trong số đó, trí tuệ cảm xúc nổi bật lên là một trong mười kỹ năng quan trọng nhất cho đến năm 2025.
Năng lực trí tuệ cảm xúc chính là chìa khóa quan trọng để khiến cho chúng ta – con người sẽ không bao giờ bị thay thế hoàn toàn bởi máy móc.
1. Trí tuệ cảm xúc là gì?
Trí tuệ cảm xúc được định nghĩa là khả năng nhận thức, kiểm soát cũng như thể hiện cảm xúc của một người. Đồng thời nó còn là khả năng người đó có thể xử lý những mối quan hệ giữa người với người một cách thấu đáo và không ngoan.
Trí tuệ cảm xúc được nhìn nhận như là một kỹ năng cực kỳ có giá trị giúp cho con người phát triển khả năng giao tiếp, quản lý, giải quyết vấn đề và tạo dựng các mối quan hệ ở nơi làm việc. Có lẽ chính vì vậy mà trí tuệ cảm xúc là một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên của mình.
Tại sao trí tuệ cảm xúc lại quan trọng đến vậy? Theo như nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, thì những người có năng lực trí tuệ cảm xúc cao sẽ đưa ra được quyết định hiệu quả để giải quyết vấn đề. Họ cũng có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình dù làm việc dưới áp lực. Những người này có thể giải quyết mâu thuẫn, sở hữu sự thấu cảm tuyệt vời, đồng thời biết lắng nghe, suy luận và phản hồi cực tốt kể cả với chỉ trích.
Vì năng lực trí tuệ cảm xúc mang lại nhiều giá trị như vậy nên nhiều người rất quan tâm đến việc làm chủ khả năng này. Tin tốt là thông qua đào tạo và chăm chỉ thực hành, chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao năng lực này trong tương lai.
2. Làm thế nào để nâng cao trí tuệ cảm xúc tại nơi làm việc?
Quan tâm đến cảm xúc của bạn
Bạn thường là người phản ứng như thế nào trước mỗi sự việc cụ thể? Ví dụ bạn hay cáu giận mỗi khi không hoàn thành được công việc. Bạn phàn nàn cả ngày vì những chuyện nhỏ nhặt. Bạn cảm thấy tự ti trước những thành quả của đồng nghiệp. Bất kỳ cảm xúc gì bạn có thể kể tên, Bạn có thể theo dõi cảm xúc của mình trên sổ tay hay ứng dụng điện thoại để ý thức được mình thường phản ứng như thế nào (tích cực hay tiêu cực). Hãy chân thật với cảm xúc của mình, bạn sẽ đưa ra được những cách thức để điều chỉnh và tạo ra phản ứng tích cực hơn trong công việc của mình.
Nghĩ trước khi đưa ra quyết định
Trong nhiều trường hợp, cảm xúc nhất thời sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định nóng vội ảnh hưởng đến kết quả công việc. Vì vậy, tránh đưa ra bất kỳ quyết định gì khi thấy mình đang mất kiểm soát. Với tất cả các sự việc, bạn nên dành cho mình một khoảng thời gian chờ để suy nghĩ thật kỹ. Khi có vấn đề về cảm xúc, thì nên dành thời gian để làm những việc có thể khiến mình bình tĩnh lại. Chỉ khi thực sự bình tĩnh, chúng ta mới có thể suy nghĩ thấu đáo và sáng suốt mọi vấn đề.
Tập trung vào những điều bạn yêu thích trong công việc
Chắc chắn sẽ có những điều khiến bạn không hài lòng trong công việc hiện tại. Tuy nhiên, nếu như cứ mãi phiền lòng về những điều đó, bạn sẽ không thể làm tốt được công việc của mình. Chỉ khi nào thực sự yêu công việc mình đang làm, bạn mới sáng tạo được những ý tưởng tuyệt vời và hữu ích. Vậy nên hãy tìm kiếm những khía cạnh mà bạn yêu thích trong công việc hiện tại của mình. Ví dụ như bạn rất thích việc được giao tiếp với khách hàng thường xuyên hay bạn thích học hỏi từ chị sếp tài giỏi của mình. Biến những điều đó thành động lực sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
Biết lắng nghe
Ít ai biết rằng lắng nghe cũng là một kỹ năng. Thậm chí đây là một kỹ năng quan trọng cần được trau dồi và thực hành mỗi ngày. Chúng ta có thể quen với việc đưa ra ý kiến trong mỗi cuộc họp hay làm việc nhóm. Nhưng không ai coi trọng tầm quan trọng của việc lắng nghe để hiểu những gì mà người nói muốn trình bày.
Trí tuệ cảm xúc liên quan đến thấu cảm, hiểu về những người xung quanh. Mà lắng nghe là điều quan trọng giúp chúng ta nắm bắt được suy nghĩ của người khác. Một số điều cơ bản để lắng nghe được tốt có thể kể đến như thực sự chú tâm vào bài nói; kiên nhẫn lắng nghe bài nói đến cùng để hiểu điều người nói truyền tải, chứ không chỉ là chờ đến lượt mình. Ngoài ra còn là việc không hấp tấp ngắt lời người nói khi mình cảm thấy tán thành hay bất đồng, tôn trọng người nói.
Đặt mình vào vị trí của người khác
Người ta thường nói “đặt chân vào đôi giày của người khác” ám chỉ việc đặt bản thân vào vị trí của người khác để hiểu những suy nghĩ của họ. Trong công việc, nhiều khi bạn sẽ thấy khá khó hiểu về quyết định của người khác. Thông thường, chúng ta hay lập tức phản đối hoặc chỉ trích trước khi suy nghĩ những điều như thế này. Tuy nhiên, việc nên làm trước tiên là đặt mình vào vị trí của họ để hiểu tại sao họ làm vậy. Ý thức được điều này, bạn sẽ bắt đầu cải thiện được khả năng thấu cảm của mình. Khi bạn có cái nhìn toàn diện hơn, mọi vấn đề cũng được giải quyết gòn gàng và thấu đáo hơn.
Tìm hiểu những gì người khác nghĩ về mình
Đôi khi chúng ta không thể hiểu hết mọi khía cạnh của bản thân mình. Bởi vậy, bạn có thể hỏi thử những đồng nghiệp mà bạn tin tưởng xem họ nghĩ gì về bạn. Nhờ đó, bạn sẽ biết được mình trông như thế nào trong con mắt của người khác. Những lời nhận xét này sẽ rất có ý nghĩa nếu bạn biết áp dụng vào bản thân để phát triển những điểm mạnh và hoàn thiện những điểm còn chưa tốt trong giao tiếp với mọi người. Điều này cũng góp phần làm cho các mối quan hệ tại công ty trở nên tốt đẹp hơn.
Rèn luyện khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ
Bên cạnh việc nhận biết và điều chỉnh ngôn ngữ khi giao tiếp thì bạn cũng nên tìm hiểu giao tiếp phi ngôn ngữ. Giao tiếp phi ngôn ngữ giữa con người là sự giao tiếp bằng cách gửi và nhận những tín hiệu không phải qua ngôn từ. Nó bao gồm việc sử dụng những tín hiệu trực quan như ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, ánh mắt), khoảng cách (không gian giao tiếp), tính chất vật lý của giọng nói (giọng điệu) và tiếp xúc (xúc giác). Chỉ cần một chút quan sát biểu hiện nét mặt và ngôn ngữ hình thể của đối phương bạn có thể nhận biết cảm xúc và suy nghĩ họ muốn truyền đạt.
Đây chính là cách tinh tế giúp cải thiện đáng kể các mối quan hệ.
3. Thực hành hàng ngày là điều quan trọng nhất
Bạn có thể đọc và biết nhiều thói quen tốt, hay cách thức hiệu quả để cải thiện năng lực trí tuệ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, nếu thiếu đi hành động hàng ngày thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Bạn có thể phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện mọi mặt của trí tuệ xúc cảm. Từ việc luôn tỉnh thức trong mối liên hệ với cảm xúc của bản thân, cho đến khả năng nhận diện cũng như thấu hiểu cảm xúc của những người xung quanh. Thay vì những điều lớn lao, góp nhặt những điều nhỏ bé mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả tích cực mà không khiến bạn cảm thấy mọi chuyện quá khó khăn.
Hy vọng các bạn đã có thể bắt đầu nâng cao năng lực trí tuệ cảm xúc của mình để trở thành người không bao giờ có thể bị thay thế.
Happy Live Team
Nguồn: her.vn
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách TRỞ THÀNH “ÁT CHỦ BÀI” CÔNG SỞ